Xóa bỏ mặc cảm - xích lại gần nhau
(Baonghean) - Mọi người Việt Nam đều cần phải biết rằng từ trước năm 1533, trên đất nước Việt Nam chưa hề có sự xuất hiện của đạo Công giáo. Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép rằng: “Gia tô theo sách Dã lục, thì tháng 3 năm Nguyên hòa đời vua Lê Trang Tôn (1533 – Tây lịch) có một thương nhân là I-ni-khu đi đường biển lén vào giảng đạo Gia – tô ở Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chấn và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia – tô”.
Có lẽ, cũng do bởi được du nhập vào Việt Nam trong hoàn cảnh, điều kiện lịch sử như vậy, mà ngay từ những năm tháng đầu tiên khi Thiên chúa giáo được truyền bá vào nước ta, giữa người có đạo, thường gọi là giáo dân và người không có đạo, thường gọi là lương dân đã nẩy sinh sự mặc cảm lẫn nhau.
Các thế lực thực dân đế quốc luôn thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để duy trì ách thống trị của chúng đối với đất nước ta, đồng bào ta, chúng không trừ bất cứ lý lẽ, luận thuyết cũng như hành động nào để kích động, thậm chí có nơi, có lúc o ép, cưỡng bức để mặc cảm giáo - lương, ban đầu là tâm lý xã hội được đẩy lên mức cực đoan, thù hận.
Dân tộc Việt Nam ta vốn sống hòa hợp nên chúng không thể để bất cứ thế lực nào thực hiện được mưu đồ đó. Tuy vậy, những việc chúng đã làm và nay vẫn đang làm đã để lại cho thế hệ hôm nay một hiện tượng lịch sử: Mặc cảm tôn giáo vẫn tồn tại - các thế lực chống phá cách mạng, chống phá những thành quả cách mạng của dân tộc ta suốt 68 năm qua, coi sự mặc cảm này là một vũ khí lợi hại để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, để chia rẽ lương - giáo, và sâu xa hơn là để đối lập cách mạng với tôn giáo.
Do đó, xóa bỏ mặc cảm giáo - lương là một nhiệm vụ lịch sử của hôm nay và cả nhiều năm sau để đoàn kết toàn dân tộc, và cũng là để tước thứ vũ khí mà các thế lực thù địch luôn sử dụng cho mưu đồ của chúng.
Vì là vấn đề của lịch sử mấy trăm năm đầy biến động để lại, việc xóa bỏ mặc cảm lương - giáo không thể là việc ngày một ngày hai, và càng không phải là việc dễ dàng. Dẫu còn cần rất nhiều năm tháng, dẫu còn phải khắc phục rất nhiều trở ngại, khó khăn nhưng nhất thiết, nhất định cả dân tộc ta giáo cũng như lương phải đồng tâm, đồng trí, đồng lực để xóa bỏ nó vì lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc.
Sự mặc cảm này, cũng như bất cứ sự mặc cảm nào cũng có cả từ hai phía, hai bên, phải được cả hai cùng làm, cùng hành động.
Chúng ta đã có điểm xuất phát rất cơ bản để xóa dần, tiến tới xóa bỏ mặc cảm này. Ngay từ ngày đầu của nước Việt Nam độc lập, ngày 3/9/1945 Chính phủ ta tuyên bố rằng: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Phía Giáo hội Việt Nam thì đã nêu rõ phương châm: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”. Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam đã được thể chế hóa thành luật pháp. Còn phương châm của Giáo hội đã được nhiều lần nhắc đi nhắc lại trong các Thư chung của Hội đồng giám mục gửi cộng đồng Công giáo Việt Nam.
Không những thế, thực tế lịch sử từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay đã chỉ rõ: Nhà nước ta thực sự tôn trọng tín ngưỡng tự do, tạo mọi điều kiện có thể để các chức sắc và đồng bào có đạo tiến hành các hoạt động và sinh hoạt tôn giáo theo pháp luật và theo giáo luật. Nhà nước đã quan tâm phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở vùng đồng bào công giáo, đem lại cho bà con đời sống ngày càng tốt hơn. Riêng ở Nghệ An, ở vùng đồng bào công giáo tỷ lệ hộ giàu là 41%, còn hộ nghèo chỉ còn 11,7% (thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh).
Thực tế cũng chỉ ra rằng: Với phương châm sống tốt đời - đẹp đạo, nhiều họ giáo, nhiều giáo dân đã góp phần xương máu để cùng toàn dân giành thắng lợi trong 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Và trong công cuộc đổi mới đã có nhiều điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, phòng chống các tệ nạn xã hội.
Việc xóa bỏ mặc cảm không dừng lại ở điểm xuất phát mà đã hiện thực hóa từng bước. Nhờ đó, sự mặc cảm lương – giáo; giáo - lương đang có chiều hướng mờ dần dẫu vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn, dẫu có nơi, có việc, có khi vẫn còn nặng nề.
Để xóa bỏ mặc cảm thì phải hiểu đúng mình và hiểu đúng “đối tác”. Để hiểu đúng thì phải xích lại gần nhau. Càng xích lại gần nhau thì càng hiểu đúng nhau mà nhờ đó mà xóa dần mặc cảm. Sự mặc cảm mờ đi bao nhiêu càng tạo thêm nhiều điều kiện để xích lại càng gần nhau hơn. Nói khác đi, để xóa bỏ mặc cảm cần có thiện tâm, thiện ý và nhất là có cách làm hợp lý, hợp tình, hợp người, hợp cảnh.
Vì đời nhất thiết phải xóa mặc cảm. Vì đạo lại càng cần thiết phải xóa bỏ mặc cảm. Xóa bỏ được mặc cảm vì lợi ích của con người Việt Nam có đạo hay không có đạo, vì lợi ích của đất nước, của dân tộc.
Để kết thúc đôi điều trao đổi này, xin được trích phần cuối thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào nhân ngày lễ Thiên chúa giáng sinh năm 1946: “Nhân dịp này tôi thay mặt Chính phủ và quốc dân trân trọng chúc toàn thể đồng bào công giáo. Đồng thời tôi kính cẩn cầu đức Thượng đế phù hộ dân tộc Việt Nam và giúp cho Việt Nam đi đến cuộc thắng lợi cuối cùng. Thượng đế và Tổ quốc muôn năm”.
Trương Công Anh