Xây dựng, quảng bá thương hiệu: Giải pháp phát triển làng nghề bền vững!

04/12/2014 09:02

(Baonghean) - Những năm gần đây, các làng nghề truyền thống tại tỉnh ta đang được khôi phục. Tuy nhiên, các làng nghề chưa xây dựng được thương hiệu riêng, hoặc chưa mặn mà với việc xây dựng thương hiệu, dẫn đến khó khăn trong tìm kiếm thị trường, tăng giá trị sản xuất.

(Baonghean) - Những năm gần đây, các làng nghề truyền thống tại tỉnh ta đang được khôi phục. Tuy nhiên, các làng nghề chưa xây dựng được thương hiệu riêng, hoặc chưa mặn mà với việc xây dựng thương hiệu, dẫn đến khó khăn trong tìm kiếm thị trường, tăng giá trị sản xuất.

Được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2011, làng rèn Thanh Lương (Thanh Chương) hiện có 30 hộ sản xuất chuyên nghiệp và 40 hộ làm theo thời vụ. Một thời gian dài, các lò rèn hoạt động cầm chừng, khó tiêu thụ. Nguyên nhân do người tiêu dùng bị “ngợp” trước sự xuất hiện ồ ạt của các loại dao, kéo nhập ngoại có mẫu mã đẹp, màu trắng sáng không hoen gỉ... Nghề rèn Thanh Lương vốn có tiếng với sản phẩm chất lượng tốt, nhưng đến nay, cuộc sống của người làm nghề vẫn chỉ đủ ăn, chưa thể vươn lên khá, giàu. Do sản phẩm chính vẫn là nông cụ, quy mô sản xuất hộ nhỏ lẻ, làm theo đơn đặt hàng từ các mối buôn nên nhiều khi bị ép giá; mẫu mã, hình thức còn hạn chế, thiếu tính cạnh tranh... nên chưa thâm nhập được vào thị trường hàng gia dụng cao cấp; trong khi đó, sản xuất nông nghiệp đang dần cơ giới hóa… Chính vì vậy, nghề rèn ở Thanh Lương đang được âm thầm truyền nối, chưa có chiến lược xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và có nguy cơ mai một.

Sản xuất bánh kẹo ở làng nghề Xuân Bắc, Đồng Hà (xã Diễn Vạn - Diễn Châu).
Sản xuất bánh kẹo ở làng nghề Xuân Bắc, Đồng Hà (xã Diễn Vạn - Diễn Châu).

Vốn có cả trăm năm tuổi, trải qua nhiều thăng trầm, những người thợ làng nghề mộc dân dụng và mỹ nghệ Phú Nghĩa, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) đã và đang góp phần gìn giữ giá trị văn hóa từ ngàn đời cha ông để lại. Bằng bàn tay tài hoa, họ đã làm ra những sản phẩm gỗ tinh xảo như sập gụ, tủ chè, các loại bàn ghế theo kiểu Á, Âu. Để đáp ứng thị hiếu của khách hàng, những năm gần đây, thợ nghề Phú Nghĩa đã hướng đến sản xuất các mặt hàng dân dụng như cửa, trần gỗ, cầu thang... đồng thời đưa hàng thủ công mỹ nghệ (hàng khảm trai) vào sản xuất. Sản phẩm của làng nghề làm ra so với các làng mộc có thương hiệu như Đồng Kỵ ở Bắc Ninh, Vạn Điểm ở Thường Tín không hề thua kém về mẫu mã, chất lượng, song giá bán trên thị trường chỉ bằng 70 - 80% so với sản phẩm cùng loại của các làng mộc nổi tiếng nói trên. Theo ông Hồ Văn Minh - chủ một cơ sở sản xuất đồ gỗ tại thôn 1, Quỳnh Nghĩa, đấy là do các sản phẩm của làng nghề chưa tìm được thị trường ổn định và cũng chưa xây dựng được thương hiệu riêng; sản xuất của làng nghề hiện còn nhỏ lẻ theo hộ gia đình, mạnh ai nấy làm.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 126 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Ngoài ra, toàn tỉnh có 285 làng có nghề do UBND các huyện công nhận. Từ năm 1995 đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 400 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu, nhưng số lượng các sản phẩm của làng nghề, tiểu thủ công nghiệp còn chiếm tỷ lệ thấp; số làng nghề đã xây dựng được thương hiệu chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tuy đã xây dựng được thương hiệu nhưng chưa có chiến lược quảng bá, nên sản phẩm rộng khắp đến với người tiêu dùng. Nhất là khi vươn ra thị trường ngoại tỉnh hoặc quốc tế, sản phẩm làng nghề thiếu thương hiệu nên không được đánh giá cao. Bởi vậy, có nhiều mặt hàng giá trị nhưng đang bán trên thị trường trôi nổi hoặc xuất khẩu qua khâu trung gian, phải mang một thương hiệu khác nên nhìn chung giá trị sản phẩm thu về cho làng nghề thấp.

Theo Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), có nhiều lý do dẫn đến việc các làng nghề chưa mặn mà với việc xây dựng thương hiệu, mà nguyên nhân chính là tâm lý dựa truyền thống lâu đời, đã có nhiều người biết đến sản phẩm của làng nghề mình; cộng với lối sản xuất thủ công, phần nhiều là kinh doanh theo lối riêng rẽ, sự gắn kết giữa các hộ trong làng nghề chưa cao, ít làng nghề có đại diện đứng ra làm đầu mối thu mua sản phẩm, giao thương với bên ngoài và đại diện pháp lý cho làng nghề. Từ sự thờ ơ với vấn đề thương hiệu, nhiều người cho rằng, làng nghề là của chung, chưa có người mạnh dạn đứng ra thực hiện thủ tục đăng ký thương hiệu.

Trong số các làng nghề ở tỉnh ta, làng nghề ngói Cừa (xã Nghĩa Hoàn - Tân Kỳ) được xem là làng nghề khá “nhanh chân” trong tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm của địa phương. Hợp tác xã sản xuất kinh doanh, dịch vụ làng nghề ngói Cừa đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho hệ thống các đơn vị vệ tinh của mình, và sản phẩm gạch ngói Cừa đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa do Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 10/4/2007. Để chủ động bảo vệ uy tín sản phẩm, HTX đã sớm có giải pháp thông tin tới đông đảo khách hàng hệ thống đại lý của HTX, hoặc thông báo trực tiếp vào số đường dây nóng của HTX để được tư vấn chính xác về giá cả, mẫu mã kích thước… nhằm giúp khách hàng tránh được hàng nhái và nhận biết hàng “chính hiệu ngói Cừa". Đến nay, sản phẩm gạch ngói Cừa được tiêu thụ mạnh ở thị trường các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, và cũng đã có mặt tại các thị trường như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Xiêng Khoảng, Khăm Muộn (nước bạn Lào)… Mỗi năm, doanh thu từ làng nghề này đạt trên 110 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động tại địa phương, với mức thu nhập khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng. Hiện tại làng nghề có hàng chục chủ lò gạch ngói đạt doanh thu 600 - 800 triệu đồng/năm.

Trong những năm qua, việc hỗ trợ, khuyến khích các làng nghề, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm đã được nhiều cơ quan chức năng thực hiện. Từ năm 2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND về cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đổi mới công nghệ, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHCN năm nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hoá ở Nghệ An. Theo đó, hỗ trợ 2 triệu đồng cho việc đăng ký nhãn hiệu/kiểu dáng trong nước và 10 triệu đồng ở nước ngoài. Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, bằng nguồn vốn khuyến công, Trung tâm Khuyến công đã xây dựng 64 đề án với kinh phí 3.990.700.000 đồng. Trong đó tập trung chủ yếu cho nội dung: hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức tham gia hội chợ triễn lãm, phát triển thị trường và quảng bá thương hiệu ở một số sản phẩm có lợi thế của tỉnh như chè, dệt may, mây tre đan, nước mắm, dệt thổ cẩm... Như Công ty cổ phần thuỷ sản Vạn Phần, được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công tỉnh và khuyến công quốc gia, giai đoạn 2002 - 2012, công ty đã tham gia nhiều gian hàng ở hầu hết các kỳ hội chợ, triển lãm tại Thành phố Vinh và một số hội chợ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… Công tác xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường đã giúp cho sản phẩm của công ty có mặt trên hầu hết các thị trường trong nước và cũng đang được thị trường Lào rất chuộng. Đặc biệt lần đầu tiên, năm 2012, công ty đã xuất khẩu được 1.800 lít nước mắm sang thị trường Malaysia.

Đầu năm 2014, Công ty TNHH Đức Phong sản xuất sản phẩm mây tre đan xuất khẩu đã được hỗ trợ 92.700.000 đồng để tham gia Hội chợ quốc tế Ambiente tại Đức. Theo ông Thái Đại Phong - Giám đốc công ty: “Thị trường EU đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng, các yếu tố liên quan đến môi trường, sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt thiết kế mẫu mã có vai trò rất lớn, chiếm tới 30 - 50% sự thành công của đơn hàng khi vào thị trường này. Vì vậy, chúng tôi luôn nghiên cứu, đưa ra bộ sưu tập mới hàng năm, thiết kế độc đáo, phối hợp nhiều loại nguyên, vật liệu trên cùng một sản phẩm và quan trọng là thiết kế sản phẩm theo nhu cầu của người tiêu dùng...”.

Tại hội chợ nói trên sản phẩm mây tre đan của công ty được đánh giá rất cao về mẫu mã, chất lượng và đã có nhiều đề nghị được tìm hiểu nhiều hơn với mong muốn hợp tác. Việc phát triển thiết kế sản phẩm mới của Đức Phong được tiếp cận từ nhiều kênh như: Tham gia các hội chợ quốc tế, tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhóm thiết kế chuyên nghiệp của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng Việt Nam... nhằm tìm ra mẫu mã phù hợp với đặc điểm sản phẩm của doanh nghiệp và xu hướng tiêu dùng của thị trường.

Rõ ràng, việc xây dựng thương hiệu, quảng bá cho sản phẩm đã mang lại hiệu quả trong việc đẩy mạnh sự phát triển của làng nghề theo hướng bền vững. Thực tế, sản phẩm của nhiều làng nghề có chất lượng bảo đảm, mẫu mã đẹp, nhưng chưa đẩy mạnh quảng bá cho người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng. Lĩnh vực này, đòi hỏi các làng nghề, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần xác định rõ việc hỗ trợ của Nhà nước chỉ mang tính khuyến khích, còn cái căn bản là các làng nghề cần phát huy nội tại cho sự bền vững của mình. Bởi thế, việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, hội chợ để quảng bá sản phẩm cần xem là một khâu quan trọng, thậm chí có vai trò quyết định đến sự tồn tại, phát triển của làng nghề trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Mới nhất
x
Xây dựng, quảng bá thương hiệu: Giải pháp phát triển làng nghề bền vững!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO