Xẻ đá núi vào Na Ngân

17/04/2007 09:54

 "Nghe tin huyện mở đường bản ta vui lắm, chẳng khác gì hồi năm 1975 nghe tin giải phóng miền Nam. Phải thế mà Na Ngân mấy ngày nay vắng bóng người, bởi tất cả đều đổ ra công trường mở đường vào bản..." - Trưởng bản Lô Xuân Hằng phấn chấn nói vậy.

"Nghe tin huyện mở đường bản ta vui lắm, chẳng khác gì hồi năm 1975 nghe tin giải phóng miền Nam. Phải thế mà Na Ngân mấy ngày nay vắng bóng người, bởi tất cả đều đổ ra công trường mở đường vào bản..." - Trưởng bản Lô Xuân Hằng phấn chấn nói vậy.

Na Ngân-niềm vui ngày mở đường

Để vào mường Xiêng Mi xã Nga Mi của huyện -Tương Dương đã xa, đến với bản Na Ngân lại càng vời vợi. Ông Lương Thanh Hải-Chủ tịch huyện kể: "Na Ngân là bản lâu nay sống biệt lập sau những dãy núi đá cao chọc trời. Đường đi lối lại không có, phải lội dưới khe. Ngày đầu chiến dịch mở đường 13 bản của xã Nga Mi từ khắp nơi đổ về dãy Pù Hiêng dựng hàng chục chiếc lều lán tạm bợ bên những dãy núi chênh vênh để bám trụ mở đường. Kế hoạch của huyện là tập trung nhân lực tại xã trên 450 người, sẽ thông tuyến Na Ca - bản Cánh-Xốp Kho - Na Ngân dài trên 22 km, nhưng riêng đoạn Xốp Khô - Na Ngân có 6 km đường phải mở mới.

Qua khảo sát, đây là tuyến đường vô cùng phức tạp, con đường chạy quanh sườn núi Pù Hiêng giữa cánh rừng đại ngàn giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Địa thế hiểm trở, nhiều chỗ lèn đá án ngữ, để mở được tuyến đường chỉ thông xe máy vào bản thôi cũng không phải dễ.

Hơn 500 lao động bất chấp mưa rét, cái lạnh như thấu xương vẫn hăng hái mở đường. Có vào tới đây mới thấy được không khí nhộn nhịp, khẩn trương gấp gáp, giữa cánh rừng nguyên sinh, cờ đỏ băng rôn rợp trời, tiếng cuốc thuổng bổ xuống chan chát, cả đại ngàn như rung chuyển. Những điệu nhuôn, xuối, khắp, đối nhau đã làm quên đi mệt nhọc. Hầu hết các bản đều làm vượt chỉ tiêu, vượt thời gian, như bản Piêng Ồ, bản Na Ca, bản Bột...bà con tranh thủ làm cả ban đêm. Những bó đuốc sáng rực trong đêm đại ngàn, soi xuống Nậm Ngân lung linh huyền ảo. Ông Lữ Văn Tân -Trưởng bản Piêng Ồ nói: "Có đường là có tất cả, bà con sẽ làm hết sức mình để giúp Na Ngân thấy được ánh sáng văn minh..." Tuyến này có tới 4 đoạn bị lèn đá án ngữ, có đoạn dài 120 mét toàn đá, huyện đã phải mang vào đây trên 2.000 kg mìn để phá đá. Tổ phá đá có hàng chục người làm việc rất căng thẳng và nguy hiểm, dùng dây thừng buộc thân mình vào gốc cây bám trên nóc lèn để khoan đá đặt mìn, phía dưới là dòng khe Nậm Ngân hun hút. Cứ mỗi tiếng mìn nổ xong dân bản lại hò dô nạy đá, những vách lèn đá dựng đứng hôm nào đã được xé toang rộng trên 3 m. Anh Vi Khiêm cán bộ phòng giao thông tâm sự: "Để phá đá hiệu quả và an toàn thì tổ thực hiện phương pháp "đánh om", có nghĩa là khoan sâu, đặt mìn sâu, khi nổ mới bung ra được khối lượng đá lớn. Chỉ 5 ngày đêm san rừng xẻ núi bà con dân bản đã làm nên điều kỳ diệu: thông được tuyến đường 6 km hiểm trở vào bản Na Ngân. Để trợ giúp cho dân công, các tổ đội phụ nữ, xã, bản gánh thêm lương thực thực phẩm, đội văn nghệ của Trung tâm văn hoá huyện vào phục vụ, giao lưu với dân bản, động viên bà con vui mở đường.

"Ruộng bạc" sẽ có "bạc"

Đêm ấy vừa thông tuyến, cả bản Na Ngân sáng rực trong ánh đuốc. Họ đổ ra từ đầu bản mang theo chiêng trống để đón xe máy lên thông tuyến. Hàng chục chiếc xe máy rú ga trong đêm rồi dừng trước bản, người già ra sờ mó cái "cục sắt" biết chạy mà rân rấn nước mắt. Bí thư bản Vi Đức Thuận nói: "Đây là lần đầu tiên dân bản biết cái xe máy, lâu nay bà con đi ra trung tâm xã đều phải lội bộ ròng rã cả ngày trời dưới khe Ngân. Khốn khổ nhất là mùa mưa, nước dâng ngập khe, Na Ngân như ốc đảo biệt lập với thế giới bên ngoài, đã biết bao người bị bệnh hiểm nghèo không thể đi bệnh viện phải bỏ mạng oan uổng. Bao đời nay bà con dân bản chủ yếu sống nhờ rừng, tự cung, tự cấp ai biết đến trao đổi hàng hoá là gì." Đêm đó Na Ngân thức trắng, vui hơn cả ngày tết, trong chuếnh choáng men rượu cần tôi thoảng nghe lời của gió: "Pu Mạy ơi, Chàng ở xa 7 con suối, 9 ngọn đồi, hãy cứ qua cổng trời sương trắng, đừng ngại Pù Thẹc, Pù Hiêng lèn cao, vực thẳm bởi Na Ngân đã có đường, nối tình chàng với em..." Chị Vi Thị Hà-Phó chủ tịch xã Nga Mi giải thích: Na Ngân tiếng Thái có nghĩa là ruộng bạc, đất đai ở đây khá bằng phẳng phì nhiêu, khó khăn về giao thông nên tiềm năng đất đai ở đây lâu nay cũng bị quên lãng. Con đường hôm nay được mở ra sẽ là dấu son lịch sử, tạo nên động lực lớn để người dân phát triển kinh tế -xã hội. Ông Vi Tân Hợi -Phó chủ tịch huyện cho biết thêm: "Có đường vào, sắp tới Na Ngân sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây dựng đập, khai thác tiềm năng đất bằng để trồng lúa nước, đây sẽ là bước đột phá, ổn định lương thực, bà con sẽ giảm diện tích nương rẫy, không phải phụ thuôc vào rừng, có điều kiện để bảo vệ rừng nguyên sinh...". Mấy thầy cô giáo cũng mừng rơi nước mắt, lâu nay cứ mỗi lần vào "cắm" bản phải lội dòng khe Ngân lởm chởm đá nhọn, vào tới nơi áo quần rách tơ tướp, chân tay tứa máu, nay có thể phi xe máy vào tận bản sướng hết chỗ nói ! Kết thúc đợt làm đường tuyến Xốp Kho-Na Ngân, tuy nhiên ngay sau đó bản Na Ngân vẫn tiếp tục huy động hàng trăm lao động tu bổ, mở rộng đường, phấn đấu mở thật rộng đường bằng mọi cách để ô tô có thể vào bản.

Xốp Kho-Na Kho quyết thông đường

Cả mấy tuần nay anh Nguyễn Xuân Hải -Phó chủ tịch huyện Tương Dương cùng với anh em cán bộ "ăn rú, ngủ rừng" nước da đen sạm, nhưng mắt luôn ánh lên niềm tin: "Có đường, dân bản sẽ có tất cả". Những ngày cùng ăn ở với đồng bào mới thấy được khát khao đến cháy bỏng là con đường. Chiến dịch năm nay khác với mọi năm là không làm dàn trải, mà chủ yếu làm tập trung, làm tới đâu dứt điểm tới đó. Vì vậy huyện thành lập khung chỉ huy với các thành viên tham gia cán bộ phòng hạ tầng, quân sự, công an, trung tâm y tế...chủ lực vẫn là sức người, huyện hỗ trợ thêm máy xúc để kết hợp san đường. Đối với khung chỉ huy xã được hỗ trợ tiền ăn 20.000đ/người/ngày, khung chỉ huy huyện 30.000 đ/người/ngày, ngoài ra huyện còn trích kinh phí để khen thưởng kịp thời cho các đơn vị làm tốt. Kết thúc chiến dịch mặc dù khối lượng công việc đều rất khó khăn, địa thế hiểm trở, núi đá án ngữ nhưng bằng sự quyết tâm nên tất cả đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giao phó. Như bản Noóng Mò đào đắp được 359 m3 đất đá, bản Piêng Ồ đào đắp được 183 m3 đất đá... Đợt hai, bà con Nga My đang tập trung hàng trăm lao động làm tuyến Xốp Kho-Na Kho. Đây là tuyến đường mòn hiểm trở chủ yếu đi bộ dài 8km. Mục tiêu của đợt này là sẽ mở rộng, hạ dốc để phấn đấu xe máy vào Na Kho.

Vừa kết thúc chiến dịch đợt I chưa hết thấm mệt, bà con lại vác cuốc thuổng lên đường, dựng 12 lều lán vây quanh đỉnh Pù Kho. Chiến dịch tham gia kéo dài 10 ngày, đoạn này khá hóc hiểm có nhiều cây to, đá ông voi lổn nhổn. Các bản lân cận đều tham gia, góp con gà, nải chuối, gạo, các cháu học sinh tranh thủ vào rừng hái măng, rau rừng về phục vụ dân công. Khí thế mở đường rầm rộ, con đường mới hôm nào dân bản còn theo dấu chân hoẵng, chân nai bây giờ đã lộ dần. Bà con quyết tâm trong 10 ngày sẽ thông đường, hai bản sẽ tổ chức lễ hội ăn mừng. Phía bên kia bản Na Ca đi Đình Tài lâu nay vẫn đang mắc ngọn lèn Phu Phá Tẹc (núi đá), bà con đang ngày đêm nạy đá để quyết thông đường.

Trên chon von mây trắng, dòng người vẫn đang rầm rập khí thế mở đường, bởi với người dân nơi đây, có đường là có tất cả.


Bài, ảnh: Văn Trường

Mới nhất
x
Xẻ đá núi vào Na Ngân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO