Vượt khó, phấn đấu trở thành cực tăng trưởng kinh tế miền Tây Nghệ An

28/01/2014 21:46

(Baonghean) - Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị ngày 30/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, trong đó xác định Nghĩa Đàn là trung tâm của khu nông nghiệp công nghệ cao, đặt ra cho huyện nhiều vấn đề phải giải quyết, nhằm sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, tạo động lực góp phần đưa Nghĩa Đàn trở thành một cực tăng trưởng kinh tế của miền Tây Nghệ An.

Huyện Nghĩa Đàn đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 2013.
Huyện Nghĩa Đàn đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 2013.

Sau khi chia tách để thành lập Thị xã Thái Hòa, Nghĩa Đàn đứng trước bao khó khăn, thiếu thốn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân còn thấp, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì. Trung tâm thị trấn huyện chỉ mới được xác định trên bản vẽ quy hoạch, các cơ quan, ban, ngành cấp huyện phải đi thuê trụ sở để làm việc, đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội, giáo dục, y tế chưa phát triển. Sau 5 năm nỗ lực không mệt mỏi, cán bộ và nhân dân Nghĩa Đàn đã đoàn kết, vượt mọi khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, từng bước làm đổi thay diện mạo một vùng Tây Bắc tỉnh nhà.

Để có được thành quả của ngày hôm nay, trước hết Nghĩa Đàn xác định nguồn lực con người là yếu tố quan trọng cho việc thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, do đó cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành đoàn thể đã quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đến nay, đội ngũ cán bộ đã đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ của địa phương.

Sự đổi thay và cũng là điểm nhấn quan trọng của Nghĩa Đàn hôm nay đó là sự hiện diện của khu trung tâm hành chính huyện được quy hoạch, xây dựng với những nhà cao tầng khang trang, hiện đại, khoa học, đảm bảo phục vụ hiệu quả cho hoạt động. Bên cạnh đó, huyện còn quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng trụ sở làm việc xã Nghĩa Minh, Nghĩa Lộc, Nghĩa Lạc, nâng cấp các tuyến đường liên thôn, liên xã và cải tạo các công trình, hồ đập trên địa bàn huyện gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới... góp phần làm thay đổi diện mạo từ cơ sở đến cấp huyện.

Trên cơ sở tiềm năng lợi thế của huyện, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, trung ương, Nghĩa Đàn đã khai thác tiềm năng một cách hợp lý, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng cao. Nếu năm 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,9%, thì đến 2013 đạt 16,16%. Thu ngân sách năm 2009 đạt 14.299 triệu đồng, đến năm 2013 hơn 43 tỷ đồng. Giá trị sản xuất bình quân đầu người từ 9,6 triệu đồng lên hơn 30 triệu đồng/ người năm 2013. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 là 23,12%, nay giảm còn 16,97%.

Thành công nữa trong năm 2013 phải nói đến là lĩnh vực thu ngân sách. Năm 2013, tổng thu ngân sách của Nghĩa Đàn đạt 43 tỷ 985 triệu đồng, tăng 44,98% so Nghị quyết HĐND huyện giao, tăng 43,56% so với cùng kỳ và tăng 68,01% so với kế hoạch tỉnh giao, là một nỗ lực lớn trong bối cảnh thu ngân sách toàn tỉnh khó khăn.

Với tiềm năng đất đai, vị trí địa lý nằm trên đường Hồ Chí Minh xuyên Việt, Nghĩa Đàn đã và đang là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, với nhiều cơ chế chính sách thông thoáng, hiệu quả. Huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc tích cực, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Nhờ vậy, đến nay, một số dự án trọng điểm đã được triển khai và đem lại hiệu quả kinh tế như: hình thành Khu công nghiệp nhỏ Nghĩa Long, Nghĩa Hội; Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp đi vào ổn định; Nhà máy sữa tươi sạch TH khánh thành tháng 5/2013,... đã góp phần làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp của huyện, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Năm 2013, Công ty cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm đã đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ và ván sợi công nghệ MDF với công suất 8.800m3 gỗ ván thanh và 400.000m3 ván sợi công nghiệp MDF, đây là nhà máy hiện đại nhất Đông Nam Á, dự kiến quý I/2014 sẽ đi vào hoạt động. Ngoài ra, huyện tiếp tục quy hoạch, triển khai thực hiện một số dự án khác như Dự án trồng rau sạch, cây dược liệu...Tin rằng, với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, lòng dân đồng thuận, đội ngũ cán bộ trách nhiệm, tâm huyết, Nghĩa Đàn luôn là điểm ưu tiên lựa chọn, là điểm đến tin tưởng của nhiều nhà đầu tư, góp phần làm nên bức tranh kinh tế đa sắc màu trên vùng Tây Bắc Nghệ An.

Trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, huyện chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện các tiêu chí nông thôn mới theo quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là 5 xã điểm: Nghĩa Khánh, Nghĩa Long, Nghĩa Bình, Nghĩa Hồng và Nghĩa Hiếu. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 3 xã đạt từ 10 – 12 tiêu chí, 10 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí, các xã khác đang tiếp tục phấn đấu đạt trên 5 tiêu chí. Tiếp tục vận động nông dân “dồn điền, đổi thửa”, đến nay đang triển khai thực hiện tại 6 xã, dự kiến năm 2014 triển khai thực hiện thêm 6 xã, nhằm tạo điều kiện cho việc thâm canh, sản xuất hàng hóa và đưa cơ giới vào đồng ruộng.

Song hành với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều khởi sắc. Huyện luôn quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa lịch sử: Di tích Hang Rú Ấm và Cây đa làng Trù - nơi ghi dấu lịch sử hình thành của Đảng bộ và phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Nghĩa Đàn, được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Các phong trào văn hóa, văn nghệ được mở rộng, phát triển như: bảo tồn bản sắc văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Thổ, văn hoá của người Thái; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới” thu được nhiều kết quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Lĩnh vực giáo dục đạt được những kết quả đáng khích lệ, từ vị trí 17 trong bảng xếp hạng toàn tỉnh, đến năm 2013 đã vươn lên vị trí 13; quy mô, mạng lưới trường lớp được giữ vững; một số trường, học sinh có thành tích nổi trội trong các kỳ thi học sinh giỏi, tuyển sinh đại học như em Nguyễn Thanh Thông thủ khoa với 29,5 điểm, là niềm vinh dự lớn cho ngành Giáo dục Nghĩa Đàn. Cùng với văn hóa, giáo dục, lĩnh vực y tế cũng được ưu tiên, đầu tư xây dựng. Trung tâm Y tế huyện được xây mới và đưa vào sử dụng, thực hiện đồng thời 2 chức năng: y tế dự phòng và khám chữa bệnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Một chặng đường 5 năm vượt khó để Nghĩa Đàn hôm nay có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Thành quả đó được tạo nên nhờ phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng lòng, chung vai của đội ngũ cán bộ và nhân dân toàn huyện. Đó còn là phương pháp điều hành 3 đúng: "đúng tình hình”, "đúng nhiệm vụ” và "đúng phương pháp”. Ghi nhận thành quả đó, năm 2013, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Nghĩa Đàn tự hào đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ trao tặng.

Khu hành chính huyện Nghĩa Đàn.
Khu hành chính huyện Nghĩa Đàn.

Trao đổi với lãnh đạo huyện, đồng chí Vi Văn Định - Ủy viên BCH Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: “Thành quả 2013 sẽ là nền tảng để Nghĩa Đàn bước tiếp trên con đường đổi mới. Phía trước sẽ còn không ít khó khăn, nhưng Nghĩa Đàn luôn tìm cho mình hướng đi thích hợp. Đặc biệt năm 2013, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị ngày 30/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, trong đó xác định Nghĩa Đàn là trung tâm của khu nông nghiệp công nghệ cao. Đây là vinh dự, sự ghi nhận và tin tưởng của Đảng và Nhà nước đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Nghĩa Đàn, song cũng là nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghĩa Đàn tiếp tục trăn trở để đưa Nghị quyết 26 sớm đi vào cuộc sống. Qua đó khẳng định vị thế của Nghĩa Đàn trong cực tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đồng thời là điều kiện quan trọng giúp Nghĩa Đàn bứt phá để phát triển nhanh và bền vững”.

Năm 2014, trong điều kiện nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, là năm nước rút quyết liệt về đích đối với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII đã đề ra; năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26 của tỉnh và Chương trình số 15-CTr/HU ngày 6/11/2013 của Ban Thường vụ Huyện ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết 26, Nghĩa Đàn sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là, rà soát, bổ sung quy hoạch, chính sách, thực hiện các đề án, các công trình trọng điểm, hoàn thành trụ sở làm việc của một số đơn vị đang xây dựng; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu mỗi xã tăng từ 2- 3 tiêu chí. Quan tâm thu hút đầu tư, thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao để tạo đột phá về kinh tế theo Nghị quyết 26, và Chương trình hành động số 15 đã đề ra; tăng cường công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm tốt an sinh xã hội, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội và giải quyết các vấn đề bức xúc; tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Làm tốt công tác dự báo, nắm bắt tình hình an ninh, chính trị, tư tưởng và dư luận trong nhân dân, không để xẩy ra điểm nóng, phức tạp nổi cộm; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức; tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2014. Tin rằng, với cách làm đó, Nghĩa Đàn sẽ sớm về đích, thực hiện tốt nhiệm vụ mà trong NQ 26 của Bộ Chính trị đã xác định, phấn đấu đưa Nghĩa Đàn trở thành một cực tăng trưởng kinh tế của miền Tây Bắc Nghệ An.

Hồ Ngân Hạnh

Mới nhất

x
Vượt khó, phấn đấu trở thành cực tăng trưởng kinh tế miền Tây Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO