Xã hội hoá thông tin điện tử là xu thế thời đại

04/01/2010 17:16

Hiện nay, công nghệ thông tin đang phát triển rất mạnh mẽ trên toàn cầu, được ứng dụng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ quân sự, chính trị, ngoại giao đến phát triển kinh tế, văn hoá, y tế, du lịch, thể thao,...

Thông tin công nghệ cao (thông tin điện tử, hay còn gọi thông tin kỹ thuật số) đã trở thành nhu cầu không thể thiếu hàng ngày của chúng ta, từ chiếc điện thoại di động, máy điện thoại bàn không dây, đến đọc báo trên mạng, khai thác thông tin qua internet, trao đổi thông tin, gửi thư điện tử, chat, diễn đàn, hội nghị, giao lưu trực tuyến, đào tạo từ xa,....


Ảnh minh hoạ: internet

Có người nói internet chỉ dành cho giới trẻ, cho nghiên cứu khoa học, cho trí thức, cho công chức... Không đúng. Ở Hà Nội, đã có 20% số hộ nông thôn được nối mạng internet. Nông dân Hà Nội đang làm giàu nhờ internet! Thông qua internet họ lần tìm hợp đồng, tìm mối hàng, giới thiệu nông sản, quảng bá và bán sản phẩm rau của mình. Một số làng nghề như: nghề mộc, chạm khắc mỹ nghệ cũng sử dụng internet như một công cụ để giao dịch. Nhiều gia đình còn dùng internet để tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, áp dụng khoa học kỹ thuật, hay chữa trị bệnh cho cây trồng vật nuôi. Ở Nghệ An, làng rau Quỳnh Lương (huyện Quỳnh Lưu) đã có trang web của riêng mình từ khá lâu.


Hiện nay trên thế giới đã có 4,6 tỷ thuê bao di động. Chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã có 20 triệu người thường xuyên sử dụng internet. Với tốc độ tăng trưởng của ngành CNTT thường xuyên đạt mức 30% năm thì Việt Nam có cơ sở trở thành quốc gia mạnh về CNTT trong tương lai gần.


Hiện nay, Nghệ An cùng với hai tỉnh Thái Nguyên và Trà Vinh được Chính phủ lựa chọn và đang triển khai Dự án "Thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam" do Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation (BMGF) Hoa Kỳ - một tổ chức phi chính phủ hoạt động với mục đích nhân đạo và phi lợi nhuận tài trợ.


Tại Nghệ An, ngày 13/8/2009, Dự án đã được triển khai với mục tiêu đầu tư vào 33 điểm, bao gồm 24 điểm bưu điện văn hóa xã thuộc 15 huyện (trừ Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu); 9 thư viện, gồm thư viện tỉnh, 5 huyện (Hưng Nguyên, Nam Đàn, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Quỳ Châu), Bệnh viện Đa khoa Nghi Lộc, UBND xã Quỳnh Đôi, Trường THCS Dân tộc nội trú Kỳ Sơn.



Một trung tâm internet ở Trung Quốc - Anh minh hoạ internet


Đến nay, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh đã đưa công nghệ thông tin ứng dụng vào các hoạt động của mình. Các huyện vùng cao Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong... đã tổ chức tập huấn cho nhân viên bưu điện văn hóa xã và thư viện những kiến thức mới về máy tính và internet.

Ở Quế Phong bà con dân bản xã Tiền Phong đã có thể đọc báo trên internet tại bưu điện văn hóa xã. Huyện Quỳ Châu đã đưa vào sử dụng phòng đọc sách, báo qua mạng Internet; huyện Quỳ Hợp đã ra mắt Trang Thông tin điện tử; huyện Tương Dương phát động phong trào giải toán qua mạng Internet dành cho học sinh tiểu học và THCS; huyện Quỳnh Lưu tổ chức diễn đàn thanh niên với Internet; Thư viện Nghệ An phục vụ tra cứu internet miễn phí; Trường ĐH Vinh ra mắt Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào,v.v...


Ở các cơ quan cấp tỉnh, Cổng thông tin DN vừa ra đời được kỳ vọng là bước đột phá mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính thông qua điện tử tại Nghệ An. Qua internet, các DN có thể biết đầy đủ về thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục đăng ký và thẩm định dự án đầu tư tại Nghệ An. Cổng thông tin DN còn giới thiệu về môi trường đầu tư trong tỉnh và cung cấp tất cả các thông tin cần thiết cho các nhà đầu tư hoặc các DN quan tâm đầu tư vào Nghệ An..


Không chỉ ứng dụng CNTT vào mọi hoạt động xã hội, trong cuộc sống, Nghệ An còn coi đây là một mũi nhọn để phát triển kinh tế, và phấn đấu trở thành một tỉnh mạnh kinh doanh lĩnh vực này.




Sỹ quan, chiến sỹ Bộ CHQS Nghệ An xem báo Nghệ An điện tử . Ảnh: Trần Hải


Đồng hành với sự phát triển của công nghệ thông tin, ngành báo chí điện tử trong tỉnh cũng phát triển mạnh mẽ. Ngoài các trang web cung cấp thông tin đại chúng chính thống như: nghean.gov.vn (UBND tỉnh), baonghean.vn (Báo Nghệ An), còn có các webs của các ngành, đoàn thể, trường học, địa phương như: ngheanbusiness.gov.vn (Sở KH & ĐT), ngheandost.gov.vn (Sở KHCN), vietnam-tourism.com/nghean (Sở VH-TT & DL), vinhcity.gov.vn (TP.Vinh), vinhuni.edu.vn (Trường Đại học Vinh), cya.edu.vn (Trường CĐ Y tế Nghệ An), congannghean.vn (Công an Nghệ An), txcualo.gov.vn (Thị xã Cửa Lò), quynhluong.gov.vn (xã Quỳnh Lương), slna-fc.com (Cổ động viên bóng đá Nghệ An),...


Với báo Nghệ An điện tử, tuy ra đời khá muộn so với báo điện tử các tỉnh, thành trong cả nước, nhưng đã sớm được khẳng định vai trò trong đời sống xã hội, trong làng báo, và đặc biệt được sự đón nhận nhiệt thành của đông đảo bà con người Nghệ đang sống, công tác xa quê hương.

Chỉ chưa đầy hai năm có mặt trên mạng internet, báo Nghệ An điện tử đã đón hơn 5,3 triệu lượt bạn đọc truy cập, hiện nay có gần 10.000 lượt bạn đọc truy cập mỗi ngày, trong đó hơn 40% được truy cập từ nước ngoài (Pháp 20%, Ả rập 7%, Séc 3%, các nước khác 10%). Báo Nghệ An điện tử đang duy trì ổn định 26 chuyên mục trên trang chủ và 6 chuyên mục đã có dữ liệu để khảo cứu.


Tuy nhiên, để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của bạn đọc và đuổi kịp xu thế phát triển của thời đại thì báo Nghệ An điện tử còn nhiều bất cập, đó là thông tin còn chậm, nghèo, khô cứng thiếu tính hấp dẫn, chưa bám sát diễn biến của cuộc sống, chưa tạo được phong cách của tờ báo Xứ Nghệ, và chưa khai thác tốt thế mạnh của loại hình thông tin điện tử để quảng bá, giới thiệu về tiềm năng phát triển kinh tế - văn hoá cho tỉnh nhà.


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bất cập, đó là đội ngũ trực tiếp làm báo Nghệ An điện tử quá thiếu (chỉ 5 người), cơ chế chậm thay đổi, thiết bị không đồng bộ...Những nguyên nhân này không khó để khắc phục và có thể khắc phục nhanh, nhưng điều đáng lo ngại hơn chính lại là từ nhận thức của người cung cấp thông tin và người tiếp nhận thông tin.


Thứ nhất, còn coi báo điện tử chỉ là báo in đưa lên mạng (hiểu sai về đặc thù của loại hình).


Thứ hai, cho rằng sự phát triển của báo điện tử làm giảm lượng bạn đọc của báo truyền thống (chỉ nhìn từ góc độ cạnh tranh mà không thấy thế mạnh riêng có của mỗi loại hình để bổ trợ giúp nhau phát triển).


Hai nhận thức trên đang có tính phổ biến ở các báo điện tử địa phương trên cả nước.


Thứ ba, đội ngũ PV, CTV chậm đổi mới tư duy, thiếu chuyên nghiệp, tác nghiệp theo lối mòn.


Thứ tư, lo ngại các thông tin không sạch trên mạng (khó kiểm soát) tác động xấu đến xã hội dẫn đến thiếu chủ động định hướng để khai thác các nguồn thông tin có ích phục vụ cuộc sống (lối nghĩ thường có của lớp người lớn tuổi với thế hệ trẻ, của các bậc phụ huynh với thế hệ con, cháu).


Nhu cầu thông tin càng ngày càng trở nên cấp thiết trong cuộc sống hiện đại. Thông tin điện tử sẽ chiếm lĩnh hầu hết trong các hoạt động thông tin của xã hội. Đó là xu thế tất yếu. Vai trò và nhiệm vụ của các cơ quan truyền thông đại chúng (nhất là báo điện tử) càng trở nên nặng nề và khó khăn hơn.

Bởi vậy, phải xác định thông tin điện tử sẽ được xã hội hoá là quy luật tất yếu, là hệ quả của cuộc cách mạng CNTT, mà từ đó hoạch định chiến lược tuyên truyền giúp mọi người biết chủ động chọn lọc thông tin hữu ích phục vụ cho sự phát triển của chính mình và của cả cộng đồng.


Minh Thông

Mới nhất
x
Xã hội hoá thông tin điện tử là xu thế thời đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO