Xóm biển Tân Lập còn "mắc cạn"

03/02/2013 18:02

  Xóm Tân Lập 1 và Tân Lập 2 thuộc xã Nghi Quang, từ trước đến nay bị xếp vào làng ven biển nghèo nhất của huyện Nghi Lộc. Ngư dân vẫn sống nhờ bám biển, nhưng do thuyền nhỏ, máy bé nên họ chỉ đánh bắt gần bờ, số tiền bán được từ đánh bắt hải sản chỉ đủ giải quyết miếng cơm, manh áo hàng ngày...

(Baonghean) - Xóm Tân Lập 1 và Tân Lập 2 thuộc xã Nghi Quang, từ trước đến nay bị xếp vào làng ven biển nghèo nhất của huyện Nghi Lộc. Ngư dân vẫn sống nhờ bám biển, nhưng do thuyền nhỏ, máy bé nên họ chỉ đánh bắt gần bờ, số tiền bán được từ đánh bắt hải sản chỉ đủ giải quyết miếng cơm, manh áo hàng ngày...

Khoảng 3 giờ chiều một ngày trung tuần tháng 12 âm lịch, tôi đến xã Nghi Quang. Mặc dù những ngày này thời tiết đã ấm lên sau chuỗi ngày rét đậm kéo dài, vào thời điểm ấy, sương mù đã lan tỏa trên khắp xóm làng. Trên các đỉnh núi nhô ra phía biển mà người dân xưa nay gọi là núi Hai Trăm, đồi Rú Con và núi Con Lợn, sương mù đã phủ kín một màu trắng xóa. Ông Trần Hải Dương - Chủ tịch UBND xã nói, miền biển ở đây về mùa này là vậy, ngày nào thời tiết ấm là 3 giờ chiều sương mù mới kéo từ biển vào, nếu trời lạnh thì 2 giờ chiều, các ngọn cây trong xóm đã trắng mù sương. Xã Nghi Quang có 7 xóm, thì có 2 xóm: Tân Lập 1 và Tân Lập 2 tất cả các hộ sống nhờ bám biển từ bao đời nay, đến bây giờ đời sống của ngư dân vẫn nghèo khó lắm! Nguyên nhân là bà con cố giữ nghề đánh bắt hải sản gần bờ. Hiện nay, gần 100% số hộ làm nghề biển vẫn sử dụng thuyền nhỏ, máy bé, công suất dưới 20CV để đánh bắt tôm, cá... ven bờ. Đầu tư ít, làm ăn theo kiểu cỏn con nên mỗi ngày thu nhập chỉ vài, ba trăm nghìn đồng. Số tiền ấy chỉ trang trải cho cả gia đình trong ngày. Đã thế, người dân ở đó còn sinh đẻ nhiều...



Anh Nguyễn Văn Tám, sau một đêm đánh cá bị mất và rách 5 cái vợt quái

Hết giờ làm việc buổi chiều, ông Dương dẫn tôi về xóm Tân Lập 1 và Tân Lập 2. Giờ này, trong xóm vắng dần đàn ông, chỉ còn lại phụ nữ và trẻ em. Có chăng cũng chỉ là những người đàn ông chuyên buôn bán các mặt hàng phục vụ cho việc đánh bắt cá, hoặc một số ít hộ làm nghề nuôi tôm. Điều cảm nhận nữa là ở 2 xóm này nhà cửa ở san sát, liền kề nhau, đường làng, ngõ xóm phần lớn đã được đổ bê tông, chiều rộng mặt đường chỉ độ vài mét. Ông Nguyễn Xuân Hồng - xóm trưởng xóm Tân Lập 1, cho biết: Giờ này, lực lượng lao động chính trong xóm đã ra Lạch Lò, chuẩn bị tàu thuyền cho một chuyến đi biển mới, sáng mai họ lại trở về. Ngư dân ở đây do đánh bắt hải sản bằng thuyền nhỏ nên chỉ đi trong đêm. Do thuyền nhỏ, các gia đình tự chủ lao động. Nhà nào có con trai lớn thì cùng cha đi biển, nếu không hai vợ chồng cùng đi. Phụ nữ ở Tân Lập đi biển đánh cá là chuyện thường. Gần tối, chúng tôi bám theo con đường đổ bê tông của công trình thủy lợi ba ra Nghi Quang đến với Lạch Lò. Lúc này, Lạch Lò đã vắng lặng không còn một chiếc thuyền. Đứng trên con đường ba ra Nghi Quang, nhìn về phía cư dân của hai xóm Tân Lập 1 và Tân Lập 2, khá nhiều nhà cao tầng khoác màu sơn mới. Ông Hồng thổ lộ, những ngôi nhà cao tầng ấy là do tiền từ nước ngoài gửi về. Nghĩa là đến bây giờ, đã có vài trăm con em ở 2 xóm này đi lao động xuất khẩu sang các nước: Đài Loan, Hàn Quốc... Nhờ đó, nhiều nhà có điều kiện xây nhà cao tầng, chứ bám lấy nghề biển như thế này thì đủ ăn là may rồi. Những gia đình làm nghề đánh bắt cá từ bao đời nay, vẫn sinh sống trong ngôi nhà cấp 4, hoặc nhà bán kiên cố, thấp, nhỏ. Xóm Tân Lập 2 có 226 hộ, 1.115 nhân khẩu, trong đó gần 100% số hộ làm nghề đánh bắt cá trên biển. Hiện trong xóm vẫn còn 43 gia đình thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Nhà nước.

3 năm về trước, ngư dân 2 xóm Tân Lập 1 và Tân Lập 2 cũng có một số gia đình chung nhau đầu tư mua tàu to, máy lớn ra khơi làm nghề vó mành ánh sáng, câu mực... Do thua lỗ, họ chuyển sang nghề đánh bắt gần bờ. Đặc biệt, trong 3 năm lại nay, ngư dân ở đây sử dụng vợt quái (sản xuất từ Trung Quốc) để đánh bắt hải sản. Vợt quái là ngư cụ đánh sát đáy biển, bất kể con gì, từ nhỏ bằng chiếc đũa đến loại cá to 2 - 3 kg chui vào là bắt được hết. Do đó, ngư dân ở đây đua nhau mua sắm vợt quái để bắt cho nhiều hải sản. Sau một chuyến đi biển, ngư dân mang về nhiều sản phẩm khác nhau: tôm, cua, cá, mực... mỗi loại một ít, bán ngay tại bến. Vào mùa này, sương mù dày đặc, mỗi đêm đánh bắt, một thuyền chỉ được 10 kg hải sản các loại, bán được khoảng 300 - 500 nghìn đồng, trừ chi phí dầu, lương thực... 2 trăm nghìn đồng. Đấy là thuận lợi, nhưng nếu thuyền nào không may mắn gặp thuyền to máy lớn làm nghề đánh bóng ghẹ, hay đi dạ, vướng phải vợt quái của mình, thì chuyến đó coi như lỗ. Mình thuyền nhỏ, máy bé, thấy nó kéo vợt, lưới của mình, tức lắm, nhưng chỉ biết đứng nhìn. Một chiếc vợt quái có giá 350 nghìn đồng, có những gia đình một đêm mất chục chiếc. Thống kê cho thấy, cả 2 xóm nghèo này hiện có 130 chiếc thuyền sử dụng vợt quái để đánh bắt hải sản. Thuyền nào ít nhất có 10 chiếc vợt, thuyền nhiều nhất có tới 80 chiếc. Tính ra, sau mỗi đêm bám biển, ngư dân 2 xóm này đánh bắt được khoảng vài ba tấn hải sản các loại. Khi thuyền cập bến Lạch Lò, toàn bộ hải sản bán lại cho phụ nữ trong xóm, mang đến chợ quê.

Vào 6 giờ sáng hôm sau, chúng tôi trở lại Lạch Lò khi sương mù đang phủ kín rặng phi lao. Từ xa, xuất hiện những chiếc thuyền nhỏ lập lờ, rồi hiện rõ dần trong màn sương trắng. Bến Lạch Lò, rất nhiều phụ nữ ngồi chờ hàng về. Thuyền lần lượt cập lạch, mỗi thuyền có 2 người, không cha con thì vợ chồng. Hải sản mang từ thuyền lên không phải tạ hay yến gì, mà chỉ vài ba mớ tôm, cá, mực. Mớ nhiều được 5 kg, không thì vài ba kg. Cũng có nhiều thuyền bán sản phẩm từ ngoài Cảng Cửa Lò. Ông Nguyễn Xuân Hồng (xóm trưởng Tân Lập 2) đi cùng tôi thổ lộ: "Thuyền nào nhiều nhất được 600 nghìn đồng. Cũng có thuyền đen đủi, bị những thuyền lớn của địa phương khác đi đánh dạ ngang qua, kéo đi một số cái vợt, coi như lỗ". Cứ một chiếc thuyền cập bến, là diễn ra sự tranh nhau mua bán hải sản của những người phụ nữ trong xóm. Chị Hà, người xóm Tân Lập 1, bộc bạch: Thuyền nhiều như vậy, nhưng sản phẩm ít lắm. Mỗi buổi sáng, may lắm chỉ mua được 10 kg mực, 5 kg tôm và một ít cá, đem ra chợ quê bán, kiếm thêm chút lãi. Phụ nữ trong xóm, ai theo chồng đi biển thì thôi, nếu không chỉ có đón hải sản mua đi bán lại, kiếm tiền trang trải cuộc sống.



Phụ nữ Tân Lập theo chồng đi biển

Người thất vọng nhất trong số 130 chủ thuyền sáng hôm đó có lẽ là anh Nguyễn Văn Tám, xóm Tân Lập 2, bởi tối hôm qua, anh bị mất 5 cái vợt quái, chỉ vì mấy chiếc tàu lớn đi đánh dạ kéo đi. Thuyền của anh cả thảy có 60 cái vợt quái, tối qua đánh bắt được 600 nghìn đồng, trừ chi phí, còn lãi 400 nghìn đồng. Nhưng số vợt mất đi coi như phải gom góp cả tuần mới đủ tiền để mua lại. Còn anh Nguyễn Văn Tràng, xóm Tân Lập 1, chia sẻ: "Làm nghề này chỉ đủ ăn thôi anh ạ, chứ không thể làm giàu được. Trước đây, tôi có chung với một số người đầu tư mua tàu lớn đánh bắt xa bờ, nhưng do một mình phải nuôi 6 người trong nhà nên không thể kham nổi. Khoảng 5 năm nay, tôi mua chiếc thuyền 18CV và ngư cụ, hết 70 triệu đồng. Có thuyền riêng, tối nào thời tiết thuận lợi là hai vợ chồng cùng đi biển. Sau một đêm thế nào cũng được vài ba trăm nghìn đồng, đủ nuôi 4 đứa con ăn học. Do thuyền nhỏ, đánh bắt gần bờ, nên ngày nào trời động, gió cấp 5 trở lên là không dám đi". Nói đến đây, tôi sực nhớ đến câu chuyện kể của ông Chủ tịch UBND xã: Năm 1992, một cơn lốc biển đã cướp đi sinh mạng của 50 người trong xã. Trong năm, ngư dân ở đây có 4 tháng liền (từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau) sản lượng đánh bắt giảm nhiều, do ảnh hưởng sương mù dày đặc.

Ông Hồng, là người chuyên buôn bán ngư cụ, cho biết, trong năm hầu như thuyền nào cũng bị tàu đánh dạ kéo mất ngư cụ. Thuyền mất nhiều nhất 30 chiếc, ít cũng mất 10 chiếc. Có những gia đình hoàn cảnh khó khăn, không có tiền mặt một lúc mấy chục triệu đồng để mua ngư cụ, tôi cũng bán chịu, và trả dần sau mỗi đêm đi biển.

Ngư dân ở đây là vậy, tối lênh đênh trên biển, ngày về nhà nghỉ ngơi, hải sản đánh bắt được chỉ mong đủ trang trải trong ngày. Còn chuyện làm giàu chắc là chưa ai nghĩ đến. Bởi thế, cái nghèo khó ở đây từ bao đời nay vẫn thế. Ông Trần Hải Dương (Chủ tịch UBND xã) nói với tôi: "Để ngư dân ở đây thay đổi nghề đánh bắt cá từ gần bờ sang xa bờ là rất khó chú ạ. Bởi phần lớn số hộ ở đây là nghèo và cận nghèo, lấy đâu mà đầu tư hàng tỷ đồng mà mua tàu to, máy lớn? Nếu được Nhà nước cho vay tiền thì vay một lúc mấy tỷ, ngư dân không dám. Năm 1989, Nhà nước đầu tư cho HTX Tân Lập 3 con tàu (mỗi tàu 135 CV) để đánh bắt xa bờ. Hoạt động được 3 năm thì giải thể, sau đó thành lập Công ty TNHH Sao Mai, chuyên đánh bắt hải sản xa bờ. Chỉ sau ít năm cũng giải thể, vì hoạt động không hiệu quả. Từ thực tế đó, cộng với sự nghèo khó của người dân, nên trong xã hiện nay không có chuyện 5 - 7 gia đình chung nhau mua một tàu lớn để đánh bắt xa bờ, mà phần lớn là mua sắm thuyền nhỏ, đánh bắt gần bờ. Câu hỏi đặt ra là, Tân Lập nghèo đến bao giờ? Và bằng cách nào để xóa được xóm ven biển nghèo nhất huyện, vẫn chưa có câu trả lời!"


Bài, ảnh: Xuân Hoàng

Xóm biển Tân Lập còn "mắc cạn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO