Xây dựng trái pháp luật tại Cửa Lò: Vừa khánh thành nhà thờ đã tự ý xây nhà nguyện

28/03/2017 07:23

(Baonghean)- Địa điểm mà giáo họ Đức Xuân (khối 8, phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò) xây nhà nguyện trái luật chỉ cách nhà thờ 500-600 mét, số lượng hộ giáo dân chỉ là 32 hộ, không đủ điều kiện tách lập giáo họ.

» Chiêu trò biến đất ở thành nhà nguyện trái pháp luật ở Cửa Lò

» Nhà nguyện tự xây ở Thị xã Cửa Lò vi phạm pháp luật nghiêm trọng

» Nhà nguyện xây dựng trái pháp luật ở Cửa Lò: Nếu không tự tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế!

Không đủ điều kiện để tách giáo họ

Tìm hiểu, được biết, giáo họ Đức Xuân (giáo xứ Tân Lộc) được hình thành bởi sự hợp nhất của 2 giáo họ Đức Vọng và Xuân Mai. Toàn giáo họ hiện có 274 hộ, 1.535 nhân khẩu, nhà thờ giáo họ đóng tại khối 7, phường Nghi Tân vừa mới được xây dựng lại khang trang (dài 45m, rộng 16m, tháp đôi cao 33m), khánh thành đưa vào sử dụng vào ngày 22/6/2016, tạo thuận lợi hơn cho bà con giáo dân trong các sinh hoạt phụng vụ.

Buổi cầu nguyện tại nhà thờ giáo họ Đức Xuân.

Thế nhưng, chỉ 3 tháng sau khi khánh thành nhà thờ mới, vào ngày 3/9/2016 giáo họ Đức Xuân, giáo xứ Tân Lộc đã có đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh và chính quyền địa phương về việc tái thiết giáo họ Xuân Mai (thuộc địa bàn phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò) với lý do: “Hiện nay một số anh, chị em chúng tôi (khoảng 32 hộ,135 nhân khẩu - PV) đang sinh sống như vùng bị tách biệt tại địa danh gọi là xóm Ruồng, phường Nghi Tân. Các sinh hoạt chung về mặt xã hội của bà con giáo dân họ Xuân Mai tạm ổn nhưng các sinh hoạt tôn giáo gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi, nhất là với người già và trẻ em”.

Sau khi nhận được đơn, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo thành lập đoàn liên ngành phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra thực tế và trả lời bằng Văn bản số 8097/UBND-NC ngày 25/10/2016 trong đó khẳng định: “Năm 1967¸ nhà thờ giáo họ Xuân Mai và giáo họ Đức Vọng ở xã Nghi Quang (Nghi Lộc) bị bom Mỹ đánh sập gần như hoàn toàn, chỉ còn lại một phần tháp chuông của nhà thờ Đức Vọng. Nhận thấy phần tháp chuông còn lại có thể sụp đổ gây nguy hiểm cho người dân, năm 1979, UBND xã Nghi Quang vận động và giáo dân đồng tình tự tháo dỡ phần tháp chuông còn lại của nhà thờ Đức Vọng. Sau đó để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người dân, chính quyền các cấp đã quan tâm giải quyết đơn của giáo họ Xuân Mai, đồng ý giao đất để giáo họ này xây dựng nhà nguyện tại xóm Tân Quang, xã Nghi Quang (Nghi Lộc) nay là khối 7, phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò.

Lúc bấy giờ do nguyện vọng của giáo dân 2 họ Đức Vọng và Xuân Mai muốn cùng sinh hoạt chung tại nhà thờ Xuân Mai, nên thống nhất đổi tên giáo họ Xuân Mai thành giáo họ Đức Xuân. Từ năm 1994, sau khi thành lập thị xã Cửa Lò do 3 xóm (Tân Quang, Quang Thượng, Quang Liên) của xã Nghi Quang sáp nhập về phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò (nay là khối 7,8,9) nên số giáo dân của giáo họ Đức Vọng cũ sinh sống tại xóm Trung Tiến, xã Nghi Quang xin chuyển về sinh hoạt tại nhà thờ giáo xứ Lộc Mỹ. Đến năm 1995, giáo dân đã đề nghị và được chính quyền giao đất để xây dựng nhà nguyện và lập giáo họ Đức Vọng tại xóm Trung Tiến, xã Nghi Quang (Nghi Lộc). Như vậy trên thực tế, chính quyền các cấp đã giải quyết việc tái lập, tái thiết giáo họ Xuân Mai và Đức Vọng, giao đất để 2 giáo họ xây dựng nhà thờ sinh hoạt tôn giáo ổn định”.

Công văn số 8097/UBND-NC ngày 25/10/2016 của UBND tỉnh cũng khẳng định: “Chưa đủ điều kiện để chấp thuận việc đề nghị thành lập giáo họ Xuân Mai, phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò”. Điều này là phù hợp với thực tế bởi: Thứ nhất, số lượng giáo dân dự kiến thành lập giáo họ Xuân Mai không đông (chỉ có 32 hộ, 135 nhân khẩu).

Công trình nhà thờ giáo họ Đức Xuân vừa được khánh thành tháng 6/2016.

Thứ hai, khoảng cách đi lễ của giáo dân từ khối 8, phường Nghi Tân đến nhà thờ giáo họ Đức Xuân (vừa được xây dựng mới vào tháng 6/2016) chỉ khoảng từ 500 - 600m. Mặt khác, hiện quy hoạch và quỹ đất của địa phương không có điều kiện để giao cho giáo họ xây dựng cơ sở thờ tự nếu thành lập giáo họ.

Thách thức chính quyền

Tuy nhiên, ngày 6/11/2016 giáo xứ Tân Lộc có văn thư trả lời Công văn số 8097 của UBND tỉnh Nghệ An trong đó cho rằng: “Từ sau khi nhà thờ của hai họ Đức Vọng và Xuân Mai bị bom đạn đánh sập (năm 1967), các giáo họ này chưa được cấp một tấc đất nào, chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vì bất đắc dĩ không có nơi thờ tự riêng nên buộc hai giáo họ phải sinh hoạt chung chứ chưa bao giờ thể hiện sự muốn sinh hoạt chung; khoảng cách 500 - 600m không vấn đề gì với giới trẻ và vùng giao thông thuận lợi, nhưng với người già, trẻ em và vùng giao thông không thuận lợi là không đơn giản”.

Liên quan đến vấn đề đất đai, văn thư của giáo xứ Tân Lộc tỏ sự thách thức: “Nếu chính quyền không còn quỹ đất để cấp cho việc tái thiết nhà thờ giáo họ Xuân Mai, chúng tôi sẽ tự lo liệu”.

Ngày 24/1/2017, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục ban hành văn bản số 518 trả lời Văn bản ngày 6/11/2017 của giáo xứ Tân Lộc, trong đó nêu rõ: “Vào năm 1990, theo đề nghị của giáo họ Xuân Mai, UBND tỉnh đã giải quyết cho giáo họ 1.053,3m2 đất, trong đó có 841m2 đất do Nhà nước giao, số còn lại do giáo họ nhận chuyển nhượng”.

Tại biên bản kiểm tra hiện trạng sử dụng đất tại cơ sở tôn giáo Đức Xuân, lập ngày 11/2/2006 có linh mục Nguyễn Văn Khang - Quản xứ Tân Lộc tham dự ký tên có đóng dấu của giáo xứ Tân Lộc ghi rõ: “Nguồn sử dụng đất đã được UBND tỉnh giao 841m2 đất năm 1990”. Như vậy, diện tích đất giáo họ Đức Xuân đang sử dụng là do UBND tỉnh Nghệ An giao để sử dụng xây dựng cơ sở sinh hoạt tôn giáo ổn định từ trước đến nay. Và trên thực tế, giáo dân giáo họ Xuân Mai trước đây đã được chính quyền giải quyết cho lập giáo họ để sinh hoạt, việc nhập vào giáo họ Đức Vọng và đổi tên thành giáo họ Đức Xuân là do giáo dân và giáo hội tự quyết định chứ không phải “bất đắc dĩ nên buộc phải sinh hoạt chung” như văn thư của giáo xứ Tân Lộc đề cập.

Nhà nguyện xây dựng trái pháp luật tại khối 8, phường Nghi Tân(TX. Cửa Lò).
Nhà nguyện xây dựng trái pháp luật tại khối 8, phường Nghi Tân (TX. Cửa Lò).

Về đường đi từ khối 8, phường Nghi Tân đến nhà thờ giáo họ Đức Xuân, năm 2013, UBND thị xã Cửa Lò đã hỗ trợ nâng cấp khoảng 300/500m. Còn 200m vào xóm Ruồng, UBND thị xã Cửa Lò đã giao cho UBND phường Nghi Tân lập dự án, cải tạo nâng cấp phục vụ nhu cầu đi lại của bà con.

Việc giáo xứ Tân Lộc cho rằng, “nếu chính quyền không còn quỹ đất để cấp cho việc tái thiết nhà thờ giáo họ Xuân Mai, chúng tôi sẽ tự lo liệu”, trên thực tế họ đã tự “lo liệu” bằng cách cố ý xây dựng nhà nguyện trên thửa đất số 54, bản đồ 02 của ông Trần Văn Sơn, bà Nguyễn Thị Hồng (chuyển nhượng trái pháp luật cho ông Trần Văn Cậy) là không có cơ sở pháp lý và vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại các Điều 5, Điều 54, Điều 159, Điều 191 Luật Đất đai năm 2013: Cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp để xây dựng cơ sở thờ tự sẽ được Nhà nước giao đất mà không thu tiền sử dụng đất. Nếu tự ý nhận chuyển nhượng, nhận tặng, cho quyền sử dụng đất để xây dựng cơ sở tôn giáo là vi phạm pháp luật về đất đai.

Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 9, Mục 2, Nghị định số 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo quy định một trong những điều kiện thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo là: “Số lượng tín đồ của tổ chức tôn giáo trực thuộc đông, địa bàn hoạt động rộng, khó tổ chức hoạt động tôn giáo”.d.

Vì vậy, việc giáo họ Đức Xuân lấy lý do “32 hộ dân đang có nhu cầu về chỗ cầu kinh” để xây dựng nhà nguyện tại khối 8, phường Nghi Tân là không phù hợp thực tế vì lâu nay 32 hộ dân này vẫn sinh hoạt tôn giáo bình thường tại nhà thờ giáo họ Đức Xuân vừa mới được xây dựng lại vào tháng 6/2016 (cách nơi ở chỉ 500 - 600m)...

Báo Nghệ An sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Xây dựng trái pháp luật tại Cửa Lò: Vừa khánh thành nhà thờ đã tự ý xây nhà nguyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO