Xây dựng ngành Thuỷ lợi ứng phó với biến đổi khí hậu

23/12/2011 15:05

(Baonghean.vn) Mới thành lập 5 năm nhưng Hội Thuỷ lợi Nghệ An có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển ngành Thuỷ lợi Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung. Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Hữu Lực, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi để làm rõ thêm vấn đề này.

(Baonghean.vn) Mới thành lập 5 năm nhưng Hội Thuỷ lợi Nghệ An có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển ngành Thuỷ lợi Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung. Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Hữu Lực, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi để làm rõ thêm vấn đề này.


P.V: Xin đồng chí cho biết kết quả nổi bật mà Hội đã giành được trong 5 năm qua?


Đồng chí Trần Hữu Lực: Hội Thuỷ lợi Nghệ An mới thành lập tháng 5/2006, đến nay mới hơn 5 năm hoạt động. Quả thực so với nhiều hội khác trên địa bàn thì Hội Thuỷ lợi còn rất trẻ, lại chưa có mô hình nên quá trình hoạt động gặp không ít khó khăn, nhưng với cố gắng của mình Hội đã tổ chức được nhiều hoạt động tốt, được các cấp, các ngành đánh giá cao, xếp vào danh sách là hội mạnh.



Công trình tràn xả lũ hồ chứa nước Vực Mấu vừa được cải tạo nâng cấp


Thành tích của Hội giành được khá nhiều, nhưng nổi bật là Hội đã sớm quy tụ được những người làm công tác thuỷ lợi (kể cả đương chức và nghỉ hưu) để tham mưu xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển thuỷ lợi trên địa bàn; tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách về đẩy mạnh phát triển thuỷ lợi, dịch vụ tư vấn, lập dự án, khảo sát thiết kế, thẩm định, phản biện, giám sát chất lượng; kiểm tra an toàn các công trình thuỷ lợi, đê kè, cấp thoát nước, chống ô nhiễm và bảo vệ môi trường.

Cụ thể, Hội đã cùng Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND tỉnh thúc đẩy quá trình đầu tư xây dựng một số dự án lớn, trọng điểm như: Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, Dự án Cống Nam Đàn; các dự án nâng cấp các hồ chứa ở Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương; các hệ thống trạm bơm, đê biển và khởi động nhiều dự án quan trọng đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xâm nhập mặn như: Đề xuất xây dựng cống giữ ngọt ngăn mặn Bến Thuỷ, cống ngăn mặn, giữ ngọt sông Mơ và Dự án Tu sửa, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi Bắc Nghệ An bằng nguồn vốn của tổ chức Zi-ca Nhật Bản nhằm nâng cao năng lực đối phó với hạn hán, lũ lụt, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bên cạnh đó, Hội còn tham gia lập quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước Vực Mấu, hồ chứa nước Sông Sào được Bộ NN&PTNT thẩm định phê duyệt, đáp ứng chủ trương bảo đảm an toàn hồ chứa. Đặc biệt, Hội đã tổ chức tốt hoạt động phản biện các cơ chế chính sách, phản biện xã hội và các công trình như: Phản biện Nghị định 154 về miễn thuỷ lợi phí không chỉ cho nông dân trồng lúa vùng có hệ thống thuỷ lợi do Nhà nước đầu tư, quản lý mà cho cả các đối tượng ở tất cả các công trình thuỷ lợi, đem lại sự công bằng cho nhân dân được hưởng thụ chính sách lớn của Nhà nước; phản biện đề xuất phương án bổ sung hợp phần đập phụ, kênh cách ly, kênh tiêu để bảo vệ xã Châu Bình của Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng. Kết quả, đã giữ được 600 hộ dân không phải di dời, 3,2 km Quốc lộ 48 tránh ngập, làm lợi cho Nhà nước gần 60 tỷ đồng. Đây cũng là công trình khoa học sáng tạo được Liên hiệp các hội KHKT Nghệ An tặng giải thưởng đặc biệt và Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tặng giải Ba năm 2011.


Ghi nhận những đóng góp xuất sắc đó, 5 năm qua, Hội vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN& PTNT, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam, ngành, TƯ và UBND tỉnh tặng bằng khen.


P.V: Thưa ông, yếu tố nào đã góp phần đưa Hội hoạt động tích cực, hiệu quả đem lại thành tích xuất sắc đó?


Đồng chí Trần Hữu Lực: Để giành được kết quả trên, Hội đã có nỗ lực rất lớn, trong đó phải kể đến các đồng chí trong Ban thường vụ, BCH Hội rất tâm huyết, trách nhiệm và đã có nhiều sáng tạo trong hoạt động. Từ đó, Hội đã tập hợp được trí lực của mỗi hội viên, tranh thủ được sự lãnh đạo của các cấp, các ngành để xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động sát đúng, thiết thực.

Chẳng hạn, để khắc phục khó khăn về kinh phí, tạo sự phát triển bền vững, Hội đã đề xuất thành lập trung tâm tư vấn ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thủy lợi đảm bảo đủ năng lực, tư cách pháp nhân để nhận và thực hiện các đề tài, các hợp đồng kinh tế đạt chất lượng. Cũng chính nhờ có trung tâm mà đội ngũ cán bộ khoa học, nhất là số đã nghỉ hưu đang có kinh nghiệm, kiến thức, sức khỏe được cống hiến cho ngành và Hội có thêm nguồn thu phục vụ kịp thời các hoạt động, không phải vất vả đi xin kinh phí như một số hội khác.


P.V: Được biết, ngày mai Hội tổ chức Đại hội, vậy nhiệm kỳ này Hội sẽ làm gì để giúp ngành ứng phó với biến đổi khí hậu?


Đồng chí Trần Hữu Lực:: Chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ, BCH Hội cũng đã bàn và thống nhất nhiệm vụ nhiệm kỳ tới Hội tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tiếp tục tham mưu tốt nhất cho cấp ủy, chính quyền và ngành triển khai các biện pháp, chính sách, thực hiện tốt các chương trình, dự án thủy lợi, đối phó kịp thời với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn và tình hình hạn hán, bão lũ gia tăng.

Đồng thời, làm tốt công tác phản biện một số hạng mục công trình quan trọng như công trình hồ chứa nước Bản Mồng. Trên cơ sở đó góp phần cùng ngành nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thủy lợi, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo hướng CNH-HĐH, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, hạn chế những thiệt hại do thiên tai, hạn hán, bão lụt, nước biển dâng gây ra.


P.V: Xin cảm ơn đồng chí!


Hải Yến (Thực hiện)

Mới nhất
x
Xây dựng ngành Thuỷ lợi ứng phó với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO