Vun đắp tình hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào

02/12/2013 17:53

(Baonghean) - Sau bao năm gian khổ, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Mặt trận Lào Itxala, ngày 2 tháng 12 năm 1975, nhân dân các bộ tộc Lào đã vùng lên lật đổ chế độ quân chủ, thành lập nên nước CHDCND Lào. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử hiện đại của nước Lào, trở thành ngày hội non sông, ngày Quốc khánh của nhân dân các bộ tộc Lào anh em.

(Baonghean) - Sau bao năm gian khổ, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Mặt trận Lào Itxala, ngày 2 tháng 12 năm 1975, nhân dân các bộ tộc Lào đã vùng lên lật đổ chế độ quân chủ, thành lập nên nước CHDCND Lào. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử hiện đại của nước Lào, trở thành ngày hội non sông, ngày Quốc khánh của nhân dân các bộ tộc Lào anh em.

Trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước, hai nước Việt Nam - Lào, trong đó có Nghệ An, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay và Hủa Phăn là láng giềng gần gũi, cùng dựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, có quan hệ gắn bó mật thiết lâu đời về nhiều mặt, trở thành bạn bè thủy chung son sắt. Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay xỏn Phômvihản đặt nền móng vững chắc, các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước dày công vun đắp, ngày càng được củng cố và phát triển tốt đẹp.

Chính nhờ quan hệ đoàn kết đặc biệt đó, hai dân tộc Việt Nam - Lào đã được tiếp thêm sức mạnh, ý chí quật cường, luôn kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ, cùng nhau vượt qua gian nan thử thách. Biết bao anh hùng, liệt sỹ và những người con ưu tú của hai dân tộc Việt Nam - Lào đã hiến dâng tuổi thanh xuân, máu xương của mình vì sự nghiệp cách mạng chung và giành được thắng lợi trọn vẹn, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, cùng nhau thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lào (áo sẫm) cùng lãnh đạo tỉnh trồng cây Lưu niệm tại Khu di tích Kim Liên tháng 8/2013. Ảnh: Văn Hải
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lào (áo sẫm) cùng lãnh đạo tỉnh trồng cây Lưu niệm tại Khu di tích Kim Liên tháng 8/2013. Ảnh: Văn Hải

Chúng ta rất đỗi tự hào về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Đó là tài sản vô giá của hai dân tộc, là nhân tố đảm bảo mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước trước đây cũng như trong thời kỳ mới.

Chúng ta vui mừng nhận thấy, trong những năm gần đây, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Lào nói chung, giữa Nghệ An với các tỉnh cùng chung biên giới nói riêng có bước phát triển mới. Việc thực hiện chương trình hợp tác hàng năm có hiệu quả đã trở thành nền nếp. Đến nay, Nghệ An đã có trên 80 doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu và đầu tư vào thị trường Lào trên các lĩnh vực: xây dựng thủy điện, giao thông, kiến trúc, khai thác khoáng sản, chế biến vận chuyển gỗ, kinh doanh vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, trồng cây công nghiệp dài ngày và khai thác các tour lữ hành du lịch quốc tế. Trong 10 tháng đầu năm 2013, Nghệ An đã xuất khẩu sang thị trường Lào đạt 29.182.000 USD, nhập khẩu đạt hơn 43 triệu USD, gồm các mặt hàng: xi măng, sắt thép xây dựng, gạch lát, tấm lợp các loại, gỗ xẻ, gỗ tròn, sắt vụn, nhựa phế liệu và các sản phẩm khác.

Các tuyến xe khách Vinh - Viêng Chăn, Vinh - Phônxavẳn, Vinh - Thà Khẹc, Vinh - Luông Phrabăng ngày càng đông khách qua lại. Số lượng khách du lịch Lào thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghỉ mát tại khu du lịch biển Cửa Lò và tham quan các danh lam thắng cảnh của Nghệ An ngày càng tăng. Năm 2013, lượng khách Lào, Thái Lan đến Nghệ An đạt 53.050 khách, khách du lịch Nghệ An tham quan Cánh đồng Chum, Thủ đô Viêng Chăn, Cố đô Luông Phrabăng và các danh lam thắng cảnh khác của Lào cũng tăng khá. Nhiều địa phương trong tỉnh đã mở mang các loại hình dịch vụ ở Lào, điển hình như xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu. Nghệ An chuẩn bị mở đường bay quốc tế Vinh đi Viêng Chăn.

Về giáo dục đào tạo, Nghệ An giúp đào tạo nguồn cán bộ cho các tỉnh của Lào. Năm học 2013-2014, tiếp nhận cán bộ, sinh viên của các tỉnh: Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay, Hủa Phăn, Viêng Chăn, Khăm Muộn học tiếng Việt tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. 400 cán bộ, sinh viên Lào đang học tập tại các trường Đại học Vinh, Đại học Y khoa Vinh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật. Đây là nguồn bổ sung có chất lượng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ kinh tế kỹ thuật của Lào hiện tại cũng như trong tương lai. Nghệ An mở các lớp học tiếng Lào cho cán bộ nhà nước, cán bộ dân tộc, bộ đội Biên phòng và doanh nhân.

Đặc biệt, công tác đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước, đối ngoại nhân dân được tỉnh chú trọng và tăng cường; việc trao đổi Đoàn đại biểu cấp cao, ký kết Thoả thuận hợp tác, tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi cho đoàn các ban của Đảng, các sở, ban, ngành, khối dân vận và các địa phương của hai bên thường xuyên qua lại giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, luân phiên giữa Nghệ An và các tỉnh bạn Lào có chung biên giới. Năm 2013, Nghệ An đã đón 96 hài cốt và tổ chức lễ cầu siêu cho các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang Hữu nghị Việt - Lào, Thị trấn Anh Sơn và huyện Đô Lương, thể hiện tấm lòng tri ân "Uống nước nhớ nguồn" đối với công lao của các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng quốc tế cao cả. Các chuyến thăm lại chiến trường xưa tại Lào của cựu quân tình nguyện và chuyên gia Nghệ An ngày càng được quan tâm và thực sự có ý nghĩa động viên, giáo dục tinh thần đoàn kết quốc tế cho thế hệ trẻ hai nước.

Nghệ An đã đón đoàn cấp cao của Chính phủ Lào do Thủ tướng Thoong Sủng Thăm ma vông dẫn đầu sang dự lễ khánh thành cột mốc 460 và chào mừng hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa; tổ chức trọng thể Lễ trao tặng phần thưởng cao quý huân chương, huy chương, bằng khen Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào tặng Đảng bộ, chính quyền, các ban ngành, đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho cách mạng Lào.

Trong năm 2013, tỉnh Nghệ An đã cùng các tỉnh có chung đường biên giới tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực. Bảo vệ hệ thống mốc quốc giới; phối hợp chặt chẽ trong việc chống di cư tự do, xâm canh xâm cư trái phép, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển hàng trái phép qua biên giới; ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch hòng chống phá và chia rẽ tình đoàn kết Việt Nam - Lào; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm Hiệp định về Quy chế biên giới giữa CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào; tổ chức kết nghĩa giữa huyện với huyện, cụm bản với xã, bản với bản, đồn với đồn hai bên biên giới.

Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào xuất bản bản tin “Hữu nghị Việt - Lào” hàng quý, sách “Bài ca Xamakhi”; phối hợp với Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An làm các phóng sự, đăng nhiều tin bài; phối hợp với Trường Đại học Vinh tổ chức vui tết Bunpimay và các hoạt động giao lưu “Thắm tình Hữu nghị Việt Nam - Lào”. Cựu quân tình nguyện, chuyên gia, hội viên đóng góp các tư liệu, hiện vật cho phòng trưng bày Cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Cayxỏn Phômvihản ở Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

Đoàn cán bộ Lào tham quan phòng trưng bày về Chủ tịch Cay xỏn Phômvihản tại Bảo tàng Xô Viết, tháng 8/2013.Ảnh: Văn Hải
Đoàn cán bộ Lào tham quan phòng trưng bày về Chủ tịch Cay xỏn Phômvihản tại Bảo tàng Xô Viết, tháng 8/2013. Ảnh: Văn Hải

Ngoài ra, tỉnh Nghệ An còn có nhiều hoạt động xã hội, đầu tư hỗ trợ các tỉnh của Lào, nhất là các tỉnh có chung đường biên giới. Tập đoàn TH True milk tặng 300.000 ly sữa (tương đương 2,1 tỷ đồng) cho trẻ em 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bôlykhămxay. UBND tỉnh hỗ trợ tỉnh Xiêng Khoảng xây dựng nhà văn hoá tỉnh với kinh phí 1.982.000 USD, giúp đỡ 3 tấn lúa giống, 2 tấn ngô giống và 1 tấn phân NPK để xây dựng mô hình thâm canh nông nghiệp; giúp tỉnh Hủa Phăn thiết kế tuyến đường Săm Táy đi Cửa khẩu Thông Thụ - Quế Phong. Nghệ An cùng các tỉnh của Lào tiếp tục hợp tác phát triển vùng sông Mê Kông và hành lang kinh tế Đông Tây.

Kỷ niệm lần thứ 38 Quốc khánh nước CHDCND Lào, ôn lại những chặng đường vẻ vang của mối liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào, sự hợp tác trong thời kỳ đổi mới, chúng ta vui mừng và tự hào về những thắng lợi to lớn mà nhân dân các bộ tộc Lào anh em đã nỗ lực phấn đấu giành được trong suốt 38 năm qua và coi đó như thắng lợi của chính mình. Nhân dân tỉnh Nghệ An nguyện cùng những người đồng chí, anh em Lào thân thiết, làm hết sức mình để vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào nâng lên tầng cao mới, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Chúc mừng nhân dân các bộ tộc Lào anh em, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chummaly Xaynha xỏn, tiếp tục giành được nhiều thành tựu mới to lớn hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đến năm 2020, xây dựng thành công đất nước Hoa Chăm Pa tươi đẹp "Hoà bình - Độc lập - Thống nhất - Dân chủ và Thịnh vượng".

Hơn lúc nào hết, chúng ta khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu:

“Thương nhau mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua

Việt - Lào hai nước chúng ta

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Thái Văn Hằng

(Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Nghệ An)

Vun đắp tình hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO