Vướng mắc trong bàn giao lưới điện nông thôn

21/08/2011 17:39

(Baonghean) - Đến nay, Điện lực Nghệ An đã tiếp nhận lưới điện của hơn 320 xã với 6.027 km, 3627 công tơ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên công tác tiếp nhận luới điện nông thôn vẫn chậm so với kế hoạch….

Chậm bàn giao, người dân chịu thiệt

Theo thống kê của Điện lực Nghệ An, hiện trên địa bàn toàn tỉnh còn khoảng 129 xã chưa bàn giao lưới điện nông thôn, trong đó có 49 xã thuộc R2, 43 xã thuộc R2 mở rộng, 37 xã ngoài dự án chưa bàn giao tài sản cho công ty điện lực quản lý, bán điện bao gồm cả 3 xã loại khỏi dự án RE2 mở rộng là Thanh Tùng (Thanh Chương) và Diễn Liên, Diễn Đồng (Diễn Châu) và 2 xã mới có điện là Tam Hợp và Xiêng My (Tương Dương). Do nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao, các địa phương lại khó khăn về tài chính nên không có điều kiện để sửa chữa, nâng cấp lưới điện vì vậy việc cung ứng điện ở các vùng nông thôn hầu như không được cải thiện.

Nhiều nơi, người dân vẫn phải dùng điện với giá cao nhưng chất lượng điện lại kém. Điển hình như ở xã Văn Sơn (Đô Lương) mặc dù từ ngày 31/3/2011 chính phủ điều chỉnh giá bán điện cho các hộ dân với giá bình quân 1.242 đồng/kW tức tăng 165đồng/kww so với giá điện bình quân 2010. Nhưng trên 1100 hộ dân của 13 xóm phải chịu giá điện mức 1.640 đồng/kwh do HTX Điện năng Văn Sơn phải điều chỉnh giá điện để bù lỗ cho chi phí tổn thất điện năng. Hợp tác xã Hưng Chính (trước đây thuộc huyện Hưng Nguyên, nay thuộc thành phố Vinh) hiện có khoảng 1.400 khách hàng mặc dù đã thu tiền điện cao hơn giá bán buôn 1.200 nghìn đồng nhưng vẫn thua lỗ.

Ông Phan Đức Hân - chủ nhiệm HTX Hưng Chính cho biết: vì hệ thống lưới điện cũ, hao tổn cao có tháng tới 32% không hạch toán được nên có khi 5 tháng liền không có tiền trả lương cho thợ điện. HTX đã làm đơn xin được bàn giao lưới điện từ tháng 7 năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trên địa bàn huyện Hưng Nguyên hiện có 11 HTX điện năng thuộc 8 xã với khoảng 11 nghìn khách hàng. Nhiều HTX cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Tại xã Diễn Bích (huyện Diễn Châu), người dân cũng đang rất mong mỏi HTX sớm bàn giao lưới điện, nhất là đối với những hộ chuyên thu mua hải sản của bà con ngư dân. Họ mong có nguồn điện khỏe, ổn định để phục vụ cho các kho đông lạnh.

Theo như ông Bùi Hồng Thân - chủ nhiệm HTX Điện năng Diễn Bích ( Diễn Châu) thì đến thời điểm này xã đã hoàn thành việc lắp đặt 4 trạm biến áp, thay thế cột điện, đường dây mới, đủ điều kiện để bàn giao. Tuy nhiên hiện nay cũng không biết đến bao giờ mới được tiếp nhận. Ông Phan Văn Tuyên - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành cũng cho hay: Trên địa bàn Yên Thành hiện có 20 xã bàn giao điện lưới quốc gia, còn 18 xã chưa bàn giao (bao gồm cả các xã thuộc RE2), hệ thống lưới điện nông thôn hiện nay đã xuống cấp, tổn thất điện năng lớn trong khi giá điện tăng cao, nguyện vọng của người dân là muốn ngành điện sớm hoàn thành việc tiếp nhận bàn giao lưới điện nông thôn để dùng điện giá gốc. Tính đến tháng 7 năm 2011 toàn tỉnh Nghệ An có khoảng gần 40 đơn vị (bao gồm không có trong dự án và thuộc dự án RE2) có tờ trình bàn giao tài sản lưới điện nông thôn sang ngành điện quản lý, trong đó có 21 xã đã bàn giao một phần…. Việc chậm trễ này khiến người dân phải chịu thiệt do phải mua điện giá cao nhưng chất lượng thấp, kém an toàn. Đây cũng là vấn đề nóng thường xuyên được nêu lên tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu quốc hội và kỳ họp hội đồng nhân dân tỉnh thời gian qua

Gian nan hậu tiếp nhận

Nói về sự chậm trễ trong bàn giao lưới điện nông thôn, ông Phạm Văn Nga - Trưởng phòng kinh doanh Điện lực Nghệ An thì, vướng mắc là ở thời điểm ngành điện tiếp nhận bàn giao, nhiều hợp tác xã điện nông thôn đang “ăn nên làm ra” nên cố tình không chịu bàn giao, hiện nay chênh lệch giữa giá buôn và giá bán không nhiều (khoảng 18%) cộng thêm hao tổn điện năng do hệ thống lưới điện cũ nát, làm ăn không có lãi, các hợp tác xã này quay sang muốn bàn giao cho ngành điện. Nhưng hiện nay nguồn vốn để nâng cấp lưới điện nông thôn rất khó khăn. Bởi mạng lưới điện nông thôn do các cơ sở địa phương quản lý, bán điện cho hộ tiêu dùng, lâu ngày không được duy tu, bảo dưỡng nên hư hỏng, “rách nát”. Nhiều nơi hệ thống cột điện được làm bằng các loại cột gỗ, tre, bê tông tự đúc, hệ thống dây điện, đồng hồ đo đếm điện đã cũ, không đảm bảo dẫn đến hao hụt điện năng tới 30-35%.

Để khắc phục, cải tạo hệ thống lưới điện nông thôn chẳng những tốn thời gian, công sức mà còn đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Đó là hiện chưa kể nhiều địa phương đã và đang triển khai dự án RE2, RE2 mở rộng, vì vậy khối lượng tiếp nhận và giá trị hoàn trả rất lớn. Mặt khác, hiện nay hầu hết các tổ chức kinh doanh điện đều có quá nhiều lao động, gấp 4-5 lần định biên của ngành điện.

Do đó, vấn đề tiếp nhận nhân lực từ các tổ chức này là hết sức khó khăn, nhất là hầu hết số lao động này lại chưa đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ. Ông Lợi - Trưởng phòng Kế hoạch-Vật tư- Điện lực Nghệ An cho biết: Sau khi tiếp nhận, ngành điện đã đầu tư rất nhiều kinh phí để cải tạo lưới điện nông thôn. Hiện tại, dự án RE2 đầu tư lưới trung, hạ áp cho 50 xã với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng của công ty đã cơ bản hoàn thành, dự án RE2 mở rộng thêm 43 xã với kinh phí 72 tỷ đồng cũng đang gấp rút triển khai. Công ty đang lập thủ tục đầu tư cải tạo lưới hạ thế mới tiếp nhận cho gần 300 xã với khoảng 640 tỷ đồng vốn vay Ngân hàng tái thiết của Chính phủ Đức.…

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu tiếp nhận cũng như cải tạo lưới điện nông thôn, ngoài sự nỗ lực của ngành điện còn cần sự đồng thuận và hỗ trợ tích cực của các cấp lãnh đạo địa phương cũng như của người dân đang sử dụng điện ở khu vực nông thôn./.


Khánh Ly- Đặng Cường

Mới nhất

x
Vướng mắc trong bàn giao lưới điện nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO