Xã hội mong ở các nhà báo những gì?
(Baonghean) - Có thể khẳng định, báo chí cách mạng đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;...
(Baonghean) - Có thể khẳng định, báo chí cách mạng đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đồng thời, báo chí, các nhà báo còn góp phần nâng cao dân trí, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tích cực đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực xã hội, góp phần vào mục tiêu xây dựng một xã hội dân chủ, giàu mạnh, công bằng, văn minh. Nhiều nhà báo đã bất chấp khó khăn gian khổ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để tìm ra sự thật, nhất là trong cuộc chiến chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội như ma túy, tham nhũng… Có thể nói, chưa bao giờ nghề báo, nhà báo được xã hội quan tâm, đòi hỏi cao như hiện nay.
Bên cạnh những kết quả to lớn mà báo chí đem lại cho người dân, những năm gần đây, hoạt động của một số tờ báo, trong đó có nhiều báo điện tử, các tờ “phụ trương”, “chuyên đề”, ấn phẩm phụ đưa những thông tin mà đại đa số người dân không muốn tiếp nhận, thậm chí có hại cho không ít người. Nhiều người còn nhớ cách đây ít năm bà con nông dân ở Nam bộ phải khốn đốn như thế nào khi báo chí đưa tin “Bưởi năm roi có chứa chất gây ung thư”, hay chuyện “Hà bá ở sông Tô Lịch (Hà Nội) nổi giận nên một số người nổi tiếng liên quan bị chết đột ngột”… Không muốn nhắc lại những ví dụ tương tự, nhưng thực tế đã xảy ra khá nhiều trường hợp báo chí phản ánh sai sự thật làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân; đến dư luận xã hội.
Cùng với những thông tin sai có thể không do chủ ý của báo chí, còn có một số tờ báo, nhất là báo điện tử, các trang thông tin điện tử được cấp phép còn nặng đưa tin giật gân câu khách, phục vụ thị hiếu tầm thường của một bộ phận người đọc. Trong đó không ít thông tin nhảm nhí, bịa đặt đến mức xấu hổ mà người viết khó có thể nhắc ở đây được.
Điều gì làm một số tờ báo, một số nhà báo sa vào “tin vịt”, tin giật gân, tin lá cải? Có rất nhiều nguyên nhân: tòa soạn thì muốn tăng lượng phát hành, lượng truy cập để tăng “tiếng tăm”, tăng “nồi cơm tòa soạn”, với nhà báo thì có nhiều lý do. Có nhà báo chỉ ngồi ở phòng lạnh rồi lùng sục trên mạng hoặc đến quán vỉa hè lấy “sự kiện” để sao chép, bóp méo hoặc thêm ớt, thêm muối vào sự kiện; có nhà báo biết là thông tin sai nhưng vẫn cố ý để trục lợi và trở thành kẻ “đâm thuê chém mướn”. Vài năm gần đây, có một số kẻ lợi dụng nghề nghiệp của mình để vòi vĩnh, nhận hối lộ, thậm chí dùng cả hình thức “tống tiền” bị pháp luật xử lý, mà điển hình là trường hợp nguyên một Phó Tổng thư ký của báo TP bị phát hiện, xử lý cách đây chưa lâu. Ở Nghệ An ta từng có một cộng tác viên của một tờ báo điện tử bị bắt và xử tù vì đòi tiền hối lộ của một thẩm phán tòa án huyện nọ. Đó là chưa kể dư luận đang phê phán kiểu “đánh hội đồng”, “đánh kẻ dưới ngựa” do một số nhà báo thực hiện khiến không ít nạn nhân lao đao vì những nguyên cớ rất “trời ơi”…
Vẫn biết rằng so với hơn 17 nghìn nhà báo đang công tác tại 812 cơ quan báo chí cùng hàng nghìn nhà báo không chuyên khác thì nhà báo có hiện tượng tiêu cực như nêu trên là rất ít. Rất ít nhưng lại tác động không nhỏ đến uy tín của các nhà báo chân chính, đến môi trường hoạt động của báo chí.
Và, do đó sự dũng cảm trong nghề nghiệp, trung thực trong sự kiện, trí tuệ trong phân tích, định hướng dư luận của báo chí, của nhà báo vẫn là điều mong muốn lớn nhất của công chúng đối với báo chí.
Việt Long