Vùng đất tái định cư: Mong xanh màu ấm no

04/06/2015 17:20

(Baonghean) - Những ngày cuối tháng 5, về xã tái định cư (TĐC) Ngọc Lâm (Thanh Chương), khi mà niềm vui nhận “sổ đỏ” cho phần đất thổ cư của nhiều bà con nơi đây như còn mới nguyên. Nhưng, bên cạnh niềm vui là vẫn không ít những băn khoăn, trăn trở trước những cách nghĩ, cách làm thiếu sự quyết tâm của không ít người dân sau gần 10 năm TĐC trên vùng đất này.

Thiếu đất, vẫn để đất hoang

Không có đất sản xuất và không quen với tập quán sản xuất mới, không ít người dân TĐC xã Ngọc Lâm đã bỏ nơi ở mới, quay trở lại quê cũ kiếm kế sinh nhai bằng nhiều nghề, thậm chí sang nước ngoài lao động trái phép. Ví như ở bản Tà Xiêng, theo phản ánh của Bí thư chi bộ Lương Văn Hùng, hiện trong bản có hàng chục người đi lao động trái phép ở nước ngoài, nhiều người bỏ bê con cái cho ông bà, trở lại Tương Dương mưu sinh. Ông Hùng băn khoăn, hiện nay bà con đang nhận gạo hỗ trợ hậu TĐC của Nhà nước 2 tháng cuối cùng, rồi đây bà con sẽ làm gì để có gạo ăn, trong khi cả bản mới có 8,8 ha đất trồng lúa, trong đó 3,8 ha do Ban Quản lý thủy điện 2 chia cho, còn lại do bà con tự khai hoang.

Bà con xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước.
Bà con xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước.

Những người đi làm ăn xa đã đành, nhiều hộ dân ở lại bám trụ nơi vùng đất mới, nhưng vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không chịu vươn lên làm chủ cuộc sống. Rất buồn trong số đó, có vợ chồng Trưởng bản Kim Hồng, Quang Văn Phan.

Qua trao đổi, anh Phan bộc bạch: Sinh năm 1983, vợ chồng cưới nhau từ năm 2006. Năm 2010, gia đình về nơi ở mới, có trong tay đồng tiền đền bù của Nhà nước, vợ chồng mua gỗ về mượn anh em, dân bản xây cất căn nhà ở, chứ không nhận nhà tái định cư do Nhà nước xây sẵn. Mãi đến năm 2014, vợ chồng anh mới được nhận một ít ruộng nước do Ban Quản lý Thủy điện 2 chia ở vùng Khe Máng.

Thế nhưng cho đến nay đám ruộng của vợ chồng anh vẫn đang bỏ hoang. Nguyên nhân mà vợ chồng anh Phan đưa ra là, gia đình không có trâu, bò làm sức kéo, không có phương tiện sản xuất, hơn nữa cánh đồng xa nhà, nên vợ chồng không đủ điều kiện làm. Anh Phan cho biết, khu vực ruộng đó chia cho hơn 20 hộ, nhưng nhiều nhà vẫn bỏ đất hoang, vì điều kiện giống như mình. Chỉ có hộ bà Bí thư chi bộ Lương Thị Liêm và một ít hộ cấy được lúa.

Tôi hỏi, vậy thì hàng ngày vợ chồng làm công việc gì? Vợ chồng anh Phan trả lời là, không có việc chi mà làm. Muốn nuôi trâu, bò, lợn… nhưng không có tiền mà mua, không dám vay tiền ngân hàng, vì sợ không có mà trả! Có nghĩa là từ ngày đến nơi ở mới đến nay, gia đình anh Phan chỉ biết nhìn vào sự hỗ trợ gạo hàng tháng của Nhà nước. Cuối cùng, anh Phan bộc bạch: Là đảng viên lại làm Trưởng bản nhưng vẫn thuộc diện hộ nghèo, sợ bà con người ta nói cho. Biết vậy, nhưng vợ chồng chưa nghĩ được cách làm ăn để xóa nghèo.

Như vậy, có thể thấy một thực trạng là trong khi đất sản xuất lúa nước của xã rất ít, thì nhiều diện tích gieo cấy người dân lại bỏ đất hoang. Ông Lô Huy Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cho biết: Đến thời điểm này Ngọc Lâm mới có khoảng 100 ha đất sản xuất lúa nước. Trong đó nông dân tự khai hoang gần 54 ha, số còn lại do Ban Quản lý Thủy điện 2 khai hoang chia cho dân. Với diện tích lúa nước như thế này là quá ít, bà con chưa thể tự chủ được lương thực, bởi theo quy định, mỗi hộ TĐC được nhận ít nhất 2 sào đất sản xuất lúa nước, Ngọc Lâm có 1.400 hộ, thì phải có 140 ha. Ruộng mới khai hoang, đất đai không màu mỡ, khó làm, nên việc canh tác lúa gặp nhiều khó khăn, trong khi bà con chưa quen với tập quán cải tạo đất, canh tác lúa nước, nên năng suất chỉ đạt 45 tạ/ha.

Vươn lên làm chủ cuộc sống

Tuy nhiên, bên cạnh những hộ chưa biết cách làm ăn, hay còn nặng tư tưởng trông chờ vào trợ giúp của Nhà nước vẫn có những tấm gương cần cù, siêng năng, năng động vươn lên tự thoát nghèo và bước đầu vươn lên tự chủ, hòa nhập với cuộc sống nơi quê mới. Chúng tôi đã gặp một đôi vợ chồng trẻ dám nghĩ, dám làm, từ đôi tay đã tạo dựng nên màu xanh trù phú. Căn nhà nhỏ, lợp mái cọ, cạnh công trình khai hoang lúa nước ở bản Lạp, do Ban Quản lý Thủy điện 2 thực hiện là nơi ở của gia đình anh Kha Văn Dũng.

Chị Lương Thị Giang (vợ anh Dũng), vui vẻ nói: Sau khi đến nơi ở mới, cũng như bao gia đình khác, cuộc sống của 8 nhân khẩu trong gia đình chị không có việc làm, khó khăn trăm bề. Với suy nghĩ, không ngồi trông chờ Nhà nước, ở đâu cũng có thể làm ăn được, miễn là bản thân phải siêng, chăm chỉ lao động, năm 2012, để căn nhà ở cho ông bà trông giữ, vợ chồng đưa cả 4 đứa con vào khu vực này lập trại chăn nuôi, sản xuất. Tại đây, anh chị dựng căn nhà nhỏ, làm chuồng trại chăn nuôi trâu, lợn, gà và rào dậu mảnh đất trồng rau xanh. Tận dụng đất đồi rộng, anh chị mua trâu về chăn thả. Lúc đầu chỉ 2 con trâu, nay đàn trâu đã sinh sản thành 5 con. Vợ chồng anh còn tích cực khai hoang được 2 sào đất trồng lúa nước, mỗi năm gieo cấy 2 vụ, thu về 3 tạ thóc, mặc dù chưa đủ gạo ăn quanh năm cho cả gia đình, nhưng nhờ đó mà vợ chồng anh biết cầm cày, biết gieo mạ cấy lúa, bón phân, chăm sóc lúa nước, không như trước đây ở Tương Dương chỉ quen trồng lúa trên nương rẫy.

Mảnh đất rộng khoảng 200 m2 xung quanh chỗ ở, anh chị đúc cột bê tông, chôn làm cọc rào, sử dụng dây thép gai chằng xung quanh, làm nơi trồng rau, trồng chuối, tạo rau xanh tại chỗ cho bữa ăn hàng ngày. Năm 1013, gia đình được Nhà nước chia cho 8 nghìn m2 đất trồng cây hàng năm ven đồi, đáng lẽ vợ chồng đào hố trồng sắn được 2 vụ rồi, nhưng cuối cùng anh chị quyết định dùng làm nơi chăn thả trâu, bởi nuôi trâu bán được nhiều tiền, đỡ vất vả hơn. Nhờ biết tận dụng đất đai vào chăn nuôi, sản xuất, cuộc sống gia đình anh chị bớt khó khăn rất nhiều. Ngoài vợ chồng anh Dũng, trên địa bàn xã Ngọc Lâm còn có nhiều gia đình khác biết vận dụng tiềm năng thực tế để phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống.

Như ở bản Tà Xiêng, được Nhà nước chia cho đất trồng chè, đất trồng rừng và gần 4 ha đất ruộng lúa, nay đã có nhiều gia đình trồng chè cho thu hoạch, xuất hiện nhiều đồi keo xanh ngắt, người dân biết chăm bẵm con trâu, đám lúa. Hay ở bản Xiềng Lằm, có ông Vi Văn Hùng biết tận dụng dòng nước khe suối lắp đặt vòi dẫn nước về nhà phục vụ sản xuất, chăn nuôi. Ông dựng chòi trên đồi để trồng, chăm sóc rừng, chăn nuôi trâu, gà, đào ao thả cá… Ông Hùng là điển hình của xã Ngọc Lâm về phát triển kinh tế gia đình, nhờ sự kiên trì, siêng năng, chịu khó mà thành công.

Công trình khai hoang ruộng lúa nước đang được Ban Quản lý Thủy điện 2 thi công ở bản Lạp.
Công trình khai hoang ruộng lúa nước đang được Ban Quản lý Thủy điện 2 thi công ở bản Lạp.

Sau khi rời quê cũ, cuộc sống ở khu tái định cư còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy nhiều người dân đã “bỏ cuộc”, trở về chốn rừng núi xưa kiếm kế sinh nhai mà chưa lường hết những hệ lụy của nó. Để khắc phục những khó khăn, tồn tại đó, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành địa phương, mỗi người dân cần biết khai thác tiềm năng, tích cực chăn nuôi, sản xuất, vươn lên làm chủ cuộc sống.

Ông Lô Huy Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cho biết thêm: Hiện tại, Ban Quản lý Thủy điện 2 đang triển khai 2 công trình khai hoang lúa nước khoảng 10 ha, dự kiến hoàn thành, chia cho dân sản xuất vào cuối năm 2015. Số diện tích này sẽ chia cho các bản: Kim Liên, Kim Hồng, bản Mà và bản Lạp. Tuy nhiên, để tránh tình trạng ruộng chia rồi bỏ hoang như trước đây, xã sẽ xem xét chia cho những hộ có điều kiện sản xuất, chứ không chia đều như trước.

Thời điểm này, xã đang tiến hành chia đất trồng cây hàng năm cho 38 hộ ở bản Kim Hồng, với diện tích 30 ha. Diện tích đất này trước đây người dân các bản, xã khác đến trồng cây lâm nghiệp, nay đợi bà con thu hoạch xong sẽ tiến hành bàn giao. Những hộ được nhận đất lần này, phần lớn trước đây đi làm ăn xa, nay địa phương vận động về sinh sống tại quê mới. Sau khi chia đất xong, địa phương sẽ tuyên truyền, chỉ đạo bà con trồng sắn theo quy hoạch, từng bước ổn định cuộc sống. Hy vọng, rồi đây, niềm vui trên vùng đất tái định cư này sẽ hiện hữu nhiều hơn nữa bằng màu xanh ấm no...

Xuân Hoàng

Vùng đất tái định cư: Mong xanh màu ấm no
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO