(Baonghean) Tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVI, cử tri phản ánh: Một số công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Đô Lương gồm: Công ty CP XL&SXVL 99, Công ty Nam Phong, Công ty Khai thác đá Nghệ An... trong sản xuất làm ô nhiễm môi trường, hư hỏng một số tuyến đường dân sinh mà không có bồi thường, tu bổ.
UBND tỉnh báo cáo kết quả xử lý như sau:
Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, UBND tỉnh đã tiến hành kiểm tra. Kết quả kiểm tra tại địa bàn huyện Đô Lương cho thấy, có 13 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản (đá xây dựng) tại 14 điểm mỏ, trong đó có 1 điểm mỏ đã hết hạn năm 2011, 2 điểm mỏ bị đình chỉ hoạt động do ảnh hưởng đến di tích lịch sử Truông Bồn. Trong 10 đơn vị còn lại có 7 đơn vị đang thời kỳ xây dựng cơ bản mỏ, 3 đơn vị đã khai thác và chế biến khoáng sản (chủ yếu làm đá hộc, xay, nghiền) là các Công ty Khai thác chế biến đá Nam Phong, Công ty CP Khai thác đá Nghệ An, Công ty CP XL & SXVL 99.
a. Kết quả kiểm tra tại Công ty TNHH Anh Chi.
Công ty đang trong quá trình xây dựng cơ bản mỏ và nhà máy gạch không nung. Công ty sử dụng chung đường vận chuyển với Công ty TNHH Nam Phong, do chưa khai thác nên việc gây ô nhiễm chủ yếu là do vận chuyển vật liệu để xây dựng công trình. Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty phải phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH Nam Phong thực hiện các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hư hỏng đường như thường xuyên tưới nước, tu bổ đường giao thông...
b. Kết quả kiểm tra tại Công ty Nam Phong:
Khu vực Công ty TNHH Nam Phong đang hoạt động khai thác khoáng sản được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản (đá xây dựng) tại núi Yên Ngựa, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương cho Công ty CP Kinh doanh XNK Bắc Nghệ An tại Quyết định số 432/QĐ-UBND.ĐC ngày 1/2/2008, thời hạn 5 năm. Công ty TNHH Nam Phong thực hiện việc khai thác từ 2008 đến năm 2011. Ngày 30/7/2011, Công ty CP Kinh doanh XNK Bắc Nghệ An ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần và quyền khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Nam Phong việc chuyển nhượng vẫn chưa được cấp thầm quyền cho phép. Từ tháng 7/2011 đến nay, Công ty TNHH Nam Phong đang thực hiện việc chuyển đổi hồ sơ, mở đường khai thác và bóc lớp phong hóa; việc sản xuất chỉ hoạt động ở mức cầm chừng.
Trong quá trình hoạt động, Công ty đã có những biện pháp khắc phục như đắp, nâng cấp đường bằng vật liệu khai thác từ mỏ, tưới nước tuyến đường xe chở vật liệu chạy qua khu dân cư.
c. Kết quả kiểm tra tại Công ty CP Khai thác đá Nghệ An:
Công ty CP khai thác đá Nghệ An được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác đá xây dựng tại Quyết định số 63 80/QĐ-UBND.TN ngày 29/12/2012 thời hạn 21 năm, diện tích 3,55 ha tại lèn Hồ, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương. Qua kiểm tra cho thấy, trong quá anh khai thác, Công ty thực hiện việc nổ mìn khai thác và bảo vệ môi trường theo quy định. Để giảm thiểu bụi thì Công ty thực hiện chọn hướng đặt máy nghiền sàng, trồng cây đắp bờ trong khu vực mỏ (hiện đã trồng được 3.200 cây) và thường xuyên phun nước trong công trường và khu vục khai thác, sản xuất. Đối với việc nổ mìn, Công ty dừng phương pháp nổ mìn con, đồng thời khoan ở mức 30 để hạn chế chấn động mạnh và đá văng, giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Về tuyến đường vào mỏ và vận chuyển vật liệu: Công ty thường xuyên nâng cấp tuyến đường vào mỏ, lắp đặt cống thoát nước, hàng ngày Công ty kiểm tra chất lượng đường để tu sửa kịp thời. Ngoài ra, Công ty đã ký hợp đồng với 1 cá nhân để thực hiện việc tưới nước trên đường, chi phí mỗi tháng 5.500.000 đồng. Trong thời gian qua có hiện tượng sụt lún đường một phần là do việc vận chuyển để thi công hồ chứa nước Cây Găng.
d. Kết quả kiểm tra tại Công ty CP Xây lắp và sản xuất vật liệu 99:
Công ty CP Xây lắp và sản xuất vật liệu 99 được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác đá xây dựng tại Quyết định số 810/QĐ-UBND.ĐC ngày 13/3/2008, thời hạn đến tháng 3/2013, diện tích 2,93 ha; được phép tự mở đường đi qua địa bàn xã Mỹ Sơn, Trù Sơn có độ dài 5km. Công ty đã đền bù thiệt hại cho người dân trong quá trình mở đường và không có trường hợp nào khiếu nại, việc nhân dân phản ánh về việc hư hỏng đường và bụi là có. Để khắc phục, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty tiến hành bảo dưỡng, duy tu tuyến đường từ mỏ đá đi ra ngã 3 chợ Trù và từ mỏ đá đến 2 xóm 8, 9 xã Trù Sơn và xóm 9 xã Mỹ Sơn; đồng thời tăng cường tưới nước hết các tuyến đường mà xe của Công ty chạy qua để hạn chế bụi. Đối với đoạn đường đi qua đập Khe Khế, công ty sẽ cải tạo bằng cách trồng cỏ để hạn chế đất đường sạt lở xuống đập.
Như vậy, việc cử tri phản ảnh tình trạng khai thác, chế biến khoáng sản của một số đơn vị trên địa bàn huyện Đô Lương làm ảnh hưởng đến môi trường, hư hỏng một số tuyến đường dân sinh là có thật. Trong quá trình hoạt động, các đơn vị đã có một số biện pháp để bảo vệ môi trường như: Trồng cây xanh, tưới nước, tu bổ các tuyến đường, tuy nhiên các đơn vị chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định có liên quan, chưa khắc phục triệt để việc ô nhiễm môi trường và hư hỏng đường giao thông...
Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã yêu cầu các các công ty phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật hiện hành, thực hiện đầy đủ các giải pháp đã được phê duyệt tại Bản báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường, thực hiện các nghĩa vụ đối với các địa phương theo quy định tại Khoản 2, Điều 5 Luật Khoáng sản 2010.
UBND tỉnh cũng đã giao UBND huyện Đô Lương và các cơ quan có thẩm quyền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có các biện pháp xử lý kịp thời đối với các sai phạm của các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện Đô Lương theo thẩm quyền; đồng thời có các giải pháp để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.