Xu hướng thương mại hóa lễ hội

24/03/2014 11:25

(Baonghean) - Trên địa bàn Nghệ An, hàng năm có 25 lễ hội cấp tỉnh và cấp quốc gia, diễn ra từ Tết Nguyên đán cho đến tháng 10 âm lịch, chủ yếu tập trung từ tháng 1 đến tháng 2 âm lịch. Cùng với những nghi thức, hoạt động văn hóa - thể thao cộng đồng trong lễ hội là những hoạt động kinh tế - thương mại khá phong phú. Nhìn ở góc độ kinh tế, lễ hội hiện nay đang có nhiều bất cập cần được chấn chỉnh.

Chọi gà tại lễ hội Đền vua Mai năm 2014.
Chọi gà tại lễ hội Đền vua Mai năm 2014. Ảnh minh họa

Cũng như các năm trước, Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu) năm 2014 có rất nhiều gian hàng bày bán các sản phẩm hàng hóa khác nhau. Bên cạnh các sản phẩm của các làng nghề trên địa bàn hoặc nông thổ sản của bà con các xã ở trên địa bàn Quỳ Châu, Quế Phong như thổ cẩm, hàng mây tre đan, vòng bạc, cơm lam, mọc, măng rừng… là nhiều gian hàng bày bán các hàng hóa tiêu dùng như quần áo, đồ trang sức, đồ chơi trẻ em… Trong đó, hàng hóa chủ yếu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, dĩ nhiên là không có hướng dẫn sử dụng hay bảo hành.

Đồ chơi trẻ em, đồ trang sức… hầu hết là hàng do Trung Quốc sản xuất. Những hàng quán này kéo dài hàng trăm mét từ ngoài cổng cho đến sân lễ hội. Phía sau sân là các hàng quán ăn uống mới được dựng tạm lên, chỉ phục vụ trong vài ba ngày lễ hội, trông rất nhếch nhác và không đảm bảo vệ sinh. Người mua kẻ bán lộn xộn. Ngay trước sân lễ hội nhan nhản các trò chơi kiểu “vui chơi có thưởng” thu hút đông đảo thanh, thiếu niên tham gia. Một cậu bé sau khi chơi thua gần hết tiền, nét mặt thẫn thờ, nhưng người chủ trò tiếp tục “động viên” cậu chơi tiếp. Thực chất đây là những trò cờ bạc trá hình mà người tổ chức lợi dụng tính tò mò, bốc đồng, ham vui và hám lợi của một bộ phận thanh thiếu niên để trục lợi. Bên cạnh đó, cũng có một số công ty viễn thông tổ chức quầy bán bán hàng lưu động với một số hình thức khuyến mại, nhưng lượng khách hàng không nhiều.

Tại Lễ hội Đền Cuông (Diễn Châu) cũng diễn ra nhiều hoạt động cờ bạc trá hình, mua bán rất lộn xộn, chèo kéo khách. Một số lễ hội khác thì người dân tự tổ chức trông giữ xe và thu phí rất cao; một số người bày bán các sách bói toán, xem chỉ tay, xem số tử vi, băng đĩa… in lậu một cách công khai, trước mặt các lực lượng bảo vệ lễ hội. Tại Lễ hội Đền Hoàng Mười (Hưng Nguyên), năm nào cũng tái diễn các hoạt động mang tính chất mê tín dị đoan như bói xem chỉ tay, xem vận mệnh, dịch vụ khấn thuê…

Sản phẩm trưng bày tại các lễ hội mang đặc trưng địa phương. Tuy nhiên vì thành phần tham dự lễ hội chủ yếu là người dân địa phương nên các sản phẩm bản địa không có gì mới mẻ đối với họ; các thành phần khách chủ yếu là khách mời cơ quan, địa phương bạn thực chất cũng là khách quen nên nhu cầu về sản phẩm mang đặc trưng địa phương không cao. Mặt khác, những mặt hàng này cũng đơn điệu, năm nào cũng như năm nào nên kém hấp dẫn. Do đó, những mặt hàng này thường ế ẩm, không mang lại hiệu quả về kinh tế cũng như hiệu quả về phương diện quảng bá, truyền thông.

Hiện chưa có các mặt hàng lưu niệm tiêu biểu của tỉnh Nghệ An cũng như các địa phương để bày bán trong các lễ hội với các tiêu chí: “Sản phẩm có tính mới, sáng tạo và mang đậm bản sắc văn hoá Nghệ An, có công dụng rõ rệt, thuận lợi trong sử dụng; tinh, gọn; dễ tháo ráp, đóng gói, vận chuyển; kiểu dáng đẹp, tạo được cảm tình với người sử dụng”. Chi phí cho công tác tổ chức lễ hội cũng làm tốn kém không nhỏ cho ngân sách địa phương. Sau mỗi kỳ lễ hội, BTC rất mệt mỏi và tốn kém để giải quyết vấn đề rác thải.

Như vậy, xét về hiệu quả kinh tế, trong khâu tổ chức lễ hội, các địa phương đang “thất bại ngay trên sân nhà”. Tình trạng thương mại hóa lễ hội không những không mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương như đã phân tích mà còn làm biến tướng lễ hội, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Thiết nghĩ, cần quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh tế trong lễ hội, ngăn chặn những hình thức thương mại hóa và tổ chức các hoạt động kinh tế - dịch vụ một cách khoa học, để lễ hội diễn ra đúng với tinh thần của nó.

Trần Quang Đại

Mới nhất
x
Xu hướng thương mại hóa lễ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO