Xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào có đạo: Kinh nghiệm từ thực tiễn

20/06/2015 12:14

(Baonghean) - Với tâm niệm “Kính chúa, yêu nước”, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, thời gian qua, đồng bào công giáo trên địa bàn tỉnh tích cực chung tay xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo, góp phần thay đổi diện mạo quê hương.

Đức Thành là xóm giáo toàn tòng duy nhất của xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) được công nhận danh hiệu Làng văn hóa vào năm 2014. Ông Nguyễn Văn Cương, Xóm trưởng phấn khởi cho biết, người dân Đức Thành có truyền thống đoàn kết, tương trợ nhau từ bao đời nay. Ngày nay, tinh thần đó càng được nâng cao hơn và được bà con phát huy mọi lúc, mọi nơi. Bất kỳ một chủ trương nào do xã phát động, ban cán sự xóm đều trực tiếp truyền đạt cho bà con ngay trong các cuộc họp xóm, họp chi bộ, họp đoàn thể. Ví dụ như trong xây dựng làng văn hóa, cái khó nhất của xóm Đức Thành ngày đó là hệ thống thiết chế văn hóa thể thao đồng bộ chưa đảm bảo, xóm chưa có nhà văn hóa để làm nơi sinh hoạt, hội họp.

Trước tình hình đó, Ban cán sự xóm đã thống nhất: Phải tuyên truyền cho bà con, huy động xã hội hóa để xây nhà văn hóa xóm. Chủ trương này đã được Ban cán sự xóm đưa vào bàn bạc công khai ở các cuộc họp, đi đến thống nhất mỗi gia đình sẽ ủng hộ 800 nghìn đồng. Đợt kêu gọi đó, xóm trưởng, bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể là người tiên phong đóng góp. Chỉ một thời gian ngắn sau, Đức Thành khởi công nhà văn hóa. Đến tháng 9/2012, sau gần nửa năm xây dựng, công trình được khánh thành trong niềm phấn khởi của nhân dân toàn xóm.

Trẻ em Làng Văn hóa xóm 10 (Diễn Thịnh - Diễn Châu) vui chơi  ở sân Giáo họ Tân Dạ.
Trẻ em Làng Văn hóa xóm 10 (Diễn Thịnh - Diễn Châu) vui chơi ở sân Giáo họ Tân Dạ.

Nhờ sự đồng lòng của mọi người dân và chủ trương xã hội hóa các thiết chế văn hóa nên đến nay, xóm Đức Thành đã cơ bản hoàn chỉnh hệ thống thiết chế với tổng trị giá 600 triệu đồng (trong đó huyện hỗ trợ 60 triệu đồng, xã hỗ trợ 20 triệu đồng) còn lại do nhân dân đóng góp và kêu gọi xã hội hóa từ các doanh nghiệp trên địa bàn. Đức Thành còn rất thành công trong việc phát huy các ngành nghề truyền thống bên cạnh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, xuất khẩu lao động. Hiện nay, thương hiệu bánh đa, kẹo lạc, rượu nếp và rau thơm của Đức Thành đã được khẳng định trên thị trường, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Nhờ có thêm nghề phụ nên thu nhập bình quân của mỗi hộ đạt trên 26 triệu đồng/năm. Tỷ lệ gia đình văn hóa năm 2014 đạt 78%. Xóm Đức Thành là xóm văn hóa điển hình sống “Tốt đời đẹp đạo”.

Xóm 10, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu có hơn 51% dân số là đồng bào công giáo, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “sống tốt đời, đẹp đạo”, đã đưa xóm 10 trở thành điểm sáng điển hình trong phong trào xây dựng làng văn hóa ở vùng đồng bào có đạo. Đến xóm 10, chúng tôi cảm nhận được không khí lao động khẩn trương của bà con nơi đây. Tiếng máy xay lạc giòn giã vang khắp xóm làng. Toàn xóm có tới 70 hộ vừa làm nông, vừa làm nghề hàng xáo lạc. Đến mùa bà con tỏa đi thu mua khắp nơi trong huyện, trong tỉnh rồi cả Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình... về xay rồi nhập cho các đại lý để xuất khẩu. Mỗi vụ như vậy cả xóm thu mua được từ 3000 - 4000 tấn. Xóm có tới 64 con em đi xuất khẩu lao động nên đời sống nhân dân ở đây rất khá, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,2%.

Bà Nguyễn Thị Hoa - Bí thư chi bộ cho biết: Xóm 10 có 163 hộ với hơn 800 nhân khẩu, trong đó có hơn một nửa là đồng bào theo đạo công giáo thuộc Giáo họ Tân Dạ, thuộc xứ Trung Song. Tuy là xóm thuần nông nhưng với sự năng động, phát triển các ngành nghề dịch vụ, xuất khẩu lao động nên thu nhập của bà con ở đây đã đạt tới 32 triệu đồng/người/năm. Đời sống nhân dân khá giả, bộ mặt thôn xóm khang trang như hôm nay cũng là nhờ sự đoàn kết, đồng lòng cùng chia sẻ khó khăn, tương trợ lẫn nhau của bà con lương, giáo nơi đây.

Đây là năm thứ 7 xóm giữ vững danh hiệu làng văn hóa cấp huyện, hàng năm đều có từ 87 - 90% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Để tạo được sự đoàn kết trong bà con lương giáo, Ban cán sự xóm cũng như Ban hành giáo họ đã khéo léo gắn phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư với 10 nội dung của cuộc vận động “sống tốt đời, đẹp đạo” với nhiều cách làm hợp lòng dân. Đội ngũ cán bộ xóm có những người trong Ban hành giáo cùng tham gia nên mọi sinh hoạt của đồng bào lương giáo đều được bàn bạc thống nhất, hài hoà.

Ông Phan Vũ, thành viên Ban hành giáo Giáo họ Tân Dạ cho biết: Nếp sống văn hoá của bà con ở đây đã đổi mới nhiều, tinh thần đoàn kết lương giáo ngày càng thắt chặt. Các phong trào phát động, nghĩa vụ đối với Nhà nước đều được bà con thi đua thực hiện. Hằng năm bà con đều tham gia ký cam kết phòng chống các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Các hoạt động văn nghệ, thể thao đều được bà con hưởng ứng, thành lập được các câu lạc bộ hoạt động rất sôi nổi. Nhờ vậy xóm không có tệ nạn xã hội, việc cưới, việc tang được thực hiện tiết kiệm.

Bên cạnh đó, nhờ sự tích cực vào cuộc của Ban cán sự xóm phối hợp với Ban hành giáo họ bằng nhiều cách thức vận động hợp lòng dân nên xóm 10 là đơn vị điển hình của Diễn Thịnh trong dồn điền đổi thửa, từ 5 thửa/hộ nay còn chưa đầy 2 thửa/hộ. Thực hiện xây dựng NTM, các gia đình trong xóm đã đóng góp 1,2 triệu đồng làm hơn 800m đường bê tông, tham gia hiến đất, đóng góp ngày công lao động mở đường giao thông. Ông Cao Thông, Trưởng Ban văn hóa xã Diễn Thịnh cho biết: Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của xã đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, ban cán sự xóm và Ban hành giáo vận động bà con thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt tuyên truyền sâu rộng để bà con thực hiện tốt nội dung xây dựng khu dân cư tiên tiến, xây dựng gia đình, làng văn hóa.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều làng văn hóa xóm giáo tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh. Hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo" tiếp tục được các huyện, thành, thị quan tâm chỉ đạo tích cực. Cộng đoàn giáo dân đã hăng hái thi đua thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xây dựng gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá, làng văn hoá. Các hoạt động, thể dục thể thao được quan tâm và có bước phát triển tốt, trong dịp Tết Nguyên đán, các ngày lễ lớn của đất nước và giáo hội, quý cha quản xứ tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền giữa các chi hội, các giáo xứ, giáo họ, tạo nên sự gắn kết hài hòa đoàn kết, vui tươi phấn khởi trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh và các Ban Đoàn kết Công giáo đã động viên cộng đoàn giáo dân thực hiện có hiệu quả các phong trào xây dựng xứ họ tiên tiến, xây dựng gia đình, làng xã văn hóa, noi gương người tốt việc tốt, chăm lo sự nghiệp giáo dục, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển. Hiện nay, phong trào xây dựng đời sống văn hóa đang phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng đoàn giáo dân. Nhiều giáo xứ, giáo họ liên tục nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên như Giáo họ Yên Duệ, Trung Mỹ, Ân Hậu (Thành phố Vinh); Hưng Thịnh, Thượng Khê - xứ Kẻ Gai (Hưng Nguyên)...

T.Thủy - M.Giang

Mới nhất

x
Xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào có đạo: Kinh nghiệm từ thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO