Xây nhà trái phép trên đất trang trại, đất nông nghiệp

27/08/2014 10:33

(Baonghean) - Có thể nói, chuyển đổi tích tụ ruộng đất, khai thác tiềm năng phát triển kinh tế trang trại là chủ trương đúng đắn, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, một thực tế nhức nhối đang diễn ra tại nhiều địa phương, đó là nhiều chủ trang trại và những hộ dân thuê đất nông nghiệp đã lợi dụng để xây dựng nhà ở và các công trình kiên cố trái phép trên những trang trại, diện tích đất nông nghiệp, nhưng hầu như không bị cơ quan chức năng xử lý.

Những ngôi nhà xây kiên cố trên đất nuôi trồng thủy sản ở Hưng Lợi (Hưng Nguyên).
Những ngôi nhà xây kiên cố trên đất nuôi trồng thủy sản ở Hưng Lợi (Hưng Nguyên).

Đưa nhà ra đồng

Men theo con đê, chúng tôi đã tìm về vùng đồng Đá Bạc, xã Quỳnh Bá, Quỳnh Lưu, thấy san sát là những trang trại nuôi trồng thủy sản khá “hoành tráng”. Điều đáng nói, trên diện tích đất các trang trại này đều mọc lên những ngôi nhà và các công trình được xây dựng kiên cố. Vào thăm trang trại của chị Vũ Thị Thúy, bên vùng ao đầm rộng lớn, phía trên bờ, ngoài hệ thống chuồng trại nuôi vịt, còn có cả căn nhà cấp 4 khang trang. Năm 2009, thực hiện chương trình chuyển đổi tích tụ ruộng đất của xã, với 6 sào ruộng được tập trung “về một mối”, chị Thúy đã bỏ ra 6 triệu đồng mua thêm 1 sào đất ruộng của gia đình khác để mở rộng quy mô. Chị thừa nhận: “Gia đình tôi đã đầu tư trên 300 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, vẫn biết xây dựng nhà kiên cố là trái quy định, nhưng chúng tôi rất cần có chỗ “an cư” để thuận tiện cho việc phát triển trang trại”.

Những năm qua, dọc phía Nam Cầu Hào (Quỳnh Bá) đã xuất hiện tình trạng thu gom “mua” đất nông nghiệp của dân xây dựng các công trình kiên cố để kinh doanh. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Cường đã ngang nhiên xây dựng công trình nhà hàng ăn uống rộng hơn 3.000m2 trên đất nông nghiệp, ở khu đất phía Nam Cầu Hào. Hiện tại, dãy nhà hàng đang trong quá trình hoàn thiện, diện tích còn lại được đổ bê tông làm sân bãi. Một số người dân địa phương bức xúc: Theo quy định, đất nông nghiệp không được sử dụng xây công trình kiên cố, vậy mà ông Cường xây quy mô lớn nhưng không thấy UBND xã có biện pháp xử lý. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Cường lý giải: “Diện tích đất nông nghiệp này tôi đã thu gom “mua” của người dân theo thỏa thuận để xây dựng nhà hàng kinh doanh ăn uống”. Có lẽ biết đây là việc làm sai trái, nên khi chúng tôi vào chụp ảnh nhà hàng “mọc” trên đất lúa của ông Nguyễn Văn Cường, một số đối tượng đã có hành vi cản trở.

Ngoài Quỳnh Bảng, hiện tại ở Quỳnh Lưu vẫn còn rất nhiều địa phương để xảy ra tình trạng người dân cố tình xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Như hộ ông Nguyễn Sĩ Luân ở Quỳnh Thạch, có trên 2 ha đất nông nghiệp, ngoài diện tích ao cá, ông còn xây dựng nhà kiên cố, sắm đầy đủ tiện nghi như ti vi, tủ lạnh, thậm chí còn lắp cả máy điều hòa. Chưa kể các công trình phụ như bể cạn trên 20m3, nhà vệ sinh… Vòng theo con đê 42 thuộc đoạn xã Hưng Lợi, Hưng Nguyên, chúng tôi thấy chi chít là những căn nhà cao tầng mọc lên ngay tại các khu vực nuôi trồng thủy sản. Theo quy định, trên diện tích đất mà các hộ hợp đồng nuôi trồng thủy sản chỉ được phép xây dựng “chòi canh” rộng từ 17 - 18 m2.

Tuy nhiên 100% số hộ thuê ao nuôi trồng thủy sản nơi đây đều cơi nới diện tích, biến “chòi canh” thành nhà ở kiên cố. Như vùng nuôi cá của chị Trần Thị Tùng ở xóm 6, xã Hưng Lợi rộng trên 5000m2 thì chị sử dụng trên 300m2 để làm nhà ở kiên cố và các công trình phụ khác phục vụ cho cả gia đình. Chị Tùng lý giải đơn giản: Theo hợp đồng thuê diện tích ao nuôi (từ năm 1999 đến năm 2015) thời gian rất dài nên chúng tôi đã xây nhà kiên cố để ở, sang năm 2015, hết hợp đồng, chúng tôi đề nghị được gia hạn thêm … Dọc ven đê 42, xã Hưng Lợi có trên 20 hộ dân xây nhà kiên cố trái phép trên đất nuôi trồng thủy sản. Chúng tôi tiếp tục về trang trại nuôi trồng thủy sản của ông Đinh Xuân Hoan ở xóm 12, xã Xuân Hòa (Nam Đàn). Vùng đất này trước đây vốn là lò gạch. Năm 2005 sau khi lò gạch ngừng hoạt động, diện tích này được gia đình ông Hoan thuê lại của xã để nuôi cá. Tổng diện tích trên 15.000m2, với giá 9 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, ông Hoan chỉ nuôi cá 7000m2 còn lại cải tạo đất làm chuồng trại nuôi lợn, gà và làm căn nhà kiên cố để sinh hoạt cho cả gia đình. Toàn huyện Nam Đàn hiện có 79 trang trại lớn, nhỏ, hầu hết đều xây dựng công trình kiên cố trái phép trên đất trang trại.

Đối với huyện Yên Thành, tình trạng xây nhà kiên cố trên đất trang trại hiện đã ở mức báo động. Theo thống kê, toàn huyện có 75 trường hợp xây dựng nhà trái phép trên đất cho thuê để làm trang trại, gia trại, trong đó có 14 trường hợp đã xây nhà kiên cố, 61 trường hợp làm nhà tạm. Như hộ gia đình ông Trần Đình Thuội - xóm Tây Tiến, xã Tiến Thành, trang trại tổng hợp của ông chủ yếu là trồng cây và chăn nuôi trâu, bò, nhưng thực tế, ông đã xây dựng nhà kiên cố từ nhiều năm qua. Ông Thuội phân trần: Thuê đất làm trang trại ở đây đã hàng chục năm. Trước đây chỉ làm nhà trại tạm bợ nhưng nay có điều kiện tôi xây nhà kiên cố để ở và tiện việc chăm sóc trang trại. Tại xã Lý Thành có 5 trường hợp xây nhà kiên cố trái phép trên đất trang trại. Như hộ ông Hoàng Giang ở xóm 3 có diện tích trang trại rộng 0,6 ha chủ yếu trồng cây lâm nghiệp và chăn nuôi, ông Giang đã xây ngôi nhà 2 gian, sinh sống từ năm 2003. Hộ ông Trần Liên ở xóm 7 có diện tích đất 0,6 ha chủ yếu đất lâm nghiệp đã xây dựng căn nhà kiên cố 3 gian…

Hộ ông Nguyễn Văn Cường ở Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu) “mua” đất nông nghiệp của dân xây dựng nhà hàng trái phép.q
Hộ ông Nguyễn Văn Cường ở Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu) “mua” đất nông nghiệp của dân xây dựng nhà hàng trái phép.

Hệ lụy khó lường

Tràn lan xây dựng nhà trái phép và các công trình kiên cố trên đất trang trại, đất nông nghiệp gây nên những tác hại và hệ lụy đáng kể. Như ở đoạn đê 42 thuộc xã Hưng Lợi - Hưng Nguyên, chúng tôi thấy hầu hết là vi phạm hành lang an toàn giao thông và hành lang đê. Nhiều bà con sinh sống phía dưới đê đã tự ý mở các hành lang đê để xây dựng cổng vào nhà, tận dụng mặt đê làm sân phơi rơm, rạ cản trở giao thông. Vào mùa mưa lũ do xây dựng các công trình kiên cố và trồng cây to xung quanh bờ rào, làm cản trở dòng chảy. Điều đặc biệt nguy hiểm là do sinh sống phía dưới đê nên vào mùa lũ, nước dâng cao đe dọa tính mạng của nhiều người dân. Khu vực này còn có nguy cơ phá vỡ quy hoạch chung của khu đô thị sát TP Vinh và "băm nhỏ" các dự án sắp được triển khai vì sau khi hết thời hạn cho thuê nuôi trồng thủy sản, từ 1999 - 2015 UBND huyện Hưng Nguyên sẽ cho các nhà đầu tư triển khai dự án đầu tư vào vùng đất này.

Đối với vùng phía nam Cầu Hào xã Quỳnh Bá, Quỳnh Lưu, rất nhiều hộ mua đất nông nghiệp của dân để ở và kinh doanh, ngoài việc vi phạm hành làng đê sông còn gây ô nhiễm trầm trọng, khi mà nhiều hộ dân vứt rác bừa bãi xuống lòng sông Bình Sơn và ven đê,... Nhiều trang trại xây dựng công trình kiên cố còn gây ảnh hưởng, cản trở đến quá trình quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Tại một số địa phương nếu không quyết liệt xử lý, giải quyết dứt điểm thì sẽ dễ hình thành, mọc lên các khu dân cư tự phát, như một số trang trại ở rừng núi xa khu dân cư, xuất hiện tình trạng chủ trang trại chia cắt đất cho các thành viên trong gia đình để xây dựng nhà kiên cố.

Một lãnh đạo của Phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sử dụng đất trang trại, đất nông nghiệp sai mục đích ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đầu tư xã hội. Trong quá trình Nhà nước cần thu hồi đất, thì ao, hồ có thể lấp lại được chứ nhà cửa và các công trình kiên cố của dân xây trái phép phải phá bỏ sẽ rất phức tạp. Rõ ràng ngoài việc buông lỏng quản lý ở cấp xã thì một số cấp huyện chưa quan tâm, còn thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm.

Có thể nói rằng, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh ta tình trạng xây dựng nhà cửa và các công trình trái phép trên đất trang trại, đất nông nghiệp vi phạm Luật Đất đai đã ngày càng tăng, với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sai phạm trên, về khách quan được cho là do một số hộ dân chưa nắm rõ thủ tục pháp lý về xây dựng trang trại nên đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây nhà ở kiên cố trên đất công. Chưa kể, nhiều hộ dân trong quá trình xây dựng nhà tạm đã cố tình lợi dụng xây dựng nhà kiên cố trái phép. Bên cạnh đó, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tại nhiều địa phương, công tác quản lý đất đai chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là cấp xã, rất ít tuyên truyền để những hộ thuê hiểu là họ không được phép xây dựng nhà ở kiên cố. Một thời gian dài, hầu như các xã không có báo cáo về tình trạng xây nhà kiên cố trên đất trang trại, đất nông nghiệp lên UBND huyện, không xử lý ngay từ thời điểm ban đầu, hoặc xử lý không kiên quyết. Trong khi đó, công tác thanh kiểm tra của huyện xuống cơ sở xã về quản lý đất đai lại lỏng lẻo, nhiều đối tượng xây dựng nhà sai phạm mới tiếp diễn nhưng vẫn không được ngăn chặn, xử lý. Vì vậy, cần những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng này.

(còn nữa)

Bài, ảnh: Văn Trường

Mới nhất

x
Xây nhà trái phép trên đất trang trại, đất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO