“Vườn ươm” những nhà nghiên cứu trẻ
(Baonghean) - Phong trào sáng tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên trong các trường ĐH, CĐ những năm gần đây phát triển khá mạnh và lan tỏa sâu rộng. Các mô hình CLB, các cuộc thi, giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học”, cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo trẻ”... đã trở thành “cái nôi” chắp cánh cho nhiều ý tưởng sáng tạo, đề tài, công trình NCKH của tuổi trẻ vươn xa, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
Từ "vườn ươm" ở các nhà trường...
Câu lạc bộ “Tri thức trẻ” của Đoàn Trường ĐH SPKT Vinh được thành lập tháng 4/2012. Mới chỉ qua 8 tháng đi vào hoạt động, CLB đã tổ chức được các diễn đàn trao đổi, chia sẻ học tập, kinh nghiệm NCKH; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật công nghệ và trở thành ngôi nhà chung của những ý tưởng sáng tạo. Theo kế hoạch, năm 2013, với mục tiêu “Nâng cao chất lượng dạy học và nghiên cứu khoa học trong đoàn viên thanh niên”, đoàn trường sẽ tổ chức các hoạt động như “Hội thảo phương pháp học tập”, “Hội thi thợ giỏi nghề Điện” và “Giải thưởng khoa học kỹ thuật thanh niên”.
Đánh giá về vai trò, hoạt động của tổ chức Đoàn trong hoạt động NCKH của sinh viên, anh Đặng Quang Khoa - Bí thư Đoàn Trường Đại học SPKT Vinh, cho biết: “Đoàn trường, Hội Sinh viên trường luôn xem hoạt động NCKH của đoàn viên, sinh viên là nhiệm vụ quan trọng, không thể tách rời với hoạt động của Đoàn, của các trường. Việc tổ chức các câu lạc bộ (CLB) học thuật ở các khoa, tổ chức các hội nghị NCKH, các hội thi... đã khơi dậy ở sinh viên sự sáng tạo, đưa ra những ý tưởng mang tính ứng dụng cao. Thời gian tới, CLB còn đóng vai trò là “cầu nối” giữa nhà trường với các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thông qua những cam kết nghiên cứu, chế tạo máy móc theo đơn đặt hàng. Qua đó, giúp sinh viên nắm bắt được thực tế, tránh tình trạng học "chay", học mà không có thực hành, đồng thời mang lại kinh phí hoạt động cho các bạn trẻ.”
Sinh viên khoa Nông - Lâm - Ngư Trường ĐH Vinh trong phòng thí nghiệm.
Tại Trường Đại học Vinh, hoạt động NCKH của sinh viên được xem là mục tiêu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo của nhà trường. Hàng năm, trường đều cấp kinh phí và tổ chức hội nghị sinh viên NCKH để đánh giá chất lượng, khuyến khích, khen thưởng kịp thời những sinh viên có đề tài chất lượng, tính ứng dụng cao. Đặc biệt, các khoa đào tạo đều tổ chức thi Olympic chuyên ngành, tạo điều kiện để sinh viên thể hiện năng lực, kiến thức chuyên môn của mình. Năm 2012, đội tuyển Olympic Toán học của sinh viên khoa Toán đã đạt giải cao tại kỳ thi Olympic Toán học sinh sinh viên toàn quốc: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 2 giải Ba. Bên cạnh đó, các khoa có nhiều cải tiến, nâng cao chất lượng các tập san chuyên ngành, là diễn đàn để sinh viên trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình. Hình thức sinh hoạt CLB đội nhóm được mở rộng: “CLB Hướng dẫn viên du lịch” (Khoa Lịch sử), “CLB Lập trình” (Khoa Công nghệ thông tin); “CLB Thực hành pháp luật” (khoa Luật)... góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng, hiệu quả NCKH của sinh viên. Chỉ tính riêng năm học 2011-2012, toàn trường có gần 1.000 đề tài NCKH, đồ án, luận văn tốt nghiệp của sinh viên, trong đó có 26 đề tài được đánh giá cao và 3 sinh viên đạt giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”.
Với đặc thù của sinh viên trường nghề, Đoàn trường CĐ Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc cũng có nhiều hình thức để khơi dậy phong trào học tập, NCKH trong sinh viên. Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học được thành lập đã hỗ trợ tích cực cho sinh viên về phương pháp và kinh phí làm đồ án tốt nghiệp, đề tài khoa học, đặc biệt là đề tài có tính ứng dụng được áp dụng vào thực tiễn giảng dạy hoặc sản xuất, lắp đặt thành sản phẩm để bán.
Đến ứng dụng thành công các công trình NCKH
Xuất phát từ thực tiễn rác thải ở Thành phố Vinh luôn trong tình trạng ứ đọng, sinh viên Đậu Đình Thường (Khóa 50, chuyên ngành Quản lý Tài nguyên môi trường, Khoa Địa lý, Trường ĐH Vinh) đã thực hiện Đề tài: "Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý trong quản lý môi trường ở Thành phố Vinh”. Đề tài đã giải quyết được những bất cập trong việc xử lý rác thải trên địa bàn thành phố bằng cách ứng dụng các thông tin về địa lý để quy hoạch các tuyến tập kết rác thải có hệ thống, xây dựng bãi chôn lấp đảm bảo vệ sinh, an toàn, không ảnh hưởng đến môi trường.
Đề tài mà sinh viên Đinh Trang Thơ, K50 Khuyến nông, phát triển nông nghiệp đăng ký làm khóa luận tốt nghiệp mang tính ứng dụng có “Thực trạng và giải pháp về sinh kế của người dân ở vùng Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương)”. Kỹ sư nông học tương lai này cho biết: “Hiện tại, vấn đề sinh kế cho đồng bào ở vùng Thủy điện Bản Vẽ đang là vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành. Cuộc sống của đồng bào vùng lòng hồ trước đây phụ thuộc vào thiên nhiên, sau khi công trình thủy điện hoàn thành, nước dâng cao, dòng chảy sông Nậm Nơn thay đổi, môi trường, môi sinh khác trước nên làm gì để đảm bảo sinh kế cho đồng bào đang là bài toán khó. Trên cơ sở khảo sát thực tiễn, với kiến thức đã học, hi vọng rằng đề tài của em sẽ góp phần nhỏ tìm ra lời giải giúp đồng bào ổn định cuộc sống...”.
Góp phần cải tiến, tăng hiệu suất làm việc, giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và giảm mức độ độc hại trong khí xả động cơ ô tô, nhóm sinh viên Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Minh (Khoa Công nghệ ô tô, Trường ĐH SPKT Vinh) đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu chế tạo mô hình đánh lửa điều khiển bô bin đôi”. Đề tài này vừa được Quỹ Toyota Việt Nam trao thưởng 10 triệu đồng cho “nhóm sinh viên có đề tài NCKH xuất sắc”.
Có thể nói, những công trình, đề tài NCKH của sinh viên trong những năm gần đây, có tính ứng dụng cao, nhưng số đơn vị "đặt hàng" trực tiếp với sinh viên còn ít. Vậy, làm thế nào để khuyến khích sinh viên NCKH và phát huy hiệu quả công trình nghiên cứu của sinh viên”? TS Trần Xuân Bí - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho rằng: “Vấn đề gợi mở để những đề tài, công trình NCKH của sinh viên gắn với thực tế rất quan trọng; trước khi tiến hành, các bạn trẻ nên xác định rõ mục đích của đề tài là gì, xuất phát từ đâu? Khi sinh viên còn đang học tập dưới mái trường, vấn đề "đặt hàng" không dễ triển khai, rất cần sự vào cuộc, kết nối thông tin, liên kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp, đơn vị. Một điều quan trọng nữa là cần có cơ chế khuyến khích sinh viên tham gia những đề tài khoa học của tỉnh. Hiện tại, website của Sở KHCN đã đưa ra các chương trình quy tụ những vấn đề khoa học cần tập trung giải quyết, sinh viên có thể tham khảo, tìm các đề tài phù hợp để nghiên cứu, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.”
Tthanh Phúc