Xây dựng trường chuẩn: Cách làm ở Đô Lương
(Baonghean) - 1 trong 2 chỉ tiêu quan trọng về lĩnh vực văn hóa - xã hội được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đô Lương đề ra, đó là phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện có 72% - 75% trường chuẩn quốc gia. Nhờ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, đến thời điểm này, huyện đã đạt 64% trường được công nhận chuẩn Quốc gia.
(Baonghean) - 1 trong 2 chỉ tiêu quan trọng về lĩnh vực văn hóa - xã hội được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đô Lương đề ra, đó là phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện có 72% - 75% trường chuẩn quốc gia. Nhờ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, đến thời điểm này, huyện đã đạt 64% trường được công nhận chuẩn Quốc gia.
Đến Trường Mầm non Đông Sơn (xã Đông Sơn), chúng tôi thật sự ngỡ ngàng, bởi trước mắt là một ngôi trường tọa lạc trên diện tích 5.500m2, trong một khuôn viên đẹp với cây xanh, vườn hoa, vườn rau sạch được quy hoạch ngắn nắp, sạch sẽ. Cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, có 12 phòng học khép kín, các phòng ăn riêng cho từng nhóm lớp, phòng vui chơi, thể dục thể thao cho trẻ... Cô giáo Nguyễn Thị Bảy - Hiệu trường nhà trường, cho biết: “Xây dựng trường chuẩn quốc gia đã tạo cơ hội cho con em nông thôn được hưởng thụ môi trường giáo dục tốt, đồng thời, tạo động lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường gắn bó và trách nhiệm với trường, lớp hơn”. Trước khi xây dựng trường chuẩn (năm 2011), cơ sở vật chất nhà trường được tiếp nhận từ trường tiểu học cũ, vừa xuống cấp, vừa không phù hợp với giáo dục mầm non. Chi ủy nhà trường đã tham mưu cho Đảng ủy và Hội đồng giáo dục, Ban chỉ đạo xây dựng Trường chuẩn quốc gia xã Đông Sơn về kế hoạch xây dựng trường chuẩn. Trong 3 năm (2012 - 2014), nguồn ngân sách huyện, xã và huy động xã hội hóa trên 3 tỷ đồng đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang, thiết bị cho nhà trường. Ban chỉ đạo xây dựng trường chuẩn đã huy động các tổ chức đoàn thể và đơn vị quân đội Kho K41 - Quân khu IV đóng góp công sức vào việc chỉnh trang khuôn viên... Về phía nhà trường, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; chăm lo đổi mới phương pháp, thiết kế các nội dung bài giảng phù hợp với con trẻ. Nhờ đó, việc xây dựng trường chuẩn ở Trường Mầm non Đông Sơn đã về đích trước thời hạn 1 năm và vừa tổ chức đón nhận vào ngày 4/9/2014.
Phòng vẽ của Trường Mầm non xã Đông Sơn (Đô Lương). |
Bí thư Đảng ủy xã Đông Sơn Trương Đình Đông chia sẻ: “Dù còn khó khăn, nhưng với quan điểm phải ưu tiên đầu tư cho giáo dục, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ xã đã đặt ra chỉ tiêu xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II và trường mầm non đạt chuẩn mức độ I”. Vậy nên, xã đã dành nguồn lực, chủ yếu là nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất để đầu tư xây dựng trường, trong đó phân kỳ cụ thể, trong năm đầu nhiệm kỳ (2010), tập trung đầu tư hơn 4 tỷ đồng để xây dựng mới trường tiểu học ở địa điểm mới và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các hạng mục để được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ II vào cuối năm 2011. Năm 2012, xã tập trung đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp từ trường tiểu học cũ cho trường mầm non đạt chuẩn.
Mỹ Sơn là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Đô Lương; tỷ lệ hộ nghèo của xã đang ở mức 12,7%, (toàn huyện chỉ 9,5% hộ nghèo), nhưng trong 3 trường học, xã đã có 2 trường đạt chuẩn, gồm trường tiểu học và trường THCS. Trước khi có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XIX đề ra chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn, Mỹ Sơn đã có cách vận động theo kiểu con nhà nghèo, mỗi năm mỗi khẩu đóng 20.000 đồng (năm 2005 và 2006) và sau đó tăng lên 30.000 đồng (năm 2008, 2009, 2010) để dành nguồn lực xây dựng trường. Xác định rõ tiêu chuẩn cơ sở vật chất là khó đạt nhất do cần nhiều nguồn lực, Đảng ủy xã đã tập trung làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất cao trong cấp ủy để ưu tiên nguồn ngân sách địa phương, tranh thủ huy động các nguồn xã hội hóa và HĐND xã ban hành nghị quyết huy động sức đóng góp của nhân dân, bình quân mỗi khẩu 50.000 đồng/năm để xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tổng kinh phí huy động từ các nguồn tập trung cho xây dựng trường chuẩn giai đoạn 2011 - 2014 hơn 11 tỷ đồng. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Trung Thành chia sẻ: Để có sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy trong công tác xây dựng trường chuẩn, các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đều được phân công phụ trách từng mũi, từng công việc trên cơ sở các nội dung của 5 tiêu chuẩn quốc gia. Hàng năm, vào cuối năm học, Đảng ủy xã đều có chương trình làm việc với các nhà trường vừa đánh giá nhiệm vụ năm học, vừa rà soát, bổ cứu các yêu cầu công việc để thực hiện các tiêu chí ở từng trường. Đảng ủy xã cũng đứng ra chủ trì ngoại giao với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, như tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng trường...
Đồng chí Trương Hồng Phúc - Bí thư Huyện ủy Đô Lương cho biết: Đi kèm với kế hoạch và xác định lộ trình cụ thể, Đô Lương đã ban hành được cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng trường chuẩn từ 250 đến 500 triệu đồng/trường, tùy theo điều kiện xã thuận lợi, khó khăn, tạo động lực kích cầu thật sự cho các trường, các địa phương. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của từng địa phương trong việc chăm lo đầu tư cơ sở vật chất, công tác xã hội hóa, từ đó cụ thể hóa thành chính sách thông qua nghị quyết của HĐND các xã, thị trấn. Cấp ủy cũng rất quan tâm đến công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng mục đích, ý nghĩa việc xây dựng trường chuẩn là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Từ đó cùng chung tay với nhà trường trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục. Đối với chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục và các phong trào trong nhà trường, phân công cho Phòng Giáo dục - Đào tạo, các nhà trường lo. Ở Đô Lương, 100% trường học đều có chi bộ, đây là hạt nhân lãnh đạo toàn diện nhiệm vụ chính trị của nhà trường, gắn trách nhiệm tham mưu của các chi bộ nhà trường đối với cấp ủy, chính quyền các địa phương về xây dựng trường chuẩn quốc gia... Do đó, mặc dù điểm xuất xuất phát về cơ sở vật chất trường lớp học ở Đô Lương thấp (đầu nhiệm kỳ vẫn còn nhiều trường đang học trong các phòng mượn, phòng tạm), nhưng trong 4 năm xây dựng trường chuẩn, từ đầu nhiệm kỳ lại nay đã có thêm 16 trường đạt chuẩn.
Đến thời điểm này, huyện Đô Lương có 60/94 trường đạt chuẩn quốc gia, bằng 64% tổng số trường trong toàn huyện, xếp thứ 6 toàn tỉnh. Đặc biệt, trong số đó có 14 trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đội ngũ giáo viên ở các cấp học đều đạt chuẩn. Chất lượng giáo viên dạy giỏi theo đó cũng tăng lên, trong đó, giáo viên dạy giỏi tỉnh trong 2 năm ở 3 bậc học là 55 giáo viên. Hiệu quả xây dựng trường chuẩn ở Đô Lương còn được thể hiện ở chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn. Riêng chất lượng mũi nhọn, tính trong vòng 3 năm học 2011 - 2014, số học sinh giỏi ở Đô Lương luôn được xếp thứ 2 tỉnh (sau TP. Vinh), chỉ tính năm học 2013 - 2014 vừa qua, Đô Lương có 361 học sinh giỏi tỉnh và 20 học sinh giỏi quốc gia. Đây là những kết quả đáng tự hào và là động lực để Đô Lương thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện có 72 - 75% trường đạt chuẩn quốc gia trong điều kiện thời gian từ nay đến cuối nhiệm kỳ không nhiều.
Bài, ảnh: Mai Hoa