Vùng chuyên canh trên đồng đất Nam Xuân
(Baonghean) - Nam Xuân là một xã bán sơn địa của huyện Nam Đàn, quỹ đất sản xuất không lớn nhưng nhờ cách bố trí, sử dụng hợp lý hiệu quả đã nâng hệ số sử dụng đất vào tốp cao của huyện...
Chúng tôi về Nam Xuân đúng vào dịp bà con nông dân đang trồng và chăm sóc rau màu bán tết. Trên các thửa ruộng rộn ràng không khí cày bừa, bón phân chuẩn bị cho vụ lúa xuân. Trên cánh đồng vùng Mưng, xóm 7, chị Lê Thị Hương đang đón nước vào chân ruộng, phấn khởi cho biết: “Ruộng đồng đã được chuyển đổi xong nên công tác thủy lợi tưới tiêu đưa nước về tận ruộng thuận lợi. Mỗi năm, trên 3 sào đất này, nhà tôi canh tác 2 vụ lúa ổn định và bố trí vụ 3 trồng màu hoặc ngô đông nên hiệu quả kinh tế tăng lên trông thấy. Năng suất lúa lai đạt cao trên 3,1 tạ/sào”.
Dẫn chúng tôi thăm các vùng canh tác nông nghiệp của xóm, anh Nguyễn Văn Hướng- Cán bộ khuyến nông xóm 6, Nam Xuân, cho hay: Cả xóm có 40 ha đất nông nghiệp, xã hình thành 2 vùng sản xuất chủ yếu là vùng lúa và vùng chuyên canh màu. Mấy năm gần đây, xóm được đầu tư dự án kênh mương dẫn nước bằng bê tông, giống, áp dụng cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh khoa học, đúng quy trình tạo điều kiện thuận lợi để phát triển rau màu đa hệ theo công thức luân canh 3 vụ màu, 1 vụ lúa/năm. Vụ xuân làm xu hào, mướp đắng, vụ hè thu làm lúa, vụ đông xuân làm dưa chuột, xu hào, ngô. Riêng cây hẹ đang được xác định là thế mạnh vì dễ trồng, phù hợp đất đai thổ nhưỡng. Thời gian thu hoạch cho 1 lần trồng kéo dài 2 năm. Từ trồng hẹ, bà con thu hoạch không dưới 3 triệu đồng/tháng/sào. Nhờ bám đất, bám thời vụ, cánh đồng chuyên canh sản xuất rau màu hàng hóa của bà con thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm.
Nông dân xóm 6 (Nam Xuân - Nam Đàn) chăm sóc rau màu hàng hóa. |
Nam Xuân là 1 trong 3 xã điểm của huyện Nam Đàn hoàn thành sớm công tác chuyển đổi ruộng đất. Sau dồn điền đổi thửa, bà con có từ 1-3 thửa/hộ (trước đây có 6-7 thửa/hộ). Cả xã hiện có trên 1200 ha đất tự nhiên, trong số 573ha đất nông nghiệp có 320ha trồng lúa, 146ha đất màu, 64ha ao hồ. Nằm trong vùng đồng bằng bán sơn địa, đất đai của xã phân bố khá đa dạng tạo thuận lợi cho công tác quy hoạch vùng sản xuất. Xã hiện có 5 hồ đập, 8 trạm bơm chủ động nước. Nhờ sự đóng góp từ sức dân và một phần từ nguồn cấp bù thủy lợi phí, xã đã xây dựng trên 12 km kênh mương bê tông kiên cố. Đây là tiền đề quan trọng tạo đà cho nông dân sản xuất, canh tác.
Ông Nguyễn Hữu Thuận- Trưởng ban Nông nghiệp xã cho biết: “Quỹ đất canh tác nông nghiệp của xã không phải là lớn nhưng tận dụng các điều thuận lợi về tự nhiên, xã hội, xã đã bố trí cơ cấu cây trồng, công thức luân canh trên các đồng đất phù hợp. Tuyệt đối không để trống quỹ đất gây lãng phí, từ đó nâng cao hệ số sử dụng đất nông nghiệp. Bám tinh thần Nghị quyết 09 của BTV Huyện ủy về chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã đã năng động xây dựng đề án, kế hoạch chuyển đổi hàng năm ngay từ đầu vụ sản xuất. Từ đó, vận động bà con nông dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, xây dựng các công thức luân canh phù hợp để phát huy tiềm năng quỹ đất. Xã quan tâm thu hút từ các dự án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh trong việc đưa các tiến bộ giống lúa lai chất lượng cao, giống rau màu, hẹ. Đặc biệt giống mướp đắng Tre Việt sau khi được bà con đưa vào trồng được đánh giá là giống mướp cho năng suất thu hoạch cao nhất, dễ tiêu thụ ra thị trường, giá cả khá ổn”.
Tìm hiểu về cách làm cụ thể nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng quỹ đất nông nghiệp tại Nam Xuân trong thời gian qua, được biết: Toàn bộ diện tích đất canh tác nông nghiệp của xã được chia làm 3 vùng cụ thể: Vùng trũng rải đều trong 12 xóm với tổng diện tích gần 200 ha được bố trí cơ cấu 2 vụ lúa đó là vụ xuân và vụ hè thu. Đối với vùng Mưng diện tích gần 180 ha, tập trung chủ yếu từ xóm 4 đến xóm 7 dễ tưới tiêu, không bị ảnh hưởng mưa lụt, phù hợp trong việc bố trí trồng mỗi năm 2 vụ lúa, 1 vụ màu hoặc 2 lúa, 1 vụ ngô đông. Đối với vùng chuyên màu có tổng diện tích gần 80 ha tập trung tại các vùng chân đồi, phù hợp với chuyên canh, luân canh gối 4 vụ/năm các đối tượng cây màu ngắn ngày như xu hào vụ xuân, cây mướp đắng hè thu, cây dưa chuột vụ đông. Theo bà con thì việc sản xuất trên vùng màu mang lại nguồn thu nhập chính và ổn định nhất.
Nhờ sự chủ động về mùa vụ, cơ cấu cây trồng trên từng chân đất hợp lý, đến nay, Nam Xuân được đánh giá là địa phương đi đầu trong việc sử dụng, phát huy hiệu quả quỹ đất nông nghiệp. Ông Nguyễn Hữu Sơn- Trưởng ban Khuyến nông xã cho biết: “Toàn xã hiện đã quy hoạch được 6 cánh đồng chuyên canh sản xuất rau màu hàng hóa, bình quân 3-5 ha/cánh đồng, thu nhập 50- 60 triệu đồng/ha, 5 ha trồng hẹ theo mô hình rau an toàn, cho thu nhập cao. Theo tính toán của nông dân thì sau 2 năm thực hiện chuyển đổi, khai thác tiềm năng quỹ đất nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 09 của BTV Huyện ủy, hệ số sử dụng đất trên địa bàn xã tăng từ 1,9 lên 2,5 lần. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là đất lúa kém hiệu quả; lồng ghép trong chương trình NTM để xây dựng 20ha rau an toàn trên đất màu...”.
Lương Mai