Xây dựng mô hình sản xuất ở miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số - Thiếu tính bền vững
Lâu nay Đảng và Nhà nước đã đầu tư nhiều kinh phí để xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Tất cả các mô hình đều thành công, nhưng khi cán bộ rút, thì các mô hình đó lại không duy trì được, gây lãng phí tiền của của Nhà nước.
(Baonghean) - Lâu nay Đảng và Nhà nước đã đầu tư nhiều kinh phí để xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Tất cả các mô hình đều thành công, nhưng khi cán bộ rút, thì các mô hình đó lại không duy trì được, gây lãng phí tiền của của Nhà nước.
Đơn cử tại huyện miền núi Con Cuông, nhờ đem giống mới vào sản xuất chăn nuôi và tích cực khai hoang, phục hóa, diện tích cây lúa nước trước đây chỉ có 800 – 900 ha, thì năm 2012 toàn huyện đã có trên 1.900 ha ruộng lúa nước 2 vụ; Diện tích sản xuất ngô, lạc, đậu trên 2.000 ha, sản xuất 1 năm 3 vụ. Năng suất lúa trước đây chỉ đạt 15-18 tạ/ha/năm, thì nay, nhờ đưa giống mới vào đã đạt 55-60 tạ/ha/vụ. Nhiều thôn bản nhờ biết đầu tư chăm bón tốt như bản Pha, bản Tờ, bản Nưa (Yên Khê); bản Xiềng, Thái Sơn, Nam Sơn (Môn Sơn); bản Thanh Bình, Tổng Xan (Thạch Ngàn).. năng suất lúa nước đạt 80-90 tạ/ha/vụ. Tổng sản lượng lương thực năm 2012 của toàn huyện đạt kỷ lục trên 29.317 tấn, đưa bình quân lương thực đạt trên 450 kg/người/năm.
Mô hình rau sạch ở thôn Quyết Tiến (Chi Khê - Con Cuông).
Bên cạnh lúa nước, Con Cuông còn xây dựng trên 3.000 mô hình trang trại nông, lâm kết hợp, vườn, ao, chuồng, rừng (VACR), đến nay có trên 300 mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả cao, cho thu nhập 100 – 150 triệu đồng/năm/hộ. Phát huy thế mạnh đồng cỏ miền núi, nhiều hộ phát triển chăn nuôi trâu bò hàng chục đến hàng trăm con như hộ ông Lê Viết Dinh (bản Đình), Lê Văn Hiến (bản Mét, xã Bình Chuẩn); hộ ông Dương Văn Phú (bản Pha, xã Yên Khê) và nhiều hộ khác ở xã Lục Dạ, Mậu Đức, Thạch Ngàn, Đôn Phục… Hai năm trở lại đây huyện Con Cuông tập trung xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa như: Mô hình trồng bí xanh, dưa hấu tại bản Mét, xã Lục Dạ; mô hình trồng hành tăm xuất khẩu ở xã Yên Khê, trồng ớt cay ở xã Bồng Khê; chăn nuôi lợn đen giống địa phương tại xã Chi Khê; trồng dưa leo, trồng bí tại Lạng Khê… Tất cả các mô hình trên đều được tiến hành ở vùng bà con các dân tộc thiểu số, được hướng dẫn kỹ thuật đầu tư vốn, giống, bao tiêu sản phẩm, các mô hình triển khai đều thành công ngoài mong đợi. Các địa phương đưa mô hình vào áp dụng, đời sống thu nhập của bà con được cải thiện rất lớn, các cánh đồng trên cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/ha.
Điều đáng bàn ở đây là tất cả các mô hình trên khi có cán bộ, có sự hỗ trợ vốn, giống, phân bón.. thì bà con sản xuất, chăn nuôi thành công. Ngược lại khi cán bộ rút, kinh phí không còn hỗ trợ, bà con không tiếp tục triển khai, mô hình không phát huy hiệu quả. Cụ thể như việc huyện Con Cuông đưa cây ngô đông vào trồng trên đất hai vụ lúa tại các xã Môn Sơn, Lục Dạ, Yên Khê, Thạch Ngàn… Khi có cán bộ tập trung chỉ đạo cùng ăn, cùng ở, cùng làm, những cánh đồng ngô đông trên đất hai lúa ở Môn Sơn, Lục Dạ, Thạch Ngàn... xanh tốt. Sau gần 100 ngày triển khai cho vụ ngô đông trên ruộng lúa có năng suất cao 60-70 tạ/ha. Năm sau huyện tiếp tục triển khai, nhưng khi cán bộ rút, ngô ngập nước bà con không tháo, không đầu tư chăm bón và tất yếu thất bại, vụ năm tiếp bà con không làm nữa, mô hình ngô đông trên đất hai lúa thất bại. Các mô hình sản xuất rau hàng hóa tại Lục Dạ, Yên Khê, mô hình chăn nuôi lợn tại Chi Khê.. cũng chỉ tiến hành khi có cán bộ, có kinh phí đầu tư. Khi các yếu tố trên không còn, các mô hình thất bại.
Chưa hết, tại huyện Tương Dương, cách đây chục năm Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để khai hoang ruộng lúa nước hai bên khe Huội Nguyên, Khe Yên tại các xã Yên Hòa, Yên Na, Yên Thắng. Nhờ có kinh phí đầu tư khai hoang, những ruộng lúa bậc thang hai bên các con khe kể trên năm nào cũng cho hai vụ lúa tốt xanh, năng suất không kém vùng đồng bằng. Khi có chủ trương tận thu vàng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, thay vì những cánh đồng lúa trước đây, nay là những bãi đá cuội ngổn ngang, bởi do khai thác vàng để lại. Hàng chục ha ruộng, tốn hàng chục tỷ đồng nay không còn và không thể còn vì đào đãi vàng. Bà con đã bán cả ruộng cho những người khai thác vàng?!
Rồi hàng chục đề án trồng cây, trồng rừng... chưa thống kê hết, nhưng chắc chắn không còn, không hiệu quả. Tiền ngân sách Nhà nước mất và rừng vẫn bị tàn phá nghiêm trọng.
Như vậy, việc triển khai đưa các mô hình, dự án đến với bà con các dân tộc đã khó, xây dựng được mô hình sản xuất thành công càng khó hơn. Nhưng khi xây dựng, triển khai các mô hình thành công, sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, thì chúng ta không tổ chức bàn giao, không gắn trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền địa phương được hưởng dự án phải tiếp tục giữ, nhân rộng mô hình, mà khoán mặc cho bà con, nên các mô hình không thể tiếp tục.
Bài, ảnh: Phùng văn Mùi (Huyện ủy Con Cuông)