Vượt khó đưa chiến dịch về với người dân

23/10/2012 22:05

Đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành Chiến dịch Truyền thông chăm sóc SKSS đợt 1 năm 2012. Mặc dù kinh phí khá chật vật so với mọi năm, nhưng xác định được tầm quan trọng của chiến dịch, nhiều địa phương đã vận động nguồn lực để 100% xã được triển khai, từ đó xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả.

(Baonghean) Đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành Chiến dịch Truyền thông chăm sóc SKSS đợt 1 năm 2012. Mặc dù kinh phí khá chật vật so với mọi năm, nhưng xác định được tầm quan trọng của chiến dịch, nhiều địa phương đã vận động nguồn lực để 100% xã được triển khai, từ đó xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả.

Chúng tôi cùng cán bộ chuyên trách dân số xã Diễn Vạn (Diễn Châu) đến thăm gia đình anh Lê Văn Trưởng, chị Trần Thị Nữ ở xóm giáo toàn tòng Đồng Hạ. Anh Trưởng là con trai cả trong một gia đình giáo dân, áp lực sinh con trai nối dõi tông đường rất lớn. Tuy nhiên, anh chị vẫn quyết tâm “dù gái hay trai chỉ hai là đủ”. “Con nào cũng là con, miễn rằng mình nuôi chúng nên người, ăn học đến nơi đến chốn. Sinh nhiều con, vất vả, không có điều kiện để chăm sóc, nuôi dạy con...”, anh Trưởng chia sẻ.



Cán bộ Trung tâm Dân số huyện Diễn Châu phát tờ rơi cho ngư dân ở Diễn Bích.

Nhờ dừng lại ở hai con nên gia đình anh có điều kiện phát triển kinh tế. Hiện nghề làm kẹo lạc mang lại cho gia đình anh thu nhập mỗi năm khoảng 100 triệu đồng, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi, con gái lớn đã học đại học, con gái út đang học Trường THPT Diễn Châu 2. “Có điều kiện kinh tế rồi cũng muốn sinh thêm con trai, nhưng được các chị đến tuyên truyền, vận động nên thôi. Chiến dịch Truyền thông chăm sóc SKSS vừa qua được triển khai tại xã, tôi đăng ký đi khám phụ khoa, thay vòng thực hiện biện pháp tránh thai an toàn”, chị Nữ cho biết.

Ở xóm Đồng Hạ này, 100% là đồng bào theo Đạo Thiên chúa, đặc thù vùng biển nên tâm lý sinh nhiều con để có thêm lao động, sinh con dự phòng, sinh con trai để nối nghiệp sông nước đã trở thành “rào cản” trong việc hạn chế tỷ lệ sinh con thứ ba. Chiến dịch Truyền thông dân số CSSKSS được triển khai 2 lần/năm tại xã, đưa các dịch vụ về tận nơi phục vụ bà con, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đã phần nào “khơi thông” nhận thức cho bà con.

Chị Trần Thị Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Diễn Châu cho biết: “Đối với 9 xã vùng biển, chiến dịch được triển khai 100%. Ngoài đưa các dịch vụ như siêu âm, khám phụ khoa, tư vấn các biện pháp tránh thai..., chúng tôi còn thành lập các đội truyền thông lưu động, đi xuống tận nhà, tận xóm, ra các bến, bãi cá để tuyên truyền, phát tờ rơi. Kết quả, có 4.350 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được khám phụ khoa, 1.000 người được kiểm tra SKSS, trên 400 người được cung cấp dịch vụ đặt dụng cụ tử cung... Các địa phương dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng đã vận động nguồn lực để triển khai thành công chiến dịch. Điển hình như Diễn Vạn, Diễn Hải, Diễn Thành...”.

Còn ở Đô Lương, trong đợt 1, toàn huyện chỉ có 9 xã được thụ hưởng kinh phí thực hiện chiến dịch theo chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Bồi Sơn, Đặng Sơn, Yên Sơn, Thịnh Sơn, Xuân Sơn, Mỹ Sơn, Quang Sơn. Điều đáng ghi nhận là 24 đơn vị còn lại dù không được hỗ trợ kinh phí, nhưng đã chủ động trích ngân sách địa phương và quỹ dân số để triển khai chiến dịch. Đến ngày 29/9/2012, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức thành công chiến dịch và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch tỉnh giao. Kết quả trong chiến dịch đợt 1 có trên 8.298 lượt người tham gia hội nghị truyền thông, có 7.440 chị được khám phụ khoa; 10.203/2.702 người sử dụng các biện pháp tránh thai (đạt 377,6% so với kế hoạch tỉnh giao). Kinh nghiệm của Đô Lương là huy động được sự quan tâm, đầu tư từ các địa phương, tạo được sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành dân số với các tổ chức đoàn thể, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trong quá trình triển khai nên thu hút nhiều người tham gia.

Mặc dù Chiến dịch Truyền thông chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt I năm 2012 diễn ra trong bối cảnh khó khăn, song đội ngũ làm công tác Dân số - KHHGĐ đã chủ động khắc phục, tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tại địa phương tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành chỉ tiêu. Trong đợt 1, các địa phương đã bổ sung thêm nguồn kinh phí gần 1,6 tỷ đồng để mua thuốc điều trị phụ khoa, mở rộng thêm địa bàn triển khai chiến dịch. Với những việc làm thiết thực, chiến dịch đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh có 362/191 xã triển khai, đạt 190% kế hoạch; triệt sản đạt 55%; dụng cụ tử cung 88,4%; thuốc tiêm 104%; thuốc cấy 57,5%; tổng biện pháp tránh thai lâm sàng đạt 91,2% kế hoạch; khám phụ khoa cho 73.919 người, điều trị phụ khoa 27.867 người.

Hiện nay, Chiến dịch Truyền thông CSSKSS đợt 2 bắt đầu khởi động. Trước những thách thức: không ít cán bộ đảng viên vi phạm pháp lệnh dân số, tỷ lệ sinh con thứ ba tăng đột biến; số xóm, bản không có người sinh con thứ ba giảm... thì Chiến dịch Truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản đợt 2 năm 2012 thực sự cần thiết, có tác động mạnh đến các cấp chính quyền địa phương cũng như nâng cao nhận thức của mỗi người dân.


Thanh Phúc

Mới nhất
x
Vượt khó đưa chiến dịch về với người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO