Vươn khơi để làm ăn lớn

26/06/2014 09:33

(Baonghean) - Đó là tâm sự của anh Nguyễn Văn Bình (khối 1, phường Nghi Thủy, Thị xã Cửa Lò). Từ ngày đóng được đôi tàu mới có công suất lớn hơn, có điều kiện để vươn khơi, đi những chuyến biển dài ngày, hiệu quả đánh bắt rõ nét. Sau mỗi chuyến biển, có khi anh thu về hàng tấn cá.

(Baonghean) - Đó là tâm sự của anh Nguyễn Văn Bình (khối 1, phường Nghi Thủy, Thị xã Cửa Lò). Từ ngày đóng được đôi tàu mới có công suất lớn hơn, có điều kiện để vươn khơi, đi những chuyến biển dài ngày, hiệu quả đánh bắt rõ nét. Sau mỗi chuyến biển, có khi anh thu về hàng tấn cá.

Cửa Lò, Cửa Hội vốn là vùng đất mà người dân ở đó đã có truyền thống đi biển, đánh bắt cá tôm từ ngàn đời nay. Tuy nhiên, thời ông bà, cha mẹ của vợ chồng anh Bình và chị Oanh (khối 1, Nghi Thủy- TX Cửa Lò), đi biển chỉ là những chuyến đi lộng bằng những chiếc thuyền nhỏ, đi về trong ngày và hầu hết là đánh bắt các loại cá nhỏ. Cưới nhau năm 1990, những ngày đầu, chưa có vốn liếng trong tay, anh Bình và chị Oanh xin vào làm cho HTX đánh bắt cá ngay tại địa phương. Sau đó, HTX giải tán, anh Bình lại chuyển sang làm thuê cho một chủ tàu khác. Thế nhưng cuộc sống làm thuê dù cố gắng cũng chỉ đủ ăn. Năm 2005, anh chị quyết định gom góp, vay thêm 30 triệu đồng từ ngân hàng tín dụng, huy động thêm vốn góp của anh em, bạn bè, đóng một chiếc thuyền đi biển. Tuy nhiên, do tàu nhỏ, hầu như 3 cha con chỉ đi câu mực xung quanh vùng lộng chứ không đi xa được. Làm được vài năm, có người thuê “đi bạn” bên tàu lớn, anh Bình quay lại làm. “Quần quật mấy năm trời, mơ ước có một đôi tàu của riêng mình cứ thôi thúc, tôi quyết định rủ thêm 7 người trong xóm, đi vay ngân hàng, góp mỗi người 170 triệu đồng mua một đôi tàu cũ. Lúc đó gia đình vẫn còn nợ ngân hàng gần 100 triệu đồng tiền lo cho con đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài, nhưng tôi vẫn quyết định liều vì chỉ có vươn khơi mới có thể làm ăn lớn được”- anh Bình tâm sự.

Cá về tại bến cảng Cửa Lò. Ảnh: P.H
Cá về tại bến cảng Cửa Lò. Ảnh: P.H

Bám biển gần 3 năm, với những chuyến ra khơi vào lộng chăm chỉ, vợ chồng anh Bình trả được hết hơn 1 tỷ đồng vốn góp của mọi người. Thế nhưng, đi thêm vài năm nữa, đôi tàu trở nên cũ, nhiều chỗ hư hỏng, không còn đáp ứng được yêu cầu của những chuyến đi xa, dài ngày. Anh về bàn với vợ, bán đi đôi tàu đó, vay thêm ngân hàng gần 1 tỷ đồng, cộng thêm vốn góp làm ăn của bạn bè, anh em gần 1 tỷ đồng nữa, anh sang Làng nghề đóng tàu Nghi Thiết, đặt đóng một đôi tàu lớn, trị giá lên tới 3 tỷ đồng.

Từ khi đóng đôi tàu mới, mỗi chuyến anh Bình đi từ 3 - 5 ngày, ra tận vùng khơi cách bờ trên 30 hải lý. Cả năm, chỉ trừ những ngày biển động, gió cấp 6, cấp 7 trở lên, anh Bình mới cho tàu nghỉ ở nhà. Trong khi nhiều tàu khác thường chỉ đi 3 ngày là đã quay về, thì tàu của anh thường xuyên đi 5- 6 ngày, những chuyến chưa gặp cá, anh đi dài ngày hơn, nhờ tàu vừa được đóng mới, trang thiết bị hiện đại hơn, thùng đá tốt hơn nên bảo quản cá được lâu hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng. Mỗi chuyến biển, anh thu về bình quân 150 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí, chia cho đội “bạn” đi theo tàu một nửa, anh cũng còn 25- 30 triệu đồng tiền lãi. Đó là chưa kể những chuyến đi may mắn, gặp được ổ cá thiều, cá lượt, có ngày thu được 5 đến 7 tạ, thậm chí 1 tấn cá, bán được 150- 200 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có những lúc không may, gặp vùng cá ít, lênh đênh 5- 6 ngày ngoài biển, tiền cá thu được chỉ đủ trang trải chi phí bỏ ra. Anh cho biết: Mỗi ngày đi biển hết khoảng 14 triệu đồng tiền dầu, đó là chưa kể tiền ăn và các chi phí khác cho 12 người trên tàu .

Hiện tại, để đóng được đôi tàu mới này, vợ chồng anh Bình đang nợ ngân hàng gần 1 tỷ đồng, với mức lãi suất 11,5%/năm, mỗi tháng riêng tiền lãi anh đã phải trả trên 11 triệu đồng. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng đóng được đôi tàu vươn khơi, có rất nhiều cái lợi so với khi đánh bắt trong vùng lộng. Đi biển ra vùng khơi, chỉ riêng không phải chịu khoản tiền dầu đi đi về về trong ngày như đi lộng cũng đã tiết kiệm được trên 10 triệu đồng mỗi chuyến. Lượng cá đánh bắt được cũng nhiều hơn, tập trung hơn, mỗi chuyến đi về nhập một lần với số lượng lớn cho các đại lý cấp đông, các cơ sở chế biến thức ăn gia súc.

“Hiện nay, ngoài tiền lãi trả 3 tháng một lần, trong năm đầu tiên tôi phải trả cho ngân hàng 150 triệu đồng tiền vay gốc. Chỉ mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi để chúng tôi có điều kiện đóng những đôi tàu có công suất lớn hơn, chắc chắn hơn, có thể đi được dài ngày hơn trên biển” - anh Bình chia sẻ.

Phú Hương

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Vươn khơi để làm ăn lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO