Xây dựng nếp sống văn hóa ở Anh Sơn: Hướng đến lợi ích thiết thực

23/12/2014 10:29

(Baonghean) - Trong nhiều nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, huyện miền núi Anh Sơn tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai tốt 2 nội dung: thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang và duy trì hiệu quả hoạt động các tổ tự quản.

Về thôn 8, xã Tường Sơn, bên ấm chè gay nóng hổi, Thôn trưởng Nguyễn Bá Tùng cho biết: Dưới sự hướng dẫn của ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hoá xã, xóm đã xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước thống nhất về việc cưới, việc tang. Trong lễ cưới, các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu không hình thức, không rườm rà, không có việc đòi hỏi lễ vật hoặc thách cưới. Đặc biệt, đối với tất cả các đám cưới trong thôn, Ban Cán sự đều phối hợp với Ban Công an xã đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện tốt các quy định của huyện đã được ghi vào hương ước như không mở nhạc trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu…

Đối với việc tang, khi có người qua đời, xóm lập tức thành lập Ban Lễ tang, ngoài việc phúng viếng, chia buồn, còn có nhiệm vụ vận động người nhà mai táng kịp thời, không để kéo dài quá 24 giờ, chỉ treo cờ tang tại địa điểm tổ chức lễ tang, không rải tiền trên đường đưa tang, các nghi thức cúng thực hiện gọn nhẹ trong ngày và trong nội bộ gia đình, dòng họ. Đặc biệt, Ban Cán sự thôn quy định, khi trong thôn, bản có người qua đời các gia đình trong thôn, bản đóng góp một khoản tiền từ 30 - 50 ngàn đồng, được ghi chép đầy đủ vào sổ theo dõi của thôn, trở thành tiền viếng của cả xóm, vừa động viên tinh thần vừa an ủi phần nào cho gia chủ. Khi tổ chức lễ tang, tất cả các hộ trong thôn phải cử đại diện tham gia đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng, giúp gia đình làm các công việc khác. Sau tang lễ, Ban Cán sự thôn đã phân công các hộ thường xuyên lui tới để động viên, an ủi gia chủ. Nhờ đó, tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt, người dân đoàn kết thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, chính quyền cấp trên.

Buổi sinh hoạt của tổ tự quản 1, thôn 8, xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn).
Buổi sinh hoạt của tổ tự quản 1, thôn 8, xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn).

Anh Nguyễn Hữu Vân - Phó Chủ tịch UBND xã Tường Sơn cho biết thêm: “Xã Tường Sơn có 14 thôn, bản, trước đây việc cưới việc tang thường kéo dài nhiều ngày, đặc biệt ở 2 bản đồng bào dân tộc thiểu số là Ồ Ồ và Già Hóp. Nhưng với sự bám sát chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền xã, hiện tại, ở tất cả các thôn bản, việc cưới việc tang đều được rút gọn, không có thuốc lá trong đám cưới. Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi, sinh hoạt lành mạnh của người dân. Hiện xã có 12 hội trường (cả hội trường xã), nhà văn hóa đạt chuẩn, có hội trường từ 120 chỗ ngồi trở lên. Tất cả các thôn đều có đội văn nghệ, các đội bóng đá, bóng chuyền. Toàn xã có 14 CLB phòng chống ma tuý, mại dâm và 8 CLB vị thành niên, thanh niên trẻ được duy trì sinh hoạt thường xuyên mỗi tháng 1 lần góp phần hạn chế, phòng ngừa tệ nạn ma tuý, mại dâm. Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được triển khai và thực hiện trên nhiều lĩnh vực như: Các đường làng, ngõ thôn đều được quét dọn thường xuyên và thắp bóng sáng vào ban đêm; mỗi gia đình tự xây hố rác, phân các loại rác và tự tiêu hủy theo quy định; các công trình vệ sinh đúng quy cách... Đến nay, xã có 10/14 thôn, bản đạt chuẩn văn hóa, 79,8% gia đình văn hoá, 26,5% gia đình thể thao...

Xuôi theo Quốc lộ 7, tìm về thôn 8, xã Lĩnh Sơn, ấn tượng đầu tiên là cổng làng khang trang, được xây dựng với kinh phí gần 100 triệu đồng, do con em địa phương làm ăn xa thành đạt đóng góp. Nhà văn hóa, sân bóng chuyền khang trang, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, rộng rãi, sạch đẹp. Dẫn tôi đi một vòng quanh thôn, Trưởng xóm Đinh Viết Sâm cho biết: “Thôn 8, xã Lĩnh Sơn có hơn 120 hộ với hơn 500 nhân khẩu. Thôn đã thành lập 7 tổ tự quản, sinh hoạt một tháng một lần với nhiều nội dung phong phú, thiết thực như trao đổi kinh nghiệm làm ăn, phổ biến các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước cũng như của địa phương, tổ chức hoà giải khi có mâu thuẫn xảy ra giữa các hộ trong tổ, trong mỗi gia đình, tuyên truyền vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt các quy ước, hương ước của xóm, xây dựng, giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo…

Có những trường hợp mâu thuẫn nhiều năm, thường xuyên để xảy ra bạo lực gia đình, nhờ sự vào cuộc tích cực, kiên trì của tổ tự quản nên đến nay gia đình đã yên ấm trở lại, vợ chồng chí thú làm ăn, tích cực tham gia các hoạt động của xóm, của xã. Đặc biệt bà con nhân dân trong tổ tự quản hàng tháng còn góp mỗi người từ 50.000 đến 100.000 đồng để làm quỹ cho các hộ gặp khó khăn vay…”. Anh Nguyễn Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Lĩnh Sơn cho biết: “Mô hình tổ tự quản đã được triển khai ở 14/14 thôn của xã từ nhiều năm qua và hoạt động của các tổ tự quản được gắn với hoạt động xây dựng gia đình văn hóa. Cùng với các tổ tự quản, xã đã phát động và xây dựng 15 điểm tin cậy phòng, chống bạo lực gia đình, củng cố, duy trì có hiệu quả 14 tổ hoà giải, từ năm 2007 đến nay đã hoà giải được 35 vụ xích mích, mâu thuẫn trong gia đình, đặc biệt hoà giải thành công 12 cặp vợ chồng nộp đơn xin ly hôn trở lại đoàn tụ... Nhờ đó, tỷ lệ Gia đình Văn hóa của xã hàng năm tăng từ 2-3%”.

Anh Nguyễn Tất Thành, Trưởng phòng VH - TT huyện Anh Sơn, cho biết: “Hiện nay, Phòng VH - TT huyện đang tham mưu cho chính quyền các cấp thực hiện thêm một số nội dung văn hóa trong việc cưới, việc tang như khuyến khích cô dâu, chú rể và gia đình đặt hoa tại đài tưởng niệm liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ, di tích lịch sử - văn hoá; trồng cây lưu niệm tại địa phương trong ngày cưới… Về xây dựng hương ước và thành lập các tổ tự quản, đến nay, có 248/252 khối, thôn, bản có hương ước, 100% các khối, thôn, bản thành lập được các tổ tự quản, góp phần rất lớn vào việc đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình, giúp nhau phát triển kinh tế… ở các khu dân cư. Tiêu biểu là các xã Đức Sơn, Lĩnh Sơn, Hoa Sơn…

Hiện 21/21 xã, thị trấn của huyện Anh Sơn về cơ bản đã có các thiết chế VHTT đáp ứng như cầu sinh hoạt của nhân dân, trong đó có 16 xã có hội trường, nhà văn hóa đạt chuẩn, 17 xã có điểm bưu điện văn hóa, 8 xã có thư viện, 10 xã có phòng đọc, 10 xã có phòng trưng bày truyền thống; 100% xã có đài truyền thanh. Toàn huyện có 128 sân bóng đá, 284 sân bóng chuyền, tất cả các xã đều có đội văn nghệ, đội bóng đá, bóng chuyền, số lượng nòng cốt từ 10 - 15 người, thường xuyên luyện tập và tham gia các giải đấu hàng năm do huyện, xã tổ chức. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, vào dịp ngày “Đại đoàn kết toàn dân” (18/11), huyện tổ chức ngày hội văn hóa vùng biên giới với nhiều hoạt động sôi nổi: thi đấu bóng chuyền, thi kéo co, ẩm thực, giao lưu văn nghệ, múa lăm vông, uống rượu cần.

Từ sự lan tỏa của những hoạt động đó, đến nay, toàn huyện có 123/252 thôn, bản được công nhân danh hiệu Làng Văn hóa, trong đó có 42 đơn vị giữ vững danh hiệu Làng Văn hóa; có hơn 21.282 hộ đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa, chiếm tỷ lệ 76,5% trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 1.270 hộ, đạt 70%. Để nâng cao chất lượng hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã vận động các gia đình thực hiện tốt chính sách dân số - KHHGĐ; phát huy hiệu quả các nhà văn hóa thôn, bản; cải thiện công tác vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, phòng chống dịch bệnh…”

Minh Quân

Mới nhất
x
Xây dựng nếp sống văn hóa ở Anh Sơn: Hướng đến lợi ích thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO