Vững vàng thế trận

(Baonghean) - LLVT tỉnh nhà bằng những việc làm thiết thực để nối tiếp truyền thống anh hùng của những người lính Cụ Hồ trên quê Bác, Gắn bó mật thiết với nhân dân để cùng góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh về kinh tế - xã hội, đảm bảo thế trận phòng thủ, sức mạnh quốc phòng... Báo Nghệ An giới thiệu một số tập thể, cá nhân tiêu biểu của lực lượng vũ trang Nghệ An đang viết tiếp truyền thống vẻ vang đó.

“Các anh về rộn ràng xóm nhỏ”

Hình ảnh các anh bộ đội đang khẩn trương giúp dân gặt lúa, hay những tấm áo chiến sỹ ướt đẫm mồ hôi hăng say làm đường giao thông nông thôn không còn xa lạ với người dân xóm Xuân Tín, xã Nghi Đức (Thành phố Vinh). Ông Hoàng Đức Long, Xóm trưởng xóm Xuân Tín vui vẻ cho hay, thanh niên trong làng giờ đi làm ăn hết nên để làm những công trình xóm như thế này ngoài huy động sức dân, là nhờ chiến sỹ của các khoá đào tạo cán bộ của Trường Quân sự tỉnh sự giúp sức. Vui nhất là từ khi các chiến sỹ về làng, cùng dân chung sức san lấp mặt bằng sân chơi thể thao của xóm, đám trẻ đã có nơi để vui chơi mỗi ngày.
Học viên Trường Quân sự tỉnh giúp dân làm đường giao thông ở xóm 4,  xã Xuân Tín (Nghi Đức - TP. Vinh).
Học viên Trường Quân sự tỉnh giúp dân làm đường giao thông ở xóm 4, xã Xuân Tín (Nghi Đức - TP. Vinh).
Từ nhiều năm nay, hàng năm, ngôi làng nhỏ ở xóm 4, Xuân Tín tưng bừng đón học viên của khoá đào tạo cán bộ Chỉ huy trưởng, xã, phường, thị trấn của Trường Quân sự tỉnh về huấn luyện thực địa. Trong thời gian một tháng, các học viên đã sống cùng dân, cùng ăn, ở, sinh hoạt với người dân… Mỗi lần nhắc đến những học viên, chiến sỹ, từ người già đến trẻ nhỏ ở Xuân Tín gọi bằng những từ đầy yêu thương “con” “anh”, “em” như những nguời thân trong gia đình. Các anh về xóm làng rộn rã hơn; sau những giờ luyện tập lại thấy các chiến sỹ toả ra khắp các đường làng, ngõ xóm quét dọn, thu gom rác… Đợt huấn luyện vừa rồi của các học viên trường vào đúng mùa thu hoạch lúa, lạc ở địa phương. Ban ngày các anh vất vả luyện tập, huấn luyện; tranh thủ thời gian rảnh rỗi, các anh lại “xắn tay” cùng bà con tham gia làm mùa… Những đường làng, ngõ xóm, hệ thống đường dây điện chạy dọc các con đường và dây điện của tất cả các hộ dân trong xóm đều được trường cử cán bộ, chiến sỹ xuống giúp dân thay mới đảm bảo an toàn. Sự chung tay, góp sức của các chiến sỹ đã giúp cho địa phương hoàn thành tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tạo sức bật trong phát triển kinh tế - xã hội.
Hàng năm, Trường Quân sự tỉnh còn phối hợp với tổ chức Đoàn Thanh niên phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) nơi đơn vị đứng chân và xã Nghi Phong (Nghi Lộc), nơi các học viên nhà trường huấn luyện thực địa tham gia giúp dân vệ sinh, quét vôi nghĩa trang liệt sỹ, xây dựng hệ thống kênh mương… với gần 1.000 ngày công lao động. Ngoài ra, cán bộ, giáo viên, học viên của trường còn tự nguyên đóng góp, dành những suất quà ý nghĩa nhằm chia sẻ khó khăn với các gia đình chính sách, các trẻ em nghèo vượt khó trên địa bàn phường Hà Huy Tập. Trong nhiều hoạt động, nhà trường còn thường xuyên phối hợp với tổ chức Đoàn Thanh niên địa phương tổ chức các hoạt động giao lưu, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ làm gắn bó thêm tình quân – dân, lồng ghép với nội dung tuyên truyền cho thế hệ trẻ về phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn hoá.
Đại tá Đinh Xuân Minh – Bí thư Đảng uỷ, Chính ủy nhà trường cho biết, nhà trường huy động sự đóng góp của các học viên với mong muốn cùng với nhân dân thực hiện tốt hơn phong trào toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới tại các địa phương chủ yếu vào những thời gian học viên huấn luyện dã ngoại. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục phối hợp với chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo của các học viên, chiến sỹ trong tham gia xây dựng nông thôn mới, sát với nhiệm vụ của từng địa phương; chủ yếu tập trung giúp dân ngày công để sửa chữa cơ sở hạ tầng kinh tế nông thôn; tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát ở khu dân cư, sửa chữa nhà cho các đối tượng chính sách.
Đinh Nguyệt
Gắn bó lòng dân
Dịp này chúng tôi đã theo các cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kỳ Sơn về thăm hỏi, động viên bà Vi Thị Huệ (78 tuổi), ở khối 5, Thị trấn Mường Xén. Bà Huệ là trường hợp neo đơn không nơi nương tựa được Ban Chỉ huy Quân sự huyện nhận nuôi dưỡng từ nhiều năm nay. Trong ngôi nhà mới xây dựng lại kiên cố, ấm áp nghĩa tình quân dân, bà Huệ cho hay: “Ở một mình nhưng không thấy buồn. Tivi là các chú bộ đội mua tặng đấy, các chú vẫn thường qua lại thăm hỏi, chuyện trò suốt. Mỗi tháng còn giúp 500 ngàn đồng để mua gạo, thức ăn. Vừa rồi các chú hỗ trợ 10 triệu đồng để sửa nhà tránh mưa, tránh bão”…
Cán bộ Ban CHQS huyện Kỳ Sơn thăm hỏi  bà Vi Thị Huệ 78 tuổi, ở khối 5, Thị trần Mường Xén.
Cán bộ Ban CHQS huyện Kỳ Sơn thăm hỏi bà Vi Thị Huệ 78 tuổi, ở khối 5, Thị trần Mường Xén.
Những năm qua, Ban CHQS huyện Kỳ Sơn phát động phong trào “Tiết kiệm bản thân, để phần người khó” để hỗ trợ người nghèo. Chúng tôi về bản Khe Tỳ, xã Hữu Kiệm để biết thêm những việc làm vì dân của những anh bộ đội Cụ Hồ ở vùng biên này. Bản Khe Tỳ với hơn 70 hộ dân  thuộc nhiều dân tộc khác nhau, sống dọc theo khe. Đời sống người dân ở đây hết sức khó khăn. Trước đây, từ Quốc lộ 7 vào trung tâm bản lầy lội, thường xuyên sạt lở. Bây giờ, đường vào đã được bê tông hóa hoàn toàn, giao thông thuận lợi. Trưởng bản Khe Tỳ, ông Kha Văn Từ cho biết: “Được thế này là nhờ công các anh bộ đội, hỗ trợ tiền, huy động lực lượng xuống giúp dân làm đường”.
Ông Kha Văn Quyên - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm chia sẻ: Hữu Kiệm được huyện Kỳ Sơn chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, không thể huy động nội lực, đóng góp. Nhờ có Huyện đội Kỳ Sơn giúp đỡ, hỗ trợ 20 triệu đồng để mua máy trộn, máy đổ bê tông, máy đầm giúp cho dân bản Khe Tỳ, xã Hữu Kiệm làm đường. Ngoài ra huyện đội còn cử cán bộ xuống trực tiếp hướng dẫn người dân khắc phục các đoạn sạt lở. Kết quả đoạn đường trên 800m vào bản Khe Tỳ đã được đổ bê tông giúp giao thông thuận lợi. Hiện nay, cũng trên con đường này còn có 2 đập tràn chuẩn bị thi công. Các anh ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện cũng đã lên phương án giúp đỡ cụ thể”.
Xác định “lấy dân làm gốc”, nhiều năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã có nhiều việc làm thiết thực để hỗ trợ, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân trên địa bàn. Những việc làm của các anh được cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Kỳ Sơn đánh giá cao về tình cảm, trách nhiệm với nhân dân. Ngược lại, thông qua đó, đã xây dựng được thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. 5 năm liền, Ban Chỉ huy Quân sự huyện là Đơn vị Quyết thắng; năm 2014,  đơn vị được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Quân khu 4 đề nghị Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua. 
Mặt khác, Ban CHQS huyện còn phân công các tổ, đội công tác “4 cùng” để giúp đỡ dân, nắm bắt thông tin từ cơ sở, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; cũng như làm tốt công tác tuyển quân, công tác dự bị động viên. Đặc biệt, Ban Chỉ huy Quân sự huyện phối hợp tốt với các đồn biên phòng trên địa bàn tham mưu, chỉ đạo 11 xã biên giới tổ chức kết nghĩa với 12 cụm bản của nước bạn Lào; Phối hợp tốt với các lực lượng tổ chức nhiều đợt tuần tra biên giới…
Thanh Sơn
Tiếp nối truyền thống
Phường Hưng Dũng nay đã có nhiều khối phố đẹp giàu, nhưng nhiều người vẫn thân quen với tên gọi vùng đất này là “Làng Đỏ”. Sau 2 tháng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thì ngày 3/4/1930, Chi bộ Đảng xã Yên Dũng Thượng cũng được thành lập, phản ánh trung thực, sinh động bản chất cách mạng, tinh thần yêu nước của con người Hưng Dũng nói riêng, Nghệ An nói chung. 
Huấn luyện Dân quân tự vệ làng Đỏ.
Huấn luyện Dân quân tự vệ làng Đỏ.
Ông Nguyễn Phúc Vinh, 81 tuổi đời, 55 tuổi Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hưng Dũng (1965 - 1968) dẫn chúng tôi đi thăm các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn. Ông Vinh cho biết: Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và những năm trước Cách mạng Tháng Tám, Làng Đỏ có 19 người con là liệt sỹ, 32 người bị bắt và tù đày; trong kháng chiến chống Pháp, Làng Đỏ có 260 thanh niên nhập ngũ, 37 liệt sỹ. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Không quân Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Hưng Dũng là địa bàn trọng điểm với nhiều cơ sở quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng như Kho xăng dầu Vinh – Bến thủy, Nhà máy nước, Nhà máy ép dầu, Trường công nhân kỹ thuật 3, Bệnh viện Việt Nam – Ba Lan, trụ sở UBND tỉnh, các trận địa pháo cao xạ, bộ đội tên lửa. Từ năm 1964 - 1973, giặc Mỹ đã đánh phá vùng đất này tổng cộng 592 trận với 5.674 quả bom, 104 quả rốc két, 350 quả pháo hạm. Giữa chiến trường bom đạn ấy, quân và dân Hưng Dũng đã vững vàng vượt qua khó khăn để lao động, sản xuất, chiến đấu và chiến thắng.
Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân xã tham gia hàng vạn ngày công để đào đắp hơn 30 trận địa chiến đấu của bộ đội cao xạ, trận địa tên lửa, đào hơn 3 km giao thông hào, 270 hầm cất dấu xe pháo, bảo vệ an toàn căn cứ địa làm việc của tỉnh, thành phố. 
Đến thăm nhà bà Nguyễn Thị Dần ở khối Tân Phúc, o dân quân Làng Đỏ bắn rơi máy bay Mỹ trưa ngày 25/7/1968, nay vẫn khỏe khoắn và hăng hái tham gia hoạt động xã hội. Bà Dần kể: Trưa cái ngày của năm 1968 ấy, bà Dần cùng tổ trực chiến dân quân xã Hưng Dũng làm nhiệm vụ bảo vệ Ga Vinh đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc máy bay F4, làm nên hình ảnh “cô dân quân làng Đỏ” nức tiếng trong phong trào đánh Mỹ cứu nước “nghĩa chiến trường và hậu tuyến hai vai”. Phẩm chất của người con gái Làng Đỏ còn thể hiện rõ trong cuộc sống đời thường, đó là không ngừng rèn luyện, học tập, lao động sản xuất và vươn lên. Bà Dần sau này từng làm Chủ tịch UBND xã từ 1986-1995 và đến khi nghỉ hưu, bà vẫn tích cực tham gia các công việc của xóm, của khối.
Bước ra khỏi chiến tranh, nhân dân Hưng Dũng đã bắt tay vào công cuộc khôi phục và xây dựng quê hương. Đến năm 1994, xã Hưng Dũng được Chính phủ quyết định nâng lên đơn vị hành chính cấp phường. Ông Nguyễn Đức Trung - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hưng Dũng vui mừng thông báo: Sau 20 năm thực hiện kế hoạch đổi mới, đến nay Hưng Dũng đã có nhiều bước phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kinh tế người dân từng bước nâng lên, từ chỗ 11% là hộ nghèo, nay chỉ còn 0,7%; đời sống văn hóa ngày một phong phú, đa dạng. Năm 2007, phường được công nhận đạt chuẩn quốc gia y tế và năm 2008 được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Hạ tầng điện, đường, trường, trạm đầu tư xây dựng đồng bộ...
Thành Chung
Bước chân không nghỉ
Đại đội 20 Trinh sát (Phòng Tham mưu - Bộ CHQS tỉnh) là lực lượng “không thể đánh chìm” trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Những CBCS của đơn vị luôn nêu cao và khắc ghi nguyên tắc "An toàn, bí mật, hoàn thành nhiệm vụ"... 
Huấn luyện vượt vật cản K100 ở Đại đội 20 trinh sát.
Huấn luyện vượt vật cản K100 ở Đại đội 20 trinh sát.
Tiền thân là Đại đội trinh sát 19 - Tỉnh đội Nghệ An, nay là Đại đội 20 (gọi tắt là C20), được thành lập ngày 2/9/1969 tại xã Minh Thành (Yên Thành), biên chế thành 4 phân đội trinh sát. Tỉnh đội đã lựa chọn những cán bộ trực tiếp chiến đấu ở Lào để hình thành bộ khung chỉ huy đơn vị. 
Đầu tháng 10/1969, đơn vị đã được lệnh hành quân sang Lào chiến đấu (3 phân đội), nhiệm vụ chính trị đơn vị được giao là trinh sát trực tiếp của mặt trận, tổ chức nắm tình hình địch bố trí ở các cứ điểm, nắm địa hình, đường sá; tình hình nhân dân các dân tộc Lào, các lực lượng phỉ cài lại ở các bản, phục vụ trực tiếp cho sở chỉ huy, đồng thời sẵn sàng nổ súng tiêu diệt địch khi nhiệm vụ được giao. Từ Sầm Chè, bản Mo, cứ điểm Nậm Xoóng (huyện Mường Ngàn - tỉnh Xiêng Khoảng - nước bạn Lào), đơn vị đã cùng C18 đặc công và một đại đội của Tiểu đoàn 43 nổ súng tiêu diệt gọn cứ điểm Nậm Xoóng, giải phóng một vùng rộng lớn từ bản Mo, Nậm Xoóng đến giáp huyện Mường Ngàn thuộc tỉnh Xiêng Khoảng. Tiếp nối là những chiến công tại cụm cứ điểm địch ở BS52 (Thị trấn Mường Mộc - Xiêng Khoảng), góp phần đánh bại chiến dịch Cù Kiệt của địch ở Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng. Chiến thắng giòn giã nối tiếp nhau, đơn vị cùng các lực lượng khác của mặt trận 72 góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Xiêng Khoảng.
Đến tháng 5/1988, toàn đơn vị được rút về nước, kết thúc sau hơn 18 năm chiến đấu giúp nước bạn Lào (11/1969 - 5/1988). Đơn vị bố trí đài sở chỉ huy tại Cao điểm 249 núi Tù Và, 1 đài phía trước để quan sát Thành phố Vinh, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn tại Cao điểm 281 Hưng Tây và ở Cao điểm 441 núi Thần Vũ để quan sát nắm vùng ven biển Diễn Châu, Nghi Lộc và vùng phía sau Yên Thành. Không những bám sát các đài quan sát phục vụ trực tiếp cho Bộ chỉ huy, mà lực lượng đơn vị còn được lệnh làm nhiệm vụ trinh sát truy lùng bọn biệt kích thám báo nhảy dù xâm nhập vào các địa bàn.
Thời bình, đơn vị đã cơ động hoạt động khắp các địa bàn của tỉnh, chủ yếu hoạt động nắm tình hình nội địa, địa bàn, kết hợp huấn luyện dã ngoại ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TP. Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Yên Thành, Tân Kỳ, Quỳ Hợp… Hàng năm đơn vị được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giao làm nhiệm vụ xung kích trong công tác phòng, chống bão lụt của tỉnh, trực tiếp trên tuyến đê 42 từ Hưng Lợi đến Hưng Khánh và trên tuyến đê La Giang (Đức Thọ). Điển hình là mùa lũ 1978, trong lúc bão to, gió lớn, nước lũ lên cao, 12 đồng chí đã ngâm mình dưới nước chặn dòng chảy suốt ngày đêm bảo vệ vững chắc cống Trung Lương (đê La Giang) không bị vỡ và tham gia cứu được 23 người dân bị trôi trên sông Lam. Sau 2 ngày đêm vật lộn với bão lũ, đơn vị đã bảo vệ được cống và tuyến đê an toàn, cứu sống được 31 người dân, đã được UBND tỉnh Nghệ Tĩnh cấp bằng khen và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Năm 1982, thực hiện chiến dịch truy quét của Tư lệnh Quân khu nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trên địa bàn toàn tỉnh, đơn vị được Bộ CHQS tỉnh giao nhiệm vụ phối hợp các lực lượng đặc công, công an tỉnh tổ chức trinh sát, phát hiện các ổ nhóm, các toán tội phạm, các băng nhóm phản động chống đối chủ yếu trên địa bàn Thành phố Vinh và các huyện lân cận kịp thời phục vụ cho chiến dịch truy quét. 
Liên tục từ năm 1980 đến nay, đơn vị luôn là lá cờ đầu trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn Thành phố Vinh cũng như địa bàn tỉnh Nghệ An. Trung úy Vi Văn Giáp - Trung đội trưởng Trung đội 3 (đến từ xã Hữu Kiệm - Kỳ Sơn) chia sẻ: “Xác định là đơn vị sẵn sàng chiến đấu nên mũi súng của đơn vị luôn ở tư thế "không để Tổ quốc bị bất ngờ”. Được tận mắt chứng kiến CBCS đơn vị vượt vật cản K100, vượt bờ tường  cao 4 mét, những khẩu AK báng gập trên đường hành tiến trong một ngày huấn luyện, chúng tôi nhận rõ thêm một điều rằng, với truyền thống và ý thức đi đầu của mỗi người lính nơi đây, bước chân của những người lính trinh sát không bao giờ ngưng nghỉ...
Trần Hải

tin mới

Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ chiến sĩ Nghệ An

Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ chiến sĩ Nghệ An

(Baonghean.vn) - Tối 6/4, tại Trung đoàn 764, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Nhà hát Chèo Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

(Baonghean.vn) - Sáng 27/3, tại thủ đô Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

(Baonghean.vn) - Sáng 21/3, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

(Baonghean.vn) - Chiều 14/3, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến với các điểm cầu trong toàn lực lượng.

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

(Baonghean.vn) - Thường xuyên phải gác lại nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An luôn nêu cao tinh thần vượt khó, vượt gian khổ, tận tụy phụng sự tổ quốc và nhân dân. Họ không quản ngại mưa gió, nắng cháy, hiểm nguy để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

(Baonghean.vn) - Chiều 22/2, đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh do đồng chí Đại tá Đinh Bạt Văn – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương.

Biên giới

Những lá đơn tình nguyện 'lên đường đi giữ biên cương'

(Baonghean.vn) - Ngót 45 năm đã trôi qua, các thế hệ người dân Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ không khí sục sôi của những tháng ngày lịch sử. Hiện, ở Bảo tàng Quân khu 4 còn lưu giữ những lá đơn tình nguyện lên đường chiến đấu bảo vệ biên cương của những thanh niên đất Nghệ.