Xây dựng NTM vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ: Những kinh nghiệm từ thực tiễn

Thanh Phúc - Lâm Tùng 18/08/2019 06:26

(Baonghean.vn) - Tại hội nghị tổng kết 10 năm các đại biểu đã trình bày một số tham luận, nêu bật những kinh nghiệm, những cách làm hay, những mô hình sáng tạo trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM: xây dựng thôn bản NTM; xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu NTM...

Đồng chí Lê Đình Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh:

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới tiến tới xã nông thôn mới kiểu mẫu theo phương châm “thôn vững, xã chắc”, đảm bảo xây dựng nông thôn mới toàn diện, phát triển bền vững, gắn phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường, bảo tồn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa vùng nông thôn, Ban Chỉ đạo nông thôn mới, UBND Hà Tĩnh có chủ trương xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu.

Từ xây dựng mô hình điểm, đến nay Hà Tĩnh có 1.719/1.755 (chiếm 98%) thôn triển khai xây dựng, trên 11.300 vườn triển khai thực hiện, trong đó có 283 Khu dân cư, 3.382 vườn mẫu đạt chuẩn; nhiều Khu dân cư kinh tế phát triển, môi trường tốt, cảnh quan đẹp, văn hóa được bảo tồn và phát huy, đã trở thành vùng quê "Trù phú - An lành".

Xây dựng nông thôn mới, nhiều vùng quê đang đổi mới từng ngày. Ảnh: baohatinh.vn

Để xây dựng thành công khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, cần ban hành bộ tiêu chí: xã kiểu mẫu; thôn kiểu mẫu; vườn kiểu mẫu... và bổ sung thành tiêu chí thứ 10 trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới thực hiện trên địa bàn tỉnh; Xây dựng mô hình mẫu thuyết phục, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp, cách làm, cách thức tổ chức thực hiện giữa các địa phương; Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của mỗi hộ gia đình, mỗi người dân; Có chính sách hỗ trợ, tăng cường tổ chức tham quan học tập; giao lưu, tọa đàm thực tế giữa các địa phương là hoạt động mang lại hiệu quả một cách nhanh nhất. Sơ, tổng kết phải đúc rút những bài học kinh nghiệm.

Song song với việc xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, Hà Tĩnh xác định rõ xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chỉ là bước đầu và mục đích không phải để được công nhận đạt chuẩn mà quan trọng là phải luôn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân để “mỗi làng quê là một nơi đáng sống”.

Đồng chí Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh:

Nhận thấy chương trình OVOP (mỗi làng một sản phẩm) của Nhật Bản và OTOP (mỗi cộng đồng một sản phẩm) của Thái Lan có thể áp dụng vào địa phương, nên ngay từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP).

Sau 6 năm triển khai chương trình, đến nay, toàn tỉnh có 322 sản phẩm, trong đó 138 sản phẩm đạt sao từ 3-5 sao (75 sản phẩm đạt 3 sao, 56 sản phẩm đạt 4 sao, 7 sản phẩm đạt 5 sao); trên 90% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử thông minh để truy xuất nguồn gốc. Tổng doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất OCOP năm 2018 đạt 311 tỷ đồng, tạo trên 2.600 việc làm, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn được cải thiện đáng kể, từ 10 triệu đồng/người (năm 2010) lên 38,5 triệu đồng/người (năm 2018).

Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP không thể nóng vội, phải bền bỉ và thực hiện liên tục theo chu trình để thúc đẩy sự sáng tạo liên tục của người dân. Theo đó, phải coi Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế quan trọng của cộng đồng.

Những hình ảnh đẹp tạo nên bộ mặt NTM đầy khởi sắc của Quảng Ninh hôm nay. Ảnh: Baoquangninh

Đồng chí Bùi Đình Long - Bí thư Huyện ủy Nam Đàn:

Nam Đàn là 1 trong 4 huyện của cả nước được Ban chỉ đạo Trung ương lựa chọn để làm thí điểm về xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu với nội dung “Xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2018 - 2025”.

Theo đó, mục tiêu đề ra là: Đến năm 2020 có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch và đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.

Để từng bước thực hiện các nội dung của Đề án, Huyện ủy Nam Đàn đã thành lập Ban chỉ đạo, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và tuyên truyền sâu rộng nội dung đề án đến mọi tầng lớp nhân dân.

Mùa vàng trên cánh đồng lúa Nam Đàn. Ảnh: Trung Hà

Đồng thời Nam Đàn kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đầu tư các dự án trên địa bàn với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, trong đó tập trung một số dự án, hạng mục công trình trọng tâm như: Bãi đậu xe và đường giao thông tại khu di tích Kim Liên; Khu liên hợp dự án nhà hàng, khách sạn tại Thị trấn; Bãi đỗ xe và dịch vụ du lịch tại khu vực chùa Đại Tuệ, xã Nam Anh; dự án nhà máy giày da xuất khẩu tại khu công nghiệp Vân Diên; Xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung, nhà máy nước sạch vùng Năm Nam, xây dựng cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động…

Chỉ đạo các xã tiếp tục rà soát các nội dung, tiêu chí để từng bước củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới một cách bền vững.

Quang cảnh thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn). Ảnh: Thành Cường

Đến nay trên địa bàn huyện Nam Đàn có trên 145 km đường hoa, 100% số xóm lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng, trong đó có trên 70% số xóm có hệ thống đóng, ngắt tự động; bước đầu hình thành một số vườn chuẩn, vườn mẫu nông thôn mới.

Đồng thời, lựa chọn một số sản phẩm có lợi thế để xây dựng và phát triển thành sản phẩm OCOP, như: Tương, bột sắn dây, bột nghệ, thịt me, giò me, rượu nếp Làng Sen, các sản phẩn từ chanh, sen, hồng…

Đồng chí Nguyễn Thế Huy - Bí thư chi bộ, trưởng thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa):

Là một thôn thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ với 3 dân tộc: Kinh, Thái, Mường sinh sống, kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp thua so với mặt bằng chung; cơ sở hạ tầng yếu kém… Xuất phát điểm để thôn Xuân Lập xây dựng NTM gần như là con số “0”.

Ban cán sự thôn đã lấy phương châm “mưa dầm thấm lâu” trong việc tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng cũng như xác định vai trò chủ thể của mình trong việc thực hiện các tiêu chí về thôn/bản NTM. Đồng thời cán bộ, đảng viên nêu gương thực hiện trước để người dân noi theo. Đối với các phần việc cụ thể luôn xác định “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân hưởng thụ”. Theo đó, có những việc tự mỗi hộ, mỗi người dân làm được thì chính quyền xã, xóm hướng dẫn người dân cách làm: cải tạo vườn tạp; giữ gìn vệ sinh; cải tạo môi trường… Còn những việc đòi hỏi cả xóm, cả xã cùng làm thì dân đóng góp kinh phí, ngày công; đối với những việc phải khoán thầu thì nhân dân đóng góp kinh phí, cử người giám sát.

Để “giải bài toán khó” về hạ tầng này thì trước hết phải làm tốt công tác dân vận, để mỗi người đều hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình, cùng đồng thuận đóng góp. Thứ hai là phải làm cho dân tin, mỗi đồng tiền dân đóng góp phải sử dụng đúng mục đích, đúng chỗ và hiệu quả. Thứ ba, mức huy động phải phù hợp, không quá sức dân, kêu gọi sự tương thân, tương ái trong đóng góp; tạo điều kiện cho các hộ khó khăn đóng góp bằng ngày công, hiện vật.

Nhờ đó, trong 10 năm xây dựng NTM, thôn đã huy động được trên 20 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Diện mạo thôn Xuân Lập không ngừng được cải thiện; đời sống kinh tế, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Thôn trở thành điển hình tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa trong việc xây dựng NTM.

Mới nhất

x
Xây dựng NTM vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ: Những kinh nghiệm từ thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO