Xây dựng quy chế đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh
(Baonghean.vn) - Sáng 25/7, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giao ban rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh, khóa XVII và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 8/2017.
Ông Hoàng Viết Đường - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc giao bàn. Ảnh: Mai Hoa |
Ông Hoàng Viết Đường - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc giao ban. Tham gia giao ban có các Ủy viên BTV Tỉnh ủy: Lê Hồng Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và Lê Xuân Đại – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Ủy ban MTTQ tỉnh. |
Trong tháng 7, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh tập trung cao cho công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 hoàn thành nội dung, chương trình kỳ họp đề ra.
Các hoạt động thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, phiên chất vấn và trả lời chất vấn, phiên thảo luận và biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp..., diễn ra sôi nổi, trọng tâm, có chất lượng.
Đã có 81 lượt ý kiến của đại biểu phát biểu thảo luận tổ; 14 ý kiến của đại biểu phát biểu và 6 Giám đốc Sở giải trình tại tại hội trường. Phiên chất vấn đã có 19 lượt ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh chất vấn “thủ lĩnh” 2 ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và Lao động, Thương binh, Xã hội về những bất cập liên quan đến sản xuất nông nghiệp và đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Ông Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, cho rằng, cần rà soát, tổng hợp, phân loại và trả lời ý kiến của cử tri theo từng cấp, tránh tập trung tại kỳ họp HĐND tỉnh. Ảnh: Mai Hoa |
Kỳ họp thứ 4 cũng thu hút sự theo dõi, quan tâm hơn của cử tri và gửi nhiều ý kiến phản ánh, đề xuất thông qua đường dây điện thoại trực tuyến với 109 lượt cử tri; 15 lượt công dân trực tiếp bộ phận tiếp dân tại kỳ họp.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 22 nghị quyết, trong đó có 17 nghị quyết liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh; 5 nghị quyết về nhân sự.
Bên cạnh đánh giá chất lượng của kỳ họp, nhiều đại biểu thẳng thắn nêu lên nhiều hạn chế cần khắc phục. Bà Thái Thị An Chung – Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu băn khoăn, mặc dù thời gian tổ chức kỳ họp đã được thông báo trước 40 ngày và Thường trực HĐND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo, tuy nhiên, kỳ họp thứ 4 vừa qua vẫn có nhiều đại biểu HĐND tỉnh vắng mặt tại các phiên làm việc, từ 11 đến 15 đại biểu. Mặt khác, tại các phiên làm việc, vẫn còn nhiều đại biểu đi vào, đi ra. Điều này làm cử tri băn khoăn về trách nhiệm, sự không nghiêm túc và chất lượng của kỳ họp.
Ông Lê Xuân Đại - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Mai Hoa |
Còn bà Lục Thị Liên – Phó Trưởng ban Dân tộc, HĐND tỉnh, cho rằng, phiên thảo luận tại một số tổ, chủ yếu là các đại biểu khách mời tham gia ý kiến phát biểu phản ánh những ý kiến của cử tri cũng như những vấn đề bức xúc đặt ra tại địa phương, còn ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh tham gia vào các dự thảo nghị quyết còn hạn chế. Việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp của đại biểu HĐND tỉnh đang còn hạn chế, khó khăn.
Ông Trần Đình Toàn – Phó trưởng ban Pháp chế băn khoăn, phiên chất vấn tại kỳ họp, tư tưởng có đại biểu muốn hỏi nhưng ngại đặt câu hỏi chất vấn. Bởi vậy, Thường trực HĐND tỉnh cần có cách thu thập những câu hỏi của những đại biểu không tham gia chất vấn trực tiếp để tổng hợp, đặt câu hỏi cho các ngành được chất vấn tại kỳ họp, để làm sôi động cho phiên chất vấn.
Liên quan đến các vấn đề được nêu trên, ông Đặng Quang Hồng – Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh cần ban hành quy chế đánh giá chất lượng đại biểu, trong đó đánh giá việc tham gia kỳ họp, tiếp xúc cử tri và tham gia phát biểu của đại biểu.
Bà Lục Thị Liên - Phó trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị cần nghiên cứu để đảm bảo việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp của HĐND tỉnh có chất lượng hơn. Ảnh: Mai Hoa |
Cũng tại cuộc họp, một số đại biểu cũng quan tâm đến chất lượng giải quyết và trả lời việc giải quyết các kiến nghị cử tri của UBND tỉnh, các ngành, có những vấn đề chưa cụ thể và rõ trách nhiệm, rõ giải pháp như về tình trạng bạo lực học đường mà cử tri nêu chẳng hạn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hồng Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, cho rằng, việc tiếp nhận, trả lời ý kiến của cử tri cần rà soát, tổng hợp, phân loại theo từng cấp để thông qua các kỳ họp HĐND cấp huyện, xã để chuyển tải đến cử tri, tránh tập trung tại kỳ họp HĐND tỉnh.
Để nâng cao chất lượng các kỳ họp thì cần giành nhiều thời lượng để nghiên cứu, bàn về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xác định rõ các vấn đề bức xúc để giao trách nhiệm cho UBND tỉnh và các ngành tìm giải pháp giải quyết; quan tâm đến các giải pháp khắc phục đối với các vấn đề được chất vấn sau kỳ họp....
Kết luận tại cuộc giao ban, đồng tình và tiếp thu các ý kiến phát biểu của các đại biểu, ông Hoàng Viết Đường, nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8, đề nghị Thường trực và các Ban HĐND tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, đề cương nội dung giám sát, khảo sát theo chương trình 6 tháng cuối năm. Quan tâm xử lý tốt vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp; tổ chức giao ban các cụm Thường trực HĐND các huyện, thành, thị xã có chất lượng.
Tăng cường đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị của cử tri; các lời hứa tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn; các kết luận giám sát, khảo sát của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh và Kiểm toán. Tập trung hoàn thiện đề án nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh; chuẩn bị nội dung cho phiên giải trình tháng 9 của Thường trực HĐND tỉnh.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đồng ý và giao Văn phòng HĐND tỉnh tham mưu xây dựng quy chế đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh; bổ sung thành viên cho Ban Pháp chế HĐND tỉnh...
Mai Hoa