Xóm vạn chài Tân Lam: Lênh đênh đến bao giờ?

10/10/2011 17:41

(Baonghean) - Đã bao đời nay, họ vẫn bám riết lấy nghề cha truyền con nối, lênh đênh trên sông nước để mưu sinh; từng ngày từng giờ đối mặt với đói nghèo, thất học, những hiểm nguy khi mùa mưa lũ tới... Khao khát lớn nhất của họ là được lên bờ, có tấc đất cắm dùi...

Ngày chúng tôi về xóm chài Tân Lam (xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn- Nghệ An), trời đang mưa to do ảnh hưởng của cơn bão số 5, khiến cả xóm vạn chài tập trung neo đậu dọc bến Ghềnh Đá... Những chiếc thuyền nan, thuyền bê tông cũ kỹ, lúp xúp nằm chen nhau nối dài, chờ mưa bão đi qua.

Ngồi trên thuyền của ông Nguyễn Văn Ninh - người được xem như một "trưởng thôn", đại diện cho hơn 60 hộ làng chài Tân Lam, chúng tôi được "mục sở thị" cuộc sống của ngư dân những ngày "đói" tôm cá. Ghé vào chiếc thuyền khá vững chãi nằm xa bờ nhất, bức tường được làm bằng phên liếp, là tấm vách ngăn duy nhất giữa bếp và phòng khách đồng thời cũng là phòng ngủ; ở mạn thuyền treo dăm bộ quần áo cũ nhàu, vài chiếc nồi nhôm cùng bát đũa để lộn xộn ở phần cuối mũi thuyền. Anh Nguyễn Văn Tuyết - chủ thuyền phân bua: "Cũng bởi thu nhập bấp bênh nên nhiều năm nay gia đình không mua sắm được gì để phục vụ sinh hoạt". Anh Tuyết năm nay 46 tuổi, đại gia đình của anh có 11 người gồm mẹ già, cô em gái (bị tâm thần), 2 vợ chồng cùng 7 đứa con sống chen chúc trên chiếc thuyền chòng chành chưa đầy 12m2... Qua câu chuyện, được biết trong số 7 đứa con chỉ có 3 đứa được đi học. Điều khiến vợ chồng anh lo lắng nhất là đồng tiền kiếm được ngày càng khó khăn, đồng nghĩa với việc các con phải nghỉ học sớm để mưu sinh. Anh Tuyết ngậm ngùi: "Nếu thời tiết ổn định, cả ngày thả lưới, kéo vó, đánh lờ cũng chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng, đủ tiền đong gạo, lo chuyện học hành cho con cái. Thế nhưng đến mùa mưa lũ, nghe tin có bão gần là gia đình mất ăn, mất ngủ. Chỉ riêng chuyện dự trữ nước sạch, gạo muối để dùng trong những ngày mưa gió cũng đã là một vấn đề lớn".



Mọi sinh hoạt đều trông cậy vào nước sông.

Nằm sát thuyền anh Tuyết là thuyền của vợ chồng ông Hoàng Văn Cương (70 tuổi). Hiện gia đình ông chỉ còn 2 ông bà sống nương tựa vào nhau trên chiếc thuyền đã xuống cấp. Ông Cương thở dài: "Đến tôi là đời thứ 2 gắn bó với bến sông này. Vì không có đất đai ruộng vườn nên cuộc sống chỉ biết nhờ vào sông nước. Trước đây sông Lam lắm tôm nhiều cá, cuộc sống làng chài còn "ấm bụng", nay nước sông lúc nào cũng đục ngầu, cá tôm "trốn" đâu hết. Muốn có ăn thì phải đi xa, nhưng thuyền vốn nhỏ lại quá nát, nên quanh quẩn khúc sông này thôi. Cách đây gần 4 năm, khi chính quyền xã thông báo được Nhà nước tạo điều kiện cấp đất tái định cư, mỗi hộ được nhận 1lô đất rộng 250m2, được hỗ trợ 10 triệu đồng làm nhà, cho vay vốn làm ăn 6 triệu đồng không tính lãi chúng tôi mừng khôn xiết. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Chỉ mong sớm có mái nhà kín trên bền dưới cho dân chài chúng tôi không phải chống chèo trú ẩn mỗi khi có bão dồn gió lớn...".

Gia tài của mỗi hộ dân làng chài đều giống nhau, đó là chiếc thuyền rộng không quá 15m2 dùng để ở, thêm một chiếc thuyền nhỏ đi đánh cá. Khi con cái đến tuổi lập gia đình thì một mảng bè mới được kết nối, xóm chài lại thêm chật chội... Nhà nào "sang" nhất cũng chỉ có chiếc ti vi 14 inch cũ rích, còn đại đa số chỉ có radio nghe thông tin thời tiết, mấy bộ chài lưới cùng chiếc xe đạp cà tàng để đi lại mỗi khi có việc lên bờ. Tuy phó mặc cuộc sống cho sông nước nhưng điều đáng mừng là giờ đây ngư dân Tân Lam đã biết chú trọng đến chuyện học hành của con em, trẻ nhỏ đã biết yêu trường, yêu lớp. Từ năm học 2009- 2011, làng chài đã có 3 em đậu đại học, 2 em đậu trung cấp. Cá biệt, có gia đình anh Nguyễn Hồng Cường có 2 con trúng tuyển Trường Đại học Huế và Đại học Y Nghệ An. "Đời mình đã không được đi học nên mới nghèo khổ, giờ phải động viên chúng nó học hành đến nơi đến chốn để tạo dựng nghề nghiệp..." - anh Nguyễn Hồng Cường tâm sự. Nhưng đó là những gia đình có điều kiện kinh tế làm lán ở trên bờ nuôi thêm con trâu, con bò; còn những gia đình không cố định về một rẻo, lũ trẻ nếu được cắp sách tới trường thì việc học có được kéo dài hay không, dân chài chẳng ai dám khẳng định. Một đứa đi học là gia đình mất thêm một lao động, cộng với chi phí học hành ngày một tăng cao nên chuyện cho con thôi học giữa chừng cũng là lẽ thường tình.

Ông Nguyễn Cảnh Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Lộc cho biết: "Hiện làng chài Tân Lam có 64 hộ, 238 khẩu sinh sống thành 4 cụm, ở chân cầu Nam Đàn, Rú Trét (giáp xã Khánh Sơn), rú Ghềnh Đá và ở vùng sông cụt gần cống Ba ra. Từ năm 2007, Chính phủ đã phê duyệt Dự án xây dựng khu tái định cư cho làng chài Tân Lam có tổng diện tích 5 ha với số vốn đầu tư là 7 tỷ đồng. Trong quy hoạch, Dự án sẽ xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh như: hệ thống điện nước, đường giao thông, nhà văn hoá cộng đồng... Nhưng hiện xã mới chỉ được cấp kinh phí 2 tỷ đồng, làm xong khâu đền bù giải toả, san lấp mặt bằng. Theo kế hoạch dự kiến, tháng 9/2011 dân chài Tân Lam sẽ ổn định nơi ở, sản xuất và sinh hoạt, nâng cao đời sống. Thế nhưng, cho đến nay, Dự án chỉ mới có bãi đất trống, các hạng mục khác chưa được triển khai. Trong các cuộc họp và tiếp xúc cử tri, đã nhiều lần dân làng chài đề cập chỗ ở mới nhưng chính quyền xã cũng không biết giải thích ra sao!".

Rời bến Ghềnh Đá khi mưa chiều thêm nặng hạt, những ánh mắt trẻ thơ bám riết khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng- Đến bao giờ người dân vạn chài Tân Lam mới có được mái nhà để an cư lạc nghiệp?


Ngọc Anh

Xóm vạn chài Tân Lam: Lênh đênh đến bao giờ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO