Xôn xao niềm vui mới ở bản
(Baonghean) - Hàng tuần nay, đồng bào các dân tộc ở các xã rẻo cao Phà Đánh, Mỹ Lý, Mường Lống, Na Loi (Kỳ Sơn) và Châu Phong (Quỳ Châu) náo nức chờ đón niềm vui lớn: Chỉ ít ngày nữa thôi, dòng điện Quốc gia sẽ về tận bản, mang theo “ánh sáng đổi đời”; cũng là sự kiện hướng niềm vui chung chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới 2015 - 2020...
Chúng tôi ngược con đường rải nhựa nối từ Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) uốn lượn qua Phà Đánh, Huồi Tụ, Na Loi, Mỹ Lý, Mường Lống nổi bật những hàng cột điện tăm tắp giữa lưng ngàn thẳm xanh đưa nguồn điện về với các bản làng xa xôi. Đến trung tâm xã Mường Lống, thời điểm này, chợ rẻo cao nơi đây đã khá nhộn nhịp cảnh mua bán thiết bị điện. Trên những chiếc cột điện đúc bằng bê tông dựng hai bên mép đường bản đã được gắn những chiếc hộp đựng đồng hồ điện, được đấu nối dây vào từng ngôi nhà. Nét mặt dân bản rờ rỡ niềm vui nay mai nguồn điện quốc gia sẽ chạy về tận bản, đèn điện, ti vi và bao thiết bị sẽ nhờ có điện mà bừng rộn lên trong mỗi nhà.
![]() |
Trạm biến thế ở xã Châu Phong (Quỳ Châu) đã sẵn sàng cho ngày đóng điện. |
Ghé vào cửa hàng may mặc của bà Hờ Y Xì ngay cổng chợ Mường Lống, thấy có 2 chiếc máy khâu đạp chân cũ kỹ. Bà Y Xì cho hay, hơn 10 năm làm nghề thợ may, ngày nào mẹ con bà cũng phải vất vả đạp chiếc máy khâu để kịp cho khách lấy quần áo. Mai đây có điện lưới quốc gia, bà sẽ đầu tư mua máy may chạy điện cho đỡ vất vả, lắp thêm chiếc bóng đèn công suất cao để đủ ánh sáng cho mẹ con cắt may ban đêm, làm ra nhiều sản phẩm quần áo hơn...
Đến bản Mường Lống 2, nhiều người dân ra đường ngắm nghía những chiếc công-tơ mới toanh treo trên cột điện. Chị Lầu Y Xía bộc bạch: “Mấy tháng nay công nhân điện lực làm liên tục để kéo điện về cho dân bản, mừng lắm. Bây giờ bà con đã được tận mắt nhìn thấy chiếc đồng hồ điện, được công nhân điện lực cẩn thận đấu nối dây vào nhà mình, còn được nhà nước cho 1 chiếc bóng đèn nữa. Nghe loa truyền thanh nói, đầu tháng 10 này nhà nước sẽ đóng điện, bà con ta không còn phải loay hoay với cái phát điện mi-ni chạy dưới suối nữa”. Nói rồi, chị Y Xía dẫn chúng tôi đến khu nhà đặt máy xay xát gạo, lâu nay vợ chồng chị mua về phục vụ bà con trong bản. Tới đây có điện lưới, chị sẽ bán con bò đực đang vỗ béo để mua mô-tơ về thay máy nổ...
Chủ tịch UBND xã Mường Lống, ông Và Nỏ Vừ hồ hởi cho biết: Những ngày này, người dân địa phương ai cũng ngóng chờ ngày có điện để được hưởng ánh sáng văn minh từ nguồn điện quốc gia. Mặc dù là vùng sâu, vùng xa, nhưng nhiều hộ đồng bào Mông ở đây nhờ siêng năng chăn nuôi trâu, bò cho thu nhập khá nên có tiền để mua sắm các thiết bị sử dụng điện. Theo kế hoạch của UBND huyện, đến ngày 8/10 tới đây, ngành Điện sẽ chính thức đóng điện tại xã Mường Lống. Đợt này 5/13 bản của xã Mường Lống được đóng điện, gồm: bản Trung Tâm, Mường Lống 1, Mường Lống 2, Lồng Kèo và bản Xa Lầy. Có điện, cuộc sống người dân sẽ nhanh chóng đổi thay. Sau khi có điện, xã sẽ xây 2 bể nước to bơm nước từ lòng khe lên dự trữ để những tháng mùa khô phục vụ nước sinh hoạt cho UBND xã, trạm y tế, trường học... vì vào mùa khô, các bể nước nhỏ hiện nay đều không có nước để sinh hoạt. Trên đây lạnh, nhiều gia đình sẽ thay đổi cách thức nuôi gà thịt với số lượng lớn để làm hàng hóa bằng sử dụng bóng điện sưởi ấm cho gà. Ở chợ Mường Lống, nhiều gia đình sẽ mở mang kinh doanh bán các mặt hàng đồ điện, may mặc, sửa chữa xe máy… tạo việc làm cho lao động trẻ.
![]() |
Biết ít ngày nữa điện lưới quốc gia sẽ về bản, người dân xã Châu Phong mua ti vi về sử dụng. |
Tại công trình đường điện đang thi công, anh Cao Văn Giáp - Giám đốc Chi nhánh Điện lực Kỳ Sơn, cho biết: Nhiệm vụ của đơn vị là kiểm tra, đôn đốc và tiếp nhận, vận hành công trình, nên anh em thay nhau có mặt tại công trình để đôn đốc đơn vị thi công đúng quy trình, tiến độ, đảm bảo chất lượng và đúng theo thiết kế. Đợt này, Kỳ Sơn có 4 xã được nhà nước đầu tư xây lắp công trình điện lưới quốc gia, gồm: Phà Đánh, Mường Lống, Mỹ Lý và Na Loi, với tổng số 1.200 hộ được dùng điện. Theo kế hoạch đặt ra, đến ngày 8/10, tất cả các xã này đều được đóng điện, do vậy thời điểm này Chi nhánh Điện lực Kỳ Sơn đốc thúc đơn vị thi công làm việc khẩn trương, hoàn thiện những phần việc còn lại. Đến ngày 3/10, các đơn vị thi công đã hoàn thiện việc dựng cột, khoảng 60% dây điện đã được kéo lên cột, 8 trạm biến áp đã vận chuyển đến vị trí, chuẩn bị lắp ráp. Theo đề án của ngành Điện lực Nghệ An, cuối năm 2015 này, 100% số xã của Kỳ Sơn sẽ có điện lưới quốc gia.
Đến xã Châu Phong (Quỳ Châu) chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt người dân. Tại một số cửa hàng bán đồ điện, không khí mua sắm trang thiết bị điện tử, điện lạnh diễn ra khá sôi nổi. Bà Lữ Thị Quán, trú tại bản Toóng 2, năm nay đã gần 70 tuổi, móm mém: “Tôi sống đến nay gần hết đời người, chưa một ngày biết đến ánh đèn điện, nay Đảng, Nhà nước quan tâm, xã Châu Phong sắp có điện thì còn gì vui hơn”!
Quả thực, với đồng bào Thái ở xã Châu Phong, chuyện có ánh sáng điện lưới vốn là niềm mơ ước lớn, bởi địa hình cách trở, kinh tế khó khăn, nên dù ý tưởng đưa điện về với đồng bào đã được chính quyền và ngành Điện ấp ủ từ rất lâu nhưng nay mới thành hiện thực. Anh Nguyễn Đình Hoàn, hành nghề cơ khí ở xóm Mới, chia sẻ: “Lâu nay mỗi tháng trung bình tôi phải chi 3 triệu đồng tiền dầu để chạy máy nổ, nhưng nguồn điện máy phát thường không ổn định nên máy móc nhanh hỏng, vì vậy không dám đầu tư lớn. Nay chờ ngày đóng điện, gia đình đã mua thêm máy khoan bàn, máy uốn sắt để chuẩn bị mở rộng sản xuất”. Anh Lương Văn Luật, ở bản Toóng 2, không giấu được cảm xúc: “Mình vui lắm! Cứ mỗi lần có việc xuống chợ huyện, đi ngang qua vùng có điện nhìn thấy người ta nghe đài, xem ti vi, lòng mình luôn ao ước được như họ. Bây giờ mình đã sắm được gần đủ các vật dụng phục vụ cho sinh hoạt cần thiết hàng ngày rồi, chỉ chờ ngày đóng điện nữa thôi!”.
Theo anh Giang, chủ cửa hàng kinh doanh hàng điện tử ở xóm Mới: Lâu nay chưa có điện nên nhà nào có điều kiện mới sắm máy chạy tua-bin nước, nhưng vì dòng điện không ổn định nên việc tiêu thụ các thiết bị điện vì thế cũng hạn chế. Sắp tới Châu Phong sẽ được đóng điện, nhu cầu sử dụng các loại đồ điện sẽ tăng lên. “Gia đình tôi dự kiến sẽ mở rộng quy mô bán hàng, cung cấp nhiều thiết bị điện khác phục vụ đời sống người dân” - anh Giang nhấn mạnh.
Không chỉ là niềm vui riêng với từng gia đình, niềm vui mong chờ ngày đóng điện còn phải kể đến những cán bộ trạm y tế xã. Vừa soạn sửa lau chùi tủ bảo quản vắc-xin, anh Quang Văn Dũng, Trạm phó Trạm Y tế xã Châu Phong, cho biết: Trạm được cấp tủ bảo quản vắc-xin từ năm 2009, nhưng từ đó đến nay không sử dụng vì không có điện, nên nguồn vắc-xin phải bảo quản bằng tủ lạnh chạy điện từ tua-bin nước, cũng không mấy ổn định; chưa nói đến, những khi có ca cấp cứu vào ban đêm, không có điện thắp sáng, rất khó khăn… Vì vậy, với chúng tôi, vui nhất khi có điện là thuận tiện hơn trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân”.
Theo ông Lương Văn Năm, Chủ tịch UBND xã Châu Phong thì toàn xã có 1.474 hộ, tuy nhiên dịp này chỉ có trên 200 hộ thuộc các bản Toóng 2, xóm Mới và bản Bua được đóng điện, nhưng đây thực sự là niềm vui chung của toàn xã. Việc có điện sẽ là bước ngoặt cho xã có thêm động lực phát triển về mọi mặt, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Thanh, Trưởng BQL dự án, Công ty Điện lực Nghệ An, cho biết: Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014 - 2016 khi hoàn thành sẽ cấp điện đến trung tâm 16 xã của 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu với 41 thôn bản, 4.265 hộ dân với tổng mức đầu tư 206 tỷ đồng. Hiện nay, Công ty đang đẩy nhanh tiến độ thi công, với mục tiêu thực hiện đóng điện đến trung tâm 5 xã là Mường Lống, Mỹ Lý, Pà Đánh, Na Loi, Châu Phong trước ngày Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, và đến cuối năm đóng điện ở các xã còn lại phục vụ bà con đón Tết Nguyên đán.
...Trên các miền rẻo cao mà dòng điện quốc gia sắp về ấy, lúa trên rẫy đang trổ bông, ngô trên nương đã chín vàng, thêm một lần đồng bào các dân tộc được thu hoạch vụ mới. Nhưng có lẽ niềm vui lớn hơn gấp bội là đồng bào sắp được hòa mình vào ánh sáng “nguồn năng lượng mới” thúc đẩy sự phấn đấu vươn tới cuộc sống ấm no, văn minh.
Ghi chép: X.HOÀNG - Đ.CƯỜNG