Xây dựng cánh đồng mẫu lớn hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hiện đại
(Baonghean) Thực hiện chủ trương của Bộ NN&PTNT về xây dựng các cánh đồng mẫu lớn (CĐML), phát huy các lợi thế về đất đai, nguồn lao động dồi dào, Nghệ An đang có những bước đi đầu tiên khá hiệu quả. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Đồng chí Hồ Ngọc Sỹ, Ủy viên BTV Tỉnh ủy - Giám đốc Sở NN&PTNT xung quanh vấn đề này.
Thu hoạch lúa hè thu ở Hưng Nguyên. Ảnh: Sỹ Minh
PV: Thưa đồng chí, thực hiện chủ trương của Bộ NN&PTNT về xây dựng cánh đồng mẫu lớn, Nghệ An có những thuận lợi và khó khăn gì?
Đồng chí Hồ Ngọc Sỹ: Nghệ An có quỹ đất nông nghiệp trên 19,5 vạn ha, trong đó có những vùng đồng bằng rộng lớn hiện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như lạc Diễn Châu, Nghi Lộc, rau màu Nam Đàn, Quỳnh Lưu; lúa ở Diễn Châu, Yên Thành... Chúng ta lại có nguồn lao động dồi dào, quen thâm canh, cần cù chịu khó, đội ngũ cán bộ kỹ thuật đông đảo, trình độ cao. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định sẽ có không ít khó khăn, thách thức; Thời tiết khắc nghiệt, nông dân vẫn còn mang nặng tư tưởng bảo thủ, thậm chí là trông chờ, ỷ lại, rất khó tìm người đi tiên phong. Sự liên kết giữa doanh nghiệp (DN) với nông dân hiện đã thông qua hợp đồng nhưng chưa chặt chẽ, thiếu gắn kết, nhiều người dân không quan tâm nhiều đến cam kết đã ký, nên khi xảy ra vấn đề bất cập thì chưa cùng bàn bạc để giải quyết.
Bên cạnh đó, sự vào cuộc của chính quyền cơ sở chưa cao; các đơn vị KHKT, khuyến nông chưa tham gia nhiều; nhất là số lượng DN có thể tham gia cùng nông dân để xây dựng CĐML không nhiều. Một bộ phận nông dân chưa nghiêm túc trong đầu tư đảm bảo quy trình hay thực hiện các biện pháp kỹ thuật. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu đang nhỏ lẻ, chưa phát triển sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, dù hơn 10 năm qua chúng ta đã tích cực thực hiện chuyển đổi ruộng đất, nhưng đồng ruộng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, khó chọn ra vùng có quy mô phù hợp để xây dựng CĐML; và nếu có, thì cũng có quá nhiều hộ nông dân tham gia trong một CĐML.
P.V: Vậy đến nay, chúng ta đã đạt được những kết quả nào trong chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thưa đồng chí?
Đồng chí Hồ Ngọc Sỹ: Theo tôi, rõ nét nhất là chúng ta đã ngày càng nhân rộng được các cánh đồng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, tạo khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường. Sau khi có chủ trương của Bộ NN& PTNT về xây dựng CĐML tại các tỉnh phía Bắc, Sở NN& PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai.
Mặt khác, cuối năm 2011, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có hỗ trợ để xây dựng cánh đồng mẫu (CĐM). Trên cơ sở đó, một số địa phương đã phối hợp với các DN triển khai ngay từ vụ xuân 2012, chủ yếu trên cây lúa, cây ngô và cây lạc, điển hình là Tổng Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An đã triển khai thành công khá nhiều mô hình lúa và ngô. Một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Vĩnh Hoà, Tổng Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình; Công ty CP Giống cây trồng Nghệ An, Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An,... thông qua hợp đồng sản xuất, tiêu thụ giống với các HTX đã hình thành các CĐML.
Thực tế cho thấy, các CĐM đều cho năng suất, sản lượng và hiệu quả cao hơn sản xuất đại trà, ít nhất cũng đạt trên 10%; đây là con số tăng đáng ghi nhận. Đặc biệt, bước đầu nông dân đã làm quen với sản xuất tập trung, tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật mới và biết tính toán hiệu quả sản xuất của mình. Mối liên kết giữa DN với nông dân đã được thiết lập; chính quyền cơ sở cũng đã quan tâm, vào cuộc trong quá trình tổ chức lại sản xuất cũng như quản lý, giám sát việc thực hiện của DN và nông dân.
Đặc biệt là những mô hình thuộc chương trình “cạnh tranh nông nghiệp”, tổng nguồn vốn lên đến gần 8 triệu USD, với sự tài trợ của Ngân hàng thế giới; đến nay, tại nhiều địa phương đã xây dựng được các vùng nguyên liệu tập trung với nhiều loại nông sản hàng hóa chất lượng cao, áp dụng tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất như lạc Diễn Thịnh (Diễn Châu), hay mô hình sản xuất chè xanh chất lượng cao ở Thanh Mai (Thanh Chương)..., đã mở ra triển vọng về nhân rộng các mô hình liên kết giữa DN và nông dân, tạo sự ổn định về giá cả, đảm bảo sự phát triển bền vững cho cả người dân và doanh nghiệp. Thực tế, các liên minh đều có những nét tương đồng với những tiêu chí do Bộ NN &PTNT đưa ra về xây dựng CĐML.
Từ những tiền đề đó, Nghệ An đang chuẩn bị để xây dựng các CĐML trên địa bàn toàn tỉnh. Trong năm 2012 sẽ tập trung xây dựng trên 4 cây trồng chính là lúa nước, lạc, mía và ngô với tổng diện tích trên 2.500 ha, quy mô tối thiểu mỗi cánh đồng từ 30 đến 40 ha. Việc xây dựng các CĐM này sẽ được thực hiện trên cây lúa từ vụ hè thu, cây lạc từ vụ xuân, cây ngô từ vụ đông năm 2012 và cây mía từ vụ ép 2012-2013. Trước mắt, là tiếp tục thực hiện dồn điền, đổi thửa, thực hiện chính sách để nông dân cho DN và nhà đầu tư thuê đất.
P.V: Các cơ chế, chính sách khuyến khích các DN tham gia xây dựng CĐML mà chúng ta đang áp dụng hiện nay như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Hồ Ngọc Sỹ: Hiện tại chúng ta đang áp dụng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp tại QĐ 09 của UBND tỉnh để triển khai xây dựng CĐML, theo đó thì chỉ mới hỗ trợ một phần vật tư cho nông dân chứ DN chưa được hỗ trợ gì. Tuy nhiên, sau khi có chủ trương của Bộ NN& PTNT thì UBND tỉnh đã giao cho Sở NN& PTNT xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng CĐML, và hiện tại chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương, tiếp tục hoàn thiện để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh. Theo đó, muốn xây dựng thành công mô hình CĐML thực sự hiệu quả thì phải có chính sách đồng bộ, tức là: Phải hỗ trợ để hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng ruộng; hỗ trợ đưa cơ giới hoá vào sản xuất; hỗ trợ nông dân một phần vật tư; đối với DN thì cần hỗ trợ các mục: xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu và có thể lồng ghép các chính sách khác (sau thu hoạch,...) để hỗ trợ mua thiết bị máy móc, xây dựng kho dự trữ...
Theo tôi, vấn đề mấu chốt để xây dựng thành công CĐML, trước hết các cấp uỷ, chính quyền phải thực sự vào cuộc, tổ chức thành công CĐML để nông dân có thu nhập cao hơn. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi ruộng đất, xây dựng hạ tầng đồng ruộng để áp dụng đồng bộ từ cơ giới hoá đến các TBKT vào sản xuất. Huy động các cán bộ KHKT, khuyến nông sát cánh, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các khâu kỹ thuật. Tỉnh cần khuyến khích, mời gọi để có nhiều DN vào liên kết với nông dân xây dựng CĐML. Bên cạnh đó, cần coi trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, để bà con hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình trong tham gia xây dựng CĐML. Và cuối cùng, phải có chính sách đồng bộ, trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước có hạn, chúng ta cần lựa chọn các nội dung phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích kể cả nông dân và DN tham gia xây dựng CĐML.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Phú Hương (thực hiện)