Xóa bỏ lò gạch nung thủ công còn chậm

18/11/2012 15:01

(Baonghean.vn) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta vẫn tồn tại các lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và do công nghệ lạc hậu, nung đốt bằng lò nung thủ công, nên gạch chất lượng thấp, tiêu tốn nhiều nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường…

Trước đây, các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên là những địa phương có nhiều lò gạch thủ công, nhưng nhờ thực hiện tốt chủ trương của tỉnh về việc xóa bỏ lò gạch thủ công, nên hiện nay trên địa bàn Nam Đàn đã “ xóa sổ” lò gạch nung đốt theo phương pháp thủ công. Còn tại Hưng Nguyên, hiện chỉ còn 5 lò gạch thủ công và huyện đang tích cực vào cuộc để tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi công nghệ sản xuất.

Bên cạnh những địa phương chấp hành tốt chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công, thì hiện vẫn còn nhiều nơi thực hiện rất chậm chạp. Tại Nghi Lộc do tồn tại 45 lò gạch nung thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục không những làm ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện, mà còn ảnh hưởng đến môi trường TP Vinh. Do các cấp chính quyền địa phương chưa tích cực vào cuộc và thiếu các phương án chuyển đổi mô hình sản xuất, nên ở Nghi Lộc vẫn tồn tại nhiều lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường và gây bức xúc cho người dân.



Lò gạch nung thủ công ở Nghi Lộc gây ô nhiễm môi trường

Theo thống kê của ngành chức năng, tại huyện Đô Lương vẫn còn 46 lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục; Thị xã Thái Hòa 45 lò; Huyện Tân Kỳ 26 lò; Quỳnh Lưu 23 lò; Thanh Chương 14 lò; Anh Sơn 14 lò… Nếu tổng cộng tại các huyện, thành, thị sẽ có con số 274 lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và sản lượng đạt khoảng 165 triệu viên.

Một thực trạng đáng báo động hiện tại các lò gạch thủ công là tình trạng “ nuốt” đất nông nghiệp. Các lò nung thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, thường được xây dựng trên đất canh tác, nguồn nguyên liệu là đất sét lấy tại chổ, sản xuất trên dây chuyền đơn giản, lạc hậu, sử dụng công nghệ nung đốt bằng lò nung thủ công, nên gạch nung thủ công chất lượng thấp, tiêu tốn nhiều nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm năng suất cây trồng và làm mất đất canh tác. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cấp, ngành chức năng tích cực vào cuộc để thực hiện hiệu quả chủ trường xóa bỏ lò gạch thủ công.

Được biết, theo kế hoạch của tỉnh đến năm 2017, tại khu vực đồng bằng, đô thị ( thành phố, thị xã, thị tứ), nơi gần khu dân cư, gần khu vực canh tác nông nghiệp phải chấm dứt toàn bộ việc đốt lò gạch nung thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục. Trong đó, lò thủ công đến năm 2013 chấm dứt hoạt động; Đối với lò thủ công cải tiến, chấm dứt hoạt động vào năm 2015; Lò đứng liên tục, chấm dứt hoạt động vào năm 2017. Theo đó, ở khu vực miền núi xây dựng lộ trình chấm dứt tình trạng đốt gạch nung thủ công, lò thủ công cải tiến chậm nhất hết năm 2017 vào năm 2020 đối với lò đứng liên tục.

Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra việc quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên (đất sét..) để sản xuất gạch nung, kiểm tra về môi trường tại các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung, đặc biệt là các cơ sở sản xuất gạch, ngói bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng theo đúng các quy định pháp luật về tài nguyên và môi trường trên quan điểm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tạm dừng cấp phép đăng ký sản xuất kinh doanh gạch nung thủ công và hạn chế cấp phép đối với doanh nghiệp đăng ký sản xuất, kinh doanh gạch xây tuynel. Tỉnh sẽ ưu tiên nguồn kinh phí khuyến khích đầu tư theo cơ chế, tạo điều kiện thu hút việc đầu tư sản xuất VLXKN và chuyển đổi sản xuất vật liệu đất sét nung sang VLXKN trên địa bàn.


Hoàng Vĩnh

Mới nhất
x
Xóa bỏ lò gạch nung thủ công còn chậm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO