Vững tin bám biển nhờ lực lượng "sao vuông"
(Baonghean) - Đến các xã ven biển của huyện Quỳnh Lưu, chúng tôi gặp những ngư dân đang tất bật chuẩn bị tàu thuyền, lưới cụ để ra khơi. Khi tôi hỏi về siêu bão Haiyan, họ nói rất ít về sự may mắn là bão không đổ bộ vào đất liền mà họ nói nhiều về vai trò của cấp ủy, chính quyền, của các lực lượng, đặc biệt là vai trò nòng cốt của lực lượng dân quân biển trong việc giúp họ chủ động phòng tránh bão. Ngư dân các xã ven biển huyện Quỳnh Lưu khẳng định rằng: Có lực lượng dân quân biển họ càng thêm vững tin ra khơi; vững tin sống chung với bão lũ, thiên tai.
Khó thì phải có cách làm phù hợp
Đó là khẳng định của Trung tá Hồ Thanh Hải, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Quỳnh Lưu khi nói về công tác huấn luyện để nâng cao chất lượng dân quân biển. Lấy dẫn chứng cho sự khẳng định này, Trung tá Hồ Thanh Hải nói về cách thức tổ chức huấn luyện và thực hành bắn đạn thật ban đêm trên biển cho dân quân biển. Theo thời gian huấn luyện và tiêu chuẩn của bài bắn, thì để tổ chức bắn đạn thật vào ban đêm trên biển cho dân quân của 1 xã phải cần một khoản kinh phí tối thiểu là 150 triệu đồng. Phần lớn trong số tiền ấy chủ yếu phục vụ cho việc thuê tàu thuyền bố trí bia và luyện tập. Vì vậy, nếu như không có “cách làm phù hợp” để vừa giảm chi phí, vừa không ảnh hưởng đến chất lượng của bài bắn thì rất khó thực hiện.
Giải quyết vấn đề này, Ban CHQS huyện Quỳnh Lưu đã thành lập tổ giáo viên với mục đích cụ thể hóa tiêu chuẩn của bài bắn thành giáo án huấn luyện bắn ban đêm trên biển cho dân quân. Qua thời gian luyện tập trên thực địa kết hợp với học hỏi kinh nghiệm từ ngư dân, tổ giáo viên đã “chốt” được vấn đề cốt lõi nhất của bài bắn, đó là thời điểm bóp cò kết thúc phát bắn là khoảng lặng giữa 2 con sóng nối tiếp nhau. Từ đó, hướng cho dân quân luyện tay cò thuần thục để kết thúc chính xác từng phát bắn. Mặt khác, cùng với quá trình nghiên cứu cụ thể hóa tiêu chuẩn bài bắn, tổ giáo viên cũng đã sáng kiến ra hệ thống bia lắc phục vụ cho việc luyện tập bắn súng trên biển mà không cần dùng tàu thuyền, bè mảng để bố trí. Hệ thống bia lắc với khung giá được tận dụng từ các bộ phận của xe đạp cũ kết hợp với tay quay, hoặc dòng điện ắc quy tạo ra dao động lắc mà khi bố trí trên đất liền cũng giống như mặt biển có sóng. Nhờ vậy mà dân quân biển ở Quỳnh Lưu không phụ thuộc vào thời tiết, tàu thuyền… giúp việc luyện tập rất đảm bảo. Chiến sĩ Tô Duy Thái, người bắn giỏi của Trung đội dân quân biển xã Quỳnh Nghĩa nói: Trước đây, do chưa nắm được bản chất của bài bắn, cùng với quá trình tổ chức luyện tập với khoản kinh phí tốn kém nên chủ yếu huấn luyện mang tính hình thức chạy theo chương trình. Nhưng từ khi tổ giáo viên của Ban CHQS huyện “hóa giải cái khó” của bài bắn thì liên tục 3 năm nay việc thực hành bắn đạn thật ban đêm trên biển cho dân quân biển được tổ chức thường xuyên và đạt kết quả rất tốt.
![]() |
Lực lượng lao động trong đội tàu dự phòng xã Sơn Hải luyện tập bắn súng. |
Mô hình “3 cộng 4”
Xã ven biển Sơn Hải của huyện Quỳnh Lưu, nơi có đến 70% nhân dân làm ngư nghiệp với 235 chiếc tàu đánh cá lớn nhỏ, công suất từ 90 CV trở lên. Trong những năm qua, Trung đội dân quân biển ở đây luôn phát huy tốt vai trò của mình để ngư dân thêm vững tin bám biển. Thấy rõ vai trò của những chiến sĩ “sao vuông” nên ngư dân xã Sơn Hải đã tự nguyện thành lập thêm đội tàu dự phòng 4 chiếc theo phương thức tổ chức và hoạt động như dân quân biển. Ông Nguyễn Văn Hải ở xóm 5, xã Sơn Hải, chủ của một chiếc tàu trong đội tàu dự phòng cho biết: Năm 2010, khi tàu của tôi vào tránh, trú bão thì bị mắc cạn. Tàu của tôi được tàu cá có biên chế lực lượng dân quân biển kịp thời cứu kéo. Từ sự việc trên, anh em trên tàu đều ý thức được rằng: Nếu như có thêm nhiều chiếc tàu được tổ chức hoạt động như tàu có dân quân biển thì sẽ giải quyết nhanh chóng các tình huống mà ngư dân yêu cầu. Vì thế, tôi đã tự nguyện và vận động thêm 3 chiếc tàu cá trong xã thành lập đội tàu dự phòng.
Từ khi có đội tàu dự phòng, đến nay, hàng năm mỗi tàu cá dự phòng đều luân phiên cử 8 lao động trên tàu tham gia huấn luyện dân quân biển. Mặt khác, căn cứ vào tình hình an ninh ngư trường, Ban CHQS xã Sơn Hải liên hệ với Ban CHQS huyện Quỳnh Lưu, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận, Cảnh sát biển Vùng 1… tổ chức các lớp tập huấn về thông báo, báo cáo tình hình, phối hợp cứu hộ, cứu nạn trên biển… cho lực lượng dân quân biển và lao động trên tàu dự phòng. Như vậy, ngoài lực lượng trong đội dân quân biển (gồm 15 người) của 3 tàu - chính thức, Sơn Hải còn có thêm 4 tàu dự phòng. Với mô hình “3 cộng 4” trong hoạt động của dân quân biển đã giúp xã Sơn Hải có điều kiện thiết lập thêm các đầu mối liên lạc để xử lý kịp thời các tình huống. Nhờ vậy, với số lượng tàu cá và ngư dân thường xuyên khai thác, đánh bắt trên biển rất lớn nhưng trong những năm qua ở xã Sơn Hải luôn an toàn tuyệt đối về người, phương tiện.
Hồ Lĩnh