(Baonghean) - Từ nhiều năm nay, Nhà nước dành nhiều nguồn vốn thông qua các chương trình, dự án: Chương trình 135/CP, Nghị quyết 30a… lồng ghép đầu tư thực hiện mô hình chăn nuôi, sản xuất tại địa phương, trong đó ưu tiên các huyện miền núi đặc biệt khó khăn.
Đây là chủ trương đúng, hợp lòng dân, nhằm mục đích khai thác tiềm năng, từng bước thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, việc xây dựng, thực hiện mô hình không sát thực tế nên hiệu quả thấp. Ở xã Châu Thôn, huyện Quế Phong là ví dụ.
Xã Châu Thôn, huyện Quế Phong trong những năm qua được nguồn vốn của Nghị quyết 30a và các chương trình khác đầu tư khá nhiều để thực hiện mô hình phát triển cây trồng, vật nuôi. Thế nhưng, khi hỏi về tính hiệu quả của mô hình, ông Vi Văn Chín - Chủ tịch UBND xã, cho biết: 4 năm qua, nguồn vốn của Nghị quyết 30a hỗ trợ đầu tư cho địa phương các vật nuôi như bò, lợn, gà đen, vịt bầu quỳ, ong mật và cá giống; cây trồng, có: ngô, lạc, vừng, rau đậu các loại. Song, đánh giá một cách khách quan, chỉ có con bò và lợn đen là phù hợp với điều kiện thực tế, phát triển khá tốt, bà con duy trì và nhiều hộ thoát nghèo từ hỗ trợ vật nuôi. Số còn lại, sau khi kết thúc mô hình là hết, bà con không làm theo nhân rộng. Ví như, mô hình nuôi ong lấy mật tại bản Cỏ Nghịu, từ giữa năm 2013 đến nay, đánh giá là thất bại!
 |
Trồng nấm rơm tại gia đình anh Lộc Văn Sơn. |
Anh Lộc Văn Sơn - Trưởng bản Cỏ Nghịu, cho biết, năm 2013 bản có 10 hộ được nhà nước cấp ong về nuôi, đến nay chỉ còn hộ anh Lộc Văn Tý duy trì được đàn ong, số còn lại ong bốc bay hết. Đưa chúng tôi đến gia đình anh Tý, xem đàn ong. Căn nhà sàn của gia đình anh nằm ở vùng trung tâm bản. Ngay phía dưới gầm nhà sàn là 3 tổ ong mật đặt sát chân cột nhà. Anh Tý hồ hởi khoe: Được nhà nước hỗ trợ 2 tổ ong từ giữa năm 2013, trong quá trình nuôi, gia đình tách được thêm 2 tổ, đã bốc bay 1 tổ, hiện còn 3 tổ… Nói rồi, anh Tý nhấc nhẹ tấm che phía trên của một tổ ong, thấy phía trong có 6 cầu, mỗi cầu đang được phủ lớp mật khá dày. Hỏi, trước khi nuôi ong, anh có được tập huấn về kỹ thuật nuôi ong mật không? Anh Tý cho biết là có, nhưng không hiểu lắm? Khi tập huấn, cán bộ hướng dẫn đặt tổ ong chỗ nào? Anh Tý trả lời là đặt dưới gốc cây. Sao anh không đặt tổ ong dưới gốc cây? Vì nhà không có đất vườn, nên không có cây. Biết đặt dưới gầm nhà là không hợp lý. Anh Tý cũng cho biết, những hộ trong bản được hỗ trợ nuôi ong mật đều đặt ong dưới sàn nhà, nay đã bị bốc bay hết. Việc đặt tổ ong ngay dưới sàn nhà là không phù hợp. Theo tìm hiểu được biết, những hộ nuôi ong giỏi thường đặt ong dưới gốc cây ngoài vườn, hoặc trên đồi, nơi có môi trường trong lành, sạch sẽ, mát mẻ, vì con ong mật rất nhạy cảm với môi trường, là thứ côn trùng rất “khó tính”.
Theo trưởng bản Lộc Văn Sơn, ở bản này chỉ phù hợp với chăn nuôi lợn, bò địa phương, vì đây là những vật nuôi mang tính tập quán lâu đời của đồng bào người Thái, không nên hỗ trợ bà con các loại cây trồng, vật nuôi quá xa vời, đòi hỏi phải áp dụng KHKT cao. Tốt nhất là hỗ trợ lợn đen, bò vàng địa phương, hoặc trồng các loại cây trồng phù hợp với đất dốc, như cây xoan, dưa rẫy. Hay như mô hình trồng nấm rơm do UBND huyện đầu tư thực hiện tại gia đình anh Sơn từ đầu năm 2014, được đánh giá là hiệu quả. Theo anh Sơn, trồng nấm không khó, tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp làm vật liệu, sản phẩm làm ra dễ bán trên thị trường tại chỗ. Tới đây, anh sẽ đầu tư xây dựng mô hình quy mô lớn hơn.
Ông Vi Văn Chín trao đổi thêm, trong thời gian tới, nguồn vốn của Nghị quyết 30a cũng như các nguồn vốn khác, cần dựa vào tính thực tế của từng địa phương để đầu tư cho hiệu quả. Ở Châu Thôn, phần lớn là đồng bào Thái, lâu nay quen với việc chăn nuôi lợn, bò thì tập trung vào 2 vật nuôi đó. Còn vịt bầu quỳ và gà đen không phù hợp, vì đòi hỏi phải áp dụng kỹ thuật cao, trong khi mỗi hộ chỉ được hỗ trợ ít con, nên bà con bỏ bê, hoặc không nhân giống. Ví như cây chanh leo, mặc dù đã được trồng nhiều ở xã Tri Lễ (cách Châu Thôn 10 km), chất lượng cao, vừa rồi đưa vào trồng thử nghiệm mô hình ở Châu Thôn, cho thấy quả khá nhiều quả, song chất lượng kém, có nhiều vị chua, không ngọt như chanh leo trồng ở Tri Lễ. Nguyên nhân, có thể là do thời tiết ở Châu Thôn không phù hợp. Theo ông Chín, thời gian tới, nhà nước cần hỗ trợ mang tính tập trung hơn. Với con lợn, trước đây hỗ trợ 2 con/hộ, thì nay nên tập trung hỗ trợ 4 con/hộ, tạo điều kiện cho họ bỏ công chăm sóc, vươn lên thoát nghèo nhanh hơn. Đối với các mô hình cây trồng, cần đầu tư dài hơi, bằng cách giảm dần mức hỗ trợ, năm đầu hỗ trợ 100%, năm thứ hai hỗ trợ 70%, năm thứ 3 hỗ trợ 50%, theo hình thức giảm dần để bà con làm theo.
Như vậy, trước khi thực hiện mô hình cây trồng, vật nuôi tại địa phương nào đó, các cấp, ngành cần nghiên cứu kỹ thế mạnh của từng vùng để đầu tư. Mô hình thành công, trước hết đánh giá hiệu quả kinh tế sau khi thực hiện xong mô hình, sau đó bà con nông dân áp dụng và nhân ra diện rộng. Nếu như bà con nông dân không tiếp tục áp dụng, nhân ra diện rộng, thì coi như mô hình đó thất bại!
Xuân Hoàng