Xóa đói giảm nghèo để giảm di dịch cư

01/07/2013 14:24

Cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước và các chương trình dự án, những năm qua, huyện rẻo cao Kỳ Sơn đang nỗ lực tập trung xóa đói giảm nghèo để từng bước giảm nạn di dịch cư, tái trồng cây thuốc phiện và chống buôn bán ma túy, ổn định an ninh biên giới.

(Baonghean) - Cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước và các chương trình dự án, những năm qua, huyện rẻo cao Kỳ Sơn đang nỗ lực tập trung xóa đói giảm nghèo để từng bước giảm nạn di dịch cư, tái trồng cây thuốc phiện và chống buôn bán ma túy, ổn định an ninh biên giới.

Ở xã biên giới Nậm Cắn, dù trong cuộc sống có nơi còn thiếu đất bằng để sản xuất, thiếu nước, giao thông các bản làng vô cùng hiểm trở… đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn đoàn kết để vượt khó, vươn lên xóa đói giảm nghèo, bám đất, giữ vững an ninh chủ quyền biên giới Tổ quốc. Dọc những triền đồi quanh năm mây phủ là ngô, lúa rẫy xanh mát mắt. Ông Hờ Nhìa khá nổi tiếng làm kinh tế giỏi ở Nậm Cắn, khi tôi đến ông đang rửa chiếc xe ô tô vừa mới tậu. Ông Nhìa xởi lởi: “Tất cả là nhờ chăn nuôi bò địa phương. Gia đình tôi hiện có 16 con bò, chủ yếu nuôi nhốt tập trung ở trang trại. Để chủ động nguồn thức ăn, tôi trồng 1,5 ha cỏ voi, mỗi năm bán từ 10-12 con bò, được khoảng 350 triệu đồng”. Chị Lỳ Y Zở ở bản Tiền Tiêu đang cho bầy lợn đen ăn, tâm sự: “Đất bằng ở Tiền Tiêu rất hiếm nên vợ chồng phải cải tạo xây dựng 2 chuồng nuôi lợn đen ở ven núi. Đến thời điểm này gia đình nuôi 1 lợn nái và 10 lợn thịt; chưa kể là có 10 con bò địa phương, bán từ 30-35 triệu đồng/con. Mỗi năm, trừ chi phí riêng tiền chăn nuôi của gia đình lãi từ 120 - 150 triệu đồng”.



Mô hình nuôi gà ở Thị trấn Mường Xén.

Có thể nói rằng, Nậm Cắn là một trong những xã đi đầu trong phong trào phát huy bảo tồn giống bò bản địa, lợn đen, gà đen trở thành hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện toàn xã có trên 3.700 con bò, trong đó trên 50% là giống bò địa phương. Đàn lợn có khoảng gần 4.000 con, chủ yếu lợn đen. Ông Hờ Chống Nhìa - Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết: Mấy năm qua Nậm Cắn còn đưa cây ngô lai vào trồng trên đất dốc. Toàn xã có trên 150 ha ngô giống VN10, bình quân năng suất đạt 4 tấn/ha/năm (đạt trên 80 triệu đồng/ha). Lầu Y Xềnh kể: Gia đình làm 3 sào ngô, hàng năm bán được khoảng từ 4-5 triệu đồng mà còn để làm thức ăn chăn nuôi cho hơn 10 con lợn thịt và trên 30 con gà đen.

Hai năm qua, Nậm Cắn còn mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm hoa ly Đà Lạt. Bước đầu có 2 hộ trồng rất khả quan, bỏ vốn từ 6 - 7 triệu đồng trồng hoa ly có lãi từ 15 - 20 triệu đồng/năm. Hoa ly trồng từ tháng 9 âm lịch, chủ yếu phục vụ thị trường Tết, năm nay Nậm Cắn sẽ mở rộng mô hình trồng hoa ly cho trên 30 hộ. Ông Hờ Chống Nhìa nói thêm: Mỗi loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn Nậm Cắn đều được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, như hỗ trợ giống ngô, giống bò, giống lợn, cơ bản bà con đã phát huy được hiệu quả. Nhờ ổn định kinh tế nên nạn di dịch cư trái phép giảm hẳn. 6 tháng đầu năm chưa có hộ nào di cư trái phép, từ năm 2010 đến nay có 4 hộ ở bản Huồi Pốc từ Lào quay về, đặc biệt có hộ Lỳ Bá Ka, Lỳ Bá Rê trở về đã chăn nuôi bò giỏi.

Xã Huồi Tụ, xã Mường Lống là các xã thường có số hộ du canh du cư sang Lào khá nhiều. Mấy năm qua nhờ được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các xã trên đã khai thác tiềm năng để phát triển cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả. Như phát triển cây chè shan tuyết, chăn nuôi trâu bò, gà đen. Có nhiều hộ di cư quay về làm ăn giỏi như ông Hờ Nênh Chơ ở Huồi Đun - Huồi Tụ nuôi 5 con bò, anh Vừ Xanh đã mua được ô tô tải trên 300 triệu đồng để vận chuyển hàng hóa…

Ông Bùi Trầm - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho hay: Với những chính sách đầu tư hợp lý của Nhà nước, cùng với nỗ lực của đồng bào dân tộc thiểu số, người dân các xã biên giới ở Kỳ Sơn đang ngày càng cải thiện đời sống. Những năm qua Kỳ Sơn đã được Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông được đầu tư tới đâu thì kinh tế - xã hội đều có bước phát triển đến đó. Các tuyến đường trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng như: tuyến Mường Xén - Tây Sơn dài 12 km, nhờ có giao thông mà Tây Sơn đã khai thác tiềm năng phát triển kinh tế như trồng khoai sọ, chăn nuôi lợn hàng hóa… Rồi tuyến Xiêng Thù - Bảo Thắng dài 27 km, tuyến Mường Lống - Mường Xén dài 40 km, tuyến Phà Xắc - Mỹ Lý 15 km, tuyến Huồi Khả - Bắc Lý 11 km.

Thời điểm này toàn huyện đã có 9 xã được đầu tư điện lưới quốc gia. Giao thông phát triển cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Kỳ Sơn đã có nhiều loại cây con phát huy hiệu quả. Cụ thể là trước đây đồng bào ở Kỳ Sơn chủ yếu trồng ngô giống truyền thống, năng suất thấp, thời gian thu hoạch kéo dài. Từ năm 2009 huyện đã đưa cây ngô lai vào sản xuất, đến thời điểm này toàn huyện có trên 3.000 ha ngô lai tập trung nhiều nhất là các xã Hữu Lập, Nậm Cắn, Huồi Tụ, Keng Đu… Năng suất bình quân đạt 45 - 50 tạ/sào, đầu ra rất dễ tiêu thụ, các tư thương tự đưa xe vận tải vào mua. Chị Lo Thị Nhung ở bản Na Loi xã Na Loi, một “tay” buôn ngô có tiếng chia sẻ: “Mùa ngô năm 2012 tôi mua được khoảng 80 tấn ngô, thuê ô tô vào tận nơi chở với giá 2.300 đồng/kg, ra Thị trấn Mường Xén bán 3.500 đồng/kg ngô”.

Toàn huyện đã có trên 230 ha lúa nước, tập trung chủ yếu ở các xã Chiêu Lưu, Hữu Kiệm, Hữu Lập… Kỳ Sơn đã tập trung công tác tập huấn, chuyển giao KHKT cho đồng bào dân tộc thiểu số, như xây dựng các mô hình sản xuất lúa nước sử dụng phân xanh, tận dụng nguồn phân chuồng trâu, bò, lợn, nhờ vậy năng suất lúa đạt từ 40-42 tấn/ha. Như hộ chị La Thị Tý khai hoang được 7 sào lúa nước dọc khe Na Đửa, nhờ chú trọng thâm canh nên đạt năng suất 220-280 kg/sào. Ông Moong Biên Phòng ở bản La Ngan, xã Chiêu Lưu đầu tư trên 100 triệu đồng để làm thủy lợi đưa nước vào tưới cho trên 12 sào lúa nước... Kỳ Sơn còn mạnh dạn đưa vào trồng cây gừng trên 350 ha tập trung ở các xã Na Ngoi, Nậm Cắn...

Năm 2013, gừng trúng lớn, Kỳ Sơn đã thu hoạch được trên 7.000 tấn gừng, chủ yếu là các tư thương lên tận nơi mua giá bình quân tại gốc từ 6000-6.500 đ/kg. Chưa kể là các làng thanh niên lập nghiệp ở Na Ngoi và Huồi Tụ ngày càng phát huy hiệu quả. Riêng làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi đã đưa cây hoa ly và con cá hồi vào thử nghiệm. Tại Tổng đội TNXP 8 và xã Huồi Tụ đã có trên 850 ha chè shan tuyết. Kỳ Sơn còn khai thác tiềm năng để phát triển cây dược liệu bo bo, đây là loại cây tự nhiên chủ yếu sinh sống ở Nậm Càn, Huồi Tụ, Tây Sơn với trên 300 ha. Nhờ bo bo, nhiều hộ đã cải thiện được cuộc sống, được biết giá bán hạt bo bo tươi 12.000 đồng/kg.

Tận dụng tiềm năng đất đai, Kỳ Sơn phát triển khá mạnh đàn bò hàng hóa, năm 2004 cả huyện mới có 30.000 con bò thì nay có trên 45.000 con. Các chương trình dự án hỗ trợ của Nhà nước kịp thời như: hỗ trợ các gia đình nghèo con giống, cấp giống cỏ voi cho bà con trồng, tiêm phòng miễn phí, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi… Nhiều xã bà con đã biết làm chuồng trại, hạn chế thả rông. Nhiều người dân cũng đã biết vỗ béo cho bò bằng các chất tinh bột.

Đối với 4 xã Mường Típ, Mường Ải, Na Ngoi, Nậm Càn, với diện tích 55.725 ha, đây là vùng có 4 dân tộc anh em sinh sống (Mông, Thái, Khơ Mú, Kinh), đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Bộ đội biên phòng và các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền góp phần chuyển biến nhận thức của bà con, vận động bà con từ núi cao xuống ở nơi đất bằng thuận lợi cho trao đổi hàng hóa. Xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn, bò trồng lúa nước để người dân làm theo…

Kỳ Sơn đã có bước chuyển mình rõ nét, tỷ lệ nghèo chiếm 72% năm 2012 trở về trước thì nay giảm xuống còn 61,5%. Tuy nhiên Kỳ Sơn vẫn đang là huyện đặc biệt khó khăn, rất cần sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước để đồng bào dân tộc thiểu số nhanh chóng xóa đói, giảm nghèo.


Bài, ảnh: Văn Trường

Mới nhất

x
Xóa đói giảm nghèo để giảm di dịch cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO