Xe ngựa Vinh xưa
(Baonghean) - Thành phố Vinh ngày nay, phương tiện vận tải hành khách công cộng chính là taxi và xe bus, có ai còn nhớ về những chiếc xe ngựa chở khách vốn như một phần không thể thiếu của Vinh một thuở?...
Vào những năm 1977 - 1978, Vinh đang trong thời kỳ tái thiết nên đất và người còn thưa lắm. Nhưng in đậm trong ký ức của tôi và những người Vinh thuở đó là những chuyến xe ngựa lóc cóc, chở khách ngày đêm trên những tuyến đường chính xuyên qua thành phố. Với lũ trẻ chúng tôi, những chiếc xe hai bánh lốp, lợp mái che do một chú ngựa to lớn kéo, chạy băng băng trên đường phố thật hấp dẫn làm sao. Tất cả chúng tôi đều mong được một lần ngồi phía trước càng xe cầm dây cương điều khiển chú ngựa kéo xe chạy trên đường.
Những chú ngựa ven hồ. |
Cũng không ai nhớ chính xác, nghề xe ngựa kéo ở Thành phố Vinh có tự bao giờ? Chỉ nghe một số người kể về ông Khởi, quê gốc Hải Phòng vào Vinh lập nghiệp, là người có xe ngựa kéo đầu tiên ở đất này. Nhưng chỉ dùng để chở hàng hóa thôi. Sau này, nhiều người thấy nghề này cũng kiếm ăn được, bắt chước ông Khởi mua xe, nên số lượng xe ngựa ngày càng nhiều. Đến khoảng năm 1980, khi mô hình HTX ra đời, thì tất cả xe ngựa kéo phải vào hợp tác. Lúc đó ở Thành phố Vinh có khoảng 6 HTX vận tải như: An Thành, Tân Tiến, Long Thành, Hưng Bình, Trường Tiến... Khi đó chợ Vinh còn ở trong Thành Cổ, gần sân vận động bây giờ. Trước cổng chợ, xe ngựa chở hàng đậu thành dãy ở bãi đất trống. Và từ đây, hàng hóa tỏa đi các nơi bằng những chuyến xe ngựa kéo này.
Sau khi loại xe ngựa kéo chỉ dùng được cho việc vận chuyển hàng tồn tại mấy năm, những người làm nghề này bắt đầu cải tiến thùng xe theo hướng có thể chở được người. Loại xe “đời mới” này có mái che, với hai hàng ghế dọc theo thành xe để có thể chở cả người và hàng hóa. Hồi đó, do các loại phương tiện khác còn rất hiếm, nên xe ngựa nhanh chóng trở thành phương tiện vận chuyển chính. Còn nhớ mỗi lần trốn học, tôi và đám bạn thường quẩn quanh nơi bến xe ngựa, xin được đi theo những chuyến xe. Chỉ thế thôi, cũng làm cho lũ trẻ chúng tôi hồi đó cảm thấy sướng mê ly rồi.
Xe ngựa chở khách chạy theo trục đường Ga Vinh đến Chợ Vinh, rồi xuôi Bến Thủy. Nhiều nhất là xe đậu ở bến Ga để đón khách đi tàu về. Hồi đó, người Nghệ An đi buôn chuyến thường đi theo nhóm, từ năm đến bảy người, nhất là người ở mạn Cửa Lò, Nghi Lộc. Nên còn có cả xe chạy tuyến Ga Vinh- Cửa Hội nữa. Ngày nào cũng vậy, cứ vào khoảng 5h sáng, tiếng móng ngựa gõ lộp cộp xuống đường, mẹ tôi thường đánh thức chúng tôi bằng câu gọi quen thuộc: “Dậy đi các con, xe đã về rồi”.
Do mê ngựa, nên tôi biết tên ngựa thường được đặt theo màu lông của nó. Con màu vàng tên Hồng, màu đen tên Ô và màu trắng là Kim. Mỗi chú ngựa đều có đặc điểm và tính nết riêng, nhưng điểm chung của chúng là sự trung thành, tận tụy pha lẫn chút bướng bỉnh và hoang dại. Vì thế, muốn những chú ngựa kéo được xe, ngoan ngoãn tuân theo sự điều khiển của người, đòi hỏi người chủ hay xà ích phải biết về ngựa và luôn tôn trọng nó.
Thông thường, ngựa kéo xe được mua qua tay giữa các chủ ngựa. Mua kiểu này có ưu điểm là ngựa đã thuần, đã biết kéo xe nhưng giá cả lại đắt. Chính vì thế, phần đa người ta chọn phương án ngược lên các vùng miền núi để mua ngựa hoang, rồi đưa về thuần dưỡng. Việc thuần dưỡng gọi là “vực ngựa”.
Những người “lái ngựa” thường tìm đến các vùng sâu, vùng xa các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Con Cuông; thậm chí, ở những miền núi xa phía Bắc như Lạng Sơn, Bắc Cạn mới mong chọn được những chú ngựa ưng ý. Theo kinh nghiệm, những chú ngựa tốt, khỏe phải phải hội tụ đủ các yếu tố: đầu nhỏ, cổ to, ức nở, bờm rậm, lông mướt. Nhưng vậy cũng chỉ mới là ngựa đẹp. Để đạt được tiêu chuẩn ngựa tốt, bốn chân phải thon nhỏ và kèm theo bộ “móng chén” nữa. Dù ngựa có đẹp, khỏe đến mấy, nhưng chân to như chân trâu thì cũng không chạy được nhanh.
Một người nổi tiếng tìm mua ngựa tốt thời đó, mà giới “xe ngựa Vinh” ai cũng biết đến là ông Hiển. Theo ông Hiển, việc đi tìm mua ngựa tốt, “vực ngựa” cho thuần thục đòi hỏi phải công phu, vất vả. Nhưng cũng chưa thấm vào đâu, so với việc đưa được ngựa từ những vùng núi cao về đến nhà. Có lần, ông và ba người nữa ra tận Lạng Sơn, Thái Nguyên tìm mua ngựa. Sau mười ngày lùng sục vào những bản xa, đoàn “lái ngựa” mua được 5 chú ngựa đẹp, trong đó có con ngựa kéo đã “thuần”. Ông mua luôn một chiếc xe chở hàng, ngoắc một chú vào ách để kéo, còn 4 con khác được đóng dây cương, cột vào thành xe. Dù cuộc hành trình là ngày nghỉ, đêm đi để tránh xe cộ dọc đường làm ngựa hoảng sợ, nhưng bốn ông “lái ngựa” đã phải nhiều lần dừng lại đi tìm, do ngựa hoang trở chứng. Rồi sau đúng một tháng, đoàn “người ngựa” cũng về đến nhà bình an, dù ngựa thì bị thiếu một chú!
Sau khi đưa được ngựa về, phải cho ngựa làm quen với thổ nhưỡng, khí hậu, đặc biệt là cảnh đông đúc người của đồng bằng. Bởi những chú ngựa này lớn lên ở bình nguyên vắng vẻ, nên khi thấy đông người đều hoảng sợ. Qua thời gian này, người ta bắt đầu đưa ngựa ra một bãi cỏ rộng, hoặc cánh đồng rồi đóng cương và ngoắc xe vào để kéo. Tôi rất thích được xem những chú ngựa được “vực”, rất nhiều chú do lần đầu lạ lẫm, hoảng sợ hất cả dây cương, kéo chiếc xe chạy băng băng khắp cánh đồng. Chiếc xe nghiêng bên này, đổ bên kia, nhảy tưng tưng bất chấp người xà ích chạy theo hò hét dọa nạt.
Những lúc đó, lũ trẻ chúng tôi chạy theo phía sau reo hò ầm ĩ, chú ngựa lại càng sợ hơn, kéo luôn cả xe lao ùm xuống hố. Khoảng năm, sáu ngày như vậy, chú ngựa quen dần với cặp càng xe ách vào cổ và trở nên ngoan ngoãn hơn. Bước tiếp theo là tập cho chú đi theo sự điều khiển của dây cương, rồi kéo xe có hàng nặng. Giai đoạn này, đòi hỏi phải công phu, nghiêm khắc, thưởng phạt rõ ràng với ngựa. Dù đã vượt qua giai đoạn này, có nhiều “chú” chưa chắc đã phục. Khi kéo xe không đến bến đậu chờ khách thì ngoan ngoãn, nhưng khi thực sự chở khách thì trở chứng. “Chú” làm đủ trò như hất tung dây cương, dạt bên này, lắc bên kia làm cho hành khách được phen hú vía đành xuống xe đi xe khác. Thế nên việc “vực” được ngựa, khiến nó trở nên thuần phục, phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và uy lực của người xà ích. Và có thể cũng là cái duyên hợp nhau giữa người và ngựa.
Người nổi tiếng “vực ngựa” giỏi ở đất Vinh thuở đó, có lẽ là ông “Dũng ngựa điên” ở HTX An Thành, phường Cửa Nam. Dáng người nhỏ thó, nhưng đặc biệt đôi mắt ông ta toát ra ánh nhìn đầy uy lực. Những con ngựa dù cứng đầu, bướng bỉnh đến đâu khi vào tay ông đều trở nên ngoan ngoãn. Hồi đó, một xã viên HTX Trường Thành mua về một chú ngựa rất đẹp. Nhìn qua ai cũng tấm tắc khen, bởi chú ta không hề bị “hãm tướng” chỗ nào. Thế nhưng, khi ngoắc xe vào, con tuấn mã này quỳ bốn chân xuống, nằm bẹp trên đường không nhúc nhích. Mặc cho người xà ích làm đủ mọi cách, kể cả hò hét, đánh đập. Ông Dũng đã áp dụng đủ phương pháp, phạt nhốt mấy ngày liền, bỏ đói, kể cả không gần gũi và vỗ về nó. Nhưng “hắn” vẫn không chịu kéo xe và chủ ngựa đành phải chịu thua. Ông Dũng nghe vậy, bèn tìm đến mua lại với giá rẻ. Thế mà chỉ khoảng mười mấy ngày về tay ông Dũng, không hiểu ông dùng cách nào mà chú ngựa chứng này trở thành một con ngựa hay, ngoan ngoãn.
Tôi còn được biết thêm, cái tên “Dũng ngựa điên” xuất phát từ cái lần ông thuần phục con “Ô” của ông “Trọng xe ngựa”. Đó là một con ngựa đẹp với màu lông đen nhức mắt. Nhưng nó rất ác, không ai gần được. Nhà ông “Trọng xe ngựa” với 5 đứa con hành nghề xe ngựa kéo lâu năm cũng phải tránh xa. Còn nhớ có lần, mấy đứa chúng tôi chọc nó khi đang gặm cỏ. Nó đuổi chúng tôi chạy mướt cả mồ hôi, phải trèo lên cột điện để trốn. Nó đứng dưới canh chừng cả tiếng đồng hồ, khiến cho cả bọn đứng trên cột điện run bật bật, có đứa phát khóc. Đôi chân và hàm răng của nó đã làm cho nhiều người bị thương, nên ai cũng bảo nó là con ngựa điên.
Thế nhưng khi đứng trước ông Dũng, con Ô không dám nhúc nhích, chỉ biết cúi đầu. Ông thò tay nắm bờm nó xách về nhà, sau một tháng con Ô lột xác thành một con ngựa hay, hiền lành ngoan ngoãn dưới bàn tay ông. Buổi tối khi cần con Ô để đi đón khách, ông “Dũng ngựa điên” chỉ cần ra đứng ở bãi cỏ sân vận động, thổi một tiếng còi dài thì ngay lập tức, con Ô xuất hiện cúi đầu chờ đợi. Ông “Dũng ngựa điên” khẳng định: “Ngựa chứng” là con ngựa hay, nếu thuần phục được nó. Ngựa cũng như con người, cảm nhận được hết tình cảm mà chủ dành cho nó”.
Cũng như những nghề khác, các dịch vụ cho ngựa được ra đời khi nghề này phát triển. “Hưng” và “thịnh” theo bước chân của ngựa, thì phải kể đến nghề cắt cỏ. Cỏ cho ngựa phải là loại cỏ mật. Cắt xong rửa sạch sẽ, không để lẫn loại cây khác vào, rồi mới đóng vào bì đem đến chợ bán. Những người cắt cỏ ngựa là dân ở các vùng phụ cận như Hưng Nguyên, Nghi Lộc. Chợ cỏ thường nhóm họp vào lúc 4 giờ sáng trước cổng chợ Vinh bây giờ. Từng bì cỏ được xếp thành hàng ngay ngắn suốt dọc con đường ven mép sông. Thông thường, người bán nào cũng có các chủ ngựa quen là khách riêng của mình. Khi mặt trời lên, những người buôn bán hàng khác đến chợ, cũng là lúc chợ cỏ tan. Chợ cỏ ngựa được duy trì mãi, cho đến khi nghề xe ngựa ở Vinh tan rã.
Rồi đến thập niên 90 của thế kỷ trước, xe cơ giới bắt đầu xuất hiện thay thế xe ngựa kéo. Người ta dùng xe công nông chở hàng, xe ca để chở khách thì một vài năm sau thôi, những chiếc xe ngựa hoàn toàn biến mất khỏi đất Vinh, âu đó cũng là quy luật. Thế nhưng, đối với một số người thì hình ảnh chiếc xe ngựa kéo, vẫn còn đọng lại trong ký ức họ như một hoài niệm về thành Vinh thuở trước.
Bây giờ nhiều chủ xe ngựa kéo, những xà ích ngày xưa đã người còn kẻ mất. Ông “Dũng ngựa điên”, ông “Hiển xe ngựa” cũng đã bước sang tuổi xưa nay hiếm. Ấy vậy mà khi nghe tôi gợi nhắc về ngựa, đôi mắt họ lại rực sáng như nhớ về một thời kỷ niệm. Có lẽ với họ, những chú ngựa trung thành, tận tụy và bướng bỉnh cũng là những người bạn tâm giao. Còn đối với nhiều đứa trẻ, hình ảnh bốn vó ngựa bịt sắt, đạp xuống mặt đường làm tóe lên những ánh lửa trong đêm tối, vẫn là điều vô cùng hấp dẫn.
Riêng tôi, những lần giật mình tỉnh giấc buổi sáng ở vùng đất lạ, chợt thấy nhớ da diết những chuyến xe ngựa buổi sáng chạy qua nhà. Như nghe đâu đây tiếng chuông leng keng thời thơ ấu vọng về...
Thế Sơn