Xử lý các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật: Khó triệt để!
(Baonghean) - Nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe người dân, thời gian qua gần 20 điểm bị ô nhiễm nặng trên địa bàn tỉnh đã được xử lý. Tuy vậy, do thiếu kinh phí, quy trình công nghệ chưa đảm bảo nên hiệu quả mang lại chưa cao.
(Baonghean) - Nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe người dân, thời gian qua gần 20 điểm bị ô nhiễm nặng trên địa bàn tỉnh đã được xử lý. Tuy vậy, do thiếu kinh phí, quy trình công nghệ chưa đảm bảo nên hiệu quả mang lại chưa cao.
Chúng tôi trở lại Diễn Yên (huyện Diễn Châu) gần một năm sau thời điểm kho dự trữ thuốc bảo vệ thực vật ở khu vực Hòn Trơ được xử lý. Tại kho chứa thuốc bảo vệ thực vật cũ dù không còn mùi hắc nồng như thời điểm mới được xử lý, nhưng cảnh hoang vắng thì vẫn vậy. Ông Lê Quang Hào, Xóm trưởng xóm 15, cho biết: Kho thuốc bảo vệ thực vật được đặt ở đây gần 40 năm rồi. Từ đầu những năm 90 đến nay, kho bỏ không, không còn sử dụng nữa. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của thuốc trừ sâu tại khu vực vẫn rất lớn. Nhất là lượng thuốc trừ sâu trong thời điểm xây dựng kho mới không có nơi cất giữ được đặt sơ sài ở ngoài trời, theo nguồn nước mưa ngấm xuống đất. Năm 2013, chương trình mục tiêu quốc gia đã cấp kinh phí để xử lý tồn dư. Tuy vậy, ngoài việc bốc khoảng 3.000 mét khối đất trong vùng ảnh hưởng thì chưa có giải pháp gì khác.
Xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ở xóm Mậu 2, Kim Liên, Nam Đàn. |
Theo kế hoạch ban đầu việc xử lý kho thuốc trừ sâu ở Hòn Trơ chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn đầu là xử lý thu gom, đóng gói, cô lập hóa chất bảo vệ thực vật; giai đoạn 2 thi công các công trình giảm thiểu rủi ro hóa chất bảo vệ thực vật POP nhằm xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường sống cho người dân khu vực bị ô nhiễm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc xử lý mới chỉ dừng lại ở việc đào lớp đất cũ bốc đi. Thậm chí, số đất bị ô nhiễm nặng, đơn vị thi công cũng đang đóng gói rồi để trong nhà kho chứ chưa mang đi chôn lấp theo đúng quy trình. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Yên cho biết: Dân có thắc mắc sao không xử lý triệt để, chúng tôi không biết trả lời thế nào. Khi tiến hành dự án, xã chỉ hỗ trợ về việc thông báo tuyên truyền cho người dân, còn tất cả quy trình là của chủ đầu tư. Chúng tôi cũng không thể tự ý xúc đất đổ đi vì cũng không biết đổ ở đâu. Hơn nữa, đây là phần việc của đơn vị thi công, xử lý thuốc bảo vệ thực vật phải theo đúng quy trình, đúng nơi quy định. Nghe đâu, đơn vị đang chờ tập kết thêm một điểm khác nữa ở Nghĩa Đàn rồi xử lý luôn thể.
Xóm Mậu 2, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, vốn là trung tâm pha chế và phân phối thuốc trừ sâu trong những năm 1964 - 1968. Đã nhiều năm trôi qua, mức độ ô nhiễm không giảm đi mà có phần phát tán rộng hơn. Trước thực trạng này, năm 2009 thực hiện Đề án "Công trình xử lý mức độ ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật tại xóm Mậu 2 xã Kim Liên" do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiến hành thi công xử lý điểm ô nhiễm này. Tuy vậy, sau một thời gian, một số hạng mục công trình đã bị hư hỏng, trong đó hệ thống bể lọc bị vỡ nên thường xuyên bị ngấm nước, không kiểm soát được nước đầu vào và đầu ra. Phần tường rào bao quanh khu vực bị ô nhiễm đã được xây nhưng vì quá thấp không ngăn được trẻ em và gia súc xâm nhập; một số rãnh tường rào bị phá hỏng, nước mưa tràn vào làm bể lọc than hoạt tính quá tải. Hệ thống lọc cũng như thoát nước biến thành bể phốt cho nước thải và nước mưa của khu vực xung quanh.
Do không thành công trong lần đầu tiên tiến hành xử lý nên ngay khi dự án tiếp tục triển khai giai đoạn 2 người dân quanh vùng rất quan tâm. Bà Nguyễn Thị Phương, hộ chịu ảnh hưởng ô nhiễm từ kho thuốc bảo vệ thực vật cho rằng: Do đơn vị thi công chưa thực hiện đúng quy trình thiết kế, làm xong lại không phân công trách nhiệm giám sát, bảo vệ nên nhanh bị hư hỏng… Vì lẽ đó, người dân mong muốn trong giai đoạn 2 này đơn vị chủ trì phải thực hiện nghiêm túc các phương án xử lý, giám sát chặt chẽ và quy trình và có cơ chế bảo vệ sau khi công trình hoàn thành. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Kim Liên cũng bày tỏ nguyện vọng: Do khu vực ảnh hưởng sát khu dân cư, việc di dời dân đi nơi khác là không thể vậy nên chính quyền xã và người dân mong muốn được xử lý triệt để, không để ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân…
Toàn tỉnh hiện có 913 điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, trong đó 277 điểm được điều tra rà soát và phân tích mức độ ô nhiễm với 189 điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để. Thời gian qua, được sự hỗ trợ của các dự án nước ngoài và một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, một số điểm bị ảnh hưởng do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đã được xử lý. Tuy vậy, có nhiều điểm đã xử lý nhiều lần nhưng vẫn chưa hiệu quả như điểm ở Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn), Vực Rồng (Tân Kỳ) và gần đây nhất là điểm ở xã Long Sơn, huyện Anh Sơn. Theo phản ánh của đa phần người dân: nguyên do của việc xử lý chưa dứt điểm là chưa tuân thủ đúng quy trình; một số nơi đơn vị thi công chưa làm sát với bản thiết kế, công trình kém chất lượng, thi công dở dang, thiếu sự giám sát sau khi hoàn thành.
Trao đổi về vấn đề này, ông Bạch Hưng Cử, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật thẳng thắn: Khó xử lý triệt để các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Thứ nhất là do thiếu kinh phí, bởi hiện tại theo chủ trương chung của Chính phủ, mỗi điểm xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, Nhà nước chỉ hỗ trợ 50%, còn lại là ngân sách tỉnh. Tuy vậy, do nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn hẹp nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công nghệ xử lý thuốc bảo vệ thực vật chưa đảm bảo, mỗi một điểm tồn dư có một loại hóa chất khác nhau, mỗi vùng lại có điều kiện thổ nhưỡng khác biệt nên không thể áp dụng phương pháp xử lý chung... Trước thực trạng trên, cuối năm 2013, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường về việc đề nghị tăng thêm kinh phí hỗ trợ, với mức trung bình 80%. Cùng với đó cần sớm đưa ra quy trình điều tra, đánh giá, công nghệ xử lý thuốc bảo vệ thực vật để sớm có giải pháp hữu hiệu. Ưu tiên xử lý những điểm bị ô nhiễm nặng, điểm lộ thiên, riêng những điểm gần khu dân cư cần có giải pháp di dời nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân.
Bài, ảnh: Mỹ Hà