Xã Thanh Lĩnh đạt chuẩn nông thôn mới: Đậm dấu ấn sức dân
(Baonghean) - Thời điểm này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) đang trong không khí phấn khởi được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xây dựng Nông thôn mới (NTM). Đó là kết quả từ sự đoàn kết, nỗ lực của địa phương, phát huy truyền thống là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, và nhất là nắm bắt được những thời cơ phát triển trong thời kỳ mới...
Mô hình trồng bí xanh trên đất 2 lúa tại thôn Hồng - xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương). |
Thực tế, bắt tay vào xây dựng Nông thôn mới, xã Thanh Lĩnh có thuận lợi là đã đạt được 10/19 tiêu chí năm 2010. Điều đó càng giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhà nêu quyết tâm cao nhất, coi xây dựng Nông thôn mới là thời cơ, vận hội để bứt phá đi lên. Việc đầu tiên là rà soát lại thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, so sánh, đánh giá với 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia để từ đó UBND xã xây dựng quy hoạch, đề án trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Và để chủ trương được hiện thực hóa một cách tự giác, tích cực, là phải khẳng định hiệu quả vai trò Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân cùng thực hiện.
Xác định xây dựng hạ tầng NTM để tạo động lực cho sự phát triển toàn diện, xã chọn tiêu chí giao thông làm khâu đột phá. Vừa làm tốt công tác tuyên truyền, xã Thanh Lĩnh có cơ chế khuyến khích các xóm đồng loạt ra quân tự nguyện, nên không có khiếu nại, thắc mắc hay gây khó khăn trong giải tỏa mặt bằng. Ông Phan Mậu Lâm, một người dân ở thôn Thượng đi đầu trong tình nguyện hiến đất để nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông liên thôn, cho hay: “Khi được cán bộ xã, xóm tuyên truyền làm đường GTNT theo tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, gia đình tôi đã hiến 250m2 đất khai hoang để xóm mở rộng và nắn đường cho thẳng... Để có đường đi lối lại được thuận tiện, thôn xóm khang trang sạch đẹp hơn, chúng tôi sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng như thế”. Ở thôn Thượng còn có hộ bà Nguyễn Thị Hồng cũng tự nguyện hiến 240m2 đất vườn, tháo dỡ công trình sinh hoạt, chặt cây dọn vườn trên phần đất phải giải tỏa để tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công.
Theo ông Nguyễn Hữu Lực, Bí thư chi bộ thôn Thượng: Nhận thức đúng đắn mọi đường lối, chủ trương của Đảng đều phải xuất phát từ lợi ích của người dân, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, chi bộ thôn Thượng xác định, muốn hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Trong đó, chú trọng vận động nhân dân tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng kết cấu hạ tầng, vệ sinh môi trường, đặc biệt là đường giao thông nông thôn. Qua cuộc họp dân, kinh nghiệm thực tế từ các địa phương khác đã được Ban cán sự thôn phổ biến cho mọi người và thống nhất chọn giải pháp thực hiện. Nhờ đó, cán bộ thôn đã vận động được 22 hộ dân hiến hàng trăm mét đất, cây ăn quả, phá bỏ bờ bao, tường rào kiên cố và góp những ngày lao động công ích để nhanh chóng hoàn thiện 1,2 km đường liên thôn...
Cùng với quyết tâm đổi thay mạnh mẽ diện mạo nông thôn, Thanh Lĩnh đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với mùa vụ và điều kiện đất đai. Đến nay, toàn xã đã thực hiện thành công việc chuyển đổi ruộng đất lần 2 với mỗi hộ gia đình từ 4 - 6 thửa xuống còn 1 - 2 thửa. Không chỉ tạo ra liền vùng liền thửa, gần nhà dễ bảo vệ và chăm sóc cây trồng, mà việc “lăn đổi” ruộng đất còn tạo điều kiện để người dân đầu tư làm trang trại, gia trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm; xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung đem lại thu nhập cao hơn…
Năm 2012, khi tham quan mô hình trồng thí điểm bí xanh giống HN 99 ở 2 xóm Liên Tân và Liên Châu (xã Thanh Liên) do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, cán bộ, nhân dân Thanh Lĩnh đã học tập làm theo, chuyển đổi gần 1 ha đất 2 lúa tại xứ đồng Cồn Mọi thôn Hồng sang thử nghiệm trồng cây bí xanh. Sau 2 vụ xuân và hè thu, vùng đồng này đã được xã đầu tư hỗ trợ đường điện, giếng khoan để quy hoạch thành vùng thâm canh sản xuất bí hàng hóa rộng gần 2 ha với 30 hộ dân tham gia... Chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Hồng, có hơn 1 sào bí xanh trên vùng đồng Cồn Mọi, cho biết: “Trồng bí xanh theo hướng VietGAP sau 3 tháng chăm sóc, mỗi sào năng suất đạt hơn 3 tấn, giá thu mua tận ruộng với giá 5.000 đồng/kg, trừ chi phí gần 1,5 triệu đồng, là cầm chắc 14 triệu đồng cao gấp 4 lần so trồng ngô”.
Nói đến cây măng tây xanh, nhiều người nông dân còn rất xa lạ, nhưng cuối năm 2013, bà con thôn Trường của xã Thanh Lĩnh đã mạnh dạn liên kết với Công ty TNHH Hà Hiệp - xã Tây Hiếu (Thị xã Thái Hòa) trồng thí điểm trên diện tích 0,5 ha trên đất công ích của xã. Theo cam kết, phía công ty sẽ cung cấp giống, kỹ thuật trồng, đồng thời bao tiêu đầu ra khi có đủ lượng sản phẩm và đạt đúng quy chuẩn theo kích cỡ yêu cầu. Năm đầu tiên trồng xã đã có chính sách hỗ trợ 100% tiền giống, 50% tiền phân bón; hỗ trợ giếng khoan, đường điện được kéo thẳng ra đồng… Là 1 trong 7 hộ dân đi tiên phong trồng hơn 2 sào măng tây xanh, anh Nguyễn Văn Kỳ, Bí thư thôn Trường cho hay: Đầu tư trồng măng tây xanh đòi hỏi phải có số vốn lớn và người trồng phải có một chút mạo hiểm, vì đây là loại cây tương đối “khó tính”, nhưng thích hợp với mọi loại đất. Qua hơn 1 năm trồng, cây đã cao khoảng 1 mét, đang trong quá trình sinh trưởng, đẻ măng non và đã cho thu hoạch được 1 lứa. Vì mới ra bói chưa có đủ sản lượng cho Công ty thu mua, nhưng chúng tôi bán tại các chợ quanh vùng cũng được 45.000 - 50.000 đồng/kg, tính ra cho thu nhập cao hơn so với cây ngô, cây lạc.
Mô hình trồng măng tây xanh tại thôn Trường, xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương). |
Nói về lộ trình xây dựng NTM của địa phương, ông Nguyễn Quang Mợi, Chủ tịch UBND xã Thanh Lĩnh cho biết: “Thực hiện lộ trình xây dựng NTM, Đảng bộ xã ban hành Nghị quyết 39/NQ-ĐU (ngày 1/3/2011) về việc tập trung chỉ đạo xây dựng NTM. Tại các xóm thành lập tiểu ban do đồng chí bí thư chi bộ làm trưởng tiểu ban. Xã phân định rõ tại cộng đồng dân cư 19 tiêu chí, 39 chỉ tiêu để xây dựng. Quan điểm chung của xã là tận dụng mọi nguồn lực từ chương trình, dự án, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước về xi măng, chú trọng huy động nội lực sức dân theo nguyên tắc “dân bàn, xóm quyết định, nhân dân cùng hưởng lợi”. Cùng với đó, bên cạnh khai thác tối đa các nguồn vốn đầu tư, phát huy các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, còn bằng nhiều con đường như huy động con em quê hương thành đạt đang công tác xa quê đóng góp xây dựng NTM”...
Sau 3 năm xây dựng NTM, toàn xã Thanh Lĩnh đã huy động tổng vốn đầu tư xây dựng NTM đạt trên 67 tỷ đồng, trong đó đóng góp sức dân đạt hơn 50% tổng số vốn. Hoàn thành 19/19 tiêu chí theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia, về đích NTM năm 2015 đúng với tiến độ đề ra. Hiện đã có hơn 11,4 km đường xã, liên xã được đổ nhựa đạt chuẩn loại A, 30,7 km đường thôn xóm được bê tông 100%, không lầy lội vào mùa mưa và 7,4 km đường giao thông nội đồng đạt chuẩn. Hệ thống thủy lợi được bê tông hóa, nâng cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu tưới tiêu chủ động cho diện tích gieo trồng lúa và nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt và tháo nước. Đời sống người dân ngày càng được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt trên 18 triệu đồng/người/năm. Đến nay cơ bản nhà ở của dân cư có diện tích đảm bảo “3 cứng”; có 1.421 hộ có nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng (đạt 88,7%), không có nhà ở tạm bợ, dột nát; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,5%. Ngoài ra, Thanh Lĩnh còn đặc biệt quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, xây dựng xong bãi rác tập trung với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng. Để giảm tải cho bãi rác về lâu về dài, xã đồng thời vận động người dân xây dựng lò đốt rác tại gia; đến nay toàn xã đã xây dựng được 502 lò đốt...
Đời sống vật chất được nâng lên, đời sống tinh thần cũng được chú trọng. Giờ đây, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn luôn đông vui bởi tiếng cười, tiếng nói của các cụ già, em nhỏ. Sân vận động là nơi thanh niên đến rèn luyện sức khỏe với các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền... Nhờ nông thôn mới mà giờ đây mọi lứa tuổi đều có sân chơi bổ ích, đời sống tinh thần được cải thiện. Có thể nói, yếu tố làm nên thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Lĩnh là sự đồng thuận từ nhân dân và đội ngũ cán bộ lãnh đạo năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, biết phát huy vai trò chủ thể của người dân, lấy văn hóa làm nền tảng và động lực cho sự phát triển. Việc hoàn thành đạt chuẩn Nông thôn mới đang là tiền đề, là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Lĩnh tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí...
Anh Phương