Xã Đô Thành đạt chuẩn nông thôn mới: Thành quả sức dân...
(Baonghean) - Khi được hỏi về thành quả lớn nhất trong thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), cán bộ, nhân dân xã Đô Thành (Yên Thành) đều phấn khởi cho rằng đó chính là những đổi thay lớn lao của diện mạo quê hương... Chúng tôi đã đến, và “mục sở thị” những con đường rộng rãi, đổ bê tông sạch đẹp, những cánh đồng sau chuyển đổi thẳng cánh cò bay, chạy vuông vắn những bờ vùng, bờ thửa...
Kênh Vách Bắc đang thi công Ảnh: TH - PH |
Bắt tay vào xây dựng NTM, xã Đô Thành có những thuận lợi nhất định. Là xã có dân số đông, địa hình bằng phẳng, tưới tiêu thuận lợi, có điều kiện để phát triển nông nghiệp. Có vị trí địa lý nằm trên các tuyến giao thông tỉnh lộ, huyện lộ, gần QL 1A, nên người dân có điều kiện để phát triển thương mại, dịch vụ, người dân năng động trong cơ chế thị trường. Số người đi lao động xuất khẩu tăng qua từng năm, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế cũng như thay đổi bộ mặt nông thôn. Xã Đô Thành có truyền thống đoàn kết, Đảng bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít khó khăn. Tư tưởng ở một bộ phận dân cư còn phân tán, ảnh hưởng đến phong trào thi đua xây dựng NTM. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn một số tệ nạn xã hội chưa được đẩy lùi. Đặc biệt, khoảng cách giữa hộ giàu và hộ nghèo còn xa, do đó việc huy động nội lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng còn khó khăn.
Trước tình hình đó, lãnh đạo xã Đô Thành xác định, việc đầu tiên là phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện tham gia xây dựng NTM. Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM - ông Nguyễn Văn Xuyên cho biết: “Chúng tôi tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến nhận thức trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, các hình thức tuyên truyền. Tổ chức cho cán bộ đi tham quan học tập mô hình và tập huấn phổ biến các chủ trương của nhà nước về xây dựng NTM. Đồng thời, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong Đảng và nhân dân, thực hiện mọi việc theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân tự giác tham gia và dân hưởng thụ”. Cùng huy động nội lực trong dân, xã vận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư, kêu gọi con em thành đạt đang công tác xa quê đóng góp xây dựng quê hương.
Những cách làm đó, cộng với sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự phân công trách nhiệm cụ thể, bố trí lồng ghép các chương trình, dự án, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đã làm nên thành công trong xây dựng NTM ở Đô Thành. Đặc biệt, chúng tôi chủ trương thực hiện trên cơ sở kế thừa hiện trạng đã có và điều chỉnh hợp lý với điều kiện thực tế ở địa phương, tránh gây xáo trộn, lãng phí không cần thiết. Lựa chọn những nội dung, tiêu chí phù hợp, sát thực với điều kiện cụ thể để thực hiện, đồng thời phát huy truyền thống vốn có của từng xóm, từng dòng họ, từng gia đình trong phong trào xây dựng NTM”.
Đường giao thông nông thôn ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành. |
Là 1 trong 2 xóm được khen thưởng trong phong trào xây dựng NTM, xóm Xuân Lai gây ấn tượng với vẻ yên bình, trù phú. Nằm bên dòng sông Vách Bắc, trong ký ức chưa xa của người dân nơi đây, dù là những ngày mưa hay nắng, việc đi lại trên những con đường xóm nhỏ hẹp đều rất vất vả... Thế nên, để mở rộng được thì việc hiến 60 m2 đất ở cả hai phía mặt đường của nhà mình, trên đã có bờ bao xây kiên cố, chị Nguyễn Thị Thương - một người dân trong xóm không hề thấy tiếc. Chị vui vẻ nói: “Mất đi một ít đất nhưng đường sá đẹp hẳn ra, đi lại thuận tiện, sạch sẽ, ngày mùa còn tận dụng phơi được rơm rạ, bà con, anh em ở xa về, nếu có ô tô còn vào được tận nhà... Không như trước đây, hễ mưa là bùn đất nhão nhoẹt, nhiều năm đi chơi Tết, đến nhà người ta rồi lại muốn quay về vì… dính đất bùn bẩn quá! Ngoài đồng cũng vậy, nếu trước đây nhà tui chỉ có chưa đầy 3 sào ruộng, rải rác ở 3 xứ đồng, thì nay chỉ còn một thửa. Bờ vùng, bờ thửa lại to nên đi lại, sản xuất rất thuận tiện, đến mùa thuê máy cày, máy gặt vào làm vừa nhanh, vừa đỡ công lao động”.
Ông Luyện Thanh Tường (Xóm trưởng xóm Xuân Lai) chia sẻ: Nếu ai đến Xuân Lai cách đây vài năm, giờ quay trở lại sẽ nhận thấy rất rõ sự thay đổi. Năm 2012, cùng với Sung Yên, Xuân Lai là 1 trong 2 xóm của xã được chọn làm điểm thực hiện dồn điền, đổi thửa. Được sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, với cách bàn bạc công khai, hợp lý và công bằng, Xuân Lai hoàn thành rất nhanh “công cuộc” dồn điền, đổi thửa. Mỗi hộ dân còn bình quân 1, 2 thửa ruộng, đường trục chính trên đồng được mở rộng từ 2m lên 5m, bờ lô 2,5m, có mương bê tông hai bên. Ruộng đồng được chỉnh trang lại, ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại, sản xuất của bà con, còn giúp việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng được đẩy mạnh. Hiện trong xóm đã có 10 máy cày bừa, làm đất, đến mùa gặt, máy gặt lại từ các nơi khác về phục vụ nông dân thu hoạch nhanh gọn.
Từ những thành quả đó, năm 2013, xóm Xuân Lai bắt đầu bắt tay vào làm giao thông nông thôn. Qua họp dân, cách làm minh bạch, rõ ràng, người dân đã đồng lòng ủng hộ. Ngoài họp dân của xóm để vận động bà con góp công, góp tiền làm đường, xóm còn tổ chức họp riêng với những hộ dân ở hai bên đường theo từng tuyến, vận động bà con hiến đất mở rộng đường. Riêng gia đình ông Luyện Thanh Tường, con đường bên cạnh nhà đã “xắn” vào đất nhà ông 2m, đường bên 1m, diện tích đất ở từ 274 m2 còn lại 164 m2. “Ở nông thôn từng đó đất ở đã được coi là chật, nhưng vợ chồng tôi không ngần ngại đập tường bao hiến đất, vừa để bà con nhìn vào, vừa vì cái chung” - ông Tường tâm sự. Ngoài hơn 120 tấn xi măng được Nhà nước hỗ trợ, người dân đã góp công, góp của, mỗi khẩu bình quân xấp xỉ gần 1 triệu đồng, hiến 6.000m2 đất, giá trị các công trình trên đất khoảng 200 triệu đồng để làm đường giao thông. Một số hộ khác như anh Hoàng Minh Quang tự nguyện hiến đất và 60m bờ bao cùng công trình phụ; hộ anh Nguyễn Bá Ngọc tự nguyện hiến đất dù phải phá hệ thống cổng ngõ mới xây xong có trị giá 20 triệu đồng... Nhờ đó, đến nay xóm đã làm được gần 1.800m đường bê tông theo chuẩn, rộng 3m và dày 0,2m, ô tô vào được tận 100% ngõ xóm.
Lớp học nghề mây tre đan ở xã Đô Thành (Yên Thành). Ảnh: Trần Cảnh Yên |
Với những cách làm phù hợp, đến nay Đô Thành đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, tổng mức kinh phí thực hiện lên đến 135 tỷ 802 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 65 tỷ đồng. Người dân đã tự nguyện hiến 2 ha đất làm đường giao thông nông thôn, hệ thống đường liên xã, đường trục xã và trục xóm được nhựa hóa hoặc bê tông 100%, đường ngõ xóm được bê tông hoặc đổ sỏi sạch, không còn lầy lội vào mùa mưa. Hệ thống thủy lợi được bê tông hóa cơ bản đáp ứng yêu cầu tưới tiêu chủ động cho diện tích gieo trồng lúa và nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt và tháo nước. Đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt xấp xỉ 24 triệu đồng/người/năm. Từ năm 2011 - 2014, nhân dân tự đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, chỉnh trang nhà ở và các công trình khác với kinh phí ước tính trên 200 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,35%. Trên địa bàn xã có 2 làng nghề sản xuất mây tre đan xuất khẩu đã được tỉnh công nhận là làng nghề Yên Hội và Bắc Vực. Đặc biệt, việc làm tốt công tác xuất khẩu lao động đã góp phần mạnh mẽ trong thay đổi bộ mặt nông thôn ở Đô Thành, nâng cao đời sống nhân dân với nguồn thu nhập từ xuất khẩu lao động lên đến 136 tỷ đồng.
Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng được nâng lên. Các thiết chế văn hóa, thể thao, trường học, cơ sở vật chất cơ bản đạt chuẩn theo quy định. Ngoài hệ thống sân thể thao, nhà văn hóa của xã, 14/14 xóm đều có nhà văn hóa và sân thể thao đạt chuẩn theo quy định. Hiện nay xã đang triển khai xây dựng Nhà máy nước sạch phục vụ nhu cầu người dân. Trên địa bàn không có các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, rác thải được thu gom tập trung để xử lý cách xa khu dân cư. Cây xanh được trồng ở nơi công cộng, đường giao thông; công tác bảo vệ, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp được quan tâm và duy trì thường xuyên, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, trên địa bàn không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, mâu thuẫn tranh chấp, phức tạp, khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Phú Hương