Xây dựng bản đồ ngập úng mùa mưa bão

17/08/2015 07:34

(Baonghean) - Ở Nghệ An hầu như năm nào vào khoảng thời gian từ đầu trung tuần tháng 9 đến hết tháng 11 là mùa mưa to, lũ lụt lớn, gió bão liên tục xuất hiện gây ra nhiều hậu quả. Tổng lượng mưa trung bình mỗi năm ở Nghệ An từ 2.000 - 2.200 mm. Trong đó, riêng lượng mưa trong mùa mưa bão chiếm 65 - 70% tổng lượng mưa cả năm; có những trận mưa lên đến 750 - 800 mm gây ngập úng trên diện rộng ở nhiều vùng trong tỉnh.

Để chủ động phòng, chống, ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại do mưa to gây ngập úng lớn trong mùa mưa bão, chúng ta cần chủ động lập bản đồ ngập úng trước mùa mưa bão lụt, để từ bản đồ ấy các địa phương qua theo dõi thông báo của Ban Chỉ huy phòng, chống bão lụt của tỉnh, dự báo của ngành Khí tượng thủy văn về lượng mưa từng ngày, từng đợt và khả năng sẽ gây ngập úng ở mức độ nào, thuộc vùng nào trên các phương tiện thông tin đại chúng từ đó các địa phương và nhân dân biết trước mà chủ động phòng tránh sớm trước khi xảy ra ngập úng lớn, nhất là khi có mưa to kèm theo gió bão mạnh.

Theo chúng tôi, nếu xây dựng bản đồ ngập úng cần căn cứ 3 trường hợp cụ thể sau:

- Do mưa to, lượng mưa lớn, cường độ mưa mạnh, thời gian mưa kéo dài liên tục thì hậu quả sẽ là ngập úng nặng cho các vùng có địa hình thấp trũng ở các vùng đồng bằng ven biển, ven sông, ven khe suối, vùng lòng chảo ở các huyện trung du miền núi.

Qua theo dõi nhiều năm ở Nghệ An cho thấy: Nếu mưa liên tục với lượng mưa từ 100 - 120 mm, toàn tỉnh sẽ có 11.000 - 12.000 ha lúa hè thu - mùa bị ngập. Nếu lượng mưa đạt tới 180 - 200 mm, sẽ có 32.000 - 34.000 ha lúa bị ngập cùng với hệ thống giao thông. Nếu lượng mưa vượt lên từ 300 mm trở lên thì cả ngoài đồng ruộng và cả nhà dân ở các vùng có địa hình thấp như vùng đồng bằng ven biển, các vùng lòng chảo ở các huyện miền núi đều bị ngập chìm trong nước. Không những gây ngập úng ở vùng thấp trũng mà mưa to, cường độ mưa mạnh còn gây hậu quả lũ ống, lũ quét, lở núi... khó tránh khỏi ở các huyện vùng cao.

- Ngập úng do xả lũ hoặc bị vỡ đập có thể xảy ra ở các hồ đập thủy lợi lớn như: Hồ Vực Mấu ở TX. Hoàng Mai, đập Vệ Vừng ở Yên Thành, đập Khe Gỗ ở Nghi Lộc, đập Mộ Dạ ở Đô Lương, đập Sông Sào ở Nghĩa Đàn... và ngập úng có thể do buộc phải xả lũ ở các hồ đập thủy điện gây ra như ở các hồ Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố...

- Ngập úng do nước biển dâng cao khi có gió lớn hoặc siêu bão xảy ra... Trường hợp này ít xảy ra hơn, nhưng cũng phải đề phòng. Vì diễn biến của thời tiết ngày càng xuất hiện bất ngờ, cực đoan và nguy hiểm khó lường. Việc gió bão lớn kèm theo nước biển dâng cao có khi lên cao 8 - 10m và cao hơn nữa hoàn toàn lệ thuộc vào cấp độ gió bão gây ra ứng suất với sóng biển. Vùng nước dâng gây ngập úng là vùng ven biển, ven sông thuộc về phía bên phải của tâm bão.

Xây dựng bản đồ ngập úng các trường hợp nói trên cần thực sự chi tiết. Muốn vậy, cơ quan lập bản đồ ngập úng là ban chỉ đạo phòng, chống bão lụt của tỉnh phải phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn, ban phòng chống bão lụt và phòng NN&PTNT các huyện, thành, thị để điều tra khảo sát số liệu lịch sử, thu nhập thông tin về diễn biến và hậu quả của những lần mưa to, gây ngập úng nặng, hoặc do vỡ đập, do xả lũ đã làm thiệt hại mùa màng, của cải và sinh mạng của người dân ở tất cả các vùng đã xảy ra trong nhiều năm qua.

Từ thực tế vùng ngập úng, quy mô diện tích vùng ngập úng, mức độ ngập úng, thời gian gây ngập úng, hậu quả của ngập úng (mất bao nhiêu sản phẩm cây, con, bao nhiêu nhà cửa, bao nhiêu của cải khác, bao nhiêu người chết...), các mức độ thiệt hại đều được đối chiếu với số liệu lịch sử về lượng mưa to đếm được trong từng ngày, từng đợt mưa, từng cơn bão xảy ra trực tiếp hay gián tiếp gây ảnh hưởng xảy ra mưa to đều có tại Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ (TP. Vinh). Về mức độ xả lũ với lưu lượng xả bao nhiêu m3/giây thì mức độ gây ngập lũ diễn ra ở vùng hạ lưu là bao nhiêu đều có số liệu lịch sử được ghi chép lại ở các hồ đập thủy lợi, thủy điện và về mức độ thiệt hại đều có ở trong các báo cáo của các địa phương.

Việc xây dựng bản đồ ngập úng trong mùa mưa bão lụt ở Nghệ An là việc cần làm, nên làm và chắc chắn sẽ làm được để giúp tỉnh và các địa phương chủ động chỉ đạo công tác phòng, chống bão lụt trong các tình huống, diễn biến của mưa lũ. Vấn đề này hiện nay đã có nhiều tỉnh như Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Nam, Bình Định ... do những tỉnh này thường xuyên bị ảnh hưởng lớn của mùa mưa bão gây ra nên họ đã xây dựng bản đồ ngập úng để chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão lớn...

Trí Tuệ (TP. Vinh)

Mới nhất

x
Xây dựng bản đồ ngập úng mùa mưa bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO