Xem xét công bố tên thí sinh gian lận điểm thi THPT quốc gia
Người phát ngôn Chính phủ cho biết sẽ công bố danh tính phụ huynh, thí sinh, nhưng phải đảm bảo tính nhân văn.
Chiều 2/4, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời báo chí về việc công khai danh tính thí sinh gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết những em đang học đại học sẽ phải nghỉ để "đảm bảo công bằng".
"Chúng tôi hiểu một số em không tham gia, việc điều chỉnh điểm do người lớn thực hiện", Thứ trưởng Giáo dục nói.
Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: Viết Tuân |
Thứ trưởng Công an Bùi Văn Nam cho biết, kết quả điều tra gian lận điểm thi đã được thông báo cho Bộ Giáo dục Đào tạo và các bên liên quan. Việc có công bố danh tính các học sinh được nâng điểm hay không là vấn đề quan trọng. Bộ Công an đã trao đổi kỹ với Bộ Giáo dục, các địa phương về phương án xử lý để vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng cũng phải đảm bảo tính nhân văn.
"Chúng tôi cùng Bộ Giáo dục sẽ có cách xử lý thỏa đáng, đảm bảo tính nghiêm túc, chấp hành đúng pháp luật nhưng cũng quan tâm đến các học sinh", ông Nam nói.
Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng quyền công bố thuộc Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, mức độ công bố thế nào thì phải xem xét. Danh sách học sinh gian lận điểm sẽ được gửi đến Cục nhà trường, các trường đại học.
"Chúng ta xử lý phải nhân văn, không nên làm ảnh hưởng đến các cháu, vì có thể do tác động nào đó, các cháu cũng không biết đến việc gian lận điểm. Chúng ta phải nêu đúng, trúng, khách quan, nhưng cũng đừng để tạo ra sự phức tạp khác", ông Dũng nói.
Đầu tháng 3, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã hoàn thành bản kết luận điều tra vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. 210 bài trắc nghiệm của 77 thí sinh có dấu hiệu can thiệp được đưa đi giám định. Kết quả 140 bài thi của 56 thí sinh bị tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án. Các đáp án trên bài thi trắc nghiệm không phải do cùng một người tô.
Kết quả chấm thẩm định của Bộ Giáo dục xác định điểm thi của 64 thí sinh, trong đó có 63 người năm 2018 và một người năm 2017 có sự thay đổi, điểm chấm thẩm định giảm so với điểm công bố. Trong đó, 56 thí sinh với 140 bài thi trắc nghiệm đã bị thay đổi từ 0,2 đến 9,25 điểm mỗi môn thi. Có thí sinh điểm thi ba môn xét tuyển đại học được tăng lên tới 26,45.
Theo quy chế, điểm chấm thẩm định là chính thức và sử dụng thay thế cho điểm thi THPT quốc gia công bố vào tháng 7/2018. Kết quả này được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để trường cao đẳng, đại học tuyển sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu Sở Giáo dục Hòa Bình cập nhật kết quả chấm thẩm định của 64 thí sinh lên hệ thống phần mềm quản lý thi, xét lại tốt nghiệp THPT. Sở Giáo dục Hòa Bình phải thông báo kết quả đã được cập nhật cho các đại học, học viện, cao đẳng, nơi thí sinh có liên quan đang theo học để xử lý theo quy định.
Tháng 8/2018, Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015, để điều tra những sai phạm tại Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018.
Ba người bị truy tố gồm: Nguyễn Quang Vinh (nguyên Trưởng phòng, Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục Hòa Bình); Đỗ Mạnh Tuấn (nguyên hiệu phó Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy) và Nguyễn Khắc Tuấn (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục Hòa Bình)
Trước đó, tỉnh Hòa Bình khiến dư luận nghi ngờ khi có số thí sinh đạt điểm Toán từ 9 trở lên là 27, chiếm 4,7% cả nước. Xét theo khối thi truyền thống (A, A1, B, C, C3, D1), địa phương này có 22 trên tổng số 324 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên. Rất đông thí sinh của Hòa Bình, Sơn La và Lạng Sơn (địa phương có nghi vấn gian lận) đã có tên trong danh sách trúng tuyển với điểm xét tuyển cao nhất khối trường "hot" là quân đội, công an.