Xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại Anh Sơn: Lợi hay hại?

18/12/2013 08:59

(Baonghean) - Huyện Anh Sơn vừa có tờ trình xin các ngành và UBND tỉnh về việc xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn huyện. Xung quanh vấn đề này, rất nhiều luồng ý kiến, quan điểm trái chiều nhau. Nên hay không - vấn đề cần phải có sự phân tích, nhìn nhận một cách thấu đáo, khách quan trên cơ sở phân tích điều kiện thực tế...

(Baonghean) - Huyện Anh Sơn vừa có tờ trình xin các ngành và UBND tỉnh về việc xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn huyện. Xung quanh vấn đề này, rất nhiều luồng ý kiến, quan điểm trái chiều nhau. Nên hay không - vấn đề cần phải có sự phân tích, nhìn nhận một cách thấu đáo, khách quan trên cơ sở phân tích điều kiện thực tế...

Có thể nói, việc huyện Anh Sơn đề xuất xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn trên diện tích 15 ha, sản lượng 20.000 tấn tinh bột/năm, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng suy thoái của nền kinh tế là tín hiệu mừng trong thu hút đầu tư, nhất là trên lĩnh vực chế biên nông, lâm sản. Khi nhà máy đi vào hoạt động, ngoài tạo việc làm cho hàng trăm lao động thì sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản do bà con làm ra. Tuy nhiên, đối với việc xây dựng thêm nhà máy chế biến tinh bột sắn, một lĩnh vực chế biến nông sản được coi là “nhạy cảm” và vùng nguyên liệu trong điều kiện gần như đã quy hoạch ổn định để phát triển các loại cây khác thì cần phải cân nhắc, phải bắt đầu từ thực tế cơ sở.

Dây chuyền chế biến sắn củ tại Nhà máy tinh bột sắn Intimex Thanh Chương.
Dây chuyền chế biến sắn củ tại Nhà máy tinh bột sắn Intimex Thanh Chương.

Anh Sơn có tổng diện tích tự nhiên 60.292 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chỉ hơn 14.445 ha, chiếm hơn 23% tổng diện tích. Trong số diện tích đất nông nghiệp hiện có đã bố trí hơn 3.500 ha đất sản xuất lúa nước, gần 2.000 ha đất bãi ven sông trồng các loại cây đậu, lạc. Gần 10.000 ha còn lại gồm đất màu đồng, đất màu đồi, thung lèn và đất đồi (feralit đỏ vàng phát triển trên đá phến sét) rất phù hợp với việc phát triển cây nguyên liệu, cây công nghiệp. Nhận thấy được thế mạnh này, Anh Sơn tập trung phát triển 3 loại công nghiệp chủ lực đó là: chè, mía và cao su. Với việc xác định rõ thế “chân kiềng” này, huyện đã quy hoạch và tập trung chỉ đạo thực hiện các vùng cây công nghiệp khá rõ nét, bước đầu khẳng định hiệu quả kinh tế.

Trước hết, đối với cây chè công nghiệp với diện tích hiện có 1.858 ha (trong đó diện tích chè kinh doanh 1.580 ha), năng suất bình quân 13 tấn/ha, tạo sản lượng chè búp tươi hơn 20.000 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho 3 nhà máy chế biến chè gồm 5 dây chuyền với tổng công suất chế biến 68 tấn/ngày và một số cơ sở chế biến chè tư nhân. Trên địa bàn huyện, từ lâu cây chè được xác định là một trong những cây chủ lực ưu tiên phát triển trong diện tích quy hoạch với việc đẩy mạnh thay thế diện tích chè hạt bằng chè cành giống LDP1, LDP2, đẩy mạnh phát triển chè từ vùng hữu ngạn sang tả ngạn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tăng năng suất chất lượng chè thương phẩm. Cũng nhờ đó mà Anh Sơn không chỉ xây dựng thương hiệu chè Nghệ An “Nghe an Tea” với các sản phẩm chè xanh, chè CTC, chè đen..., còn có thương hiệu “Chè Hùng Sơn” ngày càng khẳng định chất lượng. Cây chè đã chứng minh hiệu quả rất rõ trên vùng đất Anh Sơn với bình quân mỗi ha chè kinh doanh cho thu nhập 42 triệu đồng/năm, trừ chi phí người trồng chè thu lãi trên 30 triệu đồng/ha. Cá biệt, trên địa bàn có những diện tích đầu tư thâm canh, lắp đặt hệ thống tưới, năng suất lên đến 25-26 tấn/ha, cho doanh thu gần 100 triệu đồng/ha. Với diện tích gần 2.000 ha chè tại Anh Sơn đã góp phần tích cực trong việc ổn định diện tích chè toàn tỉnh gần 7.000 ha trên 3 huyện Thành Chương, Anh Sơn và Con Cuông, cho giá trị kim ngạch xuất khẩu của loại cây này mỗi năm trên 7 triệu USD.

Về cây mía nguyên liệu, mặc dù phát triển muộn hơn cây chè công nghiệp nhưng cùng với việc di dời nhà máy đường từ Hưng Phú (Hưng Nguyên) lên đứng chân tại xã Đỉnh Sơn đã tạo điều kiện thuận lợi để Anh Sơn quy hoạch và phát triển cây mía nguyên liệu. Với ưu điểm suất đầu tư thấp, dễ trồng, thích ứng với nhiều loại đất nên cây mía nguyên liệu đã trở thành cây xoá đói, giảm nghèo hữu hiệu không chỉ cho vùng hữu ngạn và khai thác được diện tích đất hoang hoá, hiệu quả thấp vùng tả ngạn. Tuy nhiên, sau rất nhiều vụ ép với giá đường xuống thấp, vùng nguyên liệu không đảm bảo đã gây ra những thăng trầm cho nhà máy. Hiện nay nhà máy đang duy trì diện tích mía đứng 1.400 ha/1.800 ha diện tích quy hoạch với sản lượng 100.000 tấn, cơ bản đảm bảo duy trì hoạt động của Nhà máy đường sông Lam. Tuy nhiên, theo ông Phan Đình Đức, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty CP Mía đường sông Lam thì công ty đang thực hiện kế hoạch nâng công suất nhà máy từ 750 tấn/ ngày lên 1.000 tấn/ ngày, bên cạnh tập trung đầu tư nâng cao năng suất, đòi hỏi phải đảm bảo phát triển diện tích vùng nguyên liệu theo quy hoạch, nếu không nhà máy sẽ đói nguyên liệu ngay trong chính vụ ép.

Còn đối với cao su, đây là cây khá mới trên địa bàn Anh Sơn, nhưng cũng được xác định sẽ trở thành cây chủ lực lâu dài của tỉnh. UBND tỉnh cũng đã quy hoạch diện tích trồng cao su trên địa bàn 3 huyện: Anh Sơn, Thanh Chương và Quế Phong với diện tích hơn 9.300 ha và Công ty CP cao su Nghệ An đầu tư trồng mới một cách bài bản. Đối với địa bàn huyện Anh Sơn, UBND tỉnh đã quy hoạch trồng hơn 4.600 ha cao su, tuy nhiên, sau khi điều chỉnh trả hơn 1.000 ha tại Cao Vều thì diện tích quy hoạch trồng còn lại 3.642 ha. Tại đây, Công ty CP cao su Nghệ An đã trồng được 1.600 ha. Mặc dù đây là cây mới trên đất Anh Sơn nhưng là cây chủ lực, lâu năm, vì vậy, phải thực hiện đúng quy hoạch, các giải pháp đồng bộ đảm bảo quy trình trồng, chăm sóc.

Trở lại việc huyện Anh Sơn đề xuất xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Hoa Sơn sản lượng 20.000 tấn tinh bột/năm và xin chủ trương quy hoạch vùng nguyên liệu sắn trên địa bàn 3 huyện Anh Sơn, nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương này Tương Dương và Kỳ Sơn không những gây ra nguy cơ phá vỡ “thế chân kiềng” của 3 loại cây công nghiệp kể trên, bởi cây sắn sẽ len lỏi vào vùng nguyên liệu đã quy hoạch trồng một số loại cây khác, làm hỏng kết cấu nguồn đa vi lượng trong đất mà sẽ còn phá vỡ quy hoạch đối với cây lâm nghiệp trên địa bàn các huyện còn lại.

Mặt khác, với sản lượng 20.000 tấn tinh bột/năm tương đương công suất chế biến 500 tấn sắn củ/ngày thì diện tích quy hoạch cần trên 3.000 ha sắn. Đây là điều rất khó khả thi, bởi tại huyện Anh Sơn, ngoài một số diện tích sắn trồng “chui” hiện có thì đất sản xuất nông nghiệp gần như đã khép kín quy hoạch; các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, theo ý kiến của ngành Nông nghiệp, mặc dù đất rộng nhưng đã quy hoạch cây lâm nghiệp, không thể phá rừng để trồng sắn. Diện tích đất nông nghiệp rất ít, phân tán, không tập trung, do vậy việc xây dựng một nhà máy với bán kính quy hoạch nguyên liệu lên đến 100 km, địa hình vô cùng khó khăn thì nhà đầu tư cần phải cân nhắc.

Ngoài ra, theo một số tài liệu trên lĩnh vực nông nghiệp và đã được chứng minh rõ trên thực tế, nếu phát triển cây nguyên liệu sắn trên diện tích lớn sẽ là tác nhân gây nên tình trạng sa mạc hoá tài nguyên đất, xói mòn, lũ lụt cục bộ làm ảnh hưởng đến môi trường. Các nhà khoa học trên lĩnh vực này cho biết: Rễ sắn lấy các chất hữu cơ trong đất và thải ra một loại axít có hại cho cây trồng, đồng thời làm chai cứng nền đất, huỷ diệt các loại vi sinh vật có lợi cho cây trồng. Ngoài ảnh hưởng đến tài nguyên đất như đã nói ở trên thì việc xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn gây nguy cơ cao ô nhiễm môi trường không khí lẫn môi trường nước. Thực tế, hầu hết các cơ sở chế biến tinh bột sắn khi mới đi vào hoạt động đều gây ô nhiễm môi trường và cũng phải mất rất nhiều năm, bằng sự trả giá mới phần nào khắc phục được tình trạng này.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn công suất tương đối lớn gồm: Nhà máy tinh bột sắn Intimex; Nhà máy tinh bột sắn Yên Thành thì cả 2 nhà máy này, thời gian đầu đi vào sản xuất đều trở thành những điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường. Đối với Nhà máy tinh bột sắn Intimex Thanh Chương sản lượng 32.000 tấn/năm đã hơn 10 năm đi vào hoạt động thì có đến hơn nửa thời gian đó, nhà máy đã phải vật lộn với việc khắc phục hậu quả của nước thải, khí thải gây ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và nguồn lợi thuỷ sản trên sông Rào Gang. Từ năm 2009, sau hơn 5 năm đi vào sản xuất, với sự hỗ trợ của Tập đoàn năng lượng AES (Hoa Kỳ) nhà máy đã đưa vào vận hành khu xử lý nước thải công nghệ CDM- công nghệ vi sinh thì vấn đề môi trường mới được xử lý, tình trạng ô nhiễm đã được giảm thiểu.

Còn Nhà máy tinh bột sắn Yên Thành do Tổng Công ty máy động lực đầu tư công suất chế biến chỉ bằng một nửa Nhà máy tinh bột sắn Intimex, tuy nhiên trong quá trình vận hành sản xuất do hệ thống hồ lắng lọc không đảm bảo, công nghệ xử lý môi trường không đảm bảo nên cũng đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với các vùng xung quanh. Chỉ khi áp dụng công nghệ CDM mới giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường.

Một thực tế hiện nay, mặc dù tỉnh đã quy hoạch vùng nguyên liệu 4.500 ha cho 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn (trong đó Nhà máy tinh bột sắn Intimex quy hoạch 2.500 ha tại Thanh Chương và một ít tại Nam Đàn; Nhà máy tinh bột sắn Yên Thành quy hoạch 1.500 ha chủ yếu tại Yên Thành) và các nhà máy sắn đã vào vụ chế biến tập trung. Song, qua khảo sát thực tế, niên vụ chế biến 2013-2014 do biến động về diện tích, sự thoái hoá của đất, năng suất giảm mạnh nên hầu hết các nhà máy đều trong tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến, nguồn nguyên liệu chỉ đảm bảo được 80% công suất.

Như vậy, từ thực tế đó có nên xây dựng thêm một nhà máy tinh bột sắn trên địa bàn huyện Anh Sơn - một huyện mà diện tích đất tự nhiên, đặc biệt đất nông nghiệp không lớn và quan trọng hơn là cơ bản diện tích đất đã quy hoạch cho những cây trồng chủ lực khác khẳng định hiệu quả kinh tế cao hơn, bền vững hơn cây sắn? Và việc xây dựng này có phù hợp không khi trong bối cảnh các nhà máy tinh bột sắn đã có lại đang trong tình trạng chưa đáp ứng đủ nguyên liệu cho công suất hiện có và nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi vào sản xuất? Ông Phạm Trung Thái - Chủ tịch HĐQT Công ty CP cao su Nghệ An nêu quan điểm: Công ty sẽ thực hiện nghiêm túc quy định của tập đoàn đó là trong thời gian cây cao su kiến thiết cơ bản (5,5 năm) chỉ cho phép trồng xen các loại cây họ đậu, cây có rễ nốt sần.., nghiêm cấm việc trồng xen cây sắn cao sản.Nếu phát hiện các hộ trồng xen sắn trong vùng đất quy hoạch cao su sẽ bị xử lý theo quy định và thu hồi lô.

Về phía ngành Nông nghiệp, ông Hồ Ngọc Sỹ, Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Thực hiện chủ trương không khuyến khích phát triển diện tích sắn của tỉnh, ngành yêu cầu trên diện tích đã được phê duyệt ở các địa phương, các đơn vị cần thực hiện nghiêm túc quy hoạch. Sở NN&PTNT sẽ rà soát lại quy hoạch các loại cây đã được duyệt thì khi đó mới có cơ sở để xác định huyện Anh Sơn có còn diện tích đất trồng sắn nữa không? Ông Hồ Ngọc Sỹ cũng đặc biệt nhấn mạnh ngoài vấn đề quy hoạch không được chồng chéo thì vấn đề công nghệ xử lý môi trường cần phải đặc biệt quan tâm nếu không muốn lặp lại tình trạng tại các nhà máy khác.

Như vậy, có thể nói, xét trên tất cả các điều kiện khách quan về địa điểm, quy hoạch đất đai, vấn đề ảnh hưởng đến quy hoạch những cây trồng đã ổn định diện tích, khẳng định hiệu quả và những tồn tại hạn chế của cây sắn nguyên liệu, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường khi nhà máy đi vào sản xuất..., cho thấy: việc xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn tại Anh Sơn cần phải được cân nhắc và xem xét một cách thật thấu đáo, phải trên quan điểm “lợi”- “hại” rõ ràng, minh bạch, theo tư duy tầm chiến lược dài hơi và thực sự hết trách nhiệm với phương châm vì lợi ích của người dân, vì sự phát triển của tỉnh.

Hưng Châu

Mới nhất

x
Xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại Anh Sơn: Lợi hay hại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO