Xác định rõ lĩnh vực ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA
(Baonghean) - "Bầu sữa” ODA đang “nuôi” lĩnh vực gì và sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực nào đang là một trong những câu hỏi được đặt ra sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo lên Quốc hội tình hình ký kết và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2010 - 2015. Theo đó, trong giai đoạn 2010 - 2014, đã có hơn 10 tỷ USD vốn ODA cấp cho lĩnh vực giao thông vận tải, chiếm tỉ lệ trên 37%, còn cho y tế - xã hội chỉ chiếm 4,54%, cho giáo dục, đào tạo là 3,84%.
Không giải ngân hết nguồn vốn
Cầu tràn Nghi Thái (Nghi Lộc) được xây dựng từ nguồn vốn ODA. |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ có trong giai đoạn 2010-2012 với gần 21,8 tỷ USD. Còn từ năm 2013, khi Việt Nam trở thành đối tác phát triển, tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam thường niên (VDPF) không có cam kết ODA. Giải ngân ước đạt gần 27,2 tỷ USD, bằng 88,7% tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Theo nhận xét của Bộ KH-ĐT, các lĩnh vực giao thông vận tải, môi trường (cấp, thoát nước, đối phó với biến đổi khí hậu,…) và phát triển đô thị, năng lượng và công nghiệp là những ngành có tỷ trọng vốn ODA và vốn vay ưu đãi tương đối cao. Trong khi đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp với xóa đói giảm nghèo, y tế, xã hội, giáo dục và đào tạo, KH&CN, tăng cường năng lực thể chế... chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.
Còn nhiều thách thức phải vượt qua
Nhiều công trình hạ tầng giao thông được đầu tư từ nguồn vốn ODA. Ảnh minh họa. |
Trong hiện tại và tương lai gần, có rất nhiều thách thức trong việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Trong tầm nhìn đến năm 2020 và những năm tiếp theo, định hướng sử dụng theo nguồn vốn ODA không hoàn lại, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, sẽ được sử dụng để đầu tư cho các mục tiêu khác nhau, trong đó vốn vay ưu đãi sẽ dành cho chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, có nguồn thu và khả năng trả nợ chắc chắn như xây dựng các nhà máy điện, các tuyến đường cao tốc thu phí, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao ở các thành phố lớn, hệ thống thông tin liên lạc viễn thông, các công trình sản xuất có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao,…
Dành nguồn hỗ trợ khu vực tư nhân
Theo Bộ KH&ĐT, định hướng về các lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thời gian tới cho thấy, một phần vốn ODA và vốn vay ưu đãi có thể được sử dụng để đầu tư phát triển sản xuất nhằm thúc đẩy thương mại, góp phần tạo công ăn việc làm và tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các vùng, các địa phương.
Trên cơ sở các nguyên tắc trên, định hướng về các lĩnh vực ưu tiên thu hút và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi theo thứ tự Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc sắp xếp “tháp” ưu tiên sử dụng nguồn vốn này cũng còn nhiều bất cập.
Trong đó, đáng lưu ý là những lĩnh vực được coi là giải pháp cơ sở, có tính mở đường thì lại bị xếp vào thứ tự ưu tiên cuối cùng, như phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển KH&CN và kinh tế tri thức; phát triển nông nghiệp và nông thôn; bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; hỗ trợ thúc đẩy đầu tư, thương mại và một số lĩnh vực SX-KD… Chính vì thế, trong quá trình thực hiện nguồn vốn vay quý báu này, càng cần hơn nữa sự quyết đoán chính sách sát với thực tế, để đồng vốn đầu tư ODA, vay ưu đãi phát huy hiệu quả cao hơn, đem lại lợi ích thiết thực cho quốc dân, đồng bào./.
Sông Hồng
TIN LIÊN QUAN