Xây dựng văn hóa cơ sở: Một năm nhìn lại

05/01/2015 09:58

(Baonghean) - Năm 2014 khép lại với khá sôi nổi các hoạt động văn hóa - thông tin cơ sở; qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân…

Một trong những hoạt động nổi bật của văn hóa cơ sở trong năm 2014 đó là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới. Về xã Hưng Tân (Hưng Nguyên), một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2014, cảm nhận được sự phấn khởi của bà con nơi đây. Hộ chị Nguyễn Thị Liên – gia đình văn hóa tiêu biểu của xóm 6, cho biết: “Ngày xã đón nhận bằng đạt chuẩn nông thôn mới như ngày hội, cả làng, cả xóm rộn ràng. Như gia đình tôi, hai vợ chồng đều làm nông nghiệp, thêm nghề thợ xây, chăn nuôi nên đời sống ổn định”. Trong đợt ủng hộ xóm, xã mở đường, xây nhà văn hóa xóm, xây khuôn viên, gia đình chị luôn đi đầu.

Chị nghĩ: mình là phụ nữ nông thôn, sự hiểu biết cũng có hạn nên mình phải vươn lên, ngoài làm nông nghiệp còn phải dành thời gian để giao lưu, học hỏi qua những buổi sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ… Mà để có nơi sinh hoạt cho chị em, việc xây dựng nhà văn hóa xóm đạt tiêu chí nông thôn mới là hết sức quan trọng, vì có Nhà văn hóa thì bà con mới có nơi sinh hoạt, hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa – thể thao khác… Tết Dương lịch năm nay, nhà văn hóa xóm 6 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các hoạt động mừng năm mới như văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền… diễn ra sôi nổi, tạo không khí phấn chấn cho mọi người bước vào năm mới…

Ông Nguyễn Văn Minh – cán bộ Văn hóa xã Hưng Tân cho biết: Hiệu quả của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới rõ nhất đó là cơ sở vật chất dành cho hoạt động văn hóa đã được thay đổi đáng kể. Trước đây nhiều xóm không có nhà văn hóa, sân thể thao cũng chưa đảm bảo, thì nay 9/9 xóm có nhà văn hóa đảm bảo tiêu chí nông thôn mới, nhờ vậy, các đoàn thể, chi hội ở xóm có điều kiện để tổ chức nhiều hoạt động. Ví như trong năm 2014, đã tổ chức được Liên hoan tiếng hát Làng Sen đến cấp xóm, giao lưu bóng chuyền, giao lưu giữa các CLB các xóm… Từ đó, đời sống văn hóa, tinh thần của bà con nông dân được cải thiện...

Hội vật ở xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn.
Hội vật ở xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa cơ sở. Đến nay số xã, phường, thị trấn đã quy hoạch đất để xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao đảm bảo theo quy định của Bộ VH-TT&DL gắn với xây dựng nông thôn mới là 435/480 xã, đạt 90,6%. Số xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao: 396/480 xã, đạt 82,5%. Số làng, bản, khối phố có nhà văn hoá, sân chơi thể thao: 5182/5859 làng, đạt 88,4%. Số xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn theo quy định của tỉnh: 230/480 xã, đạt 47,8%.

Điểm nhấn của văn hóa cơ sở trong năm 2014 là việc duy trì hiệu quả các câu lạc bộ, các đội văn nghệ quần chúng. Đến nay, hoạt động các câu lạc bộ văn nghệ quần chúng đã khép kín từ xã, phường, thị trấn đến bản, làng, thôn, xóm, khối, phố. Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có hơn 2.000 đội văn nghệ quần chúng hoạt động rầm rộ.

Ông Trần Duy Hưng – Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Thanh Chương cho biết: Xác định hoạt động văn hóa cơ sở đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân, nhất là người dân vùng nông thôn. Điểm nhấn của năm 2014 vừa qua là Thanh Chương đã tổ chức liên hoan nghệ thuật quần chúng “Tiếng hát Làng Sen” với quy mô toàn huyện, được đánh giá là một trong những hoạt động sôi nổi, phong phú về nội dung và thu hút đông đảo lực lượng diễn viên không chuyên tham gia; trở thành “sân chơi” cho rất nhiều lứa tuổi khác nhau, ở đó người xem bắt gặp hình ảnh những cụ bà, cụ ông bên cạnh các cháu thiếu niên, nhi đồng cùng các bố, các mẹ say sưa tập luyện, say sưa thể hiện những làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng… Hiện trên địa bàn huyện đã xây dựng được hơn 20 CLB là nòng cốt trong các đợt tuyên truyền về bầu cử, phòng, chống ma túy, sinh đẻ có kế hoạch, xây dựng nếp sống văn hóa mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, khối, xóm văn hóa…

Năm 2014, hoạt động các CLB khắp nơi trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển theo hướng xã hội hóa để tồn tại, phục vụ theo thị hiếu, sở thích của các thành viên CLB và nhu cầu của quần chúng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Điển hình là CLB Dân ca Nam Đàn; CLB Ca trù và CLB Âm nhạc Diễn Châu, CLB Văn hóa dân gian thuần Thổ, thuần Thái (Quỳ Hợp), CLB Dân ca Nghi Trung (Nghi Lộc), CLB Dân ca Bảo Thành (Yên Thành), CLB Dân ca Hòa Sơn (Anh Sơn); CLB Dân ca dân vũ bản Phòng, xã Thạch Giám (Tương Dương), CLB thơ Sông Mai (Quỳnh Lưu)… và nhiều CLB dân ca mới được thành lập nhưng bước đầu đã có nhiều hoạt động thiết thực. Bà Nguyễn Thị Hai – nghệ nhân Câu lạc bộ Dân ca Xuân Hòa (Nam Đàn) cho biết: Câu lạc bộ dân ca duy trì đến nay đã được hơn 10 năm, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng hoạt động của câu lạc bộ đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân, là nơi giao lưu, học hỏi của những người yêu dân ca, ví phường vải. Mỗi dịp xóm, xã có ngày hội, ngày lễ, tết, các thành viên của câu lạc bộ lại phục vụ nhân dân bằng những lời ca, tiếng hát “cây nhà lá vườn” thấm đẫm hồn quê, làm cho đời sống văn hóa nông thôn ngày càng phong phú, khởi sắc.

Bên cạnh hoạt động của các CLB, các đội văn nghệ quần chúng, hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ động cũng được quan tâm đầu tư. Ngoài các hoạt động thường xuyên, năm nay các đơn vị đều xây dựng mới nhiều cụm cổ động lớn, cổng chào qua đường tại khu vực trung tâm huyện,lỵ, những tụ điểm sinh hoạt văn hóa, trang trí lễ nghi, khánh tiết trong hội trường, nhà văn hóa… Đặc biệt, các huyện miền núi Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Anh Sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương, Quỳ Châu, Quế Phong… đã phát huy được vai trò của đội thông tin lưu động, xóa các “điểm trắng”, “vùng lõm” để đưa thông tin, đời sống văn hóa, tinh thần về với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Năm qua cũng là năm các hoạt động lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh đã được các địa phương chủ động triển khai sôi động hơn, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của đông đảo quần chúng và du khách gần xa. Từ các lễ hội truyền thống như Lễ hội Đền Cuông, Lễ hội Đền Hoàng Mười, Lễ hội Pu Nhạ Thầu, Hang Bua, Lễ hội Đền Chín Gian… đến Lễ hội Sông nước Cửa Lò và các lễ hội tưởng niệm như Lễ hội Làng Sen, Lễ hội Uống nước nhớ nguồn… đã đi vào đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Ông Bùi Công Vinh – Giám đốc Trung tâm VH - TT tỉnh, cho biết: Tuy đời sống văn hóa cơ sở đã có nhiều khởi sắc, nhưng nhìn chung đang tập trung ở các trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn. Đồng bào các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn thiếu những tụ điểm vui chơi, những hoạt động văn hóa – thể thao mang tính cộng đồng. Một trong những chiến lược nhằm đưa đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào miền núi tiến kịp miền xuôi của tỉnh ta trong thời gian tới đó là phát huy hơn nữa hiệu quả của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đẩy mạnh thực hiện Đề án “Xây dựng thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao đạt chuẩn”, Đề án “Bảo tồn phát huy các môn thể thao dân tộc miền Tây Nghệ An”, Dự án “Tăng cường đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thiết chế VHTT cơ sở vùng sâu, vùng xa”…

Bài, ảnh: Thanh Thủy

Mới nhất
x
Xây dựng văn hóa cơ sở: Một năm nhìn lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO