Xây dựng thương hiệu su su Quỳnh Liên
(Baonghean) - Người dân Quỳnh Lưu vẫn thường gọi xã Quỳnh Liên là "vương quốc" su su. Su su có mặt ở mọi nơi, từ những hàng rào nối tiếp từ nhà này sang nhà khác đến những cánh đồng bạt ngàn xanh ngút tầm mắt... Vào mùa vụ, dọc trục đường liên xã những xe tải mang biển số 29, 30, 31 và 37 luôn chờ sẵn để "ăn" hàng. Su su Quỳnh Liên đã trở thành nguồn rau xanh hàng hóa cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Mới phát triển khoảng chục năm nay, nhưng diện tích cây su su đã chiếm trên 60% tổng diện tíchrau màu toàn xã; từ 79ha trồng năm 2010, đến năm 2012 đã tăng lên 100 ha, bình quân mỗi ngày bà con xuất bán gần 300 tấn quả... Ông Hồ Đức Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên cho biết: Toàn xã có gần 300 ha đất nông nghiệp.
Trước đây chủ yếu trồng lạc và khoai lang, rồi đậu leo, dưa chuột, cà rốt, cà chua... nhưng năng suất và hiệu quả vẫn không cao. Đến vụ đông xuân 2003, trong xã có 4 - 5 hộ dân tự phát đưa giống su su từ ngoài Bắc về trồng thử trong vườn nhà. Ai ngờ giống hợp đất, tính ra cho thu nhập cao gấp 4 - 5 lần so với các loại cây hoa màu khác. Thấy vậy bà con học làm theo, diện tích su su nhanh chóng được nhân rộng ra toàn xã... Đến năm 2009, được dự án CRS tài trợ, xã Quỳnh Liên đã cử cán bộ ra Hà Nội tìm kiếm thị trường.Nhờ đó sản phẩm su su Quỳnh Liên đã tiếp cận và được 4 chợ đầu mối (Dịch Vọng, Long Biên, Thường Tín - Hà Nội) đón nhận với tư cách là một loại rau sạch. Từ đó tạo đà cho người dân Quỳnh Liên đưa cây su su trở thành một loại cây hàng hóa của địa phương.
Là loại nông sản có thời gian thu hoạch dài ngày, trồng một lần có thể thu hái được trong 4 tháng. Bắt đầu xuống giống từ tháng 8 ÂL ( trồng xen rau ), khi thu hoạch xong rau màu thì tiến hành vun gốc; nếu thời tiết thuận lợi sẽ cho quả đến hết tháng 3 ÂL, cách 2- 3 ngày thu hái /lần. Mặc dù giá su su thường không ổn định, đầu vụ có thể đạt đến 4.000- 5.000 đồng/kg, đến chính vụ có khi chỉ được 500 đồng/kg. Riêng năm 2012, giá bán lúc cao nhất chỉ bằng 1/2 so với năm ngoái (giá 2.000 đồng/kg), thời điểmbán đại trà 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên với tần suất hái liên tục, sản lượng luôn đạt từ 100- 120 tấn/ha và không lo về đầu ra nên mức thu nhập trung bình vẫn vượt trội so với các loại cây trồng khác. Đặc tính của cây su su là ưa độ ẩm, dễ chăm sóc, rất ít bị sâu bệnh; đầu tư trồng 1 ha cây su su hết khoảng 6 triệu đồng, trong đó3 triệu tiền cọc, betông, dây thép nhưng có thể sử dụng được từ 4- 5 năm... Hiện trên địa bàn toàn xã có hơn 200 hộ trồng su su, tập trung nhiều nhất là ở xóm 4 (với diện tích hơn 30 ha). Hiện sản phẩm su su Quỳnh Liên đang có mặt ở thị trường Hà Nội, Huế, Đà Nẵng...
Tuy là cây trồng đang mang lại hiệu quả cao, nhưng việc phát triển cây su su ở Quỳnh Liên hiện vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm. Tính riêng vụ xuân năm 2012, diện tích su su tăng 21 ha so với năm 2010, sản lượng trên chục nghìn tấn mỗi năm, nhưng cả xã chưa thành lập HTX đứng ra thu mua, hiện chỉ có 4 tổ dịch vụ chuyên thu gom tiêu thụ sản phẩm. Và người dân thường phải xuất hàng cho các tổ thu gom trước, sau khi họ trừ chi phí vận chuyển, phần thù lao rồi mới làm giá nên không tránh khỏi chuyện bà con bị các tư thương thao túng, ép giá... Ngoài ra, su su Quỳnh Liên vẫn chưa thâm nhập được vào hệ thống siêu thị bởi chưa xây dựng thương hiệu, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ "- Anh Lê Văn Đồng, ở xóm 6 xã Quỳnh Liên- là một trong số các tư thương chuyên thu gom su su tại địa phương cho biết.
ÔngNguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên cho biết: " Từ đầu tháng 3/2012,xã đã giới thiệu sản phẩm su su trên mạng qua trang Web: RausachQuynhlien.gov.vn. Cũng nhờ trang Web này mà các tư thương Trung Quốc biết đến và về tận địa phương tiếp cận thị trường qua các tổ dịch vụ để thu mua su su.
Tuy hàng xuất bán sang Trung Quốc yêu cầu sản phẩm mẫu mã phải đẹp, phải được đóng gói bao bì cho từng quả một (bao bì do TQ cung cấp), và giá bán cũng chỉ ngang bằng với giá thị trường nội địa nhưng được thanh toán tiền trước qua tài khoản rồi mới gom hàng nên các tư thương cũng như người dân đều rất phấn khởi. Hiện xã đã làm tờ trình lên phòng Nông nghiệp huyện, Sở Khoa học và Công Nghệ xin hỗ trợ đăng ký thương hiệu, tiến tới đóng nhãn mác cho sản phẩm su su Quỳnh Liên".
Mong rằng Quỳnh Liên sớm xây dựng được thương hiệu cho loại rau sạch này, giúp nông dân ổn định sản xuất.
Ngọc Anh