Xây dựng Nông thôn mới: Bí quyết thành công ở Nghĩa Đồng
(Baonghean) - Xã Nghĩa Đồng - Tân Kỳ không có nhiều lợi thế như các xã vùng đồng bằng, xuất phát điểm trong xây dựng NTM chỉ có 8 tiêu chí. Thế nhưng, với sự chỉ đạo quyết liệt, biết tranh thủ mọi nguồn lực. đến nay, xã đã về đích nông thôn mới. Đây là niềm tự hào không chỉ của Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Đồng, mà còn là niềm tự hào của huyện Tân Kỳ.
(Baonghean) - Xã Nghĩa Đồng - Tân Kỳ không có nhiều lợi thế như các xã vùng đồng bằng, xuất phát điểm trong xây dựng NTM chỉ có 8 tiêu chí. Thế nhưng, với sự chỉ đạo quyết liệt, biết tranh thủ mọi nguồn lực. đến nay, xã đã về đích nông thôn mới. Đây là niềm tự hào không chỉ của Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Đồng, mà còn là niềm tự hào của huyện Tân Kỳ.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Qua Cầu Sen về với Nghĩa Đồng hôm nay, du khách không chỉ được đi trên những con đường bê tông đạt chuẩn kết nối trong toàn xã mà còn thấy được những mái nhà cao tầng, những khu xóm sầm uất bên những đồng dâu, nương mía xanh tươi. Với sự cố gắng của toàn hệ thống chính trị, Nghĩa Đồng đã xây dựng được hệ thống trường học, nhà văn hóa, sân vận động… tạo nên diện mạo nông thôn mới.
Trồng dâu nuôi tằm ở xóm 6, xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ). |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cánh đồng “một nhà một thửa” ở xã Nghĩa Đồng |
Sự phân công cụ thể là yếu tố quyết định thành công. Trên cơ sở nghị quyết chung, cấp ủy ban hành kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành, tổ chức trong hệ thống chính trị. UBND xã xây dựng các đề án, kế hoạch chi tiết, đề xuất các giải pháp để thực hiện. MTTQ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động thành viên trong khối mặt trận và nhân dân chung tay xây dựng NTM thông qua việc phát động các phong trào thi đua yêu nước; Hội Nông dân tuyên truyền, vận động hội viên tích tụ ruộng đất; làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa; Đoàn Thanh niên vận động đoàn viên, thanh niên thực hiện tốt đề án cưới, hỏi theo nếp sống văn minh; Hội LHPN ngoài việc tuyên truyền, hội đảm nhận thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường thông qua việc thành lập và đưa vào hoạt động 15 câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”; Hội Cựu chiến binh được cấp ủy phân công vận động hội viên đảm nhận đưa mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại ra đồng; Hội Người Cao tuổi có nhiệm vụ vận động con cháu chung tay xây dựng NTM;...
Nhà văn hóa xóm 6 xã Nghĩa Đồng. |
Anh Trần Văn Trung - Phó Bí thư Đảng ủy xã trao đổi: Sau khi phân công cụ thể, công tác tuyên truyền để thông tư tưởng được coi là yếu tố quyết định. MTTQ xã soạn thảo nhiều bài viết, nhiều chương trình tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hoá; tổ chức nhiều hội nghị từ xã tới xóm để tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện các tiêu chí NTM. Mặt khác, cấp uỷ giao nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên chịu trách nhiệm phụ trách nhóm hộ làm tốt công tác dân vận, tạo được sự đồng thuận gữa ý Đảng, lòng dân. Từ việc làm tốt công tác tư tưởng trong nhân dân, cấp uỷ Đảng, Ban chỉ đạo, trên cơ sở bộ tiêu chí Quốc gia để rà soát, đánh giá các tiêu chí đã đạt được, từ 8 tiêu chí, sau 3 năm, Nghĩa Đồng đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới .
Giải quyết từng tiêu chí
Để có được bộ mặt nông thôn khang trang, quy củ từ đường giao thông đến các công trình phúc lợi, chỉnh trang khu dân cư, đồng ruộng… thì quy hoạch là công việc hết sức quan trọng. Trên cơ sở thực tế, Ban chỉ đạo NTM của xã phối hợp với cơ quan tư vấn đã xây dựng quy hoạch tổng thể đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Công tác quy hoạch ở Nghĩa Đồng được bàn bạc dân chủ, công khai đến tận người dân, đồng thời, tiếp thu góp ý xây dựng của các đoàn thể và nhân dân.
Đối với tiêu chí nâng cao thu nhập, những năm trước đây, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, hơn 500 ha đất đồng bãi bạc màu, chia manh mún, cây trồng chủ yếu là ngô, lạc, đậu, sản xuất không hiệu quả, thu nhập chỉ đạt mức 30 triệu đồng/ha/năm. Xã đã quyết liệt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai như: cho người dân mượn thêm đất sản xuất, thâm canh mía, dâu; đưa trang trại ra đồng và có cơ chế kích cầu cho nông dân làm ăn hiệu quả. Cựu chiến binh Phan Văn Chính ở xóm 7 Nghĩa Đồng cho biết: Trước đây, tôi chỉ trồng mía, một năm chỉ được 35 - 40 triệu tiền lãi, nhưng nay, với chủ trương đưa trang trại ra đồng của xã, giúp tôi phát triển trang trại nuôi thêm 22 con bò và 50 con dê. Bên cạnh đó, gia đình còn trồng mía, trồng cỏ, nhờ vậy, thu nhập một năm cũng được hơn 100 triệu đồng. Thu nhập nâng lên là cơ sở để cùng với các anh em trong hội CCB tuyên truyền, đóng góp vào xây dựng nông thôn mới của xã.
Quá trình thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, vẫn còn một bộ phận nhân dân chưa tin sẽ có hiệu quả. Từ thực trạng đó, cấp uỷ đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên, hội viên nông dân tiêu biểu, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, đồng thời, UBND xã chọn vùng đất xấu nhất để đưa cây mía, cỏ vào chăn nuôi gia súc làm mô hình đối chứng. Từ hiệu quả rõ rệt của mô hình đối chứng và sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, hội viên Hội Nông dân, nhân dân đã dần làm theo. Kết quả, sau 3 năm chuyển đổi cây trồng theo hướng sản xuất cây, con hàng hóa, tạo vùng sản xuất chuyên canh. Đến nay, đã quy hoạch được diện tích trồng mía 370 ha; dâu tằm: 40 ha; cỏ 70 ha. So sánh sự hiệu quả trên một đơn vị diện tích đất sau chuyển đổi cho thấy: Trước đây, cây ngô cho thu nhập 25 - 30 triệu đồng/ha khi chuyển đổi sang cây mía cho thu nhập 80 triệu đồng/ha; Trồng cỏ chăn nuôi cho thu nhập 70 - 80 triệu đồng/ha. Đặc biệt, cây dâu tằm cho hiệu quả kinh tế từ 150 - 180 triệu đồng/ha. Các loại cây trồng sau khi chuyển đổi đều cho thu nhập cao gấp từ 2 - 3 lần. Đối với đất 2 lúa, Đảng uỷ tập trung chỉ đạo chuyển đổi theo tinh thần Chỉ thị số 08 CT/TU của Tỉnh uỷ ngày 8/5/2012 về “Dồn điền, đổi thửa” và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất theo quy mô lớn trong nông nghiệp. Hưởng ứng phong trào, MTTQ, các đoàn thể đã vào cuộc một cách đồng bộ, vận động nhân dân chuyển đổi đất. Đi đầu là Hội Nông dân, đã huy động hàng nghìn ngày công lao động để đào đắp trên 5.000m3 đất, bờ vùng, bờ thửa, tạo những ô thửa lớn. Nghĩa Đồng là xã đầu tiên trong toàn tỉnh thực hiện thành công “Xóm một đồng, nhà một thửa”. Song song với chuyển đổi cây trồng là quy hoạch chăn nuôi theo hướng phát triển gia trại, trang trại ra đồng. Qua 3 năm triển khai, đã phát triển 25 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hoá tập trung.
Từ hiệu quả trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thu nhập bình quân của người dân từ 10 triệu đồng/người /năm (2011) tăng lên trên 20 triệu/người/năm (2013), hộ nghèo từ 6,7% giảm xuống còn 3,9%; mặt khác, mô hình chuyển đổi đã giải quyết được việc làm tại chỗ, thường xuyên cho hàng trăm lao động của địa phương.
Đối với xây dựng cơ sở hạ tầng, Nghĩa Đồng đã tranh thủ được các chương trình, dự án của Nhà nước cùng với việc hiến đất, góp công của hàng trăm gia đình, bao gồm cả cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bà con đã hiến hơn 10.000 m2 đất vườn, tháo dỡ hàng nghìn mét bờ rào, một số công trình xây dựng kiên cố, có tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng phục vụ cho công tác quy hoạch, mở đường giao thông mà không đòi hỏi đền bù. Đặc biệt, trong 2 năm 2012 - 2013 toàn xã tập trung vào tiêu chí giao thông thủy lợi. Khi có chủ trương của tỉnh hỗ trợ xi măng làm đường giao thông theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau khi tiếp nhận, Ban chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch triển khai, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, để nhân dân tham gia bàn bạc, thảo luận, đi đến thống nhất và triển khai quyết liệt. Nhờ vậy đã hoàn tất tiêu chí giao thông, vốn là việc khó nhất với các xã miền núi.
Đối với xây dựng đời sống văn hoá, xã ưu tiên xây dựng hệ thống trường học, tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ sở vật chất phục vụ cho con em học tập. Với 20 tỷ đồng từ nguồn vốn Nhà nước và đóng góp của nhân dân, hỗ trợ của con em địa phương thành đạt xã đã tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học. Đến nay cả 4 trường học của 3 cấp học trên địa bàn đều đạt chuẩn Quốc gia, là môi trường tốt, nền tảng vững chắc cho con em trên con đường học tập. Kết quả, hàng năm có từ 90 – 100 em thi đậu vào các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Từ những tiến bộ trong giáo dục, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng công, kỵ giỗ cũng đã đi vào nề nếp. Trong 5 năm thực hiện, toàn xã đã tổ chức 250 đám cưới bằng tiệc ngọt tại hội trường UBND xã do đoàn thanh niên tổ chức theo nếp sống văn hoá.
Đối với tiêu chí xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, được cấp uỷ hết sức quan tâm, ngoài việc tăng cường sự đoàn kết nội bộ, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ từ xã đến xóm, thì việc tập trung nâng cao sức chiến đấu và chất lượng sinh hoạt Đảng tại chi bộ là điều hết sức quan trọng. Đảng ủy thông qua việc thường xuyên bám sát cơ sở để nắm bắt và giải quyết kịp thời những vướng mắc ngay tại từng đơn vị xóm.
Ông Ngô Xuân Nghĩa - Chủ tịch UBND xã, người say mê, lăn lộn với phong trào nông thôn mới của xã chia sẻ: Qua 3 năm triển khai chương trình NTM, Nghĩa Đồng huy động được nguồn lực từ con em thành đạt xa quê, các doanh nghiệm có tâm huyết với quê hương. Nghĩa Đồng đã huy động được 150 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, đầu tư cho giao thông 47 tỷ đồng, đầu tư cho thuỷ lợi 65 tỷ đồng, đầu tư cho giáo dục, y tế 38 tỷ đồng. Xã đã xây dựng mới 3 trường học cao tầng, 10 nhà văn hoá xóm. Chỉnh trang, xây mới 90% nhà ở theo tiêu chuẩn cấp 4A, trong đó, xây mới 160 nhà ở cao tầng; quy hoạch và đưa vào sản xuất các vùng chuyên canh theo cánh đồng mẫu lớn. Điều quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới là đã làm thay đổi tư duy, nhận thức làm ăn manh mún trong nhân dân sang làm ăn theo hướng sản xuất hàng hoá, người dân yêu quê hơn khi chính mình là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: Châu Lan