Xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm du lịch vùng Bắc Trung bộ

29/04/2014 15:00

(Baonghean) - Với những tiềm năng, lợi thế rất lớn cho phép Nghệ An phát triển đa dạng các loại hình du lịch, nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, góp phần tích cực thực hiện NQ 26 - NQ/TƯ với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch vùng Bắc Trung bộ vào năm 2020. Đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy đã dành cho PV Báo Nghệ An cuộc trao đổi về định hướng cũng như giải pháp để đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch trong thời gian tới.

Phóng viên: Thưa Bí thư, đồng chí đánh giá như thế nào về tiềm năng, triển vọng phát triển kinh tế du lịch Nghệ An hiện tại cũng như trong thời gian tới?

Đồng chí Hồ Đức Phớc: Nghệ An là một tỉnh lớn nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung bộ, có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch. Về tài nguyên nhân văn: Nghệ An là mảnh đất đã sản sinh nhiều danh nhân lịch sử, nhà khoa bảng, nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng như Mai Hắc Đế, thi sĩ Hồ Xuân Hương… Đặc biệt, Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một danh nhân văn hóa thế giới và anh hùng giải phóng dân tộc. Hiện nay, Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn, hệ thống di tích gắn với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Chính phủ công nhận Di tích văn hóa cấp quốc gia hạng đặc biệt.

Đồng chí Hồ Đức Phớc giới thiệu văn bia  tại đền Quang Trung cho Giáo sư - Viện sỹ  Hồ Hoàng Mật.  Ảnh: Sỹ Minh
Đồng chí Hồ Đức Phớc giới thiệu văn bia tại đền Quang Trung cho Giáo sư - Viện sỹ Hồ Hoàng Mật. Ảnh: Sỹ Minh

Với truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc, chinh phục tự nhiên và xã hội đã tạo cho Nghệ An một bề dày văn hóa, lịch sử, kho tàng văn hóa kiến trúc với hơn 1.000 di tích đã được công nhận. Trong đó có 125 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Là một tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc mang một bản sắc văn hóa, ngôn ngữ riêng giàu truyền thống. Nghệ An là cái nôi của nền văn hóa dân gian đặc sắc, có nhiều di sản văn hóa phi vật thể giá trị, tiêu biểu với những điệu hò, hát phường vải, hát đò đưa… Du khách đến với bất kỳ lễ hội nào của tỉnh Nghệ An đều có thể thưởng thức loại hình sinh hoạt văn hóa đặc sắc này. Trong các giá trị đó, dân ca ví dặm đang trong quá trình lập hồ sơ đề nghị công nhận văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Truyền thống văn hóa giàu bản sắc là điều kiện rất quan trọng để đẩy mạnh phát triển du lịch.

Cọn nước Châu Tiến
Cọn nước Châu Tiến
Lễ rước bằng Di tích chùa Đảo Ngư
Lễ rước bằng Di tích chùa Đảo Ngư
Khu du lich Bãi Lữ
Khu du lich Bãi Lữ

Tài nguyên thiên nhiên của Nghệ An phong phú, đa dạng, hiện còn lưu giữ được vẻ hoang sơ, chưa bị tác động nhiều của con người, tiêu biểu như hệ thống rừng nguyên sinh Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt đã được UNESSCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nghệ An có bờ biển dài trên 80 km, có nhiều bãi tắm đẹp, trong đó điển hình là bãi tắm Cửa Lò với lịch sử hình thành 107 năm, đang trở thành một đô thị du lịch biển có dịch vụ phát triển. Từ bãi tắm trung tâm đang kết nối hình thành các tour tuyến mở rộng không gian du lịch vươn ra phía biển như bán đảo Lan Châu, đảo Ngư, đảo Mắt. Dọc theo tuyến biển, một loạt các bãi tắm cũng đang được quy hoạch đầu tư phát triển như: Khu du lịch cao cấp Bãi Lữ (Nghi Lộc), Khu du lịch biển Diễn Thành (Diễn Châu), Khu du lịch biển Quỳnh (Quỳnh Lưu)... Thành phố Vinh sau hơn 5 năm được công nhận Đô thị loại 1, đang khẳng định một đô thị năng động, trung tâm văn hóa - kinh tế vùng Bắc Trung bộ. Lợi thế vị trí bên dòng sông Lam, có núi Dũng Quyết... là những điều kiện rất quan trọng để Vinh trở thành đô thị có nét đặc trưng riêng, là điểm đến du lịch của tỉnh và cả nước. Miền Tây Nghệ An với sự đa dạng về địa hình tự nhiên, đa dạng về sinh thái có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh: Khu di chỉ khảo cổ học Làng Vạc (Thái Hòa), làng Thái cổ Châu Tiến (Quỳ Châu), làng văn hóa sinh hoạt cộng đồng người Thái ở Môn Sơn (Con Cuông); hệ thống các hang động, thác nước đẹp: hang Thẩm Ồm, hang Bua, thác Xao Va, thác Khe Kèm... rất thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch khám phá mạo hiểm.

Ngoài tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn có nhiều lợi thế, hạ tầng giao thông gồm bến cảng, sân bay, cửa khẩu, chợ, hệ thống khách sạn đang tập trung đầu tư dần hoàn thiện, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ. Nghệ An còn có tuyến giao thông đường sắt, đường bộ xuyên Việt, có QL1A, có đường Hồ Chí Minh đi qua, đồng thời là một trong những cửa ngõ quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây nối liền Myanma - Thái Lan - Lào - Việt Nam với biển Đông qua cửa khẩu Nậm Cắn, Cửa khẩu Thanh Thủy. Đó là những tiềm năng và lợi thế vô cùng quan trọng để Nghệ An mở rộng quan hệ hợp tác giao lưu kinh tế và đẩy mạnh phát triển du lịch với các nước trong khu vực.

Phóng viên: Là người từng giữ vai trò chủ trì ở Thị xã du lịch biển Cửa Lò và có nhiều sáng tạo, đóng góp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng Cửa Lò nhanh chóng trở thành đô thị du lịch biển văn minh, hiện đại, xin đồng chí đánh giá cụ thể hơn về tiềm năng của Cửa Lò trong chiến lược phát triển kinh tế du lịch của tỉnh?

Đồng chí Hồ Đức Phớc: Cửa Lò là đô thị du lịch trọng điểm của tỉnh Nghệ An được thành lập ngày 29/8/1994 theo Nghị định 114/NĐ-CP của Chính phủ. Với diện tích 28,2 km2, cơ cấu hành chính hiện nay gồm 7 phường dân số gần 6 vạn người. Thiên phú cho bãi tắm Cửa Lò trải dài, có độ dốc thoai thoải, cát mịn, nước trong và sạch, được du khách mọi miền trong nước và khách quốc tế ưa thích, được tổ chức Môi trường Thế giới và Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá là một trong 2 bãi tắm sạch nhất nước ta. Du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng Cửa Lò đã được bắt đầu từ năm 1907 khi người Pháp đã xây dựng khu nghỉ mát, mở ra một kỷ nguyên mới cho phát triển du lịch. Đến nay, Cửa Lò đã được công nhận đô thị loại III. Năm 2013, Cửa Lò đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTT và DL chọn quy hoạch là 1 trong 11 đô thị du lịch biển Bắc Trung bộ. Đặc biệt Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 nhấn mạnh định hướng: Xây dựng Thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, đào tạo; cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh. Vì vậy, Cửa Lò có vị trí quan trọng, đầu tàu và động lực phát triển du lịch của Nghệ An.

Qua 20 năm xây dựng và phát triển, từ một bãi tắm hoang sơ, Cửa Lò đã khẳng định là một Thị xã đô thị du lịch có sức hấp dẫn rất lớn, sầm uất, các dịch vụ phục vụ du khách được đầu tư xây dựng và phát triển hiện đại, môi trường tự nhiên và nhân văn hài hòa. Hiện nay, cùng với việc mở rộng không gian hướng ra biển và kéo dài phía Bắc và phía Nam, đẩy mạnh phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, kết nối với hệ thống kết cấu hạ tầng các huyện thị, đặc biệt là TP. Vinh và các tỉnh có đô thị du lịch sẽ tạo cho Cửa Lò triển vọng phát triển mới. Muốn vậy, Cửa Lò cần phải tập trung theo các định hướng sau:

- Xây dựng Cửa Lò trở thành trung tâm du lịch kết nối với các trung tâm du lịch trong nước và ngoài nước.

- Cửa Lò phải vươn ra biển Đông, lấy đảo Mắt, đảo Ngư làm điểm nhấn phát triển du lịch biển.

- Cửa Lò phải không ngừng hoàn thiện hạ tầng dịch vụ trở thành nơi nghỉ mát, tắm biển, vui chơi, giải trí mua sắm, nghỉ dưỡng, giáo dục - đào tạo của Khu vực.

Phóng viên: Tiềm năng, triển vọng phát triển du lịch của Nghệ An là rất lớn. Tuy nhiên, việc khai thác các loại hình du lịch cũng như đẩy mạnh phát triển ngành “công nghiệp không khói” này vẫn còn nhiều hạn chế. Vậy những hạn chế cần khắc phục là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Hồ Đức Phớc: Hoạt động kinh tế du lịch trong thời gian qua đã thu được nhiều kết quả to lớn trong việc đóng góp ngân sách, tạo công ăn việc làm, khẳng định ngành kinh tế quan trọng, góp phần tích cực thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, so với tiềm năng lợi thế và mục tiêu đặt ra thì vẫn chưa đạt. Đó là hoạt động du lịch trong tỉnh vẫn đang phát triển chủ yếu về chiều rộng, chất lượng, hiệu quả chưa cao; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có nhiều dự án đầu tư lớn, nhất là dự án đầu tư nước ngoài để tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, nên lượng khách du lịch quốc tế còn ít. Hầu hết các doanh nghiệp du lịch của Nghệ An đều có quy mô nhỏ, thiếu tính liên kết, hoạt động kinh doanh lữ hành còn thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh yếu, nhất là khả năng vươn ra thị trường quốc tế còn hạn chế. Kinh doanh lưu trú tuy có quy mô doanh thu khá nhưng công suất buồng, phòng bình quân mới chỉ đạt xấp xỉ 50%, chất lượng không đồng đều. Môi trường du lịch ở một số khu, điểm, nhất là vùng biển có nguy cơ xuống cấp do hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành du lịch chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách, thiếu các cán bộ quản lý, điều hành và hướng dẫn viên du lịch giỏi, công nhân lao động có tay nghề cao... Do vậy, ngành du lịch và các địa phương cần nhận thấy những hạn chế, yếu kém này để xây dựng kế hoạch, phướng hướng, giải pháp khắc phục.

Phóng viên: Để kinh tế du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh theo định hướng phát triển đến năm 2020 trở thành trung tâm du lịch vùng Bắc Trung bộ, trong thời gian tới, Nghệ An cần tập trung những nhiệm vụ gì, thưa đồng chí Bí thư?

Đồng chí Hồ Đức Phớc: Nghị quyết 26- NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã chỉ rõ định hướng: “Phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ”. Nghị quyết số 05 - NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVII) về phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn 2011 - 2020 và Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015 của UBND tỉnh đã xác định mục tiêu đến năm 2015, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch vùng Bắc Trung bộ, là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước, có cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, tương xứng là vùng trọng điểm du lịch của cả nước.

Để thực hiện mục tiêu trên, trước hết du lịch Nghệ An cần chuyển hướng mạnh sang phát triển về chiều sâu, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở khai thác những thế mạnh nổi bật về tài nguyên để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, có chất lượng cao với phương châm lấy giá trị văn hóa để tạo nên sự khác biệt, lấy môi trường sinh thái để phát triển bền vững. Trong đó, trọng tâm là: Khai thác có hiệu quả quần thể Khu di tích Kim Liên gắn với hệ thống các di tích trên địa bàn Nam Đàn trở thành khu du lịch Quốc gia, là điểm nhấn đặc biệt cho thương hiệu du lịch Nghệ An; phát triển bền vững sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển trên cơ sở xây dựng Thị xã Cửa Lò thành đô thị du lịch có môi trường trong sạch, dịch vụ đa dạng, hấp dẫn; xây dựng Vinh trở thành trung tâm điều phối khách du lịch và dịch vụ du lịch, mua sắm, vui chơi giải trí trong tỉnh, trong vùng. Từng bước đầu tư khai thác phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa cộng đồng các dân tộc vùng Con Cuông, Tương Dương và với Vườn quốc gia Pù Mát, vùng Quỳ Châu - Quế Phong; khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể như dân ca, ví, dặm, lễ hội truyền thống, làng nghề để phục vụ phát triển du lịch.

Để thực hiện được mục tiêu trên, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch như nâng cấp sân bay Vinh; khai thông Cửa khẩu Thanh Thủy để hình thành tour du lịch từ vùng Đông Bắc Thái Lan - Lào - Nghệ An và một số tuyến du lịch quốc tế bằng đường bộ; hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ tại các điểm đã khai thác du lịch....

Thứ hai, phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Lồng ghép, liên kết các loại hình du lịch tạo thành một chuỗi du lịch hợp lý, hấp dẫn như du lịch biển - du lịch văn hóa lịch sử - du lịch sinh thái...

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài trên cơ sở đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh; khuyến khích liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp với phương thức đào tạo theo địa chỉ, đơn đặt hàng.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, trong đó tập trung xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Nghệ An cũng như thương hiệu doanh nghiệp du lịch Nghệ An nhằm tạo dựng hình ảnh đối với bạn bè và du khách.

Thứ năm, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực để đầu tư vào các công trình du lịch trọng điểm đã được xác định, trước hết là về hạ tầng du lịch cho Thị xã Cửa Lò trở thành đô thị du lịch; chính sách khuyến khích phát triển các loại hình du lịch đặc thù: du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề…, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trên lĩnh vực du lịch, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo cơ hội, cơ chế khuyến khích thu hút các nhà đầu tư trên lĩnh vực này.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!

Hữu Nghĩa

(Thực hiện)

Mới nhất

x
Xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm du lịch vùng Bắc Trung bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO