Vượt lên thương tật

10/07/2012 17:09

(Baonghean.vn) - Những người lính bước ra từ cuộc chiến tranh. Họ lại bắt đầu một cuộc chiến mới: cuộc chiến chống đói nghèo. Trong cuộc chiến không kém phần cam go, thử thách này, họ vẫn thể hiện bản lĩnh và phẩm chất tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ.

Hạnh phúc của người trông coi đài liệt sỹ

Tháng 2 năm 1975, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn cuối, anh thanh niên 17 tuổi Nguyễn Đình Lợi (Diễn Ngọc - Diễn Châu) viết đơn tình nguyện lên đường cầm súng với khát khao góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho ngày toàn thắng. Năm 1976, Nguyễn Đình Lợi là chiến sỹ Lữ đoàn 176 thuộc binh đoàn quân tình nguyện Lào với nhiệm vụ bảo vệ đoàn tùy viên quân sự Việt Nam sang giúp bạn truy quét tàn quân phỉ Vàng Pao. Tháng 8/1981, ở mặt trận Bolikhamxay, chiến sỹ Nguyễn Đình Lợi đã bị gãy cột sống và chấn thương nặng toàn thân, mất 98% sức khỏe.

Không cam chịu cảnh suốt ngày phải mặc “áo giáp” với hệ thống sắt thép gia cố, bảo vệ xương thẳng không bị lệch, ông kiên trì tập luyện. Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa ông đều dành 1-2 giờ đồng hồ để tự rèn luyện sức khỏe. Với suy nghĩ tìm kiếm một việc gì để làm, vừa phù hợp với sức khỏe của mình, vừa có ý nghĩa, ông đã đề xuất với địa phương bố trí cho mình làm bảo vệ đài tưởng niệm liệt sỹ 30-31, Di tích lịch sử quốc gia nằm ngay trên xã nhà, hàng ngày chăm sóc phần hương khói cho các liệt sỹ.

Lúc này, vùng đất trống của khu đài tưởng niệm liệt sỹ rộng 5.000 m2 còn nhiều, không thể dựa mãi vào nguồn trợ cấp của nhà nước, vợ chồng ông trồng lúa, khoai, rau, đậu ngô và nuôi cá. Được chính quyền địa phương hướng dẫn cho cách làm ăn, kinh nghiệm mô hình sản xuất giỏi của anh em thương binh, vợ chồng chịu thương chịu khó nên cuộc sống gia đình ông ngày càng ổn định. Vì sức khỏe hạn chế, ông chuyển hướng sang trồng, chăm sóc, kinh doanh cây cảnh – cho thu nhập cao…



Ông Nguyễn Đình Lợi (Diễn Ngọc, Diễn Châu) chăm sóc Đài tưởng niệm
liệt sỹ 30 - 31 của xã. Ảnh: Thành Chung

Thương binh làm đẹp cho đời

Người CCB này có cái tên cũng giản dị, chất phác như con người của ông - Nguyễn Viết Thông. Ông sinh năm 1956 ở một làng quê nghèo xã Nghi Liên (Nghi Lộc), nay thuộc TP Vinh.

18 tuổi tòng quân theo tiếng gọi của đất nước, năm 1981, ông xuất ngũ trở về với thương binh 4/4. Trách nhiệm của một người anh cả trong gia đình 7 anh em, ông vừa đi học lớp trung cấp quản lý vừa làm tại Ty Lương thực Nghệ Tĩnh. Ông lo công việc, dựng vợ, gả chồng cho các em rồi mới tính đến hạnh phúc riêng khi tuổi đã tứ tuần. Kết thúc thời kỳ bao cấp, bắt đầu chuyển sang kinh tế thị trường, cuộc đời của ông lại bắt đầu với những gian truân, vất vả mới. Nhận nhiệm vụ mua từng xe gạo từ miền Nam ra, chở lên bán ở vùng đá đỏ Quỳ Châu đúng vào thời điểm gạo rớt giá. Rồi đơn vị làm ăn thua lỗ, thiếu việc làm, ông xin nghỉ không lương về làm dịch vụ. Thuê ốt bán vật liệu xây dựng đúng dịp có tin đồn gạch Trung Quốc ảnh hưởng đến sức khỏe, không bán được, lỗ nên ông bỏ vào Nam học nuôi tôm.

Xa nhà, vốn không có, đi làm thuê nên thu nhập cũng chả được là bao, bố mẹ già ở quê cần được chăm sóc, thế là ông lại trở về xin thuê đất sân bay nuôi cá. Ba người đồng đội cùng nhau làm, canh ngày canh đêm, đến khi gần thu hoạch thì thấy cá phơi bụng trắng ao. Hóa ra có kẻ dùng điện đánh trộm cá. Thế là lại mất trắng. Quay về cơ quan cũ được một thời gian ngắn thì người em trai duy nhất của ông bị tai nạn giao thông. Vì hoàn cảnh gia đình, ông đành xin nghỉ chế độ, lại suy nghĩ trăn trở tìm con đường nuôi sống gia đình. Cuối cùng, ông quyết định trở về với nghề trồng hoa cây cảnh – vốn là nghề truyền thống của quê hương. Thế nhưng, cái nghề làm hoa cây cảnh của ông cũng không phải dễ dàng, thuận lợi. Vốn không có, chỉ dựa vào đồng lương trợ cấp thương binh, đầu ra chưa có, kinh nghiệm cũng không… Đã có một thời người cựu chiến binh này phải chở từng xe cây đi rong ruổi khắp các chợ từ Gia Lách, Bãi Vọt (Hà Tĩnh) rồi ra cả Diễn Châu…

Với hướng đi mới, ông không còn phải rong ruổi đi bán cây nữa mà cung cấp, trồng và chăm sóc cây, hoa cho các công trình lớn trong tỉnh như môi trường đô thị Thị xã Cửa Lò, Trường Chính trị TP Vinh, Trường Dạy nghề Nghi Lộc, Tổng kho Việt Lào… Nhờ sự tôi luyện trong quân ngũ, ông đã chinh phục khách hàng bằng chữ “tín” trong làm ăn, bằng hiệu quả của công việc. Ông cùng các cựu chiến binh, bạn nghề trong làng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hợp tác làm ăn, chia sẻ cơ hội. Những người trẻ trong làng nhờ thế cũng cuốn hút vào những hoạt động rất có ý nghĩa này. Nghề của làng hoa cây cảnh quê ông có triển vọng được các thế hệ sau giữ gìn và phát triển.

Chia tay chúng tôi, ông nói, mong sao nghề trồng cây cảnh ngày càng phát triển để môi trường của chúng ta bớt bị ô nhiễm và để ông có cơ hội tạo nghề, tạo việc làm cho con em đồng đội cũ, và nhiều người nghèo ở miền núi, vùng sâu vùng xa.


Thành Chung - Hương Giang

Mới nhất
x
Vượt lên thương tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO