Vững bước từ công nghiệp
Huyện miền núi Anh Sơn có nền nông nghiệp hàng hóa sớm phát triển nhờ sự đứng chân của nhiều nhà máy trên địa bàn: 4 nhà máy chè, 1 nhà máy đường, 2 nhà máy xi măng. Tiềm năng, thế mạnh của địa phương tiếp tục được khai thác khi thời gian qua có thêm Nhà máy gạch Tuylnen, Nhà máy may công nghiệp…
(Baonghean) - Huyện miền núi Anh Sơn có nền nông nghiệp hàng hóa sớm phát triển nhờ sự đứng chân của nhiều nhà máy trên địa bàn: 4 nhà máy chè, 1 nhà máy đường, 2 nhà máy xi măng. Tiềm năng, thế mạnh của địa phương tiếp tục được khai thác khi thời gian qua có thêm Nhà máy gạch Tuylnen, Nhà máy may công nghiệp…
Từ tiềm năng đất dai, Anh Sơn nổi tiếng về ngô, mía, chè và nay là cao su. Hiện nay trên địa bàn có 10 doanh nghiệp nhà nước, 14 công ty cổ phẩn, 29 công ty TNHH và nhiều doanh nghiệp tư nhân… Trong đó, nhiều doanh nghiệp có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong bước đường phát triển của huyện nhà như Nhà máy Xi măng 12/9 Anh Sơn, Xi măng Thanh Sơn, Nhà máy đường Sông Lam, Xí nghiệp chè Bãi Phủ, Xí nghiệp chè Hùng Sơn, Xí nghiệp chè Tháng Mười, Nhà máy chè đen Anh Sơn…
Anh Nguyễn Văn Thuận, xóm 5, xã Hùng Sơn là một trong những hộ tiên phong trồng chè công nghiệp ở xã Hùng Sơn - Anh Sơn từ những năm 2001. Anh kể, lúc đó Hùng Sơn nghèo lắm, nông dân bỏ làng, bỏ bản đi miền Nam làm thuê hết, việc đi lại của bà con gian nan bởi nằm bên kia sông, chỉ có thể sang bên này bằng đi đò. Giống chè, phân bón, đều phải gánh qua sông “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” để nhân lên những mầm chè đầu tiên ở Hùng Sơn. Anh cùng với ông Võ Văn Hiền và ông Nguyễn Văn Mỵ trong xóm trồng được 3 ha chè đầu tiên cho hiệu quả kinh tế, nên người dân Hùng Sơn nhanh chóng làm theo, đến năm 2004 chè đã phát triển mạnh ở Hùng Sơn và đến 2008 những đồi trọc, đất hoang đã khép kín bằng một một màu xanh ngút ngàn của chè.
Đến nay anh Thuận đã có 1,5 ha chè, mỗi tháng cho thu nhập ổn định từ 12 đến 15 triệu đồng. Hôm chúng tôi đến, anh vừa mới cắt bán được 7 tấn chè, thu về 21 triệu đồng từ Xí nghiệp chè Hùng Sơn. Ở Hùng Sơn, chuyên về thu nhập từ chè ít nhất là 4 triệu đồng/hộ, còn những hộ thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng nhiều đếm không hết: Các ông Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Văn Trì, Nguyễn Văn Vinh, Phạm Văn Quí, Phạm Xuân, Võ Văn Hiền… họ không chỉ trồng chè giỏi mà còn đầu tư máy hái chè, thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGap. Như xóm 5, Hùng Sơn hiện có 60 hộ trồng chè trên tổng số 80 hộ, thu nhập từ chè năm 2012 đạt 800 tấn, thu về 2,4 tỷ đồng. Cả xóm đã có 44 máy hái chè, mỗi máy 13 triệu đồng. Sự vào cuộc tích cực của Công ty ĐT và PT chè Nghệ An, trực tiếp là Xí nghiệp chè Hùng Sơn, đã giúp nông dân Hùng Sơn thay đổi cách nghĩ, cách làm, đi lên đời sống mới bằng sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp.
Dây chuyền sản xuất chè ở Xí nghiệp chè Hùng Sơn - Anh Sơn.
Các xã Phúc Sơn, Long Sơn, Hoa Sơn... cũng ổn định đời sống từ cây chè, coi chè là cây xóa đói, giảm nghèo bền vững. Nhiều xã được Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp phía Bắc đầu tư các dự án mô hình tổ hợp tác và áp dụng cơ giới hóa tổng hợp trong sản xuất chè, được đầu tư máy hái chè đơn, máy hái chè đôi, máy phun thuốc để bà con sản xuất chè chuyên nghiệp. Sự vào cuộc của 4 nhà: nhà nông, nhà máy, nhà khoa học, nhà nước, đã tạo ra vùng nguyên liệu chè rộng lớn và có giá trị ở Anh Sơn, trở thành cây trồng không thể thay thế ở nhiều xã. Hiện nay tổng diện tích chè ở Anh Sơn đã có 1.734,6 ha, trong đó diện tích chè trồng mới 2013 là 114 ha.
Sau khi di chuyển Nhà máy đường Sông Lam từ Hưng Nguyên lên Anh Sơn, cây mía đã bén duyên ở đây, trở thành cây trồng mũi nhọn cho 2 huyện Anh Sơn và Con Cuông. Hàng chục năm qua nhiều xã miền núi ở Anh Sơn như: Thành Sơn, Bình Sơn, Thọ Sơn, Cẩm Sơn, Khai Sơn, Hùng Sơn, Hoa Sơn đã có nguồn thu nhập ổn định từ cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy đường Sông Lam. Diện tích mía ở Anh Sơn nay đã đạt 1.718 ha, vụ ép năm 2012 - 2013 Nhà máy đường Sông Lam đạt sản lượng 90.340 tấn mía, sản lượng đường thu về được 9.493 tấn đường, là năm đạt sản lượng đường khá nhất từ trước đến nay, đã chi trả tiền mía cho nông dân Anh Sơn gần 80 tỷ đồng trong cả vụ ép.
Nhiều hộ có thu nhập lớn từ mía như: ông Biện Đức Lý xóm 2, Thọ Sơn, trồng 1,45 ha, thu về 90.000.000 đồng, ông Nguyễn Khắc Hồng xóm 3,Thọ Sơn trồng 1,85 ha, thu về 78,6 triệu đồng, ông Nguyễn Đình Hòa, xóm 2, Thọ Sơn trồng 2,1ha, thu về 90,4 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Sự xóm 1, Bình Sơn trồng 1,6 ha, năng suất đạt 85,9 tấn/ha, thu về 120 triệu đồng, ông Trần Ngọc Phượng xóm 1, Thành Sơn trồng 1,8 ha thu về 119 triệu đồng… Nông dân Anh Sơn còn trồng mía cho Nhà máy đường Sông Con ở những xã gần với Tân Kỳ. Năng suất mía ở Anh Sơn đạt khá cao: 606 tạ/ ha, cá biệt có nơi năng suất đạt 100 tấn/ ha. Ông Lê Thanh An - Phó Giám đốc Nhà máy đường Sông Lam cho biết: Vùng nguyên liệu mía đường của nhà máy hiện ký hợp đồng với 4.240 hộ, diện tích mía lưu gốc đạt 1.074 ha, trồng mới và trồng lại hơn 700 ha, vụ ép 2013-2014, Công ty CP Mía đường Sông Lam đã đầu tư 1.700 tấn phân hữu cơ vi sinh bón cho mía.
Anh Sơn có trữ lượng đá vôi có thể sản xuất xi măng lớn, dự kiến 361,4 triệu m3, phân bố rộng rãi ở Thọ Sơn, Đỉnh Sơn, Hội Sơn, Hoa Sơn, Phúc Sơn, Long Sơn, trong đó nguồn nguyên liệu có thể sản xuất xi măng khoảng 33 triệu m3, nên huyện đã chú trọng thu hút đầu tư, tạo đột phá trong phát triển công nghiệp xi măng trên địa bàn. Hiện Anh Sơn có 2 nhà máy xi măng: Nhà máy xi măng 12/9 Anh Sơn nay là một thành viên của Tập đoàn Dầu Khí đang trong quá trình nâng công suất, bổ sung thiết bị, tổng mức đầu tư trên 1200 tỷ đồng được xây dựng ở Hội Sơn. Khi hoàn thành sẽ cung cấp 1.500 tấn Clinker mỗi ngày, tương đương 550.000 tấn/năm, qua đó tạo thêm hàng ngàn việc làm cho người lao động.
Anh Sơn còn có Nhà máy Xi măng Thanh Sơn thuộc Công ty TNHH MTV Xi măng Thanh Sơn, chuyên sản xuất xi măng PCB30, PCB40, vật liệu xây dựng, khai thác mỏ… đóng trên địa bàn xã Hội Sơn, mỗi năm sản lượng đạt từ 90.000 đến 100.000 tấn; tạo việc làm ổn định cho trên 400 lao động. Những nhà máy công nghiệp đã góp phần thúc đẩy tạo ra mạng lưới dịch vụ thương mại phát triển, là đầu tàu trong phát triển kinh tế trên địa bàn.
Phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững gắn với chế biến và thu hút đầu tư khai thác các tiềm năng hiệu quả là nhiệm vụ chiến lược xuyên suốt trong nhiều nhiệm kỳ qua ở Anh Sơn. Những kết quả đáng tự hào trong phát triển kinh tế cho thấy sự năng động, nhạy bén, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của Đảng bộ và chính quyền địa phương này. Anh Sơn hiện đang phát triển cây cao su nguyên liệu và một số cây trồng mới khác như măng tây xanh xuất khẩu, đồng thời quan tâm đầu tư hạ tầng, giao thông vùng nguyên liệu, cầu, đường, cụm công nghiệp Đỉnh Sơn để tạo đà mới phát triển công - nông nghiệp, dịch vụ.
Bài, ảnh: Châu Lan