Vững vàng giữa biển đảo Tổ quốc
(Baonghean) - Để đảm bảo an toàn nơi biển khơi, những năm gần đây, bà con ngư dân đã liên kết với nhau thành lập các tổ đội đoàn kết đánh bắt trên biển. Qua một thời gian hoạt động, mô hình đội đoàn kết tàu thuyền có những hiệu quả rõ rệt trong việc khai thác cá cũng như đóng vai trò quan trọng góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Ngư dân Đậu Đình Hữu, thôn Hợp Tiến, xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) cho biết: Thực hiện chủ trương của địa phương thành lập các tổ đội đoàn kết tàu thuyền nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác trên biển, vào năm 2007, gia đình anh mạnh dạn vay vốn, nâng cấp công suất con tàu từ 240CV lên 500CV trị giá gần 4 tỷ đồng. Cùng với 10 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, anh Hữu cùng 6 thuyền trưởng khác đã liên kết với nhau thành lập tổ đội đoàn kết gồm 7 con tàu. Trong đó, 4 chiếc có công suất từ 300 CV trở lên chuyên ra khơi khai thác hải sản ở vùng lộng, 3 chiếc còn lại làm công tác phục vụ hậu cần như đón và chuyên chở cá về cảng. Đồng thời tiếp chuyển các nhu yếu phẩm, xăng dầu, đá lạnh… phục vụ thuyền lớn tiếp tục vươn khơi. Nhờ đó, mỗi chuyến hải trình, các tàu có thể tiết kiệm được hàng chục triệu đồng chi phí xăng dầu so với trước đây.
Từ khi thành lập tổ đội đoàn kết với cách thức hợp tác làm ăn mới, các tàu thành viên đều ăn nên làm ra. Đặc biệt, những đội tàu đoàn kết có thêm thời gian bám biển, bám ngư trường, qua đó kịp thời phát hiện tàu cá lạ xâm phạm lãnh hải của đất nước để báo cho cơ quan chức năng kịp xử lý.
Thuyền trưởng Đậu Đình Hữu chia sẻ: Từ khi thành lập tổ đội đoàn kết tàu thuyền đến nay mỗi chuyến vươn khơi chúng tôi thấy rất vững tin. Bên cạnh đánh được nhiều tôm cá thì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cũng được chú trọng. Anh em ngư dân khi lao động trên biển nếu phát hiện tàu thuyền lạ của nước ngoài xâm phạm lãnh hải, nhanh chóng thông tin về đất liền để các chiến sỹ Hải quân có biện pháp đẩy đuổi, nhằm bảo vệ chủ quyền vùng biển của đất nước.
Toàn xã Quỳnh Lập hiện có 245 tàu thuyền tham gia khai thác hải sản, trong đó có 145 tàu công suất từ 90CV đến 750CV chuyên đánh bắt xa bờ, vươn ra khai thác ở những ngư trường lớn. Thu nhập của người dân ở đây hoàn toàn dựa vào nghề đi biển và phát triển nhóm hậu cần nghề cá. Chính vì vậy, địa phương đã xác định nghề biển đóng vai trò rất quan trọng đối với ngư dân. Biển không chỉ là nhà, là “cơm áo gạo tiền” mà là cả cuộc sống của ngư dân. Do vậy, nhằm đảm bảo cho bà con vừa ra khơi khai thác an toàn, đồng thời góp phần bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, từ năm 2007 đến nay, địa phương đã vận động ngư dân thành lập được 20 tổ đội đoàn kết. Trung bình mỗi tổ có từ 6 đến 10 phương tiện tàu thuyền. Khi liên kết thành tổ đội, các tàu có điều kiện để hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm cứu nạn và đặc biệt là phát huy được sức mạnh đoàn kết trong việc phát hiện, rượt đuổi các tàu cá nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam.
Nông dân xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Tuấn Đạt
Để hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển cho ngư dân, những năm qua Quỳnh Lập được Nhà nước hỗ trợ cho trên 1.000 chiếc áo phao cứu sinh. Năm 2012 được hỗ trợ cho 7 tổ đội 7 máy I.COM, một số máy định vị để phát triển hệ thống thông tin trên biển đảm bảo cho ngư dân vững vàng ra khơi.
Tại xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, mô hình tổ đội đoàn kết đã chính thức được thành lập vào năm 2009. Đến nay, toàn xã đã có 17 tổ đội, trung bình mỗi tổ có từ 4 đến 7 tàu. Trước đây, các thuyền nghề của xã Quỳnh Nghĩa chỉ hoạt động riêng lẻ, đơn độc trên biển nên sản lượng khai thác còn thấp, chưa đồng đều, nay các tổ đội đoàn kết đã vươn ra đánh bắt ở những ngư trường lớn như quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa….
Từ những hiệu quả khả quan mà mô hình tổ đội đoàn kết tàu thuyền mang lại, hiện nay không chỉ có xã Quỳnh Lập, Quỳnh Nghĩa, bà con ngư dân ở các vùng biển của huyện Quỳnh Lưu và Thị xã Hoàng Mai cũng đã mạnh dạn đầu tư tàu to máy lớn, liên kết thành các tổ đội nhằm hỗ trợ nhau đánh bắt khai thác trên biển. Tính đến thời điểm này, cả hai địa phương đã thành lập được 131 tổ đội đoàn kết với gần 1000 phương tiện tàu thuyền tham gia. Hầu hết các tổ đội đều phát huy được khả năng liên kết trong quá trình đánh bắt, chia sẻ ngư trường và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Đánh giá về tính ưu việt mà mô hình tổ đội đoàn kết mang lại cho bà con ngư dân, ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng NN & PTNT huyện Quỳnh Lưu nhấn mạnh: Việc thành lập các tổ đội trên biển là hết sức cần thiết. Ngoài vai trò như là tổ liên gia ở các địa bàn thôn xóm thì nó còn có một ý nghĩa quan trọng như là một hợp tác xã phụ trợ nhau trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Đây là một hướng đi cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn và tổ chức chặt chẽ hơn để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, rồi giảm bớt những cái rủi ro, thiệt hại về mặt tài sản cũng như con người. Đồng thời nâng cao khả năng hiện diện trên biển dài hơn, thường xuyên hơn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta.
Từ bao đời nay, cái nghiệp đi biển đã gắn liền với bà con ngư dân. Nhưng biển không chỉ hiền hòa, ban tặng nhiều tôm cá mà còn chứa đựng những rủi ro, hiểm họa khó lường. Do vậy, việc thành lập các tổ đội đoàn kết tàu thuyền trên biển sẽ góp phần cho bà con ngư dân thêm chắc tay chèo tay lái để vững vàng giữa biển đảo tổ quốc.
Như Thủy (Đài Quỳnh Lưu)