Xông vào thực tiễn để "làm thật"!

07/03/2015 08:29

(Baonghean) - Mới đây, tại cuộc họp báo triển khai Luật Bảo hiểm xã hội, ông Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói rất thật: Ai cũng kể là đã làm thế nào; tôi cũng kể được! Nhưng kể thì dễ, còn làm thật, hiệu quả ra sao thì mới khó. Công chức cứ ngồi đó, cho chân vào gầm bàn thì chắc chắn là không thay đổi được điều gì Chúng ta ngồi đây nói với nhau thì dễ nhưng làm thế nào để có hiệu quả thực sự mới khó!...

Đó là một thực trạng chung chứ không của riêng bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị nào cả. Nơi nhiều, nơi ít, nhưng hầu như ở nơi nào cũng có một lớp cán bộ “cho chân gầm bàn”, làm việc theo đúng kiểu “sáng vác ô đi, tối vác ô về”, có vẻ mẫn cán nhưng hiệu quả không cao, không tiếp cận sát cuộc sống nên không giải quyết hoặc là giải quyết nhưng hiệu quả không cao những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề mới nảy sinh. Vì thế mà, có những việc đã bàn nhiều, nói nhiều rồi; năm nào cũng bàn, cũng nói, thậm chí bàn và nói rất hăng hái, dưới đủ mọi góc độ, rồi sau đó là hứa, là cam kết, hạ quyết tâm này nọ… Nhưng rồi, mọi việc lại... vẫn như cũ! Điển hình như vấn đề tai nạn giao thông, vấn đề bạo lực tràn lan trong xã hội, vấn đề “lạm phát” lễ hội… diễn ra cả chục năm nay và cũng cả chục năm nay bàn bạc, thảo luận các biện pháp. Nhưng rồi mọi việc vẫn diễn ra y như chục năm qua. Không có bất cứ một sự chuyển biến, thay đổi tích cực nào đáng kể. Mọi chuyện vẫn cứ diễn ra đúng kiểu “đến hẹn lại lên”.

Vậy đâu là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng nói trên? Qua tìm hiểu thực tế thì thấy có 3 trường hợp khiến (mà cũng có thể là buộc) người ta “cho chân vào gầm bàn”. Thứ nhất là thiếu tâm, chỉ thích hưởng thụ cuộc sống an nhàn, sạch sẽ trong phòng lạnh chốn công sở. Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên, chú tâm với bàn giấy; không thích đi ra ngoài, va chạm, tiếp xúc tìm hiểu thực tế vì thấy chẳng ích lợi gì cho bản thân. Bởi có hăng hái, hăm hở xông vào cuộc thì rút cục đồng lương vẫn thế, có khi còn “lõm” vì tốn chi phí đi lại. Và rồi chỉ đi khi có hội nghị kèm phong bì, quà biếu và có xe đưa, đón. Năng động, hăng hái quá có khi va vấp, sai phạm. Bởi làm nhiều thì dễ sai nhiều. Còn không làm thì không sai nên cứ tà tà vừa nhàn vừa… lành.

Thứ hai là thiếu tầm. Đó là những người trình độ có thể cao trên bằng cấp, nhưng năng lực thực tế thì lại hạn chế nên cũng tiết giảm sự đi ra ngoài cuộc sống. Vì lỡ gặp chuyện đúng ngành, đúng lĩnh vực được giao phụ trách mà lại không đủ sức, đủ trình xử lý, giải quyết được thì mang tiếng chết. Tốt hơn cả là cứ ở cơ quan để gặp việc còn hỏi người này, tham vấn người nọ cho khỏi sai sót hay đùn việc cho người khác. Những loại người này rất ngại đi cơ sở, rất ngại xông vào thực tiễn. Vì thực tế cuộc sống thường hay có những chuyện, những việc nằm ngoài giáo trình, sách vở mà không thông minh, tài trí thì không dễ gì xử lý được.

Thứ ba là không có quyền. Những người này có thể vừa có tâm vừa có tầm nhưng lại không có chức năng, quyền hạn để xử lý, giải quyết, nên có biết thì cũng chỉ để đấy chẳng làm được gì có khi còn mang bực vào thân nên cũng buộc phải “cho chân gầm bàn”...

Kể ra còn có một số nguyên nhân khác nữa, nhưng có lẽ, 3 nguyên nhân nói trên là chủ yếu. Và như vậy, có nói, có bàn, có tiếp xúc, gặp gỡ hứa hẹn đến mấy nếu sau đó các “công bộc” cứ tiếp tục “cho chân gầm bàn”, thì như lời ông Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là: Chắc chắn không thay đổi được điều gì! Vì thế, để làm thay đổi tình hình, giải quyết tốt mọi công việc nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả nước hay của một địa phương phát triển, thì cần phải rút chân ra khỏi gầm bàn, xông vào thực tiễn - đó mới là làm thật và làm có hiệu quả!

Duy Hương

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Xông vào thực tiễn để "làm thật"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO