Vướng địa giới hành chính, 19 hộ dân ở Nghệ An nhiều năm chờ bìa đỏ

Tiến Hùng 24/09/2022 07:25

(Baonghean.vn) - Nhiều năm nay, 19 hộ dân ở xóm Dé chưa được cấp bìa đỏ vì họ là người của xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), nhưng lại đang dựng nhà, sinh sống trên đất của huyện Quỳ Châu. 

Nỗi buồn xóm Dé

Cho đến bây giờ, ông Nguyễn Trọng Tài (51 tuổi, xóm Dé, xã Yên Hợp, Quỳ Hợp), vẫn chưa quên được sự vất vả khi phải chạy vạy, hỏi mượn tiền hết nhà này, đến nhà khác. Đó là tình cảnh của ông Tài vào 3 năm trước. Khi đó, cậu con trai vừa tốt nghiệp cấp 3, có ý định đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, để được ra nước ngoài, gia đình ông cần đóng một khoản tiền lớn.

“Lúc đó tôi có lên ngân hàng hỏi vay nhưng không được, vì tôi không có bìa đỏ", ông Tài nói.

Từ căn lều dựng bên Quốc lộ 48 heo hút để sửa xe máy cho dân đi tìm đá đỏ, nay ông Tài đã có căn nhà khang trang. Ảnh: Tiến Hùng

Ông Tài vốn dĩ sinh ra ở thị trấn Quỳ Hợp. Những năm đầu thập niên 90, ông mới một mình lên đây lập nghiệp. Hồi đó, dòng người tứ xứ ùn ùn đổ về Châu Bình với giấc mơ đổi đời nhờ đá đỏ. Trong khi ông Tài vừa mới học xong lớp sửa xe máy. Vậy là ông quyết định lên vùng núi hoang vu trên Quốc lộ 48 đoạn giáp ranh giữa xã Châu Bình (huyện Qùy Châu) và xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp) để dựng lán sửa xe. Đến bây giờ, sau hơn 30 năm, ông Tài vẫn sửa xe máy. Chỉ có điều từ căn lều tạm bợ, nay ông đã có mảnh đất mặt đường rộng lớn, căn nhà khá khang trang.

Cùng thời điểm ông Tài lên đây, nhiều hộ dân tứ xứ khác cũng kéo lên khu vực này để dựng lều kinh doanh, sinh sống. Người thì bán nước chè, kẻ thì bán quán nhậu… Tất cả đều phục vụ cho giới đi tìm đá đỏ. Cái xóm nhỏ ra đời từ đó. Ban đầu xóm có 17 hộ, nhưng hiện nay có 2 trường hợp con cái ra ở riêng, nâng tổng số hộ ở xóm này lên 19. Từ một xóm góp, mỗi người mỗi quê, hiện nay đời sống kinh tế của xóm rất khá giả. Có trường hợp giàu nức tiếng cả vùng, nhờ buôn đá quý. Chỉ có điều, 19 hộ dân này đến nay vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dù đã gửi đơn đề nghị suốt hàng chục năm nay.

19 hộ dân sống tập trung 2 bên Quốc lộ 48, đoạn dài khoảng 150m. Đây là cửa ngõ của huyện Quỳ Châu. Ảnh: Tiến Hùng

Chính quyền địa phương lý giải, nguyên nhân 19 hộ dân này không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do liên quan đến địa giới hành chính. Cụ thể, 19 hộ này có hộ khẩu ở xóm Dé, xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp. Nhưng theo bản đồ 364 thì thuộc địa phận xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu.

Theo ghi nhận của phóng viên, 19 hộ dân này sống tập trung 2 bên Quốc lộ 48, trên đoạn đường chỉ dài chừng 150m. Khu vực này có diện tích chỉ 1,9 ha. Họ sống liền kề với những hộ dân của bản Quỳnh 2 (xã Châu Bình). Đây cũng chính là cửa ngõ của huyện Qùy Châu.

Một ngôi nhà tại xóm này. Trong 19 hộ dân, có nhiều gia đình có đời sống kinh tế khá giả nhờ buôn đá quý. Ảnh: Tiến Hùng

2 địa phương chưa thống nhất

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Nguyễn Công Giáp - Bí thư Đảng ủy xã Yên Hợp cho biết, trong quá khứ, khu vực này thuộc đất của xã Yên Hợp. Tuy nhiên, khi đo đạc theo bản đồ 364 đã khoanh khu vực này về cho huyện Quỳ Châu. “Người là của xã Yên Hợp, đất trước đây cũng là của xã Yên Hợp thì tốt nhất nên điều chỉnh địa giới, chuyển về cho chúng tôi”, ông Giáp nói. Trong khi đó, lãnh đạo huyện Quỳ Châu lại cho rằng, khu vực này từ xưa đến nay đều là đất của Quỳ Châu.

Ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng Nội vụ huyện Quỳ Hợp cho biết, ngày 28/11/2016, UBND huyện Quỳ Hợp đã tổ chức hội nghị hiệp thương với UBND huyện Quỳ Châu để giải quyết vướng mắc đoạn địa giới hành chính tại khu vực này. Cuộc hiệp thương giữa hai huyện đã thống nhất hướng giải quyết là điều chỉnh lại đường địa giới hành chính giữa 2 xã theo thực trạng nhân dân 19 hộ xóm Dé, xã Yên Hợp đang sinh sống trên đất xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu với diện tích khoảng 1,9ha, sẽ chuyển về cho xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp quản lý. Biên bản hiệp thương do Chủ tịch UBND 2 huyện ký đã nộp lên Sở Nội vụ theo quy định.

Đến năm 2021, đơn vị tư vấn đã chỉnh sửa bản đồ theo Quyết định 513/QĐTTg và cắm mốc tại thực địa. Tuy nhiên, khi đơn vị tư vấn đưa hồ sơ, bản đồ lên trình huyện Quỳ Châu ký xác nhận hoàn thiện thì lãnh đạo huyện Quỳ Châu không ký, đồng thời có ý kiến đề nghị không điều chỉnh bản đồ địa giới hành chính như đã họp hiệp thương, mà giữ nguyên như bản 364.

Đến ngày 31/12/2021, UBND huyện Quỳ Châu đã tổ chức cuộc họp hiệp thương với huyện Quỳ Hợp để bàn giải quyết vướng mắc đoạn địa giới nói trên. Lần này, huyện Quỳ Hợp tiếp tục đề nghị tỉnh thực hiện việc điều chỉnh đường địa giới hành chính như đã thống nhất tại cuộc hiệp thương ngày năm 2016. Trong khi đó, huyện Quỳ Châu thì tiếp tục đề nghị tỉnh không điều chỉnh đường địa giới mà giữ nguyên như bản đồ 364 cũ.

Do không tìm được tiếng nói chung, theo yêu cầu của Sở Nội vụ, đến ngày 6/1/2022, huyện Quỳ Châu và huyện Qùy Hợp tiếp tục tổ chức hội nghị hiệp thương để thống nhất địa giới hành chính. Sau khi 2 huyện thảo luận nhưng vẫn không thống nhất được phương án, đại diện Sở Nội vụ đã giao cho huyện Quỳ Châu khảo sát ý kiến của các hộ dân trình Sở Nội vụ xem xét. Kết quả khảo sát của huyện Quỳ Châu cho thấy, có 14 hộ dân có nguyện vọng muốn chuyển hộ khẩu về xã Châu Bình quản lý.

Bà Đoàn Thị Nguyệt - Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Quỳ Châu cho biết, căn cứ vào nguyện vọng của người dân, ngày 15/2/2022, huyện Quỳ Châu đã có văn bản gửi Sở Nội vụ, trong đó đề nghị xem xét giữ nguyên địa giới hành chính theo bản đồ 364, chuyển các hộ dân về cho xã Châu Bình quản lý, đồng thời hủy biên bản hiệp thương giữa 2 huyện Quỳ Châu và Quỳ Hợp ngày 28/11/2016. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 7 tháng trôi qua, Sở Nội vụ vẫn chưa có phản hồi.

Tuy nhiên, về phía huyện Quỳ Hợp cho biết, địa phương này cũng đã trực tiếp đi khảo sát nguyện vọng của bà con. “Qua khảo sát, bà con cho biết về huyện nào cũng được. Miễn là được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chứ không nhất thiết phải là về huyện Quỳ Châu”, Trưởng phòng Nội vụ huyện Quỳ Hợp nói và cho hay, địa phương đã hướng dẫn 19 hộ dân lập hồ sơ theo quy định, trình lên các cấp có thẩm quyền huyện Quỳ Châu để thực hiện cấp quyền sử dụng đất theo quy định. Ngoài ra, huyện Quỳ Hợp còn có văn bản gửi lên Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Sở này đôn đốc huyện Quỳ Châu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 19 hộ dân. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, huyện Quỳ Châu vẫn không cấp.

Về việc này, phía huyện Quỳ Châu cho biết, theo Luật Cư trú mới, người dân phải đăng ký tạm trú mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi 19 hộ này hộ khẩu ở xã Yên Hợp nên Quỳ Châu không thể cấp bìa được.

Các hộ dân trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: T.H

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Nghệ An về việc năm 2016, lãnh đạo 2 huyện đã ký hiệp thương, thống nhất điều chỉnh địa giới khu vực này về cho huyện Quỳ Hợp quản lý nhưng đến nay lại không đồng ý, một vị lãnh đạo huyện Quỳ Châu cho hay, theo quy định của pháp luật, việc này phải thông qua Hội đồng nhân dân huyện và Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định, vì thế mà bản hiệp thương đó phải hủy. Mới đây, khi đơn vị tư vấn đưa bản đồ lên lãnh đạo huyện ký xác nhận, ông đã trình ra Hội đồng nhân dân và Ban Thường vụ Huyện ủy xin ý kiến nhưng không ai đồng ý việc cắt 1,9 ha đất này về cho huyện Quỳ Hợp. “Trên địa bàn còn có một số điểm xâm canh, xâm cư khác, nếu cứ cắt đất như vậy sẽ tạo tiền lệ không tốt. Chưa kể, khu vực 19 hộ dân sinh sống là cửa ngõ của cả huyện Quỳ Châu, và trong khu vực đó, không chỉ có 19 hộ dân người Quỳ Hợp, còn có cả một số hộ dân người Quỳ Châu. Nếu cắt đất về cho Quỳ Hợp thì mấy hộ người Quỳ Châu làm thế nào”, vị này nói.

Trong khi đó, một vị lãnh đạo huyện Quỳ Hợp cho biết, huyện này mong muốn Quỳ Châu sớm cắt 1,9 ha đất khu vực này về cho Quỳ Hợp, “để 19 hộ dân đó được sống liền làng, liền xóm”./.

Mới nhất

x
Vướng địa giới hành chính, 19 hộ dân ở Nghệ An nhiều năm chờ bìa đỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO